tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phòng vệ thương mại: “Cuộc chơi” thời hội nhập

  • Cập nhật : 14/07/2016

Khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về phòng vệ thương mại ở Việt Nam đối với hàng hoá nước ngoài gần đây của VCCI cho biết, 15,09% DN không biết, 63,21% DN có nghe nói nhưng không biết gì sâu, 19,81% đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ. 

anh minhhoa

Ảnh minhhọa

Còn kém “phản đòn”

Mới đây, Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) đã ban hành kết luận rà soát biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm săm lốp xe máy nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong bản kết luận này, cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: “Việc gia hạn biện pháp chống bán phá giá là cần thiết để ngăn chặn thiệt hại đáng kể do sản phẩm nhập khẩu gây ra đối với ngành sản xuất nội địa và cũng để cho ngành sản xuất nội địa có đủ thời gian để tiếp tục và/hoặc hoàn thành những điều chỉnh tích cực nhằm tăng năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu”.

Trước đó, năm 2004 Thổ Nhĩ Kỳ đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nêu trên nhập khẩu từ Việt Nam; năm 2010 Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành rà soát và tiếp tục áp thuế với mức 29%-49%.

Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về việc hàng Việt Nam bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá. Quá khứ từng ghi nhận con tôm, con cá đến cuộn thép không gỉ, cục pin khô, hay cân vôi sống… xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra về trợ cấp thương mại.

Trong khi đó, các vụ kiện từ phía nhà sản xuất Việt Nam với các mặt hàng nhập khẩu vào nước ta lại rất ít. Theo bản danh sách các mặt hàng đã, đang bị điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ tại Việt Nam đăng trên website của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thì số vụ việc chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về phòng vệ thương mại ở Việt Nam đối với hàng hoá nước ngoài gần đây của VCCI cho biết, 15,09% DN không biết, 63,21% DN có nghe nói nhưng không biết gì sâu, 19,81% đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ.

Điều này chứng tỏ các DN Việt Nam ít tham gia và sử dụng các công cụ để tự vệ và phòng vệ thương mại. Đây là điều thiệt thòi cho chính DN bởi sự cạnh tranh đang ngày càng gay gắt, nhất là sự đổ bộ ngày càng nhiều từ các DN nước ngoài vào Việt Nam.

Đơn cử như ngành thép, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện thép trong nước đang phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, gian lận thương mại trong kinh doanh tôn thép, ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường thép Việt Nam.

Trong khi đó, các DN xuất khẩu sang thị trường nước ngoài cũng vấp phải các hàng rào thương mại do các nước đó đặt ra. Vì vậy, ông cho rằng các DN phải có hiểu biết hơn để có thể tham gia đấu tranh phòng vệ thương mại.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cũng cảnh báo, tại Việt Nam, pháp luật về phòng vệ thương mại đã có những bước phát triển nhất định và công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu.

Nếu không hiểu và tận dụng được các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành sản xuất trong nước sẽ dễ bị tiêu diệt và dẫn tới phá sản khi hàng hóa nước ngoài luôn sẵn sàng bán phá giá để chiếm lĩnh thị trường, và đây là điều đáng lo ngại…

Cân bằng lại “cuộc chơi”

Bà Phạm Hương Giang, Phó trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài (Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, sau hơn 10 năm ban hành pháp luật Việt Nam về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ.

Về tỷ lệ các biện pháp phòng vệ thương mại được điều tra, áp dụng tại Việt Nam, số vụ việc điều tra áp dụng tự vệ chiếm đa số (4/6 vụ việc). Trong khi đó, trong suốt 14 năm, Bộ Công Thương chưa tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp nào.

Tuy nhiên, thời gian gần đây các DN Việt Nam tỏ ra có ý thức hơn về phòng vệ thương mại. Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu của Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính, đại diện cho nhóm các công ty là CTCP Đại Thiên Lộc, CTCP thép Nam Kim và CTCP Tôn Đông Á. Theo đó, ngày 6/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu.

Hay một diễn biến khác, sự kiện 4 DN ngành thép hồi đầu năm đã nộp hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu cho thấy các DN đã có ý thức hơn trong phòng vệ để bảo vệ chính mình. Chính từ những bước đi này mà Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế phòng vệ thương mại tạm thời cho mặt hàng thép nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 22/3/2016 (mức 23,3% với phôi thép và 14,2% cho thép dài).

Các cơ quan chức năng cũng đang từng bước chấn chỉnh lại hoạt động quản lý đối với sản phẩm thép, hạn chế gian lận chất lượng, gian lận thuế nhập khẩu.

Ông Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh, việc phòng vệ thương mại là rất cần thiết, bởi nó sẽ giúp bảo vệ được ngành sản xuất thép trong nước. Việc áp dụng phòng vệ thương mại phải đảm bảo hài hòa lợi ích của DN, sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Trong bối cảnh hội nhập, các DN ngành thép cần phải hợp tác với nhau để giữ thị trường lành mạnh.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, phòng vệ thương mại là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước. Chính vì vậy trong tiến trình hội nhập, DN Việt Nam rất cần đưa phòng vệ thương mại thành chiến lược kinh doanh, nâng cao nhận thức áp dụng công cụ này. Đồng thời, các DN cần tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan để có thể thực hiện được các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Nguyễn Phương Nam thông tin thêm, để việc thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam được hiệu quả, vấn đề phòng vệ thương mại cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng, các DN, đồng thời Cục Quản lý cạnh tranh cũng sẽ sẵn sàng đồng hành bảo vệ quyền lợi của DN trong nước.



Nguyễn Minh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục