tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

FTA Việt Nam- EU: Một cảnh báo cần thiết

  • Cập nhật : 06/04/2016

(Tin kinh te)

Một chuyên viên của tổ chức ActionAid vừa đưa ra lời cảnh báo, rằng hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có thể đưa Việt Nam vào thế mắc kẹt chỉ phát triển mạnh các ngành nghề thâm dụng lao động giá rẻ, tay nghề thấp.

hiep dinh thuong mai tu do giua viet nam va eu co the dua viet nam vao the mac ket chi phat trien manh cac nganh nghe tham dung lao dong gia re, tay nghe thap chu khong phai cac nganh co gia tri gia tang cao nhu o to. anh: nhieu dong xe sang nhap khau tu khu vuc chau au tai mot trien lam o to tai tphcm - anh quoc hung. 

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có thể đưa Việt Nam vào thế mắc kẹt chỉ phát triển mạnh các ngành nghề thâm dụng lao động giá rẻ, tay nghề thấp chứ không phải các ngành có giá trị gia tăng cao như ô tô. Ảnh: Nhiều dòng xe sang nhập khẩu từ khu vực châu Âu tại một triển lãm ô tô tại TPHCM - Ảnh Quốc Hùng. 

Đó là bởi các điều khoản của hiệp định sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển ngành dệt may, da giày chứ không phải các ngành sản xuất cơ khí đòi hỏi tay nghề cao. Mặt khác, áp lực từ các nhãn hàng may mặc hay giày dép sẽ buộc các doanh nghiệp gia công cạnh tranh giảm giá, gây sức ép lên tiền công lao động, điều kiện làm việc như từng xảy ra ở các nước như Bangladesh.

Thật ra, không đợi tới hiệp định thương mại tự do ký với EU hay ngay cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), TBKTSG từ trước đó đã nhiều lần đăng tải các ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về nguy cơ “cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do”, GS. Trần Văn Thọ từng viết trên TBKTSG trong bài Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020. “Nguy cơ của hiện tượng tự do hóa mậu dịch này là cơ cấu lợi thế so sánh của Việt Nam có thể sẽ bị cố định hóa, không thể chuyển dịch lên cao hơn. Chúng tôi gọi đây là cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do mà Việt Nam sẽ trực diện trong vài năm tới. Nếu không có chiến lược, biện pháp mạnh mẽ để thoát khỏi cái bẫy này, Việt Nam sẽ mãi mãi là nước sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu, nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp dùng lao động giản đơn”.

Đúng là khi nói về những điều lợi cho Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là với TPP, các phân tích đều nhấn mạnh tới cơ hội tăng mạnh xuất khẩu hàng dệt may và da giày với những con số cụ thể giữa có và không có TPP và các cột mốc 2025, thậm chí là 2035. Nhưng không lẽ 10 năm hay 20 năm nữa Việt Nam vẫn cứ dựa vào các ngành gia công, tiền lời rẻ mạt để phát triển. Không lẽ số phận con cái của người công nhân hôm nay đang vắt kiệt sức trên dây chuyền may quần áo hay đóng giày để có tiền cho con ăn học vẫn tiếp tục nghề của bố mẹ?

Thoát ra hay mắc kẹt trong cái bẫy mậu dịch tự do hoàn toàn do chúng ta chứ không do bản thân các hiệp định này. Như Thứ trưởng Bộ Công Thương, trưởng đoàn đàm phán TPP Trần Quốc Khánh phát biểu tại TPHCM, tất cả các cơ hội với TPP hiện nay đều được xây dựng trên các giả định và nếu giả định đó thay đổi thì cơ hội của chúng ta sẽ thay đổi theo dù ta đã có TPP.

Vẫn còn đó cơ hội nhờ các hiệp định thương mại tự do mà các tập đoàn lớn như hãng Apple dự định đầu tư cả tỉ đô la vào Việt Nam để xây dựng một trung tâm dữ liệu phục vụ cho cả châu Á. Nhưng để biến các dự định này thành hiện thực, một trong những yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực - làm sao để lợi thế cạnh tranh không còn là lao động giá rẻ mà là lao động có tay nghề. Bởi nếu không cũng có thể sẽ có những trung tâm nghiên cứu phát triển như thế của nhiều tập đoàn lớn nhưng sẽ sử dụng nhân lực từ các nước ASEAN khác - một hiện tượng đã xuất hiện ở ngay cả các doanh nghiệp lớn trong nước, phải cắn răng thuê nhân sự nước ngoài vì người trong nước chưa đáp ứng tốt yêu cầu của công việc.

Theo thesaigontimes.vn
Trở về

Bài cùng chuyên mục