Chính phủ Ấn Độ tổ chức thăm dò ý dân về tiền ảo; Nước Nga xem xét việc hợp pháp hóa tiền ảo; Việt Nam hưởng lợi gì từ TPP-11?; Liệu Uber sẽ biến mất trong 10 năm tới?
Tin kinh tế đọc nhanh 05-05-2017
- Cập nhật : 05/05/2017
Ba “ông lớn” viễn thông thông báo lãi đậm trong tháng 4/2017
Tại tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, MobiFone, Viettel đều đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan.
Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết đến tháng 4/2017, VNPT đạt lợi nhuận bằng 33,8% so với kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ 2016; doanh thu viễn thông đạt 32% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 2 dịch vụ giảm là thuê bao cố định chỉ bằng 91,3% so với năm 2016, dịch vụ MyTV đạt 98% so với cùng kỳ năm 2016.
VNPT cũng phát triển 1,9 triệu thuê bao phát sinh cước; thuê bao băng rộng đạt 48,9% kế hoạch; cáp quang đạt 42,5% kế hoạch. Đến tháng 4/2017, VNPT đã chặn 961.000 tin nhắn, tổng số 7.778 thuê bao, tỷ lệ chặn 91% thành công.
Về quản lý thông tin, đăng ký thông tin thuê bao trả trước, VNPT đã có công văn báo cáo Cục Viễn thông về quản lý thuê bao trả trước và kho số. Đến 31/4/2017, đã có 6,9 triệu thuê bao bị khóa, 565.000 thuê bao bị thu hồi về kho.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết doanh thu đạt 76.000 tỷ, đạt 31,2% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 14.200 tỷ, đạt 36% kế hoạch năm. Trong quá trình triển khai 4G, hiện Viettel đã lắp đặt 35.000 trạm, phủ sóng trên 95% dân số Việt Nam.
Đến hết tháng 4 có 3 triệu thuê bao 4G, mỗi ngày trung bình có khoảng 60.000 - 70.000 thuê bao đổi sang SIM 4G.
Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết trong tháng 4/2017 đạt 460.000 thuê bao, doanh thu đạt 3.300 tỷ đồng, lũy kế tháng 4 đạt 12.600 tỷ đồng; lợi nhuận 4 tháng đạt 1.685 tỷ đồng. Cũng trong tháng qua, MobiFone đã thu hồi SIM kích hoạt sẵn 3.951 thuê bao; khóa 1, 082 triệu SIM kích hoạt sẵn, chặn 9,6 triệu tin nhắn rác.(Bizlive)
-------------------------------
Google, Amazon và eBay đang ngấm ngầm giết chết Apple Watch
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo, Google, Amazon và eBay đã ngừng hỗ trợ các ứng dụng dành riêng cho Apple Watch trên các bản cập nhật phần mềm tung ra hồi cuối tháng 4
Amazon và eBay thì gỡ bỏ các ứng dụng mua sắm chính, trong khi Google khai tử ứng dụng bản đồ Google Maps trên Apple Watch.
Không công ty nào đưa ra thông báo với khách hàng rằng họ đang gỡ hỗ trợ WatchOS khỏi các bản cập nhật phần mềm iOS mới và việc ngừng hỗ trợ này gần như là chẳng được ai biết đến.
Apple vẫn "chung thủy" với dòng sản phẩm đồng hồ thông minh này thế nhưng công ty đang gặp khó khăn khi thuyết phục người dùng rằng họ cần mua một chiếc Apple Watch. Doanh số bán hàng chính thức của sản phẩm không được tiết lộ, tuy nhiên các nhà phân tích ước tính rằng doanh số chỉ ngày càng giảm. Cuối tháng 10, các nhà phân tích của IDC ước tính rằng Apple bán ra 1,1 triệu Apple Watch trong quý III/2016, giảm 71,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Apple không phải là công ty duy nhất “đánh vật” với việc bán các thiết bị đeo. Chiếc smartwatch Android Wear của Google, do nhiều công ty sản xuất, cũng gặp khó khăn khi chinh phục người dùng. Google đã hoãn phiên bản tiếp theo của Wear cho đến năm 2017, và một số đối tác đã từ bỏ kế hoạch sản xuất những chiếc smartwatch Android mới trong năm nay. Motorola thậm chí còn tuyên bố rằng hãng sẽ ngừng các kế hoạch liên quan đến smartwatch vô thời hạn.
Và Pebble, startup nổi lên là người tiên phong trong lĩnh vực smartwatch năm 2012, cũng phải tự bán mình cho Fitbit với cái giá vô cùng rẻ mạt hồi tháng 12 năm trước. Các sản phẩm tương lai đã bị hủy bỏ, hỗ trợ cho các sản phẩm hiện tại cũng sẽ sớm bị chấm dứt. Điều thú vị là gần đây, Google lại chia sẻ với trang Apple Insider rằng hãng có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ Apple Watch cho Google Maps trong tương lai.(Vnexpress)
--------------------------
Facebook, Google bị hacker lừa hơn 100 triệu USD
Tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) ra quyết định truy tố một người đàn ông mang quốc tịch Litva về tội gian lận, làm giả hàng loạt email, giấy tờ gây ảnh hưởng đến hai công ty Internet có trụ sở tại Mỹ, theo Cnet. Đây là vụ việc được đánh giá nghiêm trọng vì số tiền thất thoát lên tới hơn 100 triệu USD.
Thời điểm đó. DOJ không tiết lộ danh tính hai công ty nhưng tạp chí Fortune đã phát hiện đây chính là những cái tên quen thuộc: Google và Facebook.
Nghi phạm là một người đàn ông có tên Evaldas Rimasauskas, 40 tuổi. Các chương trình, phần mềm độc hại được viết vào năm 2013. Ông này giả mạo địa chỉ email, hóa đơn và tem của một nhà sản xuất lớn tại châu Á vẫn thường xuyên làm việc với Google và Facebook.
Điều tra của Fortune chỉ ra Rimasauskas đã mạo danh Quanta Computer. Trong hơn hai năm, ông ta đã thuyết phục được bộ phận kế toán của cả hai "đại gia Internet" chuyển hơn 100 triệu USD. Số tiền sau đó được cất giấu ở một ngân hàng Đông Âu.
Những vụ cướp theo kiểu này không hiếm trên Internet nhưng việc nó diễn ra với Facebook và Google cho thấy quy mô và sự chuẩn bị kỹ càng của hacker. Hiện chưa rõ Rimasauskas có thực hiện vụ cướp này một mình hay không.
"Facebook đã hồi phục phần lớn các quỹ ngay sau khi vụ việc xảy ra và đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình điều tra.", đại diện của Facebook xác nhận. Google cũng có tiết lộ tương tự với Fortune và cho rằng "hài lòng với cách vấn đề được giải quyết". (VnExpress)
-----------------------------------
Apple “dọn dẹp” thị trường để chuẩn bị vào Việt Nam?
Vừa qua, Apple liên tiếp tung ra các chính sách mới đối với thị trường Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, có thể “quả táo khuyết” đang muốn sắp xếp lại trật tự của thị trường này và xa hơn nữa là mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam.
Hàng hoạt hành động của Apple
Hành động đầu tiên của Apple là thông báo từ chối bảo hành cho các sản phẩm xách tay không có hóa đơn chứng từ mua hàng để chứng minh đó là sản phẩm của các cửa hàng chính thức hay đơn vị ủy quyền của Apple.
Cuối tháng 3/2017, Công ty luật Võ Trần (Votra) - đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam của Apple - gửi đi thông báo cho một loạt cửa hàng yêu cầu dừng ngay việc sử dụng nhãn hiệu Apple, iPhone hoặc bất kỳ nhãn hiệu nào khác của Công ty Apple trên bảng hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh. Votra cho biết theo Luật SHTT, các hành vi kể trên là “bất hợp pháp, vi phạm quyền SHTT của Công ty Apple”.
“Các cửa hàng sử dụng trái phép những nhãn hiệu trên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được Apple ủy quyền” - thông báo viết, đồng thời đưa ra thời hạn 7 ngày để các cửa hàng này điều chỉnh thông tin trên bảng hiệu. Nếu các cửa hàng không thực hiện theo yêu cầu, đại diện Võ Trần có thể sẽ sử dụng tới biện pháp pháp lý.
Sau khi nhận được thông báo, một số cửa hàng nhỏ lẻ tại TPHCM đã chủ động tháo dỡ logo Apple trên bảng hiệu. Tuy nhiên, phần lớn chỉ mới tháo dỡ phần logo có kích thước lớn, dễ nhận thấy, còn các nhãn hiệu như iPhone, iPad, Macbook thì hầu như vẫn để nguyên. Một số cửa hàng vẫn để nguyên logo và các nhãn hiệu của Apple trên bảng hiệu.
Cho đến nay, dù thời hạn 7 ngày mà Votra thông báo đã trôi qua gần 1 tháng nhưng đại diện Apple vẫn chưa có thêm động thái nào. Trả lời phóng viên Báo Khoa học và Phát triển, phía Votra cho biết hiện công ty chưa thể thông tin gì thêm về vấn đề này.
Động thái “dọn dẹp” thị trường
Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT, việc Votra gửi khuyến cáo tới các doanh nghiệp và gia hạn 7 ngày là một hành động thiện chí bởi trên thực tế, họ có thể không cần gửi cảnh báo mà tiến hành xử lý xâm phạm ngay. “Theo luật, khi được bảo hộ độc quyền, Apple có quyền ngăn cản các hành vi xâm phạm - trong đó có hành vi quảng cáo trái phép nhãn hiệu của họ ở biển hiệu. Trong trường hợp này, những cửa hàng không có văn bản chứng minh được Apple ủy quyền sử dụng nhãn hiệu, logo rõ ràng đã vi phạm quy định của Luật SHTT” - ông Lâm nói.
Phó Cục trưởng Cục SHTT phân tích thêm: “Sau thời hạn 7 ngày, Võ Trần có thể yêu cầu các cơ quan thực thi tới hoặc khởi kiện ra tòa. Khi đó, mức phạt mà các cửa hàng có thể nhận được còn tùy thuộc vào việc Apple chứng minh mình bị thiệt hại thế nào, mức thiệt hại là bao nhiêu, người vi phạm sử dụng logo, nhãn hiệu của Apple như thế nào, quy mô ra sao, ảnh hưởng gì tới quyền lợi của Apple. Trong trường hợp cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái thì đây là hành vi vi phạm có thể gây ra những hậu quả nặng nề”.
Theo Cục SHTT, Apple đã nộp tại Việt Nam 650 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho các nhãn hiệu, nhóm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác nhau (sửa chữa, mua bán, giáo dục, đào tạo...). Như vậy, xét về luật, qua việc đăng ký, họ có tất cả quyền với nhãn hiệu đang và đã được bảo hộ như logo, nhãn hiệu iPhone, iPod, iPad... tại Việt Nam. Và Luật SHTT sẽ đứng về phía những người có nhãn hiệu được bảo hộ.
Nhận định về động thái của Apple qua sự việc này, ông Lâm cho rằng có thể Apple sẽ làm mạnh tay nhằm “dọn dẹp” những cửa hàng không chính hãng và để những cửa hàng chính gốc Apple bắt đầu vào Việt Nam. “Người Việt rất ưa chuộng sản phẩm của Apple. Đây có thể là yếu tố để hãng quyết định vào thị trường Việt Nam; nhưng không thể đưa hàng hóa hay đầu tư vào thị trường này khi xung quanh toàn hàng xâm phạm quyền SHTT” - ông Lê Ngọc Lâm phân tích thêm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các hành động gần đây của Apple là động thái dọn dẹp thị trường. Nhiều đơn vị được Apple ủy quyền tại Việt Nam cho rằng đây là việc làm đúng đắn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đối tác, đại lý chính thức của hãng và người tiêu dùng Việt Nam. “Nếu Apple vào Việt Nam mà giá không bị đẩy lên thì người tiêu dùng là người được hưởng lợi nhiều nhất (về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ chăm sóc hậu mãi...)” - ông Lâm kết luận.
Từ nhiều năm nay, trên thị trường Việt Nam, giá của những chiếc iPhone xách tay thường rẻ hơn hàng chính hãng từ 10-30%. Chẳng hạn, một chiếc iPhone 7 Plus 128Gb do các đơn vị ủy quyền phân phối chính thức của Apple tại Việt Nam bán ra hiện có giá hơn 25 triệu đồng, trong khi nhiều nơi bán hàng xách tay chỉ với giá hơn 19 triệu đồng.( KH&PT)