Việt Nam nhập siêu 800 triệu USD trong tháng 5; Nở rộ kinh doanh mua bán tiền giả qua mạng; VietJet muốn là công ty Việt đầu tiên niêm yết ở nước ngoài; Hà Nội: Đất Đông Anh bỗng tăng giá mạnh
Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-05-2017
- Cập nhật : 28/05/2017
Tình trạng nợ nần của Trung Quốc tệ đến mức nào?
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service lần đầu tiên trong gần ba thập niên đã hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc trong tuần qua, đồng thời cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải chịu những món nợ khổng lồ làm chậm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu mới, nỗi sợ hãi về mức nợ của Đại lục đã được nhắc tới nhiều lần trước đó. Vào năm ngoái Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã phải lên tiếng thúc giục Bắc Kinh “khẩn trương giải quyết” nợ nần.
Về phần mình, chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã nhận thức được rằng họ đang có vấn đề. Bằng chứng là các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp trong những năm gần đây để giải quyết nợ chính phủ và các khoản vay ngân hàng xấu. Họ cũng cố gắng để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng như một cách để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho biết cố gắng của Bắc Kinh trong vài tuần gần đây để kiềm chế rủi ro nợ trong hệ thống tài chính của nước này đã gây bất ổn cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, nỗ lực của Đại lục vẫn chưa đủ mạnh mẽ để giải quyết nợ nần. Chính quyền nước này vẫn đang áp dụng cách tiếp cận “nhẹ nhàng” để giảm nợ vì họ vẫn muốn “trả nợ từ từ” nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. “Nếu cắt giảm nhanh chóng tỷ lệ nợ thì có thể sẽ ngay lập tức gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính và phá vỡ nền kinh tế Trung Quốc”, Chi Lo, chuyên gia kinh tế cao cấp tại BNP Paribas, cho biết.
Theo CNN, tuy đất nước châu Á này vẫn còn nhiều “đạn'' khi nhìn chung Đại lục dù sao cũng có lượng tài sản hơn hẳn so với chính phủ của nhiều nước khác. Nhưng không vì thế mà những món nợ chính phủ khổng lồ sẽ giảm bớt đi. Theo Capital Economics, một gói cứu trợ ngân hàng có thể đẩy nợ chính phủ từ 55% lên 90% GDP. Và sự hạ bậc tín nhiệm lần này của Moody’s sẽ là tiếng chuông cảnh báo cho Trung Quốc.(Thanhnien)
-------------------
Techcombank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 13.878 tỷ đồng
Ngày 24/5/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 3854/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Theo đó, Thống đốc NHNN chấp thuận việc Techcombank tăng vốn điều lệ từ 8.878 tỷ đồng lên 13.878 tỷ đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Techcombank thông qua tại Nghị quyết ngày 15/04/2017.
Techcombank có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn theo quy định của pháp luật và đảm bảo tuân thủ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn, cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc và người có liên quan theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.
Sau khi hoàn tất các thủ tục chào bán cổ phần theo phương án tăng vốn điều lệ nêu trên, Techcombank có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ mức vốn điều lệ tại Giấy phép hoạt động cho NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Văn bản chấp thuận này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu Đại hội đồng cổ đông Techcombank thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.(Bizlive)
-----------------------------------
Thủ tướng yêu cầu “không phân lô bán nền” mặt biển Phú Quốc
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, một trong những điểm nổi bật của Kiên Giang thời gian qua là tốc độ phát triển vượt trội của Phú Quốc với tiềm năng đầy hứa hẹn và sự có mặt của nhiều nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chú trọng, nâng cao chất lượng quy hoạch, đặc biệt, không “phân lô bán nền” mặt biển Phú Quốc.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mới đây.
Thông báo nêu rõ, với tiềm năng kinh tế mà Phú Quốc mang lại cho tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng yêu cầu: Tỉnh Kiên Giang xây dựng Phú Quốc với tên gọi Đảo Ngọc thành viên ngọc quý và thịnh vượng, là trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí độc đáo để Phú Quốc có sức hấp dẫn mang tầm quốc tế trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn dài hạn, có ý tưởng tinh túy cho đảo Ngọc; Phú Quốc trở thành ấn tượng của Việt Nam, ấn tượng với toàn cầu, có khả năng cạnh tranh hiệu quả với các trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí trên thế giới.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc với hoạt động cốt lõi là trung tâm vui chơi giải trí nổi tiếng, tập trung vào những lợi thế so sánh là tài nguyên biển và tài nguyên rừng, phát triển chuỗi giá trị du lịch bao gồm những ngành kinh tế có liên quan như dịch vụ tài chính, ngân hàng; công nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao, tiểu thủ công mỹ nghệ... để tạo ra các sản phẩm cao cấp phục vụ khách du lịch.
Thủ tướng cũng yêu cầu cùng với phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ cao cấp phải giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của Phú Quốc; phải đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển và môi trường trên đảo nhất là bảo vệ hệ sinh thái biển, sinh vật biển, các rặng san hô, xử lý nước thải, rác thải; quy định những chế tài, xử lý nghiêm đối với những hành vi phá hoại môi trường.
Đồng thời, Thủ tướng lưu ý phải chú trọng, nâng cao chất lượng quy hoạch; tầm nhìn quy hoạch Phú Quốc phải từ 30 năm đến 50 năm đáp ứng nhu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, hiện đại để đón đầu tiềm năng phát triển to lớn của Phú Quốc trong tương lai, đồng thời cần tính toán bảo đảm sử dụng có hiệu quả đất đai, bố trí quỹ đất dự trữ cho từng giai đoạn phát triển của Phú Quốc.
Đặc biệt, phát triển Phú Quốc phải bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, người dân và Nhà nước; đặc biệt quan tâm đến sinh kế và lợi ích của người dân; kết hợp xây dựng hạ tầng du lịch, công viên, khu giải trí, bệnh viện... tạo điều kiện để người dân địa phương tiếp cận với các dịch vụ công cộng thuận lợi nhất;
Không “phân lô bán nền” mặt biển; phát triển du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng việc tham gia của người dân vào các hoạt động kinh tế, tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân địa phương; bảo đảm an ninh trật tự trong cộng đồng người dân làm du lịch...(Bizlive)
---------------------------------
Nợ hơn 22.000 tỷ đồng, Vinashin “đội sổ” nợ quá hạn được bảo lãnh
Dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỷ đồng trong đó, 55 dự án vay 5.641 tỷ đồng và Vinashin 22.393 tỷ đồng.
Báo cáo của Kiểm toán nhà nước liên quan đến quản lý danh mục nợ cho biết, qua kiểm toán một số chương trình, dự án được Chính phủ cho phép miễn thế chấp tài sản không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP.
Cụ thể là khoản thuê mua 4 máy bay Boeing B787-9, 02 máy bay A321 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP được miễn điều kiện thế chấp tài sản theo Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 07/9/2015 phiên họp thường kỳ tháng 8/2015 của Chính phủ, Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 08/07/2013 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013.
Bên cạnh đó, quản lý tài sản đảm bảo đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP còn chậm trễ. Đến thời điểm kiểm toán mới có 08/61 dự án (13%) ký hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại.
Theo đó, đến 31/12/2015, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng dự nợ, Vinashin là 22.392 tỷ đồng còn lại 55 dự án là 5.641 tỷ đồng.
Trong đó, các khoản nợ quá hạn tương đương 9.730 tỷ đồng, nợ quá hạn của Vinashin là 6.562,8 tỷ đồng; 8 dự án đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy 1.402 tỷ đồng; Dự án Xi măng Hạ Long 268 tỷ đồng; Dự án Thiết bị thi công công trình - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là 185 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Nậm Chiến 129,5 tỷ đồng…
Năm dự án cho vay lại có nợ ứng vốn từ Quỹ tích lũy 1.217,8 tỷ đồng (Xi măng Hải Phòng: 39,6 tỷ đồng; Xi măng Thái Nguyên: 575,2 tỷ đồng (quá hạn 411 tỷ đồng); Thủy điện ĐakMi4: 13,3 tỷ đồng; Chính phủ Lào: 68,9 tỷ đồng; Vinashin: 520,5 tỷ đồng (được khoanh nợ từ 2015);
Mười dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với dư nợ 199,02 triệu USD (07 dự án nợ quá hạn và phải khoanh nợ 105,95 triệu USD, chiếm 53,2% tổng dư nợ ứng vốn từ Quỹ Tích lũy), trong đó Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam 60,42 triệu EUR (quá hạn 41,9 triệu EUR, khoanh nợ từ năm 2014); Dự án Xi măng Hạ Long 52,21 triệu EUR (quá hạn 23,51 triệu EUR); Dự án Xi măng Thái Nguyên 30,79 triệu EUR (nợ quá hạn 14,27 triệu EUR).
Dự án nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam là 1 trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ thuộc Bộ Công Thương, phương án mới nhất xử lý nhà máy là bán đấu giá dự án. Dự án này thậm chí chưa được đưa vào hoạt động, mới chạy thử cả hệ thống đã bị tắc nghẽn, toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử. Nguồn vốn thực tế giải ngân tính đến thời điểm 31/12/2015 lên đến 2.759 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra một số doanh nghiệp chưa hoàn trả ngân sách nhà nước các khoản vay về cho vay lại “đầy đủ, kịp thời”.
Chẳng hạn khoản trả lãi trái phiếu quốc tế 2014 (cho vay lại SBIC) số tiền 24 triệu USD, tương đương 515 tỷ đồng; khoản trả lãi năm 2015 của dự án đường cao tốc Bắc Nam 35 tỉ đồng (dự án cho vay lại của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC).(Bizlive)