Bất ngờ, lần đầu tiên Viettel phải thốt lên: “Nếu cạnh tranh kiểu này (bán dưới giá thành) thì không thể chấp nhận được”. Cuộc chiến về giá cước viễn thông thực sự đã vào hồi gay cấn khi mới đây, nhà mạng VinaPhone ra mắt Tổng Công ty sau khi tái cấu trúc không giấu giếm ý đồ chiếm ngôi vị trên thị trường.
Việt Nam có 23 triệu người mua sắm thường xuyên trên mạng
- Cập nhật : 21/05/2017
Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và đang tăng nhanh nhờ vào sự tăng trưởng của thị trường di động.
Bên cạnh tầng lớp trung lưu, theo Nielsen Việt Nam, thị trường thương mại điện tử trong nước hiện đang có một nhóm khách hàng còn quan trọng hơn nữa, đó chính là “Connected Spenders”. Khái niệm này dùng để chỉ người có đam mê về công nghệ với thu nhập đa dạng và sẵn sàng chi tiêu trên môi trường trực tuyến. Hiện nhóm này đang có khoảng 23 triệu người. Chi tiêu của nhóm này đang chiếm một phần ba chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam.
“Tất nhiên chúng ta không bỏ qua nhóm khách hàng trung lưu nhưng để nắm bắt cơ hội ngay lập tức trên thị trường thương mại điện tử thì chúng tôi nhận dạng ‘Connected Spenders’ là nhóm quan trọng hàng đầu để tập trung khai thác”, ông Đoàn Duy Khoa - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Người tiêu dùng Nielsen Việt Nam nhận xét tại sự kiện Vietnam Mobile Day 2017 diễn ra tại TP HCM.Vị chuyên gia dự báo, thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là trên nền tảng di động sẽ tiếp tục phát triển nhanh thời gian tới nhờ hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.
Hiện một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á. Trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ mỗi ngày. Gần một phần ba người sử dụng Internet đã bắt đầu mua sắm online với chi tiêu trung bình theo đầu người là 160 đôla mỗi năm.
Những người đã sử dụng Internet tại Việt Nam còn được các chuyên gia đánh giá là ‘super- connected’, tức siêu kết nối. Cụ thể, tại các đô thị lớn, tỷ lệ dân số có sử dụng điện thoại lên đến 95%. Trong đó, 78% là sử dụng smartphone. Ngoài việc truy cập mạng xã hội, đọc tin tức, chụp hình, chat và chơi game, người Việt Nam còn dùng smartphone để tìm thông tin sản phẩm, xem đánh giá bình luận và so sánh về giá cả mỗi khi dự định mua một món hàng nào đó. Smartphone cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong ngành quảng cáo.
“Gần như hầu hết người online tại Việt Nam đều đang có xu hướng đa màn hình. Tức, họ có thể vừa ngồi xem TV vừa cầm điện thoại để lướt mạng xã hội. Điều này tạo ra thách thức đối với các nhà sản xuất. Ngày xưa, họ quảng cáo trên TV thì được chú ý nhiều. Giờ đây, họ quảng cáo trên TV mà bạn ngồi online điện thoại thì bài toán đặt ra là làm sao để quảng cáo có thể thu hút được bạn”, ông Khoa nhận định.
Hiện tại, ba nhóm hàng được mua trực tuyến nhiều nhất tại Việt Nam là thời trang, sản phẩm chăm sóc sức khỏe – sắc đẹp và đồ điện – điện tử. Tuy nhiên, việc thanh toán trực tuyến qua điện thoại, dùng mobile banking chưa cao. Tỷ lệ này tại TP HCM và Hà Nội chỉ mới 13%. So với năm ngoái tăng được 5 điểm phần trăm và tiếp tục có xu hướng cải thiện. 16% người tiêu dùng được hỏi khẳng định sẽ dùng mobile banking trong thời gian tới.
“Khi hỏi khách hàng về ý định dùng mobile banking thì chỉ một phần ba cảm thấy an tâm. Họ sợ mất thông tin khi thanh toán. Đó là một trở ngại rất lớn. Yếu tố bảo mật an toàn vẫn là điểm khách hàng quan tâm nhất, hơn cả giá sản phẩm”, ông Khoa cho biết thêm.
Về dài hạn, những triển vọng về thương mại điện tử, đặc biệt trên nền tảng di động tại Việt Nam cao hơn nhiều các trở ngại. “IOT (Internet của vạn vật) là xu hướng không ngừng phát triển. Tất cả các thiết bị được kết nối sẽ trở thành thiết bị tham gia vào thương mại điện tử, đặc biệt là điện thoại di động”, ông Arn Vogels - Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương nhận xét.
Viễn Thông