Giá dầu Mỹ mất mốc 50 USD/thùng do số giàn khoan tăng
Giá đồng đối mặt mức giảm lớn nhất hàng tuần
Giá cả hàng hóa thị trường thế giới 08-08-2015
- Cập nhật : 08/08/2015
Vàng mất giá lâu nhất kể từ 1999
Giá vàng phiên ngày 7/8 phục hồi song chốt lại tuần giảm thứ 7 liên tiếp, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ năm 1999.
Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 0,2%, đánh dấu tuần giảm thứ 7 liên tiếp, chuỗi giảm giá lâu nhất kể từ tháng 6/1999.
Giá vàng phục hồi do USD suy yếu bất chấp tín hiệu tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Phiên giao dịch hôm qua, USD quay đầu giảm sau khi chạm đỉnh 4 tháng do nhà đầu tư chốt lời. Chỉ số Dollar đo sức mạnh của USD với các đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,2% xuống 97,65 điểm, sau khi chạm ngưỡng 98,33 điểm, cao nhất từ 23/4.
USD sau khi lên cao nhất 2 tháng so với yên, vượt 125 yên/USD, lại quay đầu giảm 0,5% xuống 124,13 yên/USD. Đồng bạc xanh cũng giảm 0,4% so với euro xuống 1,0966 USD/EUR.
USD giảm làm tăng sức hấp dẫn của vàng khi vàng được định giá bằng USD rẻ hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đà phục hồi của giá vàng hay sự suy yếu của USD chỉ là nhất thời, xu hướng chung USD sẽ tiếp tục tăng giá mạnh do triển vọng nâng lãi suất của Fed.
Giá dầu thô chốt tuần giảm 7%
Giá dầu Brent phiên đêm qua cũng giảm 91 cent, hay 1,8% xuống 48,61 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 28/1. Tuần qua, giá dầu Brent giảm 7%, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.
Giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại nguồn cung tiếp tục dư thừa do sản lượng tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm.
Theo số liệu của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan mới của Mỹ tuần qua tăng tuần thứ 3 liên tiếp mặc dù vẫn thấp hơn 58% so với hồi tháng 10/2014.
Giá đồng, nhôm rẻ nhất 6 năm
Nhà đầu tư bán tháo trên thị trường hàng hóa khiến giá kim loại, trong đó có đồng và nhôm giam mạnh.
Trong 12 tháng trở lại đây, giá đồng giảm 27%, giá nhôm giảm 19% và được dự báo sẽ giảm hơn nữa.
Chuyên gia phân tích tại Commerzbank cho rằng, giá đồng có thể xuống 5.000 USD/tấn, giá nhôm xuống 1.500 USD/tấn. Giá của cả 2 loại hàng hóa này không có triển vọng phục hồi trước quý IV khi nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại.
Thị trường hàng hóa đồng loạt giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc – thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất giảm tốc làm dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ giảm. Theo các chuyên gia, thị trường hàng hóa có thể đang lặp lại kịch bản khủng hoảng năm 2008 khi giá hầu hết các hàng hóa giảm, trong đó nhiều hàng hóa rơi vào thị trường giá xuống (giảm hơn 20%).
Ả rập Xê út tăng giá dầu bán cho châu Á
Châu Á là thị trường duy nhất Ả rập Xê út tăng giá bán dầu. Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn so với dự đoán của thị trường.
Công ty dầu khí quốc gia Aramco cũng nâng giá bán đối với một số loại dầu xuất khẩu vào thị trường châu Á.
Giá bán niêm yết của Ả rập Xê út thường được coi là tiêu chuẩn cho giá dầu của Iran, Kuwait và Iraq, tác động đến giá của hơn 12 triệu thùng dầu xuất khẩu sang châu Á mỗi ngày.
Ả rập Xê út chủ trương duy trì sản lượng dầu thô ở mức kỷ lục bất chấp giá giảm sâu nhằm duy trì thị phần. Tuy nhiên, Ả rập Xê út lại tăng giá bán sang thị trường châu Á khi nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu tăng trở lại.
Việc Ả rập Xê út tăng giá bán có thể sẽ khiến các khách hàng châu Á chuyển hướng tìm nguồn cung rẻ hơn. Hiện lợi nhuận của các doanh nghiệp lọc dầu châu Á thấp nhất kể từ đầu năm buộc họ phải giảm sản lượng.