7 tháng đầu năm nay, lượng bông nhập về Việt Nam đã đạt trên 1 triệu tấn, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2017, trị giá 1,87 tỷ USD, tăng 32,9%.
Xuất khẩu hồ tiêu 2015 có thể vượt 1,1 tỷ USD
- Cập nhật : 30/07/2015
(Xuat nhap khau)
Năm 2014, lần đầu tiên xuất khẩu hồ tiêu đạt kim ngạch 1,21 tỷ USD, tăng 34,72% so với cùng kỳ 2013. Bước vào năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khiêm tốn đưa ra con số xuất khẩu hồ tiêu 1,1 tỷ USD. Thế nhưng, kết quả 7 tháng đầu năm cho thấy, nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu từ ngày 1 - 15/7/2015 là 5.752 tấn, trị giá trên 51,787 triệu USD. Lũy kế từ 1/1 đến 15/7/2015, lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt 92.430 tấn, với giá trị trên 864,117 triệu USD. Ước 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của cả nước đạt khoảng 920 triệu USD.
Chi phối thị trường thế giới
Trong niên vụ 2014, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt 156.396 tấn, tăng 16,38% và kim ngạch đạt 1,21 tỷ USD, tăng 34,72% so với 2013. Năm 2014, lần đầu tiên hồ tiêu Việt Nam tham gia vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Hiện nay hồ tiêu Việt Nam đang có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm thị phần lên tới 58%. Do vậy, hồ tiêu Việt Nam đang nắm quyền chi phối ngành hàng nông sản này trên toàn cầu.
Có nhiều thông tin cho thấy, tình hình cung - cầu hồ tiêu thế giới 2015 không thay đổi lớn so với 2014. Tổng cầu vẫn lớn hơn lượng cung, như vậy, hồ tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục thống trị thị trường thế giới trong năm 2015 này.
“Hồ tiêu Việt Nam năm nay tiếp tục thống trị thị trường thế giới và dự kiến khả năng này còn tiếp tục trong vòng ít nhất là 5 năm nữa”, một chuyên gia về hồ tiêu nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2015, diện tích hồ tiêu cả nước đạt khoảng 70.000 ha, sản lượng ước khoảng 126.000 tấn, dự báo xuất khẩu 144.000 tấn, đạt giá trị khoảng 1,1 tỷ USD.
Khối lượng hồ tiêu xuất khẩu trong tháng 7 ước đạt 10.000 tấn, với giá trị đạt 104 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hồ tiêu 7 tháng đầu năm 2015 lên 98.000 tấn với giá trị 920 triệu USD, giảm 20,6% về khối lượng nhưng tăng gần 2% về giá trị.
Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất củaViệt Namlà Hoa Kỳ, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất, đây cũng là 3 thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015, chiếm gần 40% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất là: Đức (41,5%), Thái Lan (38,8%), Các Tiểu vương Quốc Ảrập Thống Nhất (34,7%).
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 9.302 USD/tấn, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2014. Mức giá xuất quy đổi đạt trên 200.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại hồ tiêu, thì thu nhập và lợi nhuận phần lớn thuộc về người nông dân, đây là điều mà nhiều ngành hàng nông sản khác đang mong muốn nhưng chưa có được.
Giữ chất lượng để giữ được thị trường
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), do tình hình cung - cầu hồ tiêu thế giới năm 2015 sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái và cầu vẫn lớn hơn cung nên giá xuất khẩu bình quân cả năm 2015 có thể duy trì ở mức cao.
Hiện nay, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia là thị trường chính nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, chiếm đến 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu, và Việt Nam cũng là nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 vào các thị trường này. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là, những thị trường này lại có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và uy tín thương mại.
Ông Hà Huy Thắng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (Pitco) cho biết, từ quý 3/2013, EU đã cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong tiêu đen của Việt Nam vượt ngưỡng an toàn và sẽ cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, do việc triển khai chưa đồng đều ở một số nước nên mức độ cảnh báo chưa được coi trọng.
Đến năm 2014, EU làm quyết liệt hơn và đã có khá nhiều lô hàng của Việt Nam bị trả về. Các nước khó tính trong khối EU đang dần chuyển sang nhập khẩu tiêu từ Ấn Độ và Brazil.
Để giải quyết tốt vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu, giữ vững các thị trường chính, ông Thắng đề nghị, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có các chính sách vĩ mô như: Quy hoạch vùng trồng và kiểm soát chặt chẽ vùng trồng tiêu; hướng dẫn quy trình sản xuất sạch theo VietGap; sử dụng một phần các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới hoặc các tổ chức quốc tế để thưởng cho các hộ nông dân sản xuất tiêu có sản phẩm sau kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ danh mục thuốc bảo vệ thực vật và có chế tài đủ mạnh để răn đe việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không được phép lưu hành.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)