Úc chưa áp dụng biện pháp tự vệ với tháp điện gió Việt Nam; Xuất khẩu đá quý, kim loại quý sụt giảm mạnh; Phạt "khủng" 600 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu sau chào sàn; Petrolimex sẽ đầu tư mua cổ phần của Lọc hóa dầu Bình Sơn
Tin kinh tế đọc nhanh 05-06-2017
- Cập nhật : 05/06/2017
Vì sao Nga tái áp dụng tem phiếu thực phẩm?
Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga có kế hoạch tài trợ cho một chương trình mới dành cho công dân thu nhập thấp. Chương trình này sẽ gồm phân phát thực phẩm thông qua hệ thống tem phiếu. Theo kế hoạch của Bộ này, chương trình sẽ được khởi động vào năm 2018 và hoạt động đầy đủ vào năm 2019.
Nhà chức trách muốn dùng chương trình này để hỗ trợ người nghèo, cùng lúc tăng nhu cầu đối với hàng nông nghiệp của Nga. Hãng tin Vesti dẫn lời Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Denis Manturov cho hay, ngân sách liên bang có thể bỏ ra 3,2 tới 4,7 tỷ Euro cho dự án này.
Theo các chuyên gia, khoảng 20 triệu người có thu nhập dưới mức nghèo sẽ được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ thực phẩm", Tiến sĩ khoa học kinh tế Leonid Kholod, cựu lãnh đạo ban phát triển công nông nghiệp của Chính phủ Nga cho hay.
Thế hệ người Nga lớn tuổi vẫn còn nhớ phiếu thực phẩm từng được dùng trong thời Liên Xô từ 1988 tới 1991. Phiếu này cung cấp đủ loại sản phẩm, từ xúc xích tới rượu vodka, trong khi một số mặt hàng thiết yếu như bánh mỳ và sữa được bán không hạn chế.(Vietnamnet)
-----------------------------------
Hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn 7 sao sắp xuất hiện tại Việt Nam
Trong thời gian tới, hai tập đoàn BRG và Hilton Worldwide sẽ phát triển và vận hành 11 dự án khách sạn mang các thương hiệu quốc tế của Hilton tại Việt Nam. Bên cạnh các thương hiệu đang xây dựng và vận hành như Hilton Hotels & Resorts và Hilton Garden Inn, hàng loạt các thương hiệu cao cấp tiêu chuẩn 7 sao và tiêu chuẩn 6 sao thuộc Tập đoàn Hilton Worldwide sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Ngày 31 tháng 05 năm 2017 – Washington DC, Hoa Kỳ - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, nhà phát triển các dự án khách sạn và khu du lịch hàng đầu Việt Nam và ông Christopher J. Nassetta, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Hilton Worldwide, Tập đoàn tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới đã tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và báo cáo về việc hợp tác phát triển của hai tập đoàn tại Việt Nam.
Theo đó trong thời gian tới, hai tập đoàn sẽ cùng phát triển và vận hành 11 dự án khách sạn mang các thương hiệu quốc tế của Hilton tại Việt Nam. Bên cạnh các thương hiệu đang xây dựng và vận hành như Hilton Hotels & Resorts và Hilton Garden Inn, hàng loạt các thương hiệu cao cấp tiêu chuẩn 7 sao và tiêu chuẩn 6 sao thuộc Tập đoàn Hilton Worldwide sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Chủ tịch tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Thỏa thuận hợp tác chiến lược ngày hôm nay giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Hilton Worldwide đánh dấu một bước phát triển vượt bậc mới trong quan hệ đối tác chiến lược không chỉ giữa 2 tập đoàn chúng tôi mà còn cho thấy sự tăng trưởng không ngừng trong quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước. Thời gian tới, chúng tôi và Tập đoàn Hilton Worldwide sẽ mang đến Việt Nam thêm nhiều những thương hiệu khách sạn đẳng cấp, nhiều thương hiệu chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam.”
Ông Christopher J Nassetta phát biểu “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên vàng của ngành du lịch với sự bùng nổ mạnh mẽ của du lịch quốc tế. Việt Nam là một điểm đến tuyệt vời với vô vàn tiềm năng có thể được hưởng lợi từ sự phát triển này. Và Tập đoàn Hilton chúng tôi luôn cam kết mang những thương hiệu khách sạn và nghỉ dưỡng đẳng cấp và độc quyền của mình tới bất cứ nơi nào khách hàng của chúng tôi mong muốn. Cùng với một trong những đối tác chiến lược của chúng tôi, Tập đoàn BRG, tập đoàn Hilton chúng tôi vô cùng vinh hạnh được tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo về những hoạt động kinh doanh đang ngày càng tăng trưởng tốt của chúng tôi đồng thời thảo luận về những cơ hội hỗ trợ cho chiến lược phát triển du lịch và lữ hành của chính phủ Việt Nam.”
Kể từ khi ký thỏa thuận hợp tác vào tháng 10/2014 tại Florida, Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược giữa tập đoàn BRG và tập đoàn Hilton Worldwide đã không ngừng phát triển và mở rộng với các dự án khách sạn đẳng cấp đang hoạt động như Hilton Hanoi Opera và Hilton Garden Inn tại Hà Nội và hàng loạt các dự án khác đang được triển khai trên cả nước như Hilton Hanoi Westlake và DoubleTree by Hilton Hanoi Westlake, Hilton Hải Phòng Hotels & Residences, DoubleTree by Hilton Đồ Sơn, Double Tree by Hilton Vũng Tàu và Hilton Garden Inn TP Hồ Chí Minh…. Với việc thỏa thuận chiến lược về vận hành và quản lý 11 dự án này, tập đoàn BRG và tập đoàn Hilton Worldwide đã khẳng định quan hệ vững chắc, tin tưởng lẫn nhau đúng với tinh thần mà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều mong muốn cho sự phát triển chung của doanh nghiệp hai nước.(Viettimes)
------------------------------
Hãng xe Proton của Malaysia về tay người Trung Quốc
Theo báo chí Malaysia ngày 24/5, thương vụ nói trên đánh dấu một thời kỳ mới đối với Proton, hãng xe nội địa và là niềm tự hào một thời của Malaysia. Từ nay, Proton sẽ thuộc sở hữu của tập đoàn nước ngoài.Proton được cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thành lập vào năm 1983. Sau một thời gian dài phát triển huy hoàng tại Malaysia, những năm gần đây, Proton đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Lượng xe mà hãng bán được liên sụt giảm, dẫn đến tình trạng sản xuất thấp hơn nhiều so với công suất tối đa 400.000 xe/năm của hãng.
Năm 2016, Proton đã nhận được 1,5 tỷ ringgit (tương đương 338 triệu USD) hỗ trợ từ Chính phủ Malaysia với một số điều kiện, trong đó có việc phải tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Trong số các đối tác có tiềm năng, ngoài Geely còn có PSA - nhà sản xuất xe Peugeot và Citroen có trụ sở tại Paris, Renault và Suzuki Motor Corp.
Zhejiang Geely Holding là tập đoàn kiểm soát hãng ôtô Geely đặt tại Hong Kong và hãng Volvo của Thụy Điển. Với nguồn đầu tư từ Geely, Proton sẽ có cơ hội nâng lượng xe bán ra thị trường nước ngoài, hồi phục sự hiện diện của mình trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, bằng cách cung cấp một số công nghệ của mình cho Proton, Geely hy vọng sẽ tăng được thị phần của Proton không chỉ tại Malaysia mà còn ở các nước giống với Malaysia - có ghế lái ở bên tay phải, như Anh, Ấn Độ, Australia.(Vietnam+)
------------------------------------
Ba năm nữa ô tô Việt Nam sẽ vượt mặt Philippines
Trong báo cáo của Bộ Công Thương mới gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ này khẳng định: sản lượng và thị trường xe hơi Việt Nam 2 năm trở lại đây đã tăng rất nhanh, trong năm 2020 về sản xuất và bán hàng, các doanh nghiệp (DN) ô tô trong nước có thể vượt qua Philippines nước có sản lượng xe chỉ đứng sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia.Theo Bộ Công Thương, năm 2015, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tốc độ tăng so với 2014 đạt 51%. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…
Bộ Công Thương khẳng định: Thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20 - 30%/năm), đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.
Bộ Công Thương lý giải, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1000 dân đạt 50 xe.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 450 đến 500 nghìn xe. Năm 2025, dự kiến đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm.
Bộ này dự báo sau năm 2018, lượng xe con nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng, đây có thể là chiến lược ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất sau này khi quy mô thị trường Việt Nam đủ lớn.
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 173 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 DN sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 DN sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, DN trong nước khoảng 53%.
Nội địa hoá xe hơi tại Việt Nam chỉ đạt 7 - 10%
Mặc dù đã có những kết quả nhất định, nhưng Bộ Công Thương khẳng định: Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Về giá xe, Bộ Công Thương khẳng định, giá xe tại Việt Nam hiện cao gấp gần 2 lần so với các nước trong khu vực Thái Lan và Indonexia, và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tăng cao là do thuế và phí đối với ô tô sản xuất trong nước cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế).
Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…
Trong khi đó, so với tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi Việt Nam gia nhập AFTA.(Dantri)