Cuộc chiến tranh giành sự thống trị trong ngành thương mại điện tử ở Đông Nam Á mới chỉ bắt đầu.
Chuyện bây giờ mới kể: Cổ đông đã nói gì về DongA Bank?
- Cập nhật : 20/08/2015
(Tin kinh te)
Không hiểu vô tình hay hay cố ý, đại hội đồng cổ đông của hai ngân hàng Đông Á và Eximbank sau thời gian dài bị hoãn lùi xa mùa đại hội đồng cổ đông lại diễn ra cùng ngày, cùng thời gian và cùng ở Trung tâm hội nghị White Palace.
Chưa đầy một tháng sau khi phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của Ngân hàng TMCP Đông Á diễn ra, ngân hàng rơi vào kiểm soát đặc biệt. Những ngày này, người dân, giới ngân hàng hỏi nhau: Các cổ đông có biết tình hình ngân hàng hay không? họ đã nói gì?
Dưới đây là không khí tại đại hội này và những suy nghĩ của cổ đông chúng tôi ghi nhận tại thời điểm diễn ra sự kiện, ngày 21-7-2015 ở TPHCM.
Không hiểu vô tình hay hay cố ý, đại hội đồng cổ đông của hai ngân hàng Đông Á và Eximbank sau thời gian dài bị hoãn lùi xa mùa đại hội đồng cổ đông lại diễn ra cùng ngày, cùng thời gian và cùng ở Trung tâm hội nghị White Palace. Buổi sáng diễn ra sự kiện, trời đổ mưa, nhưng cổ đông vẫn tụ tập đông nghẹt tại khu sảnh chung nơi các cổ đông làm thủ tục ‘check in’ đại hội.
Có giận, có thương
Mấy cổ đông lớn tuổi gặp nhau uống ly nước bên hành lang hội nghị rôm rả bắt tay chào hỏi: “Lâu ngày quá anh ha, mọi năm tháng Tư gặp nhau năm nay tới tháng Bảy mới được thấy mặt”. Rồi họ bảo nhau hôm nay lạ quá, đường kẹt xe cứ như cả thành phố đi họp đại hội cổ đông. Họ đến đại hội nhưng với tâm trạng không mong chờ hy vọng nhiều tin tốt lành, vì đã nghe nhiều tin đồn về sức khỏe Đông Á không tốt, làm ăn không thuận lợi.
Một cổ đông đầu đã bạc làm một bài phân tích ‘rào rào’ rằng tình hình Đông Á hiện khó khăn về nợ xấu do kinh doanh vàng, cho vay ra sao, chắc không sáp nhập với An Bình (Ngân hàng TMCP An Bình) nữa rồi. Biết vậy hồi xưa Citi (Tập đoàn ngân hàng Mỹ Citi group) họ trả giá “7 chấm” (70.000 đồng/cổ phần) bán cho Citi có phải không có ngày Đông Á khó khăn vì nợ xấu như hôm nay. Hồi đó Đông Á đòi tới 10 chấm, mà Citi chỉ trả có 7 chấm.
Trớ trêu thay, giờ đây Đông Á đang xoay xở tìm lối ra tốt cho tương lai thì Citi đang tiến hành các thủ tục cuối cùng mở ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam. Tầm nhìn của Citi với thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục thành hình hài thì các ngân hàng trong nước lại dường như bế tắc về hướng đi sắp tới.
“Thời gian và cơ hội không chờ đợi một ai. Làm nghề ngân hàng, không nhìn rõ, nhìn rộng thật khó mà tồn tại”, người đứng cạnh bình luận… Bà con cổ đông túm tụm xung quanh ông gật gù lắng nghe. Người than đen đủi quá có chút tiền đầu tư thì lại không có cổ tức, người kêu biết vậy hồi đó mua đất. Một cổ đông nữ đầu cũng đã bạc nói: “Các con tôi cũng làm ngân hàng, nên tôi mới mua cổ phần Đông Á, nhưng thôi đừng nghĩ vậy, thời buổi này ai mà chẳng mất tiền...”
Cô V, một cổ đông đã 63 tuổi của Đông Á kể cô từng làm việc với ban điều hành ngân hàng một thời gian dài, rồi thấy ban điều hành giỏi, ngân hàng tốt, từng có mạng lưới khách hàng rất đông đảo và mạng lưới ATM rất mạnh ở TPHCM nên cô mua cổ phần gần 10 năm nay. Cô cũng buồn vì mỗi năm ngân hàng làm ăn kém đi, cổ tức ba năm nay không có, nhưng quan trọng hơn là sức đề kháng của ngân hàng còn yếu.
Ngồi nghe các cổ đông chất vấn và trách móc ban điều hành tại sao để ngân hàng tới nông nỗi ấy? Nếu không phát huy được năng lực đề nghị các ông, bà nên xin rút để thế hệ sau trẻ hơn, giỏi hơn có cơ hội phát huy năng lực...
Cô nói đúng là nhìn thấy đại diện HĐQT phân trần cũng thông cảm vì làm ngân hàng đâu còn dễ như hồi xưa, cứ mở chi nhánh là có tiền. Nhưng thương thì thương mà vẫn phải giận. Nhiều khi không biết trách ai để ngân hàng đến nỗi này?
Nghe cổ đông khác hỏi: “Cơ quan quản lý có cảnh báo không, cảnh báo đến đâu, nếu cảnh báo rồi sao lãnh đạo ngân hàng vẫn làm? Vẫn để ngân hàng thua lỗ trong khi cổ đông nhỏ lẻ ngoài ngân hàng luôn là người biết sau cùng”, lãnh đạo ngân hàng và đại diện NHNN đều không trả lời được. Cô V thở dài: “Biết trách ai, kiện ai đây?”... Đi họp đại hội thì cứ đi nhưng các cổ đông cũng không hy vọng các câu hỏi của họ được trả lời rõ ràng đầy đủ. “Đi không được ở cũng không xong, tiền bỏ vào cổ phiếu cả trăm triệu, có người cả tỷ nay muốn bán cũng có ai mua đâu mà bán”.
Một mùa hè nóng
Trong khi đó, bên ngoài đại hội, giới ngân hàng gặp gỡ ở quán ăn, quán cà phê, câu đầu tiên họ hỏi nhau: “Tình hình Exim sao rồi? Đông Á có gì mới không?”. Người lắc đầu. Người dự đoán tình huống A là thế này, B chắc thế kia.
Không khí cuối mùa hè năm nay với giới ngân hàng quả là “nóng nực”. “Lần đầu tiên tôi thấy cổ đông mắng lãnh đạo ngân hàng Đông Á và Exim ghê quá! Đại hội cổ đông hôm nay đúng là đi vào lịch sử ngành ngân hàng”, họ bình luận với nhau.
Nhìn người nghĩ đến ta, làm ngân hàng ai mà không lo lắng nếu ngày nào đó mình cũng bị cổ đông trách mắng, có ai vui bao giờ. Mấy năm qua, có không ít người làm ngân hàng nhiều năm sau những vụ bắt bớ phải ra khỏi ngành ngân hàng đã đành, có những người âm thầm lặng lẽ rút lui và nay vẫn đang có những người khác bộc bạch “Mình cũng chỉ làm vài năm nữa rồi về đi dạy học hoặc kiếm việc gì đỡ sóng gió hơn. Bon chen mệt lắm rồi!”.
Một tổng giám đốc ngân hàng xin không nêu tên chia sẻ với chúng tôi, tâm trạng của họ những ngày này bên cạnh việc quan sát, theo dõi và nghe ngóng các động thái của ngân hàng bạn, các động thái của cơ quan ra chính sách để điều chỉnh hành động của ngân hàng mình cho kịp thời phần mất nhiều công sức nhất vẫn là xử lý nợ. Nếu trước kia việc xử lý nợ trả chậm, nợ khó đòi có phó tổng phụ trách riêng thì nay có những vụ việc đích thân tổng giám đốc chỉ đạo và họp luôn với khách hàng.
Ông nói ai nói làm sếp ngân hàng sướng là không hiểu gì về ngân hàng. Những ngày này họ một phần vì lo lắng không biết cuối năm kết quả kinh doanh ra sao, làm sao để kiếm nguồn thu cho ngân hàng, một phần lo bám sát các yêu cầu của cơ quan quản lý NHNN, thực hiện các chế độ báo cáo rất dày đặc với cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, chưa kể những yêu cầu đột xuất.
“Các ngân hàng nếu trước kia chỉ tập trung làm những gì họ nghĩ kiếm ra tiền thì nay chỉ làm những việc mà NHNN cho phép và thứ đến mới là bán những gì khách hàng cần”, ông nói.
Một người làm việc lâu năm trong nghề ngân hàng nói hiện ông chia “trạng thái” của ngân hàng làm ba nhóm: cố gắng để sống, chủ động để sống và chủ động để sống tốt. Nhưng nhóm nào cũng có cái lo của nhóm đó. Tín dụng theo như báo cáo của NHNN đã và đang tăng mạnh, theo logic tín dụng đẩy ra thì ngân hàng có lời nhưng nay các ngân hàng không thể lạc quan vì nguy cơ nợ xấu mới có thể phát sinh rất dễ.
“Kinh tế vĩ mô nhìn số thì đẹp đấy mà tôi cảm thấy rất mong manh. Chỉ số kinh tế thì tăng như vậy nhưng cảm nhận của người bơi trong dòng chảy đó thì khác… Chưa có những yếu tố then chốt để chúng tôi lạc quan lại. Tiền vẫn có đấy nhưng rủi ro vẫn hiện hữu”, ông bày tỏ.
Nhìn lại hai đại hội đồng cổ đông sóng gió tuần qua và bầu không khí nóng nực của nghề ngân hàng mùa hè này, một điều rất dễ nhận thấy là không phải cứ có tiền gom nhiều cổ phiếu ngân hàng là làm chủ, làm được ngân hàng, vậy mà vẫn có nhiều người có vẻ chưa “thấm thía”.
Một “banker” khác cho rằng NHNN khi phê duyệt nhân sự mới ở các ngân hàng thương mại, mà đó là nhóm người sẽ thế chỗ một phần nhóm chủ ngân hàng thế hệ I đã và đang lùi ra phải có các quy chuẩn “Code of conduct” (Quy tắc đạo đức hành xử) rất rõ ràng và cụ thể về các hành vi, rằng điều gì người tham gia điều hành ngân hàng được phép và không được phép làm, a, b, c ghi rõ ra…
“Điều này đã nói nhiều năm song vẫn chưa làm được. Lòng tin ấy, chỉ còn một chút này thôi!”, vị tổng giám đốc thở dài