Ba yếu tố hỗ trợ đợt tăng giá vàng sau cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008 cho đến khi đạt đỉnh cao lịch sử trong năm 2011 có thể trở lại trong năm nay.
Giá đất hiếm nguy cơ tăng vọt do Trung Quốc kiềm chế xuất khẩu
- Cập nhật : 26/10/2018
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện việc hạn chế sản xuất đất hiếm trong 6 tháng cuối năm 2018, động thái có khả năng làm tê liệt xuất khẩu mặt hàng này và gây nguy cơ đẩy giá tăng vọt và các nhà sản xuất ô tô điện và đồ điện tử sẽ phải "đào xới cả trái đất" để tìm kiếm nguồn cung khác thay thế Trung Quốc.
Theo công ty nghiên cứu về đất hiếm Adamas Intelligence, trong 6 tháng cuối năm 2018, hạn ngạch đất hiếm của Trung Quốc giảm khoảng 36% trong bối cảnh Chính phủ nước này nỗ lực kiểm soát chất lượng môi trường.
Hạn ngạch sản xuất của nước này trong nửa đầu năm 2018 là 70.000 tấn, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng nửa cuối năm 2018 chỉ còn 45.000 tấn, thấp nhất trong vòng hơn 5 năm và chỉ đủ cuntg cấp cho các khách hàng nội địa của nước này.
Trong khi đó, ngành xe điện của Trung Quốc đang rất phát triển, và việc Trung Quốc tăng cuồng xuất khẩu xe điện ra thị trường quốc tế khiến cho thị trường đất hiếm sẽ càng nóng hơn. Chuyên gia Ryan Castilloux của Adamas Intelligence dự báo giá đất hiếm có thể sẽ tăng 10 – 50% trong vòng 12 tháng tới, và thậm chí sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới do cầu vượt cung.
Xuất khẩu từ Trung Quốc thường đáp ứng khoảng 80% tổng nhu cầu đất hiếm toàn cầu – khoảng 156.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng có xu hướng dao động mạnh qua mỗi tháng.
Các khoáng chất đất hiếm có mặt ở khắp các sản phẩm gắn liền với cuộc sống hàng ngày của con người như điện thoại di động, tivi, máy sấy tóc, lò vi sóng, xe điện... và phần lớn các khoáng chất đất hiếm đều do Trung Quốc cung cấp.
Đất hiếm trở thành cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa các siêu cường, trong đó có cả Nhật Bản, Australia với nền công nghệ đồ sộ. Với vị thế độc quyền, năm 2010, Trung Quốc đã khôn ngoan lợi dụng điều đó để tăng giá đất hiếm, đồng thời cấm xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản, sau một vài xung đột biên giới. Thời điểm ấy, giá đất hiếm đột nhiên tăng vọt.
Trong các loại đất hiếm, ít nhất có 96% loại quan trọng nhất hiện đang được khai thác và sản xuất tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã thông qua công tác quản lý, kiểm soát để hạn chế xuất khẩu sản lượng đất hiếm, tạo điều kiện cho ngành chế tạo của họ.
Tác động đến Mỹ
Quân đội Mỹ đã lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm, gọi đó la “rủi ro lớn và ngày càng tăng lên” vì Bắc Kinh có thể sử dụng vị thế gần như độc quyền trên thị trường đất hiếm như là một trong những “vũ khí chiến lược” để đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Trung Quốc có thể ngừng xuất khẩu đất hiếm để gây rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất của các công ty công nghệ Mỹ bị tê liệt.
Còn nhớ vào ngày 15/12/2010, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã phát đi cảnh báo về sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm của Trung Quốc, báo cáo này còn dự báo thời gian phụ thuộc ít nhất 15 năm tới, tức là đến năm 2025. Bản báo cáo của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã phản ánh một quan điểm mới, đó là Mỹ cần sở hữu nguồn đất hiếm để đảm bảo khả năng sống còn của ngành chế tạo năng lượng xanh của Mỹ. Bản báo cáo này đã đánh giá khá bi quan về khả năng Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Đó là vấn đề rất quan trọng vào lúc này, liệu Trung Quốc có ngưng bán đất hiếm cho Mỹ nếu như ông Trump tiếp tục kích hoạt gói thuế mới đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc?
Gần đây, các nước công nghệ cao không chịu bó tay trước nghịch cảnh phụ thuộc. Ngay sau khi Trung Quốc tăng giá đất hiếm, nhiều nước đã tự sản xuất nguồn nguyên liệu này.
Mỹ, Australia và Nhật đã làm giảm con số nắm giữ thị phần đất hiếm của Trung Quốc xuống 70% vào năm 2014. Ví dụ như ngành lọc hóa dầu giảm sử dụng đất hiếm từ 5% xuống 1,5%; Công ty Honda (Nhật) trình làng động cơ không sử dụng đất hiếm của Trung Quốc… Song song với đó là sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp tái chế.
Mặc dù vậy, tính đến cuối năm 2017 có tới 78% lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ từ Trung Quốc. Tân Hoa Xã đã từng bình luận rằng: "Nếu không có đất hiếm từ Trung Quốc, hơn 80% thiết bị quân sự của Mỹ sẽ không hoạt động được, chỉ như vật trang trí".
Tác động đến Nhật Bản
Nhật Bản cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc. Hôm 10/4 các nhà nghiên cứu Nhật công bố họ phát hiện ra dự trữ đất hiếm có khối lượng tương đương với vài trăm năm tiêu thụ của toàn cầu gần đảo Minami-Torishima.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra dự trữ đất hiếm khối lượng 16 triệu tấn dưới đáy biển gần Minami-Torishima, khá xa về hướng Đông Nam với những đảo chính của Nhật. Dự trữ đất hiếm có chứa hàng trăm năm dự trữ dysprosium và yttrium – những thành tố quan trọng khi sản xuất xe ô tô điện lai xăng và máy laser.
Chuyên viên nghiên cứu đại học Waseda, ông Yutaro Takaya, và giáo sư tại đại học Tokyo, ông Yasuhiro Kato dẫn đầu nhóm nghiên cứu này. Theo lý giải của ông Kato, đất hiếm thường được tìm thấy kèm với nhiều yếu tố phóng xạ kiểu như uranium, đây cũng chính là lý do tại sao việc khai thác đất hiếm bên ngoài Trung Quốc rất khó khăn. Và đất hiếm tìm thấy ở Minami-Torishima sạch, điều đó đồng nghĩa với việc khai thác chúng sẽ không gây ra những quan ngại về môi trường.
Tuy nhiên, dự trữ đất hiếm này nằm ở vị trí quá sâu. Dự trữ mới nằm ở độ sâu lên đến 5.600 mét và công nghệ hiện tại chưa đủ khả năng khai thác đến độ sâu này. Các nhà khoa học sẽ phải tính rất nhiều đến việc làm cách nào để khai thác chúng.
Chuyên viên nghiên cứu tại Market Risk Advisory, ông Naohiro Niimura, chỉ ra: “Nghiên cứu mới của Nhật sẽ không thể ảnh hưởng gì đến thị trường đất hiếm”. Khu vực Minami – Torishima đã thu hút sự chú ý trong gần 10 năm qua, tính từ khi cuộc khủng hoảng đất hiếm xảy ra do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu ra thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công nghệ nào khai thác đất hiếm từ khu vực nước quá sâu.
Và chính những nhà sử dụng đất hiếm cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào kim loại này. Nhằm ngăn chặn sự gián đoạn nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm từ Trung Quốc, hãng Toyota cho biết họ đã lên kế hoạch phát triển động cơ điện đầu tiên trên thế giới sử dụng nam châm với lượng neodymium chỉ còn một nửa.Kế hoạch này sẽ được thương mại hóa cho các động cơ điện vào nửa đầu năm 2020 và các loại xe điện trong vòng một thập kỷ tới. Các kim loại hiếm hiện chiếm gần 30% các nguyên tố trong nam châm dùng cho động cơ xe điện và xe hybrid.
Phần lớn trong số này là neodymium, giúp nam châm có thể chịu nhiệt độ cao được tạo ra trong khi xe chạy. Nam châm mới của Toyota sẽ thay thế neodymium bằng những nguyên tố đất hiếm khác dồi dào và rẻ hơn như Xeri và Lantan.
Khi các nguyên tố này trao đổi độc lập, nó sẽ làm suy giảm hiệu suất của nam châm, đặc biệt là ở nhiệt độ cao. Do đó, Toyota vẫn áp dụng công nghệ cấu trúc nam châm 2 lớp độc quyền để đảm bảo nam châm mới vẫn giữ được tính từ và chịu nhiết tốt như những sản phẩm hiện có trên thị trường.
Đồng thời, Toyota cũng loại bỏ Dysprosi và Terbi, hai nguyên tố cực hiếm của nguyên liệu đất hiếm trên mẫu nam châm mới. Những đổi mới này có thể làm giảm chi phí sản xuất nam châm và giúp thị trường bớt sự phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Theo dự báo lạc quan nhất của Toyota, tình trạng thiếu neodymium sẽ diễn ra vào năm 2025 khi xe điện ngày càng trở nên phổ biến. Việc bán ra nguồn nam châm giá hợp lý và ổn định là điều rất cần thiết đối với chiến lược bán hàng tổng thể của Toyota.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Theo Vinanet.vn