tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khoáng sản sang Trung Quốc với giá rẻ mạt

  • Cập nhật : 04/01/2018

Trung Quốc đang mua đến 85% tổng lượng quặng và khoáng sản xuất khẩu của VN, nhưng giá bán cho thị trường này chỉ bằng 60% giá xuất khẩu bình quân.

san luong khai khoang vn tang moi nam anh: viet hung

Sản lượng khai khoáng VN tăng mỗi năm ẢNH: VIỆT HƯNG

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2017 cả nước xuất khẩu gần 4,4 triệu tấn quặng và khoáng sản với tổng trị giá kim ngạch xấp xỉ 167 triệu USD. Trong đó, xuất sang Trung Quốc 3,5 triệu tấn, chiếm gần 85% tổng lượng xuất khẩu, nhưng giá trị thu về chỉ đạt 81 triệu USD, chiếm 51,4% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu quặng và khoáng sản của cả nước.

Giá chỉ 60% giá bình quân

Đáng lưu ý là trong khi xuất khẩu quặng và khoáng sản trong năm của VN có giá trung bình khoảng 38 USD/tấn, thì giá xuất khẩu cùng mặt hàng này sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 23 USD/tấn, tương đương 60% mức giá bình quân. Việc bán khoáng sản sang Trung Quốc giá rẻ đã khiến trị giá kim ngạch nhóm hàng này giảm mạnh mặc dù sản lượng khai thác vẫn tăng. Năm 2017, VN khai thác quặng và khoáng sản tăng 2,5 triệu tấn (tăng gần 130%), nhưng tổng trị giá kim ngạch thu về chỉ tăng 27 triệu USD (tăng gần 20%).

Chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng cho rằng Trung Quốc đang đi đúng chính sách bảo toàn năng lượng của nước này bằng cách tăng liên kết khai thác ở nước ngoài và mua khoáng sản thô về sản xuất. Ông nói: “VN đang là thị trường quá hấp dẫn cho chính sách bảo toàn tài nguyên khoáng sản của quốc gia láng giềng này. Thực tế, khai thác khoáng sản của Trung Quốc cũng đang đáp ứng tỷ lệ lớn cho phát triển ngành công nghiệp của nước này, song nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển trong tương lai, quốc gia có nhu cầu sử dụng quặng và khoáng sản vào hàng nhất nhì thế giới này đã có chính sách “nhập khẩu không hạn chế” số lượng tài nguyên khoáng sản từ nước ngoài. Để thực hiện được điều này, Trung Quốc tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển khai thác khoáng sản theo hình thức ODA nhằm đổi quyền khai thác mỏ. Từ đó, đưa khoáng sản thô về Trung Quốc chế biến…”.

Điều này lý giải cho việc các mặt hàng xuất khẩu số lượng lớn trong các năm gần đây như than đá, quặng và khoáng sản và dầu thô luôn được thị trường Trung Quốc đón nhận. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét khai thác tài nguyên khoáng sản của VN hiện còn lãng phí, chủ yếu xuất thô và chỉ biết dựa vào một thị trường chính là Trung Quốc.

Doanh nghiệp chỉ lo đào lên bán!

Theo bà Lan, Trung Quốc có nền công nghiệp chế biến chế tạo phát triển, họ cần nguồn nguyên liệu thô càng nhiều càng tốt và đó là thị trường dễ tính cho nhiều loại nguyên liệu thô, không riêng gì quặng và khoáng sản với điều kiện giá rẻ. Một số doanh nghiệp khai khoáng ở VN cứ có khách hàng bao tiêu với số lượng lớn là bán hết.

“Hơn nữa, với các thị trường khó tính thì không phải khoáng sản thô thế nào họ cũng mua. Doanh nghiệp mình có điểm yếu là khai khoáng rồi, “làm biếng” nâng cấp tinh chế để có quặng đẹp, tìm kiếm những thị trường khó tính để bán giá cao hơn. Vừa ngại đi xa, ngại nâng cấp chính mình, nên cứ có ai gần mua thì bán. Bởi khoáng sản thuộc tài sản của nhân dân, bán giá rẻ thì dân thiệt chứ đâu phải doanh nghiệp thiệt”, bà Lan lý giải.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, sẽ có những lý giải như chất lượng quặng không đảm bảo, có giá trị không bằng quặng các thị trường khác… Tuy nhiên, để việc bán giá thấp triền miên như vậy cho một thị trường trong khi giá bán cho các thị trường khác cao gần gấp đôi tạo nên nhiều suy luận không tốt cho chính sách khai thác tài nguyên của VN.

Nhận xét về việc đào khoáng sản lên rồi bán giá rẻ và phụ thuộc vào một thị trường, theo ông Đồng, là điều không bình thường. “Tại sao chúng ta không có chính sách ép giá ngược lại với đối tác. Nếu anh trả cho tôi giá rẻ quá, tôi không bán cho anh nữa. Nên nhớ là Trung Quốc vẫn đang cần một lượng lớn khoáng sản từ VN và đây là thị trường mua khoáng sản thô quan trọng của họ”, ông Đồng nói.

Không chỉ với VN, hiện Trung Quốc đang tăng phát triển đầu tư khai thác khoáng sản tại một số quốc gia khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Đổi lại, họ thu mua lượng lớn quặng sắt và bauxite từ các quốc gia này. Đến nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu xuất siêu sác sản phẩm sắt thép và nhôm liên tục trong nhiều năm qua.

Nguyên Nga
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục