Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), càng về cuối năm, giá trị xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam càng tăng. Tuy nhiên, so với năm trước, giá trị xuất khẩu vẫn thấp hơn.
Bớt thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu
- Cập nhật : 24/09/2015
(Tin Kinh Te)
Hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường không yêu cầu kiểm dịch thực vật sẽ không phải nộp giấy kiểm dịch thực vật cho cơ quan hải quan khi thông quan.
Dự kiến việc kiểm dịch cà phê xuất khẩu đi một số thị trường sẽ được bãi bỏ. Trong ảnh: thu hoạch cà phê tại Tây nguyên - Ảnh: Tiến Thành
Ông Hoàng Trung, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT, khẳng định như vậy tại hội thảo “Vấn đề kiểm dịch đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 23-9 tại TP.HCM.
Ông Trung cũng cho biết sẽ sớm làm việc với cơ quan hải quan để giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo ông Trung, quy định kiểm dịch hàng hóa trước khi xuất khẩu áp dụng từ tháng 1-2015 theo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Sở dĩ có quy định này là do mỗi năm đơn vị nhận được khoảng 400 thông báo từ các nước nhập khẩu về tình trạng hàng xuất khẩu từ VN không đạt chuẩn, có nguy cơ mầm bệnh... đồng thời hạn chế các rủi ro cho doanh nghiệp khi bị đối tác trả hàng, không thanh toán.
Tuy nhiên, trên thực tế khi ban hành, danh mục hàng hóa chỉ có ba tờ, rất ngắn vì cụ thể hóa rõ ràng hơn nhưng trong quá trình triển khai mới phát sinh đủ thứ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và nhất trí loại bỏ những mặt hàng không còn nguy cơ và không để cụm từ “hay các loại khác” trong văn bản” - ông Trung khẳng định.
Ông Trung nhấn mạnh thay đổi này chỉ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào những nước nhập khẩu không yêu cầu kiểm dịch thực vật. Còn những nước có yêu cầu thì vẫn phải làm bởi trong kiểm dịch thực vật không có chuyện các nước công nhận kết quả lẫn nhau, đây cũng là lĩnh vực không thể kiểm tra xác suất vì về nguyên tắc phải kiểm tra kiểm dịch theo yêu cầu nước nhập khẩu trên từng lô hàng.
Trước đó, Hiệp hội Cà phê ca cao cũng đã đề nghị cho miễn thủ tục kiểm dịch với cà phê nhân (93% xuất khẩu) với những nước không yêu cầu kiểm dịch nhưng chưa được giải quyết.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn dự án GIG, cho biết qua khảo sát với khoảng 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho thấy bức xúc nhiều nhất với quy định hàng hóa gồm các mặt hàng nông lâm sản như điều, tinh bột sắn, dăm gỗ, cà phê... phải kiểm dịch trước khi xuất khẩu.
Trong đó, có nhiều đơn hàng phía nước nhập khẩu không yêu cầu quy định trên làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Nhiều trường hợp kiểm dịch mang nặng tính hình thức, thời gian kiểm dịch kéo dài, có mặt hàng như sữa, nước giải khát khoảng 7 - 10 ngày. Đa số doanh nghiệp được khảo sát (84%) cho rằng thời gian kiểm dịch không nhanh hơn, thậm chí chậm hơn thời điểm trước năm 2015.
Thực tế, quy định bắt buộc kiểm dịch đối với hàng xuất khẩu vô tình làm khó doanh nghiệp khi lô hàng được hải quan cửa khẩu phân luồng xanh phải chuyển sang luồng vàng.
Bà Mai Thị Huyền, đại diện Công ty TNHH Dakman VN (Đắk Lắk), cho rằng không có yêu cầu nộp giấy kiểm dịch thực vật thì công ty cũng phải tự kiểm dịch hàng hóa của mình, nếu không đối tác cũng không chịu thanh toán.
Tuy nhiên, với quy định hiện nay đơn vị phải trực tiếp mang đơn xin kiểm dịch thực vật đến hải quan, chờ cán bộ hải quan xem xét đủ thủ tục trước khi cho thông quan.
Theo Tuổi Trẻ