Là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ngay tháng đầu năm 2019 đã có những tín hiệu khởi sắc, khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 42% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông sản giảm gần một tỷ USD
- Cập nhật : 30/07/2015
(Xuat nhap khau)
Kim ngạch xuất khẩu dầu thô cũng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá thế giới giảm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt hơn 92,2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù cán cân xuất khẩu đã cải thiện trong những tháng gần đây, song mức tăng này vẫn thấp hơn cùng kỳ 2014.
Trong đó, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp - thủy sản (gồm rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn, cao su...) tiếp tục khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 12 tỷ USD, thấp hơn 956 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủy sản - mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm 15% kim ngạch, cà phê giảm tới 33%, chè giảm 5%, gạo giảm 9%, cao su giảm 7%. Tuy nhiên, rau quả, sắn vẫn tăng lần lượt 11% và 38%. Đây là các sản phẩm có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc.
Xuất khẩu dầu thô gần như đạt được sản lượng tương đương cùng kỳ năm ngoái, song do giá trên thị trường thế giới giảm mạnh, kim ngạch mặt hàng này giảm tới 47%, còn gần 2,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay.
Tuy vậy, bức tranh xuất khẩu cũng có điểm sáng với các sản phẩm công nghệ thông tin, dệt may, giày dép... Trong bối cảnh Việt Nam đang và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép 7 tháng đầu năm lên tới gần 20 tỷ USD, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu và đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu, đạt 25,8 tỷ USD (chiếm 28%), trong đó xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 17 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tiếp tục "lấn át" xuất khẩu khi tổng kim ngạch 7 tháng đầu năm đạt hơn 95,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Việc Việt Nam vẫn chủ yếu gia công cho các tập đoàn lớn khiến nhập khẩu nguyên, phụ liệu tăng mạnh. Chảng hạn, nhập khẩu điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện lên tới hơn 19 tỷ USD; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cũng lên tới hơn 16,5 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Ôtô nguyên chiếc tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao nhất trong danh mục hàng hóa phải tiêu tốn ngoại tệ. 7 tháng, cả nước nhập về 65.000 ôtô nguyên chiếc, kim ngạch hơn 1,7 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ và chủ yếu là ôtô trên 9 chỗ ngồi.
7 tháng đầu năm, cả nước tiếp tục nhập siêu 3,37 tỷ USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhập siêu tháng 7 là 300 triệu USD, cao hơn mức nhập siêu 140 triệu USD của tháng trước.