Rất ít công ty có được sự tôn trọng như Toshiba, nên việc tập đoàn nổi tiếng này lún vào một trong những bê bối kế toán lớn chưa từng có ở Nhật Bản đã thật sự gây sốc.
Cuộc chiến phòng ngủ: Kymdan vs Everon
- Cập nhật : 20/08/2015
(Kinh doanh)
Hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn ga gối đệm là Everpia Việt Nam và Kymdan có doanh thu tương đương nhưng lợi nhuận lại cách biệt khá lớn.
Nhắc đến thị trường chăn ga gối đệm tại Việt Nam, hầu hết người tiêu dùng đều khá quen thuộc với 2 nhãn hiệu Everon của CTCP Everpia Việt Nam (EVE) và Kymdan của CTCP Cao su Sài Gòn- Kymdan.
Là 2 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất chăn, ga, gối, đệm…, tuy nhiên phân khúc sản phẩm lại hoàn toàn khác nhau. Trong khi Everpia chuyên về sản xuất đệm bông ép, đệm lò xo thì Kymdan lại nổi tiếng với các sản phẩm đệm cao su thiên nhiên.
Cùng với việc dẫn đầu thị phần chăn đệm cả nước, 2 doanh nghiệp đã tạo ra doanh thu xấp xỉ nhau, một chín, một mười. Tuy nhiên, Kymdan vẫn nhỉnh hơn đôi chút so với đối thủ cùng ngành. Kết thúc năm 2014, Kymdan ghi nhận doanh thu 868 tỷ đồng, còn với Everpia là 781 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của Everpia, mảng kinh doanh chăn, ga, gối, đệm vẫn là cốt lõi, tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm 56% cơ cấu doanh thu. Bên cạnh đó, mảng kinh doanh sản phẩm từ bông và chần bông cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho Everpia khi chiếm tới 40% cơ cấu doanh thu.
Còn với Kymdan, dù kinh doanh khá nhiều sản phẩm như Salon, giường,… nhưng đệm, gối, ga là những sản phẩm đem lại nguồn thu chính khi chiếm tới 98% tổng doanh thu công ty.
Chi phí cao, bào mòn lợi nhuận
Có thể thấy, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu của Everpia trong những năm qua luôn ở mức rất cao, trên 60% chi phí sản xuất của công ty. Trong khi đó, tỷ lệ này của Kymdan chỉ ở mức 30%, bằng một nửa so với Everpia.
Yếu tố chi phí đầu vào thấp đã khiến lợi nhuận của Kymdan tích cực hơn đáng kể so với Everpia, mặc dù doanh thu không chênh lệch quá lớn. Kết thúc năm 2014, Kymdan ghi nhận 272 tỷ đồng LNTT, gấp hơn 2 lần so với con số 111 tỷ đồng của Everpia.
Bên cạnh đó, việc chi phí nguyên vật liệu thấp cũng giúp Kymdan giảm bớt rủi ro bởi những biến động phức tạp từ giá nguyên vật liệu, nhất là trong bối cảnh giá cao su, bông đều giảm khá mạnh trong những năm qua.
Một điểm đáng chú ý nữa là hàng năm Kymdan đều phát sinh khoản chi phí công thức và nhãn hiệu. Trong năm 2014, số tiền Kymdan bỏ ra là gần 125 tỷ đồng. Khoản chi phí này được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn được cộng vào lợi nhuân trước thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Phân khúc sản phẩm
Với Kymdan, do đặc thù sản phẩm là đệm cao su thiên nhiên khiến giá thành sản phẩm ở mức khá cao. Do đó, các dòng sản phẩm của Kymdan nhìn chung tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp.
Trong khi đó, Everpia với các dòng sản phẩm chủ yếu là đệm bông ép, đệm lò xo khiến giá thành sản phẩm phù hợp hơn với đa số người tiêu dùng. Tuy nhiên, Everpia chia ra 3 phân khúc sản phẩm bao gồm phân khúc sản phẩm phổ thông, phân khúc cao cấp và phân khúc dành cho khách hàng có thu nhập vừa phải.
Tổng tài sản, Vốn điều lệ, Vốn hóa
Tại thời điểm cuối năm 2014, tổng tài sản Everpia đạt 986 tỷ đồng, vốn điều lệ 280 tỷ đồng. Còn với Kymdan, công ty có tổng tài sản 1.255 tỷ đồng, vốn điều lệ 107 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 6/8, cổ phiếu EVE có thị giá 22.600đ/cp, tương ứng vốn hóa thị trường của Everpia là 622 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính theo mức giá mà Liksin đã bán (1,072 triệu đồng/cp) thì vốn hóa của Kymdan đạt 1.143 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với vốn hóa của Everpia.
(Theo CafeF)