Trong bối cảnh giá heo hơi trong nước tăng mạnh do nguồn cung hạn hẹp, thịt heo ngoại tiếp tục được nhập ồ ạt với mức giá trung bình chỉ khoảng 35.500 đồng/kg.
Việt Nam giảm mạnh nhập thép từ Trung Quốc
- Cập nhật : 20/07/2018
5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam giảm nhập khẩu thép từ thị trường thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc, sau khi Mỹ tung “đòn” áp thuế nhằm ngăn chặn thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Giảm nhập từ Trung Quốc
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt nam (VSA), Việt Nam nhập khẩu 2,606 triệu tấn thép từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2018, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái về khối lượng. Theo đó, tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này giảm về khoảng 45,88% trong tổng lượng thép thành phẩm nhập về Việt Nam.
Tính chung, nhập khẩu thép thành phẩm từ các thị trường đạt hơn 5,68 triệu tấn với tổng kim ngạch đạt gần 4,06 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị.
Giá thép nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu chững lại trong tháng 5 sau khi tăng liên tiếp trong hai tháng trước đó. Tuy nhiên nhìn chung, giá thép nhập khẩu vẫn trên xu hướng tăng chủ yếu vì nguồn cung thép giảm mạnh khi chính phủ Trung Quốc hạn chế sản xuất công nghiệp nhằm bảo vệ môi trường.
Sẽ gặp khó ở thị trường xuất khẩu vì làn sóng phòng vệ thương mại
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép thành phẩm trong 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 2,36 triệu tấn, thu về gần 1,76 tỷ USD, tăng mạnh cả về khối lượng (41,8%) và giá trị (57,7%). Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của thép Việt với thị phần chiếm tới 56,81%.
Mỹ và Liên minh châu Âu là hai thị trường tiêu thụ thép lớn thứ hai và thứ ba của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,57% và 10,7%.
Thị trường xuất khẩu vẫn được duy trì nhưng thời gian tới sẽ khó khăn cho các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam do các nước đã và đang khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép Việt, VSA cho hay.
Tăng sản xuất thay vì nhập khẩu
Theo số liệu của VSA, sản xuất thép thành phẩm các loại trong 6 tháng đầu năm của các thành viên Hiệp hội đạt 11.740.348 tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng sản lượng thép thô đạt 6.214,760 tấn.
Tính riêng tháng 6, sản xuất thép thô đạt 1.251.881 tấn, tăng 8% so với tháng 5 nhờ giá phần lớn nguyên liệu đầu vào ổn định hoặc giảm nhẹ.
Tính đến cuối tháng 6, giá thép phế liệu nội địa giữ ổn định ở 8.100 – 8.400 đồng/kg, và giá nhập khẩu tại cảng Đông Á cũng duy trì ở 355 – 360 USD/tấn. Giá phôi thép nội địa ổn định trong khoảng 12.200 – 12.400 đồng/kg, nhưng giá phôi thép nhập khẩu lại giảm khoảng 2 – 4 USD so với đầu tháng xuống 546 – 548 USD/tấn vào ngày 6/7.
Ngoài ra, giá quặng sắt 62% Fe nhập khẩu tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc) cũng giảm 2 USD xuống khoảng 62 – 63 USD/tấn. Giá thép cuộn cán nóng nhập khẩu tới đầu tháng 7 cũng giảm 8 – 10 USD so với đầu tháng trước về 590 – 592 USD/tấn.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào biến động không đồng nhất, giá thép trong nước diễn biến trái chiều ở hai miền Bắc và Nam. Cụ thể, giá thép tại miền Bắc giảm khoảng 200 – 300 đồng/kg xuống khoảng 13.200 – 13.300 đồng/kg, trong khi giá tại miền Nam lại tăng 200 đồng/kg lên 13.300 – 13.500 đồng/kg tùy chủng loại sản phẩm và doanh nghiệp.
Phan Vũ
Theo NDH.vn