Những tháng đầu năm 2019, Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu dược phẩm từ thị trường Nga, tuy kim ngạch chỉ đạt 1,7 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ tăng gấp 7,3 lần.
Xuất khẩu gỗ 2 tháng đầu năm và những ảnh hưởng của các Hiệp định thương mại
- Cập nhật : 27/03/2019
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1,39 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó riêng tháng 2/2019 đạt 400,99 triệu USD, giảm mạnh 59,1% so với tháng đầu năm 2019 và cũng giảm 8,3% so với tháng 2/2018.
Riêng xuất khẩu sản phẩm từ gỗ trong 2 tháng đầu năm đạt 997,63 triệu USD, chiếm 71,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là các thị trường tiêu thụ nhiều nhất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam; trong đó xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất 636,4 triệu USD, chiếm 45,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Tiếp đến xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 182,44 triệu USD, chiếm 13,2%, tăng 7,6%; Trung Quốc 151,56 triệu USD, chiếm 10,9%, giảm 10,9%; EU chiếm 10,5%, đạt 145,56 triệu USD, tăng 3,8%; Hàn Quốc đạt 125,06 triệu USD, chiếm 9%, tăng nhẹ 0,5%.
Trong 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang đa số thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, kim ngạch tăng mạnh ở một số thị trường như: Áo tăng 279%, đạt 0,46 triệu USD; Bồ Đào Nha tăng 154%, đạt 1,26 triệu USD; Hy Lạp tăng 53,5%, đạt 1,69 triệu USD; Mexico tăng 52,3%, đạt 2,07 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu sụt giảm mạnh ở một số thị trường sau: Thổ Nhĩ Kỳ giảm 82,9%, đạt 0,5 triệu USD; Séc giảm 63,9%, đạt 0,23 triệu USD; Phần Lan giảm 52,4%, đạt 0,22 triệu USD.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các chuyên gia cho rằng cơ hội cho ngành gỗ Việt là có nhưng không lớn như nhiều người tưởng, cơ hội đó có thể đi kèm với rủi ro do các hành vi "lẩn tránh" gây ra.
Cả 2 sự kiện là xung đột thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA đều có khả năng gây tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Một số chuyên gia nhận định đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi đơn hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí đầu tư vào chế biến gỗ cũng sẽ có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu mức thuế chỉ là 10%, sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra ở những mặt hàng có biên lợi nhuận thấp như các loại ván dán, ván dăm. Nếu mức thuế là 25%, sự dịch chuyển sẽ diễn ra ở diện rộng hơn, bao gồm cả những mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn như đồ gỗ nội thất.
Nếu chuỗi cung ứng có lý do để tin rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài thì kể cả với mức thuế 10%, họ sẽ cân nhắc rất nghiêm túc về việc dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc và trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi bởi dù sao chúng ta cũng là nước XK sản phẩm gỗ thứ 5 thế giới, khả năng chế biến gỗ đã được chứng minh.
Nhưng một khi mức thuế vẫn được giữ ở mức 10% và Mỹ - Trung đã thống nhất không leo thang thêm trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 1/1/2019, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục chờ đợi. Dịch chuyển đơn hàng có thể vẫn diễn ra nhưng quy mô sẽ không đủ lớn để có thể gọi là "xu hướng". Cho tới giờ này, vẫn chưa có gì là chắc chắn cả. Khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận vẫn tồn tại, và không hề nhỏ bởi suy cho cùng, xung đột thương mại là không có lợi cho cả 2. Vì vậy, có lẽ vẫn còn quá sớm để coi xung đột thương mại Mỹ - Trung là "cơ hội lớn" cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Một yếu tố nữa rất cần được lưu ý là nếu sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng Việt Nam để "lẩn tránh" mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây bởi hành vi "lẩn tránh" này bởi người Mỹ sẽ không ngại ngần áp một mức thuế "chống lẩn tránh" lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam.
Tóm lại, cơ hội là có, nhưng có thể không lớn như ta tưởng. Đồng thời, cơ hội đó có thể đi kèm với rủi ro do các hành vi "lẩn tránh" gây ra, đòi hỏi tất cả chúng ta, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đều phải hết sức chú ý.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung tuy sẽ gây ảnh hưởng, có thể là không nhỏ, nhưng đó mới chỉ là một phần trong những biến chuyển về kinh tế, thương mại trong thời gian tới. Bởi, nếu cả 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA đồng thời được đưa vào thực thi trong năm 2019, sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam.
Hiệp định CPTPP mở ra các thị trường mới đối với Việt Nam là Mexico, Canada và Peru.
CPTPP sẽ mở ra cơ hội đối với các sản phẩm như ván sàn, gỗ thanh bởi mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất cũng sẽ có cơ hội lớn bởi mức thuế nhập khẩu dao động 6 - 9,5% cũng sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu 7% ngay lập tức.
Mexico hiện chưa phải là thị trường lớn của Việt Nam do mức thuế nhập khẩu áp cho đồ gỗ là khá cao, dao động 10 - 15%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên hết sức lưu ý tìm hiểu thị trường này và có sự chuẩn bị tiếp cận bởi trong CPTPP, Mexico đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, bao gồm cả ván dán, ván dăm, gỗ thanh, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất với lộ trình tối đa là 10 năm. Cơ hội sẽ lớn dần theo thời gian, khi mức thuế được giảm dần về 0% theo lộ trình.
Hiệp định EVFTA nếu được phê chuẩn có thể diễn ra suôn sẻ trong nửa đầu 2019 thì đây sẽ là tin vui với cộng đồng chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi EU là thị trường hết sức quan trọng đối với ngành.
Thị trường EU có dung lượng khoảng 80-90 tỷ USD/năm. Sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chiếm chưa đầy 1% thị trường này nên tiềm năng phát triển là rất lớn khi EVFTA được đưa vào thực thi, nhất là ván dán (thuế hiện hành 7-10%, về 0% sau 5 năm); ván dăm (thuế hiện hành 7%, về 0% sau 5 năm), gỗ thanh (thuế hiện hành 3-4%, về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực) và đồ gỗ dùng cho nhà bếp (thuế hiện hành 2,7%, được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực).
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất khi định hướng tiếp cận thị trường EU lại không phải là Hiệp định EVFTA. Người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu, cũng như tại nhiều thị trường lớn và quan trọng khác như Mỹ và Nhật Bản, hết sức quan tâm tới vấn đề bảo vệ và phát triển rừng. Họ đã và đang đặt ra yêu cầu rất cao về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ.
Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT về kiểm soát nguồn gốc gỗ mới được ký với EU vào tháng 10 vừa qua. Nếu thành công trong việc thực thi FLEGT, cơ hội to lớn sẽ mở ra cho ngành chế biến gỗ Việt Nam, không chỉ trên thị trường EU mà còn ở cả các thị trường lớn khác như Mỹ và Nhật Bản.
Từ đây, có thể suy ra rằng, ngành chế biến gỗ thực sự hiệu quả và chất lượng, đáp ứng được quy tắc xuất xứ Việt Nam, nói không với các hành vi "lẩn tránh", thực sự quan tâm đến người tiêu dùng, đáp ứng được yêu cầu của thời đại về bảo vệ môi trường, nói không với gỗ bất hợp pháp chắc chắn sẽ là một ngành có thể phát triển mạnh trong dài hạn mà không cần phải quá để ý đến việc Mỹ - Trung đang làm gì hay liệu bao giờ thì EVFTA được đưa vào thực thi.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2019
ĐVT: USD
Thị trường | T2/2019 | +/- so với T1/2019(%)* | 2T/2019 | +/- so với cùng kỳ (%)* |
Tổng kim ngạch XK | 400.993.598 | -59,13 | 1.387.017.176 | 14,61 |
Riêng sản phẩm gỗ | 261.729.507 | -64,23 | 997.629.753 | 17,38 |
Mỹ | 162.063.279 | -65,86 | 636.399.293 | 34,12 |
Nhật Bản | 66.507.641 | -42,44 | 182.441.159 | 7,63 |
Trung Quốc đại lục | 58.782.061 | -36,99 | 151.559.288 | -10,92 |
Hàn Quốc | 37.167.464 | -57,02 | 125.058.362 | 0,51 |
Anh | 11.151.244 | -68,89 | 46.956.861 | 2,32 |
Canada | 6.439.958 | -64,26 | 24.430.912 | 2,64 |
Đức | 5.949.565 | -67,03 | 23.994.508 | 11,35 |
Australia | 5.662.744 | -65,8 | 22.196.900 | -5,8 |
Pháp | 4.313.703 | -73,59 | 20.599.429 | -9,97 |
Hà Lan | 4.804.410 | -58,62 | 16.386.166 | -1,75 |
Malaysia | 5.694.287 | 0,33 | 11.369.643 | 10,03 |
Đài Loan (TQ) | 1.899.369 | -75,97 | 9.803.819 | 25,7 |
Italia | 1.970.282 | -55,68 | 6.417.276 | 12,14 |
Bỉ | 1.741.101 | -59,5 | 6.040.165 | 6,58 |
Thụy Điển | 1.424.166 | -67,39 | 5.791.706 | 1,28 |
Đan Mạch | 1.426.735 | -65,51 | 5.563.518 | 45,36 |
Tây Ban Nha | 1.795.823 | -51,78 | 5.518.130 | -7,23 |
Thái Lan | 620.518 | -86,43 | 5.192.532 | 1,57 |
U.A.E | 902.926 | -78,79 | 5.144.549 | 48,51 |
Ấn Độ | 1.480.377 | -57,54 | 4.944.652 | -39,33 |
Saudi Arabia | 1.781.914 | -37,22 | 4.620.471 | 16,43 |
Ba Lan | 1.166.672 | -64,36 | 4.440.286 | 23,3 |
Singapore | 792.380 | -75,48 | 4.123.577 | 28,65 |
New Zealand | 725.955 | -63,81 | 2.731.923 | -15,84 |
Mexico | 482.178 | -69,69 | 2.073.154 | 52,3 |
Hy Lạp | 415.208 | -67,5 | 1.692.866 | 53,53 |
Nam Phi | 157.623 | -86,95 | 1.365.405 | 4,96 |
Nga | 245.751 | -75,83 | 1.262.630 | 44,5 |
Bồ Đào Nha | 222.813 | -78,43 | 1.255.637 | 154,09 |
Na Uy | 218.159 | -68,55 | 911.838 | 9,17 |
Campuchia | 248.093 | -58,4 | 832.069 | -28,05 |
Hồng Kông (TQ) | 259.021 | -43,71 | 719.183 | -24,95 |
Kuwait | 255.249 | -37,76 | 665.339 | -8,15 |
Thụy Sỹ | 275.128 | -24,11 | 637.668 | -9,38 |
Thổ Nhĩ Kỳ | 28.579 | -93,91 | 497.681 | -82,88 |
Áo | 53.467 | -86,71 | 455.900 | 279,05 |
Séc | 110.847 | -5,35 | 227.960 | -63,87 |
Phần Lan | 55.750 | -65,52 | 217.459 | -52,35 |
(*Tính toán từ số liệu của TCHQ)
Theo Vinanet.vn