tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu điều gặp khó do nguyên liệu

  • Cập nhật : 06/04/2016

(Tin kinh te)

Ngoài việc ổn định nguồn nguyên liệu, DN nên hợp tác với nhau, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm…

Điệp khúc trồng - chặt

Cùng với cao su, hồ tiêu và cà phê, thì điều cũng là một loại cây trồng công nghiệp chiến lược của Việt Nam. Hiện, cây điều đang được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu… Những năm gần đây, giá điều trên thị trường luôn sụt giảm, khiến nhiều người không còn mặn mà với cây trồng này nữa.

Thậm chí, khi giá trên thị trường xuống thấp ở mức 10 đến 15 nghìn đồng/kg, nhiều nông dân đã chặt bỏ điều để trồng những cây công nghiệp có giá trị cao hơn như hồ tiêu, cà phê…

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên diện tích trồng điều đang giảm dần trong thời gian gần đây. Theo đó, hiện cả khu vực chỉ còn khoảng 75 nghìn ha trồng điều. Trong đó, Đắk Lắk giảm từ 45 nghìn ha xuống còn khoảng hơn 22 nghìn ha, Gia Lai cũng chỉ còn xấp xỉ khoảng 20 nghìn ha, hay tỉnh Đắk Nông cũng chỉ khoảng 24 nghìn ha…

nguoi mua can nhac nguon tien xay dung du an truoc khi quyet dinh mua

Người mua cân nhắc nguồn tiền xây dựng dự án trước khi quyết định mua

Tuy nhiên, sau một thời gian “lao dốc” thì đến đầu năm 2016, giá điều trên thị trường lại đang có dấu hiệu tăng mạnh. Ở thời điểm đầu mùa vụ, các thương lái đã đến tận nhà vườn thu mua với giá lên đến 32 nghìn đồng/kg. Ông K’ Bang ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết, gia đình trồng 1,2 ha điều, năng suất đạt khoảng 1,5 tấn cho thu nhập ổn định.

Những năm gần đây, cây điều bắt đầu nhiễm bệnh, sâu mọt đục khoét, cây chết dần, giá cả bấp bênh, gia đình quyết định bỏ thêm cây điều, chuyển sang trồng hoa màu. Năm nay giá điều bỗng lên cao, khiến gia đình ông vừa mừng vừa… tiếc! Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Bích, ở xã Đắk Ru cũng có khoảng 1 ha trồng điều, trung bình mỗi năm thu khoảng gần 1,5 tấn hạt.

Thế nhưng, do giá cả bấp bênh, đặc biệt có thời điểm giá điều tươi chỉ được các thương lái thu mua với giá 10 nghìn đồng/kg, nên gia đình đã chặt bỏ một nửa diện tích. Hiện giờ, mức giá lên đến hơn 30 nghìn đồng/kg, khiến gia đình bà “tiếc hùi hụi”. Bà Bích chép miệng: “Với mức giá cao như hiện nay, giờ đây tôi mới nhận thấy việc phá bỏ cây điều là một quyết định sai lầm!”.

Giá điều trên thị trường tăng đang là tín hiệu vui cho người nông dân. Thế nhưng, điều này cũng đang đặt ra những bài toán khó cho nông dân, và cả các cơ quan chức năng, bởi điệp khúc trồng - chặt luôn lặp đi lặp lại. Thực tế những năm gần đây, ở khu vực Tây Nguyên từng rơi vào vòng luẩn quẩn trồng, chặt đủ thứ cây, trong đó có cây điều, mặc dù, nó được xem là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, dễ trồng trên nhiều loại đất, chi phí chăm sóc cũng rất ít…

Hiện trên thị trường, giá cao su đang rớt, trong khi giá điều đang ở mức hấp dẫn, nhiều người lại lo ngại điệp khúc chặt cao su để trồng cây điều có thể lại tái diễn trong thời gian tới… Do vẫn còn xu hướng trồng theo phong trào, nên cây điều cũng như một số cây công nghiệp khác vẫn phát triển một cách tự phát, thiếu ổn định…

Gây khó cho DN

Việc nguồn nguyên liệu trong nước thiếu sự ổn định đã và đang gây khó cho ngành chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam. Mặc dù, Việt Nam đang là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu điều trên thế giới. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), 2015 là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điều (dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm phụ) đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD. Hiện hạt điều Việt Nam chiếm trên 50% thị phần giao dịch thương mại điều toàn cầu.

Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm sút. Theo đó, khối lượng xuất khẩu hạt điều 3 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt khoảng 55 nghìn tấn với 416 triệu USD, giảm 1,7% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Nhiều DN chế biến, xuất khẩu điều đang lâm vào cảnh khó khăn. Trường hợp của CTCP Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận là một minh chứng.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Trần Vĩnh Long thừa nhận, DN này đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. Năng lực dây chuyền sản xuất của DN đạt 60 tấn ngày, nhưng thời gian gần đây chỉ sản xuất cầm cự khoảng 25 tấn/ngày. Bù đắp vào nguồn nguyên liệu thiếu hụt từ trong nước, công ty đang phải nhập khẩu hạt điều từ các nước châu Phi như, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana…

Ở trong nước, mỗi năm DN chỉ thu mua được khoảng 1 nghìn đến 1,5 nghìn tấn, trong khi nhập khẩu lên đến 4 nghìn tấn. Cũng theo ông Long, do nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định, một số đại lý còn pha trộn thêm quả non, quả còn cuống.

Do vậy, DN đã khó nay lại càng khó khăn hơn về nguyên liệu. Ở thị trường châu Phi, ông Trần Vĩnh Long cho biết thêm, thời gian gần đây một số DN từ trong nước đã sang tận châu Phi để thu gom hạt điều, rồi bán lại cho các DN khác. Điều này đã dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán nguồn nguyên liệu hạt điều ngay từ ở nước ngoài. Việc cạnh tranh không lành mạnh ngay từ khâu nguyên liệu đã khiến chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều.

Nhiều DN nhỏ, không đảm bảo các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng tham gia xuất khẩu, gây thiệt hại chung cho ngành xuất khẩu điều của Việt Nam. Đã có thời điểm, Vinacas  phải lên tiếng khuyến cáo các đối tác nước ngoài, nên mua hàng của những DN có thương hiệu, uy tín trên thị trường, bảo đảm các điều kiện đặc biệt về vệ sinh thực phẩm.

Do vậy, để gỡ khó cho ngành điều, các địa phương cần có những quy hoạch, ổn định vùng nguyên liệu điều, tránh tình trạng quẩn quanh trồng-chặt. Về phía các DN chế biến, xuất khẩu điều cũng cần nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, từ đó hướng tới chế biến sâu nhằm mang lại gia trị gia tăng cao hơn, thay vì chủ yếu là sơ chế rồi xuất khẩu như thời điểm hiện nay…


Nghi Lộc
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục