tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường dầu mỏ thế giới 4 năm qua nhìn lại

  • Cập nhật : 25/10/2018

Những biến động trên thị trường dầu mỏ trong 4 năm vừa qua có liên quan rất chặt chẽ tới các yếu tố kinh tế và chính trị.

thi truong dau mo the gioi 4 nam qua nhin lai

Thị trường dầu mỏ thế giới 4 năm qua nhìn lại

Đã có những bước ngoặt lớn, giá từ mức đỉnh cao trên 100 USD/thùng cuối năm 2013 lao dốc mạnh bắt đầu từ 2014, kéo dài tới cuối 2015 (chỉ quanh 30 USD/thùng) nhưng đảo chiều hồi phục cũng khá nhanh kể từ giữa năm 2017. Tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế toàn cầu, nhất là những nước sản xuất dầu.

Giá mỗi thùng dầu đã thêm 15 – 20% từ đầu năm tới nay, “chủ yếu do những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, và bởi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Iran khiến dòng chảy dầu từ quốc gia này tới các thị trường nhập khẩu giảm dần”, theo thông tin từ Reuters.

Dầu thô Brent biển Bắc – tham chiếu cho thị trường dầu thô toàn cầu – mới đây đã lên mức cao nhất 4 năm là 78 USD/thùng, nhưng sau đó lại giảm xuống vì tâm lý lo ngại tăng lên sau khi thời hạn Mỹ quyết định áp thuế mới lên khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang đến gần.

Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhắm vào Iran đã ngăn giá dầu giảm sâu bởi việc trừng phạt sau khi chính thức có hiệu lực (tháng 11/2018) sẽ khiến nguồn cung trên thị trường bị thắt chặt hơn.

Có vẻ Tehran sẽ rất khó “cựa” khi Mỹ quyết tâm cấm vận dầu xuất khẩu của nước này (“thực tế tới nay đã chứng tỏ điều đó”, chuyên gia Gregory Brew của Oil Price cho biết), nhưng đồng thời điều này cũng cản trở nỗ lực của Nhà Trắng trong việc cản đà tăng của giá dầu.

Được biết, vào tháng 6/2018, sau lời yêu cầu của chính quyền của ông Trump, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí nâng sản lượng thêm 708.000 thùng/ngày để kiểm soát ngăn giá tăng mạnh.

Tuy nhiên, OPEC đã khiến cho thị trường bất ngờ khi Saudi Arabia lại hạ sản lượng dầu trong tháng 7/2018 để tránh tái diễn tình trạng dư cung.

CNBC dẫn các nguồn tin ngành dầu cho hay, nguyên nhân là bởi “Saudi Arabia muốn giá dầu trong thời gian này trong khoảng 70 đến 80 USD/thùng, vì nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này đã đạt được sự cân bằng giữa tối đa hóa mức thu nhập của mình và làm cho giá dầu hạ cho đến đợt bầu cử quốc hội ở Mỹ”.

Mặc dù có kế hoạch nâng sản lượng, song công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco của Saudi Arabia cho biết họ “cũng muốn giữ giá dầu ở mức càng cao càng tốt (trong giới hạn không làm “mất lòng” Washington), vì họ cần tiền cho hàng loạt các dự án phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, muốn có nhiều tiền thì khai thác nhiều dầu, nhưng có nhiều dầu thì giá lại giảm. Tạp chí Wall Street Journal ước tính sản lượng trong tháng 8/2018 không thay đổi, song “có dấu hiệu cho thấy “Sản lượng của OPEC tăng sẽ khiến giá giảm mặc dù nguồn cung từ Iran có nguy cơ bị co thắt lại”, và nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu năm 2019 sẽ giảm liên quan tới nguồn cung tăng từ OPEC, nhất là từ Saudi Arabia.

Vì sao giá dầu giảm sâu trong năm 2014?

Hiện giá dầu thô quanh mức 75 USD/thùng, song vẫn thấp hơn nhiều so với những ngày đầu tháng 6/2014, khi giá dầu Brent lên tới 115 USD/thùng.

Năm 2014 có thể coi là cơn chấn động của thị trường dầu mỏ thế giới, khi giá giảm tới khoảng 40% chỉ trong vòng 7 tháng cuối năm, và tiếp tục giảm xuống chỉ 36,05 USD/thùng vào đầu năm 2015.

Trên tờ Washington Post. Chuyên gia Robert J Samuelson viết rằng sự “sụp đổ” giá phaafnlowns phản ánh nguồn cung tăng quá nhiều mà nhu cầu lại thay đổi quá ít.

Sự thành công của Mỹ trong việc khai thác dầu đá phiến đã khiến sản lượng của nước này tăng 3,5 triệu thùng/ngày so với năm 2008, đúng thời điểm nhu cầu dầu toàn cầu ít hơn dự đoán và Mỹ (khi đó Barack Obama làm Tổng thống) xóa bỏ trừng phạt kinh tế đối với Iran. Tất cả đồng loạt gây áp lực giảm mạnh giá dầu.

Sự thay đổi trong cán cân cung – cầu, dù là thay đổi rất nhỏ, cũng có thể gây ra những biến động lớn về giá. Và theo ông Samuelson, “Dư thừa (chút ít) và thiếu hụt (chút ít) có thể khiến giá biến động không nhỏ, bởi nhu cầu của người tiêu dùng – trong ngắn hạn – gần như không thay đổi”.

Những hậu quả từ biến động giá dầu

Giá dầu giảm cho thấy có sự chuyển giao sức mạnh trên quy mô lớn từ người sản xuất sang cho người tiêu dùng, mà theo nhà kinh tế Edward Yardeni thì ước tính khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm.

Trong một bài viết vào tháng 12/2014, ông Samuelson cho biết: “Mặc dù những tác động tưởng như mơ hồ - một phần vì không rõ giá dầu sẽ biến động ra sao – nhưng hậu quả có thể cản trở sự hồi phục kinh tế cũng như gây ra những bất ổn chính trị ở một số nước xuất khẩu lớn, như Nigeria, Venezuela, Nga hay Iran”.

Chưa thấy nơi nào mà giá dầu giảm lại có tác động tới chính trị mạnh hơn là ở Venezuela. Theo Reuters, sản lượng dầu của quốc gia này đã giảm một nửa kể từ đầu những năm 2000, xuống hiện chỉ 1,5 triệu thùng/ngày, do thiếu đầu tư vào hạ tầng cơ sở ngành khai thác và chế biến đầu.

Vào đúng thời điểm giá dầu giảm, Chính phủ của ông Nicolas Maduro đã buộc phải cắt giảm đáng kể mức chi tiêu công, dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng các loại thực phẩm và thuốc men, gây sự phẫn nộ trong công chúng, và đưa đất nước đến bờ vực nội chiến.

Còn ở những nơi khác, như Nigeria hay Nga, mặc dù tác động không mạnh như ở Nigeria song những năm gần đây đã bộc lộ bị ảnh hưởng nhiều. Những quốc gia này còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ nên khi nguồn thu này giảm thì kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo.

Nhưng khi giá dầu tăng cao kéo dài cũng gây những “rủi ro lớn” đối với Ấn Độ trong việc phát triển kinh tế, chuyên gia Guarav Sharma của Forbes cho biết.

“Với sự bùng nổ các ngành sản xuất, đồng thời sự phát triển mạnh của các ngành công nghệ và dịch vụ, kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng tốt khi giá dầu rẻ (khi dầu Brent trên dưới 30 USD/thùng vào giai đoạn 2015 – 2016). Nhưng giai đoạn sau trở nên khó khăn hơn, vì nước này phải phụ thuộc tới 82% vào dầu thô nhập khẩu”, ông Sharma cho biết.

Theo đánh giá của Fitch, nền kinh tế Ấn Độ có khả năng phục hồi và chịu được cú sốc giá dầu trong vài tháng, nhưng nếu giá dầu duy trì ở mức cao kéo dài (trên 2-3 tháng) thì “sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả lĩnh vực kinh tế vĩ mô chủ chốt như tài khoản vãng lai, tiền tệ, lạm phát, lãi suất, thâm hụt ngân sách, tăng trưởng GDP và cả chính sách tiền tệ ”.

Rộng hơn nữa, trên phạm vi toàn cầu cũng có những lo ngại khi giá xăng dầu điều chỉnh theo xu hướng tăng trong 6 tháng qua, bởi nó có thể châm ngòi cho kinh tế suy thoái trở lại.

CNBC nhận định rằng: “điều này không bất ngờ đối với bất cứ nhà đầu tư nào”, bởi 5 đợt suy thoái gần đây nhất của Mỹ đều bắt đầu khi giá dầu tăng cao.

Tương lai của thị trường dầu mỏ?

Nội bộ OPEC đang bất đồng ý kiến khi Iran muốn giá dầu khoảng 60 -65 USD/thùng trong khi Saudi Arabia muốn khoảng 80 USD/thùng.

Những “ẩn số” lớn nhất có thể ảnh hưởng tới nguồn cung và đẩy giá tăng bao gồm tình hình chính trị xấu đi nữa ở Venezuela và tác động của việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Bộ trưởng Dầu mỏ Nga, Alexander Novak, tin rằng những trừng phạt này có thể khiến giá dầu tăng thêm khoảng 5 – 7 USD mỗi thùng.

CNN Money thì cho rằng điều đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung (giảm tới 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày).

Mặc dù một số đồng minh của Mỹ, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, dự kiến sẽ tuân thủ việc cắt đứt nhập khẩu dầu Iran, nhưng không loại trừ khả năng EU và Trung Quốc bị ràng buộc bởi những thỏa thuận và quyết định sẽ không tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran.

Theo tờ The Times, bất chấp lời cảnh báo của ông Trump, Trung Quốc và Nga vẫn “chưa có kế hoạch hợp tác với Mỹ trong việc trừng phạt kinh tế lên Iran, trong bối cảnh cả 2 nước đang theo đuổi chính sách tăng cường thương mại và ảnh hưởng của mình với quốc gia Trung Đông”.

Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, tăng trưởng nguồn cung đang chậm lại, Bloomberg dẫn lời giám đốc nghiên cứu của Goldman Sachs, Michele Della Vigna cho biết, và thêm rằng: “thị trường dầu đang “ngốn rất nhanh” thể hiện ở công suất sản xuất nhàn rỗi của OPEC, vậy nên chúng tôi tin rằng “thị trường dầu đang tiến tới tình trạng nguồn cung rất khan hiếm”.

Những bất ổn tiếp diễn trên toàn cầu khiến bất cứ quan sát viên nào có kinh nghiệm đều nhận định sắp tới sẽ là giai đoạn biến động rất mạnh.

Tom Kloza, người đồng sáng lập Oil Price trả lời phỏng vấn của CNBC cho biết, giá dầu có thể giảm xuống 50 USD/thùng, nhưng hoàn toàn cũng có thể lên trên 100 USD/thùng.

Theo ông Kloza, trong vài tuần tới giá dầu thô có thể tăng lên, nhưng cả yếu tố chính trị lẫn trong nước ở Mỹ và quốc tế đều có thể khiến giá dầu nhanh chóng giảm xuống vào tháng 11 tới, trước khi lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran có hiệu lực.

Còn về tương lai xa hơn, Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc về động lực tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2024, và điều sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các dự báo về mặt hàng này.

Tập đoàn nghiên cứu tư vấn Wood Mackenzie cho hay, nhu cầu dầu của Ấn Độ dự báo sẽ tăng thêm 3,5 tỷ thùng/ngày trong giai đoạn từ 2017 đến 2035, tức là sẽ chiếm 1/3 tổng mức tăng nhu cầu của mặt hàng này trên toàn cầu.

CNBC cho biết, yếu tố quan trọng ở đây là tầng lớp trung lưu nước này tăng trưởng rất nhanh, và kinh tế mạnh lên cần rất nhiều năng lượng.

Còn về Trung Quốc – nước hiện đang tiêu thụ nhiều dầu thứ 2 thế giới – nhu cầu có thể sẽ giảm đi. Năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng dự báo nhu cầu sẽ giảm dần từ 2024 đến 2035, theo nhận định của Sushant Gupta, giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie.

Trả lời phỏng vấn của CNBC, ông Gupta cho rằng sẽ có 2 xu hướng: (1) các nguồn năng lượng thay thế như điện và khí tự nhiên đang dần thay thế nhu cầu xăng và dầu diesel, và (2) hệ thống vận chuyển hàng hóa ngày càng hiệu quả hơn và số lượng xe chạy bằng điện ngày càng nhiều cũng khiến nhu cầu dầu chậm dần lại.

Nguồn: TheWeek/Vinanet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục