Đà Nẵng chỉ đạo giám sát hoạt động kinh doanh casino; Nghịch lý giá đá xây dựng; Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp biết nhưng thiếu chuẩn bị; Nguyễn Kim sẽ thâu tóm Dược Lâm Đồng
Tin kinh tế đọc nhanh 11-11-2017
- Cập nhật : 11/11/2017
TPP-11 đạt đồng thuận về nguyên tắc bên lề APEC Việt Nam
Hiệp định này có thể định hình tương lai kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm tới.Nguồn ảnh: Nikkei
Sau nhiều tháng đàm phán, 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP -11) đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc ở cấp Bộ trưởng, một quyết định có thể định hình tương lai kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm tới.
"11 quốc gia đã đạt được một sự đồng thuận cấp Bộ trưởng", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các phóng viên sau khi các cuộc đàm phán kết thúc vào cuối ngày thứ 5 (9/11) bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việc tạo ra một quy tắc thương mại mới, tự do và công bằng ở khu vực có mức tăng trưởng cao như khu vực châu Á Thái Bình Dương có ý nhĩa rất quan trọng.
Nguồn tin thân cận của Nikkei cho biết các thoả thuận về việc loại bỏ thuế quan từ TPP gốc vẫn không bị ảnh hưởng.
Các nhà lãnh đạo của 11 quốc gia muốn chính thức đạt được thoả thuận này vào hôm nay và đưa ra các chi tiết của hiệp định thương mại sửa đổi.
Sự đồng thuận này là một thành tựu quan trọng của "TPP-11", vốn đã mất nhiều tháng để cứu vãn hiệp định này sau khi Mỹ rút khỏi cuộc họp khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Ảnh hưởng kinh tế của hiệp định này sẽ nhỏ hơn nhiều nếu không có Mỹ khi mà TPP-11 chỉ chiếm 13,5% GDP và 15,2% khối lượng thương mại toàn cầu, so với lần lượt là 38,2% và 26,5% khi có Mỹ . Tuy nhiên, hiệp định này thể hiện một mục tiêu chung của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương rằng thương mại đa phương là tương lai cho họ.
Các cuộc đàm phán TPP bắt đầu vào năm 2010 với chỉ có tám quốc gia là Úc, Brunei, Chilê, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ, bốn nước khác là Nhật Bản, Malaysia, Canada và Mexico - đã xin tham gia sau đó.
TPP-11 sẽ có hiệu lực khi quốc hội của một nửa trong số các nước thành viên của hiệp định phê chuẩn nó.
Giờ đây, trọng tâm đàm phán thương mại sẽ chuyển sang thủ đô Manila, nơi 16 thành viên hình thành nên Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 21. Mặc dù không có thỏa thuận nào có thể đạt được trong các cuộc đàm phán, những người ủng hộ tự do thương mại hy vọng thành công trong các cuộc đàm phán TPP sẽ gây áp lực cho các thành viên kém nhiệt tình của RCEP chấp nhận thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn trong thỏa thuận thương mại 16 bên này.
RCEP là một hiệp định thương mại và đầu tư lớn gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Philippines, Lào và Việt Nam) và Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. (NCĐT)
----------------------------
Úc hỗ trợ Việt Nam 10 triệu USD
Úc viện trợ 10 triệu USD cho các hoạt động nhằm thúc đẩy tiềm năng đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.Nguồn ảnh: Dân Sinh
Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, chiều 8/11, tại Vườm ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc phối hợp tổ chức sự kiện đổi mới sáng tạo, đồng thời công bố Chương trình quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo Úc-Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Úc ngày càng phát triển và đổi mới sáng tạo là một trụ cột mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ song phương.
Bà Julie Bishop, Bộ trưởng Ngoại giao Úc cho biết, Chính phủ nước này đã phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển cho Việt Nam “Aus41nnovation” với khoản viện trợ trị giá 10 triệu USD cho các hoạt động nhằm thúc đẩy tiềm năng đổi mới sáng tạo, tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và thí điểm trong các lĩnh vực mà Australia có kinh nghiệm và ưu thế, cụ thể bao gồm: đổi mới sáng tạo; chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các nghiên cứu (thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp); đào tạo.
“Hoạt động đầu tiên của chúng tôi là đưa các chuyên gia Úc, thông qua Mạng lưới nghiên cứu số Data 61 của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp liên bang Úc (CSIRO), tới hợp tác với Chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ KH&CN, trong việc thiết kế lộ trình cho tương lai số hóa”, bà Julie Bishop chia sẻ.
Australia mong muốn cung cấp các chuyên gia giúp Việt Nam để nhanh chóng đạt được những bước tiến trong giảm nghèo và duy trì sự chuyển đổi kinh tế ấn tượng sang nhóm các nước có thu nhập trung bình.
Điều này sẽ cho phép các ngành quan trọng của Việt Nam như nông nghiệp và sản xuất có thể hiện đại hóa và nắm được lợi ích kinh tế, đồng thời bảo đảm cho Việt Nam dự đoán được những cơ hội nghề nghiệp cho lực lượng lao động tương lai.
“Trong thời điểm diễn ra những biến đổi công nghệ nhanh chóng cũng với những diễn biến khó lường từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cả Úc và Việt Nam đều đang nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế được dẫn dắt bởi đối mới sáng tạo. Hợp tác mới này sẽ thế hiện sự nỗ lực của hai nước nhằm thực hiện mục tiêu chung này”, bà Julie Bishop, Bộ trưởng Ngoại giao Úc khẳng định.(Chinhphu)
------------------------------
Walmart sẵn sàng đáp ứng nhu cầu từ Việt Nam
Walmart sẵn sàng mở cửa hàng tại Việt Nam nếu khách hàng Việt có nhu cầu, là lời khẳng định của tỷ phú Scott Price tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017.
Walmart sẵn sàng mở cửa hàng tại Việt Nam nếu khách hàng Việt có nhu cầu, là lời khẳng định của tỷ phú Scott Price tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC Doanh nghiệp 2017. Đây là thông tin mà tỷ phú Scott Price, Phó chủ tịch Walmart đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC Doanh nghiệp 2017.
Phó Chủ tịch Walmart nói: "Walmart sẵn sàng phát triển hệ thống bán lẻ cho khách hàng Việt Nam. Hiện nay, Walmart có bán hàng online, bao gồm cả trang tiếng Việt, nhưng lại chưa có hệ thống cửa hàng tại Việt Nam. Nếu khách hàng Việt Nam có nhu cầu, Walmart sẽ sẵn sàng đáp ứng".
Là tập đoàn bán lẻ lớn nhất của nước Mỹ với gần 10.000 cửa hàng bán lẻ tại 28 quốc gia trên toàn cầu, hơn 245 triệu khách hàng mỗi tuần. Với quy mô này, nếu vào Việt Nam, Walmart sẽ cạnh tranh với Central, Aeon và các công ty bán lẻ nước ngoài khác tại thị trường Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc bình dân.
Trước đó, bà Jocelyn Tran, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Walmart Global Sourcing, cho biết, trước mắt, Walmart không mở siêu thị hay cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam, mà thông qua các hiệp hội ngành nghề để chọn những doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu có uy tín, sản phẩm đạt chất lượng để làm nhà cung cấp. Walmart luôn biết cách để nhà cung cấp bán hàng với mức giá rẻ nhất với yêu cầu "hoặc là bán hàng với giá rẻ nhất hoặc không nhận được đơn đặt hàng".(NCĐT)
--------------------------
Nhà đầu tư ngoại chi 9.000 tỉ mua cổ phần Vinamilk
48.333.400 cổ phần Vinamilk, với mức giá 186.000 đồng/cổ phần, đã về tay một nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, trả lời họp báo sau phiên đấu giá chiều 10-11 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM . Ảnh: T.V.N
Số cổ phần nói trên, tương ứng với 3,33% vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), được chào bán cạnh tranh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chiều nay, 10-11.
Như vậy, với hơn 48 triệu cổ phần bán ra với giá 186.000 đồng/cổ phần, ước tính tổng giá trị thu về đạt gần 9.000 tỉ đồng.
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, nhà đầu tư nước ngoài nói trên có trụ sở đặt tại Singapore.
Tuy nhiên, đây là một doanh nghiệp mới hoàn toàn chứ không phải là tập đoàn F&N Dairy Investments và F&Nbev Manufaturing như các đồn đoán trước phiên đấu giá.
Trước đó, tại phiên đấu giá, 19 nhà đầu tư đã rượt đuổi nhau rất kịch tính khi đặt mua với khối lượng lên đến 78.843.000 cổ phần VNM, tức gấp đôi số lượng mà SCIC chào bán trong đợt thoái vốn thứ hai này.
Mức giá một cổ phần mã VNM được các bên đưa ra rượt đuổi kịch tính từng phút một, từ 160.100 đồng vọt lên mức 186.000 đồng và chốt ở mức giá cao nhất này.
Tổng khối lượng đăng ký đặt mua cũng giữ nguyên mức 78.843.000 cổ phần suốt phiên đấu giá cho dù SCIC chỉ chào bán 48.333.400 cổ phần.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, việc bán hết thành công đợt thoái vốn lần hai là sự ghi nhận đáng khích lệ, với nhiều thay đổi trong quy chế chào bán, mở rộng nhiều cơ hội tham gia cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự kiến trong thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục thực hiện các đợt thoái vốn tiếp theo tại các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn còn nắm giữ nhiều tỉ lệ chi phối.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10-11, giá cổ phiếu của Vinamilk (mã VNM) tăng hết biên độ, đạt mức 173.800 đồng/cổ phiếu.(Tuoitre)