Năm 2008, Việt Nam từng được A.T Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhất thế giới, trên cả Hong Kong, Trung Quốc, Singapore hay Malaysia.
Học cách người Thái 'mang chuông đi đánh xứ người'
- Cập nhật : 21/05/2017
Hội chợ Hàng tiêu dùng Thái Lan - Outlet 2017 đang diễn ra tại Hà Nội cũng như các kỳ hội chợ hàng Thái Lan khác thu hút rất đông khách. Điều gì tạo nên sức hút này?
Cũng như những kì hội chợ hàng Thái Lan trước đây, chị Nguyễn Nhung (quận Hai Bà Trưng) lại háo hức dẫn 2 con nhỏ đi hội chợ hàng Thái 2017 đang diễn ra ở Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Chị cho biết, gia đình mình là "tín đồ" của hàng Thái nên lần nào có hội chợ chị cũng đi.
"Đến đây có bạt ngàn hàng hóa, mà toàn là hàng tiêu dùng thiết yếu nên chắc chắn sẽ mua được một vài món đồ cho gia đình mình. Giá cả phải chăng mà được nhân viên tư vấn nhiệt tình nên tôi và các con đều rất thích", chị Nhung chia sẻ.
Hội chợ lần này có 150 gian hàng của 120 công ty và nhà nhập khẩu hàng Thái Lan. Các sản phẩm được bán trong chợ thuộc các lĩnh vực: đồ gia dụng, thực phẩm và đồ uống, dệt may, trang sức, thiết bị điện, chăm sóc sức khỏe, đồ lưu niệm...
Đại diện một thương hiệu hóa mỹ phẩm Thái Lan tham gia hội chợ cho biết, đây là lần thứ 2 công ty đến tìm hiểu thị trường Việt Nam thông qua việc tham gia hội chợ. "Tôi tin rằng với thị trường lớn và đang phát triển như Việt Nam thì công ty tôi sẽ sớm tìm được nhà phân phối để đưa hàng hóa vào kinh doanh", vị này cho biết.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều gian hàng có người Thái Lan trực tiếp đứng tiếp thị, quảng bá. Họ có thể nói lưu loát tiếng Anh, thậm chí nói được những câu tiếng Việt đơn giản để báo giá. Khách Việt đến tìm hiểu sản phẩm được hướng dẫn nhiệt tình và nếu không mua cũng nhận được những nụ cười thân thiện.
“Các công ty Thái Lan đã có ý đồ thâm nhập thị trường Việt Nam từ rất lâu nên họ muốn đầu tư một cách bài bản, mở rộng từ sản xuất đến phân phối. Họ thường xuyên tổ chức hội chợ thường niên ở Việt Nam để người tiêu dùng Việt quen với hàng Thái”, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết.
Thực tế, Triển lãm Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2017 đã diễn ra liên tục 15 năm qua tại TP Hồ Chí Minh. Trong khi những hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan cũng liên tục được tổ chức tại Hà Nội 1-2 lần/năm. Điều đó cho thấy nhu cầu xâm nhập thị trường Việt Nam cũng doanh nghiệp Thái Lan còn rất lớn.
Cũng theo ông Phú đánh giá, dù doanh nghiệp Thái không mạnh bằng doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc nhưng họ đi nhanh hơn, bài bản hơn. Họ đang “đánh du kích” vào thị trường Việt Nam. Thông qua các triển lãm, hàng Thái dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Việt. "Có lẽ 100% các gia đình ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có một sản phẩm nào đó của Thái Lan như dụng cụ gia đình, nước rửa tay, rổ rá, dao, dép Thái...”, chuyên gia nói.
Trước thực tế này, ông Phú cho rằng Việt Nam cũng cần học tập Thái Lan trong việc tổ chức những hội chợ chuyên sâu hàng Việt ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường gần Việt Nam như Thái, Lào, Campuchia... thông qua sự trợ giúp tìm kiếm thị trường của các tham tán thương mại. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu tham gia chung vào các hội chợ quốc tế chứ chưa có những hội chợ chuyên ngành giúp quảng bá hàng Việt ra thế giới.
Bên cạnh đó, những người đi quảng bá hàng Việt cũng gần học tập người Thái Lan ở thái độ niềm nở, thân thiện, khả năng ngoại ngữ, như cách mà người Thái đã lựa chọn trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước mình, đó là "land of smiles" - vùng đất của những nụ cười.
Hoàng Dương/Báo Tin Tức