Việt Nam hiện vẫn còn dư từ 7,5-7,8 triệu tấn lúa (khoảng 3,7-4 triệu tấn gạo) cho xuất khẩu.
Kết hợp ba bên lấy mẫu hàng hóa ngay tại cảng
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Từ tháng 4-2016, việc lấy mẫu hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tại cảng Cát Lái được thực hiện theo quy chế phối hợp 3 bên: doanh nghiệp cảng, cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan Hải quan.
Kết hợp 3 bên
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Phạm Quốc Hùng, sự phối hợp giữa 3 bên gồm: Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đơn vị điều độ bốc xếp thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành có đặt văn phòng làm việc tại cảng Tân cảng Cát Lái (bao gồm: Cơ quan Thú Y vùng VI, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, Viện Y tế công cộng TP.HCM, Trung tâm Khảo, Kiểm nghiệm và Kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và Công ty Vinacontrol TP.HCM (cơ quan kiểm tra chuyên ngành) trong việc lấy mẫu hàng hóa phục vụ cho công tác kiểm tra chuyên ngành.
Việc lấy mẫu phục vụ cho công tác kiểm tra chuyên ngành được thực hiện theo đúng quy trình nghiệp vụ của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở quy định của các bộ quản lý chuyên ngành cũng như hướng dẫn của Bộ Tài chính tại khoản 3c Điều 31 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25-3-2015.
Công tác phối hợp trao đổi thông tin về những lô hàng phải lấy mẫu tại cảng Cát Lái được thực hiện qua hệ thống mạng công nghệ thông tin sẽ được kết nối giữa cơ quan kiểm tra chuyên ngành, bộ phận điều độ của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1.
Trong giai đoạn chưa có mạng công nghệ thông tin kết nối, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp, nếu lô hàng thuộc diện phải lấy mẫu tại cảng Cát Lái, cơ quan kiểm tra chuyên ngành yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo ngay cho bộ phận Điều độ của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn để bố trí, sắp xếp vị trí lô hàng thuận tiện cho việc lấy mẫu phục vụ kiểm tra chuyên ngành.
Kiểm tra và lấy mẫu cùng lúc
Với vai trò là cơ quan chủ trì, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I sẽ có những giải pháp hỗ trợ tích cực cho các đơn vị có liên quan trong việc lấy lấy mẫu. Theo đó, đối với những lô hàng thuộc danh mục lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành tại cảng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chỉ cho mang hàng về bảo quản sau khi cơ quan kiểm tra chuyên ngành đã lấy mẫu và việc giải quyết cho doanh nghiệp mang hàng về bảo quản chờ kết quả KTCN.
Đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành tại cảng đồng thời Hải quan phải kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thời gian xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế cho công chức Hải quan được phân công và nhân viên lấy mẫu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại cảng Tân Cảng Cát Lái để các bên phối hợp thực hiện việc kiểm tra hàng và lấy mẫu cùng một lúc để không gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng thuộc diện lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành tại cảng và pháp luật về kiểm tra chuyên ngành có quy định cơ quan Hải quan phối hợp lấy mẫu, công chức Đội Giám sát phối hợp chứng kiến việc lấy mẫu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cùng lập biên bản lấy mẫu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc lấy mẫu tại cảng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thường trực tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp nhập khẩu hoặc từ mạng công nghệ thông tin kết nối những lô hàng nhập khẩu phải lấy mẫu tại cảng Cát Lái để phục vụ cho công tác kiểm tra chuyên ngành. Thông tin này do doanh nghiệp nhập khẩu hoặc từ cơ quan kiểm tra chuyên ngành cung cấp để vận chuyển container đến khu vực tập trung riêng trong cảng hoặc ở những vị trí thuận tiện cho việc lấy mẫu. Đồng thời, cập nhật thông tin về vị trí các lô hàng này lên mạng công nghệ thông tin kết nối để doanh nghiệp và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành biết và phối hợp thực hiện.
Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cung cấp danh mục mặt hàng có thể lấy mẫu được tại cảng để cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp nhập khẩu biết nhằm chủ động chuẩn bị phối hợp lấy mẫu.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, nếu lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành có thể lấy mẫu tại cảng, cơ quan kiểm tra chuyên ngành đề nghị doanh nghiệp phải thông báo ngay cho cơ quan kinh doanh cảng để sắp xếp vị trí lô hàng thuận lợi cho việc lấy mẫu. Trong trường hợp có yêu cầu việc lấy mẫu phải có sự chứng kiến của đại diện Hải quan thì cơ quan kiểm tra chuyên ngành chỉ thực hiện việc lấy mẫu khi có sự chứng kiến của đại diện Hải quan và cùng lập biên bản lấy mẫu.
Lê Thu
(Theo Báo Hải Quan)