tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thương lái và người bán bắt tay đấu trộn gạo

  • Cập nhật : 07/08/2015

(Thuong mai)

Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng gạo Việt Nam xuất khẩu không đồng đều do còn tình trạng người mua và người bán thống nhất đấu trộn gạo.

anh minh hoa - nguon: internet

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

 
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu được khoảng 3,72 triệu tấn gạo các loại, đạt 1,59 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,1% về lượng và 8,3% về giá trị so với cùng kỳ.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm do biến động tỷ giá, nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, tạo cạnh tranh gay gắt trên thị trường, một số nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ lượng tồn kho cao.

Ấn Độ, Pakistan cũng tăng cường giành thị phần xuất khẩu tại thị trường châu Phi, Trung Đông, Myanmar; Campuchia tăng cường xuất khẩu vào EU, Trung Quốc khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khó khăn về đầu ra.

Trong đó, một số thị trường nhập khẩu chính như Trung Quốc áp dụng lệnh cấm biên đối với mặt hàng gạo khiến xuất khẩu gạo giảm 7 tháng đầu năm.

Thực tế, theo báo cáo của ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại cuộc giao ban Bộ Công Thương diễn ra sáng nay (3/8), theo kế hoạch đề ra, cả năm lượng gạo xuất khẩu đạt 5,9 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 2,7 triệu tấn. Như vậy dự kiến 6 tháng cuối năm đạt 3,2 triệu tấn.

Tuy nhiên, ông Huệ cho rằng, đề ra kế hoạch xuất khẩu gạo 3,2 triệu tấn cuối năm là vì kỳ vọng trên thị trường có tiến triển nhất định. Thực tế, sản lượng xuất khẩu vẫn là một ẩn số vì còn nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn vẫn chưa được cải thiện.

Cụ thể, tại thị trường châu Á, 7 tháng đầu năm xuất khẩu giảm 19,7%, tại thị trường châu Mỹ, xuất khẩu gạo giảm tới 12,56% so với cùng kỳ năm 2014. 

Bên cạnh đó, theo ông Huệ, gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm giảm do chất lượng gạo hiện nay chưa cao.

Nguyên nhân chính là giống lúa thuần chủng thiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết giống đều bị thoái hóa, kế hoạch duy trì hiện nay chưa đạt yêu cầu.

“Mối nguy hiểm lớn hơn chính là tình trạng người bán và người mua bắt tay đấu trộn các loại gạo, đặc biệt là gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chỉ đến khi người tiêu dùng sử dụng mới phát hiện ra”, ông Huệ cho hay.

Trước thực trạng này, theo ông Huệ, các Bộ liên quan phải triển khai đồng bộ các biện pháp như tái cơ cấu ngành lương thực, sử dụng giống lúa thuần chủng; áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến.

Đồng thời, công tác quản lý sau quy hoạch, từ khâu trồng đến xuất khẩu phải thống nhất đồng đều về chất lượng.

“Hiện nay chúng ta đang cố gắng mở thị trường mới, thị trường cao cấp yêu cầu gạo phải đạt chất lượng cao. Vì vậy, nếu không giải quyết được khâu chất lượng thì từ giờ đến cuối năm, mục tiêu xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo cũng là điều cực kỳ nan giải”, ông Huệ nhấn mạnh.

(Theo Vinanet )

Trở về

Bài cùng chuyên mục