Các đại gia dầu khí hiện không còn ưu thế lớn về sản xuất so với các doanh nghiệp nhỏ. Cuộc chơi thay đổi, thị trường và giá cả dầu mỏ thế giới đang nhìn về một tương lai không thể đoán trước.
Cuộc đua bán gạo cho Philippines
- Cập nhật : 10/08/2015
(The gioi)
Việt Nam có cơ hội xuất khẩu gạo nhiều hơn vào thị trường Philippines.
Với tương quan giá cả hiện nay, sẽ có “cuộc đấu tay đôi” giữa các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan và Việt Nam cho lượng gạo nhập khẩu 250.000 tấn của Philippines. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
"Cuộc đua" hạn ngạch
Trước hết, nhìn một cách tổng quát, sau ba cuộc đấu thầu từ đầu năm tới nay, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã mua 750.000 tấn gạo và vẫn để ngỏ khả năng mua 250.000 tấn khác theo kênh phân phối này. Còn 805.200 tấn gạo quốc gia này phải nhập khẩu như đã thỏa thuận với WTO thì chính phủ nước này đã quyết định giao cho khu vực tư nhân thực hiện.
Cụ thể trong số 750.000 tấn gạo nói trên, các doanh nghiệp nước ta đã giành được 550.000 tấn và 200.000 tấn còn lại thuộc về Thái Lan. Còn trong gói 805.200 tấn gạo nhập khẩu theo Khối lượng tiếp cận tối thiểu WTO (MAV), hạn ngạch của các doanh nghiệp nước ta đã được ấn định 293.100 tấn, tương tự như Thái Lan. Ba quốc gia châu Á khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đều được phân bổ 50.000 tấn, riêng El Salvador được 15.000 tấn, còn 54.000 tấn là dành cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác.
Tuy nhiên, khu vực tư nhân Philippines có thể sẽ không thể nhập khẩu đủ 805.200 tấn gạo theo hạn ngạch đã được phân bổ vì các lý do sau.
Bên cạnh nguồn gạo từ Việt Nam và Thái Lan, với giá cả “mềm”, sẽ là chọn lựa ưu tiên đối với các nhà nhập khẩu tư nhân của Philippines, thì nguồn gạo từ các thị trường được cấp hạn ngạch còn lại đang bị một số rào cản. Cụ thể là, theo các số liệu thống kê của FAO, cho dù giá bán buôn gạo hiện nay ở thị trường Philippines cao ngất ngưởng ở mức 770 đô la Mỹ/tấn, nhưng ở các tỉnh vựa lúa Indica của Trung Quốc như Hồ Nam, Hồ Bắc… giá cũng đã là 625-635 đô la Mỹ/tấn. Cho nên nếu chỉ cộng với mức thuế nhập khẩu 35% của Philippines thì giá sẽ lên 840-860 đô la Mỹ/tấn. Rõ ràng, khoảng cách rất lớn như vậy đồng nghĩa với việc gạo “Made in China” hoàn toàn không có cửa để xuất khẩu vào thị trường Philippines, trừ phi gạo xuất xứ với giá rẻ từ Việt Nam và gạo cũ Thái Lan được “hô biến” thành gạo “Made in China”.
Bên cạnh đó, việc các nhà nhập khẩu gạo tư nhân Philippines có nhiều khả năng cũng sẽ không mặn mà với 100.000 tấn gạo có thể nhập khẩu từ Ấn Độ và Pakistan, do giá chào xuất khẩu gạo của Ấn Độ và Pakistan tuần qua đang cao hơn của Việt Nam đến 18-33 đô la Mỹ/tấn.
Thêm vào đó, hai quốc gia Nam Á này lại là thị trường xa đối với Philippines. Các số liệu thống kê của Ấn Độ cho thấy, kể từ khi xuất khẩu gạo tăng bùng nổ từ cuối năm 2011 đến nay và cũng là giai đoạn giá gạo trắng xuất khẩu của nước này rất “mềm”, nhưng chỉ có niên vụ 2012-2013 Philippines nhập khẩu khối lượng đáng kể 105.000 tấn, còn ba niên vụ khác chỉ nhập khẩu tổng cộng chưa tới 60.000 tấn.
Như vậy, có nhiều khả năng tổng hạn ngạch 150.000 tấn nhập khẩu từ ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan có nhiều khả năng sẽ không thực hiện được.
Không những vậy, tổng hạn ngạch gần 70.000 tấn có thể nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng khó thực hiện được, do giá cả không còn hấp dẫn. Chẳng hạn, các số liệu thống kê của FAO cho thấy, giá gạo xuất khẩu của quốc gia được phân bổ hạn ngạch 15.000 tấn El Salvador trong những năm qua luôn cao hơn so với của Việt Nam tới 1,44-1,67 lần…
NFA "chữa cháy" và vẫn là "cuộc đấu tay đôi”?
Rõ ràng, nếu như các nhà nhập khẩu gạo tư nhân Philippines chỉ có thể nhập khẩu tối đa dưới 600.000 tấn trong tổng hạn ngạch 805.000 tấn thì khả năng NFA lại được giao cho nhập khẩu 250.000 tấn còn để ngỏ hiện nay là rất lớn.
Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, thông tin mới nhất từ cơ quan thời tiết quốc gia Philippines cho biết, hiện tượng El Niño mà nước này đang chứng kiến có thể sẽ ngang bằng, thậm chí có thể vượt “El Niño thế kỷ” 1997-1998 với đỉnh sẽ đạt vào khoảng tháng 10 tới đến tháng 1-2016 và sẽ kéo dài đến tháng 5.
Các số liệu thống kê của FAO cho thấy, sản lượng lúa của quốc đảo trong đợt El Niño này giảm hơn 2,7 triệu tấn, tương đương 24,1%.
Đây chắc chắn cũng là lý do mấu chốt khiến chuyên trang thông tin lúa gạo toàn cầu Oryza cuối tuần trước cho rằng, NFA không chỉ được giao nhập khẩu 250.000 tấn còn để ngỏ nói trên, mà khối lượng này sẽ là 500.000 tấn, trong khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng vừa dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu năm nay của Philippines sẽ là 1,8 triệu tấn.
Nếu vậy, với tương quan giá cả hiện nay, sẽ có “cuộc đấu tay đôi” giữa các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan và Việt Nam cho lượng gạo còn để ngỏ nói trên.
Bởi lẽ, trong khi Ấn Độ và Pakistan thất thế trong đấu thầu, còn Myanmar cũng gặp ba khúc mắc khó có thể vượt qua. Đó là, giá gạo của Myanmar khó có thể cạnh tranh với Thái Lan và càng khó có thể cạnh tranh so với Việt Nam. Tiếp theo, đó là chi phí vận tải cao hơn hẳn so với của Thái Lan và Việt Nam. Cuối cùng, với cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế hiện nay, Myanmar cũng bất cập không khác gì Campuchia trong việc thực hiện tiến độ giao hàng cấp tập mà NFA vẫn thường đưa ra với các gói thầu hàng trăm ngàn tấn từ trước đến nay.
Nói tóm lại, nếu kịch bản diễn ra như vậy, cơ may gia tăng lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta sang thị trường Philippines là rất rõ ràng. Nếu vậy, việc mở rộng thị trường cho loại nông sản chiến lược này của nước ta đương nhiên sẽ bớt khó khăn hơn.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)