Theo kết luận của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, giai đoạn 2016 – 2020 sẽ đầu tư thêm 3 Khu công nghiệp mới, mở rộng thêm một KCN hiện hữu với quy mô của 4 KCN là 1.626ha.
KCN bít cổng doanh nghiệp để thu phí: “Tỉnh khó can thiệp”
- Cập nhật : 21/03/2016
(Cong nghiep)
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Được - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết đây không phải là lần đầu phát sinh mâu thuẫn giữa Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức và các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN này.
Người của KCN Tân Đức dựng rào chắn, đào ống cắt nguồn nước vào doanh nghiệp vào chiều 17-3 và sau đó tiếp tục đổ đất chắn lối đi - Ảnh: CTV
Ngày 20-3, ông Nguyễn Văn Được, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét việc Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức - đơn vị đầu tư KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, Đức Hòa, Long An - cho dựng rào chắn, đào cắt ống nước và đổ đất đá chắn ngang lối vào Công ty TNHH Tango Candy chi nhánh Long An vì cho rằng công ty này không chịu đóng phí sử dụng hạ tầng.
Trước đó, ông Từ Khánh Hùng, đại diện Công ty TNHH Tango Candy, cho biết đã kêu cứu khắp nơi vì những hành động liên tục gần đây của Tân Đức gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty mình. Ông Hùng cho biết từ ngày 16-3, người của Tân Đức đã đến dựng rào chắn, khiến các xe chuyên chở sản phẩm không thể ra vào Công ty Tango Candy.
“Đến 17g, họ lại tiếp tục đào ống nước, cắt nguồn nước công ty đang sử dụng” - ông Hùng kể.
Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ việc hai bên không thống nhất được với nhau về phí sử dụng cơ sở hạ tầng.
Ngày 1-3, Tango Candy gửi công văn về Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức với nội dung chấp nhận đóng phí với mức 8.500 đồng, tuy nhiên không chấp nhận đóng lãi phạt. Phía Tân Đức không trả lời mà cho người dựng rào chắn, cắt ống nước.
Sau khi đào cắt nguồn nước vào Tango Candy, phía Tân Đức lại có văn bản vào trưa 18-3 gửi đến với nội dung trong thời gian Tango Candy chưa đóng phí này, phía Tân Đức sẽ “ngưng cung cấp nước sạch, xử lý rác, xử lý nước thải, ngưng cung cấp hạ tầng giao thông và ngưng dịch vụ an ninh trật tự”, nếu có thiệt hại Tango Candy tự chịu hoàn toàn trách nhiệm.
“Tango Candy cũng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM. Trong KCN Tân Đức còn bảy doanh nghiệp Nhật khác cũng chung tình trạng đang thỏa thuận phí tương tự, chúng tôi đã đề nghị tỉnh Long An hỗ trợ nhiều lần nhưng chưa được. Vị giám đốc người Nhật của chúng tôi bảo rằng chưa bao giờ thấy cảnh một công ty nước ngoài bị dựng rào chắn, đổ đất đá và đào ống nước cắt nước vào doanh nghiệp một cách thô thiển đến vậy. Những người dẫn đầu đến đào ống nước, đổ đất đá đều mang kính đen như giang hồ, họ lại nhắc đến vấn đề an ninh trật tự để làm áp lực” - ông Hùng nói thêm.
“Tỉnh khó can thiệp”
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Được - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết đây không phải là lần đầu phát sinh mâu thuẫn giữa KCN Tân Đức và các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN này.
Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Long An, KCN Tân Đức bắt đầu hoạt động từ năm 2007, với tổng diện tích 400ha. Hiện tại có 110 doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN này, trong đó có 66 doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Được cho biết theo quy định của pháp luật hiện nay, các cơ quan nhà nước không có thẩm quyền quy định mức phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng mà chỉ có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký phí hạ tầng khu công nghiệp theo kỳ hạn sáu tháng một lần. Nhưng đến nay phía CKN Tân Đức vẫn chưa hề đăng ký mức phí này.
Khi phía KCN Tân Đức đưa ra mức giá 10.018 đồng thì đến nay vẫn còn 33 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở đây vẫn chưa đồng ý đóng theo mức giá này vì cho rằng phí quá cao, trong đó có Tango Candy.
Trước khi xảy ra lùm xùm với Tango Candy, KCN Tân Đức đã từng dựng rào chắn ngăn lối đi của hai doanh nghiệp nước ngoài khác và ngày 8-3, UBND tỉnh Long An đã phải ra văn bản yêu cầu phía Tân Đức phải tháo rào chắn để các doanh nghiệp này hoạt động bình thường.
Sau đó ngày 11-3, UBND tỉnh Long An đã mời đại diện KCN Tân Đức đến làm việc, trên cơ sở vận động, thuyết phục KCN có thể cùng ngồi đàm phán với các doanh nghiệp còn lại để thống nhất mức phí, hướng tới sự phát triển lâu dài.
“Do theo luật định, việc thỏa thuận phí này chỉ từ hai phía doanh nghiệp nên UBND tỉnh không thể giải quyết trực tiếp được. Phía tỉnh chỉ có thể xử lý theo phương thức hòa giải để làm sao không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn. Còn trước mắt, UBND tỉnh Long An sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét việc KCN dựng rào chắn, đào ống cắt nước vào doanh nghiệp để có phương pháp xử lý đúng theo pháp luật quy định. Vào những ngày tới, UBND tỉnh Long An sẽ tiếp tục mời Tân Đức cùng các doanh nghiệp chưa đóng phí làm việc, với mong muốn sẽ hòa giải được vấn đề này. Tạm thời đem lại môi trường làm việc ổn định tại đây” - ông Nguyễn Văn Được nói thêm.
Trao đổi sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiều - trưởng Ban quản lý khu công nghiệp Long An - cho biết do sự việc này có chiều hướng lập đi lập lại và có thể sẽ còn tiếp tục giữa KCN đối với các doanh nghiệp khác, ngày 11-1, Ban quản lý khu kinh tế Long An đã gửi văn bản lên BộKế hoạch và đầu tư về những vướng mắc trong phí sử dụng hạ tầng tại KCN tỉnh Long An.
Trong văn bản này, Ban quản lý khu kinh tế Long An đã “kể” về lùm xùm giữa KCN Tân Đức và các doanh nghiệp một cách cụ thể. Đồng thời cũng nêu rõ Ban quản lý khu kinh tế chỉ có thể tiếp nhận đăng ký theo kỳ hạn, nhưng không hướng dẫn rõ hơn. Trong trường hợp này, hai bên chưa ký được hợp đồng về mức phí hạ tầng nên khi xảy ra tranh chấp cũng không thể khởi kiện ra tòa án được.
“Ban quản lý khu kinh tế lung túng, chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn xử lý theo quy định của pháp luật, kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tưcho ý kiến để thực hiện” - ông Tiều nói thêm về nội dung văn bản.
Tuy nhiên đến nay, Ban quản lý khu kinh tế vẫn chưa có văn bản trả lời từ Bộ Kế hoạch và đầu tư.