Trong bối cảnh GDP nông, lâm và thủy sản tăng trưởng âm, con tôm đang được lãnh đạo Bộ NNPTNT đặt kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá để bù đắp những giảm sút trong các tháng đầu năm và thúc đẩy đà tăng trưởng của ngành trong những tháng cuối năm.
Pháp luật phòng vệ thương mại thời hội nhập
- Cập nhật : 26/06/2016
Pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam đã ra đời cách đây hơn chục năm song việc áp dụng vào thực tế còn khá ít. Tiến trình hội nhập sâu rộng đang đòi hỏi có những thay đổi về pháp luật phòng vệ để DN có thể sử dụng hiệu quả hơn.
Trong số 6 vụ kiện Việt Nam đã áp dụng, có đến 4 vụ việc liên quan đến mặt hàng thép. (Ảnh: Trần Việt)
Ít sử dụng
Ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, gần đây trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều hành vi gian lận đưa hàng hóa của các thương hiệu đã thành danh của Việt Nam ra gia công ở nước ngoài, sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc được phù phép thành hàng “made in Viet Nam”, hầu hết các nguyên liệu phụ tùng là của Trung Quốc chỉ có khâu lắp ráp cuối cùng được thực hiện ở Việt Nam… Những sản phẩm này vừa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa dễ dàng bán phá giá trên thị trường Việt Nam, gây thiệt hại cho nền sản xuất nội địa. Vì vậy, cần phải chú ý đến hiện tượng này để ngăn chặn bằng các biện pháp phòng vệ thương mại của chúng ta.
Phòng vệ thương mại là chủ đề đã được đề cập từ lâu nhưng vẫn không hề cũ vì thời điểm này đây là vấn đề mà rất nhiều DN quan tâm. Bởi lẽ, trong quá trình mở cửa hội nhập, các hàng rào thuế quan giữa các quốc gia sẽ dần được dỡ bỏ và đưa về mức 0-5%. Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) được xem là một cứu cánh, van an toàn cuối cùng để bảo hộ, bảo vệ sản xuất trong nước.
Tại Việt Nam, pháp luật về phòng vệ thương mại đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa NK và hàng hóa nội địa, đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng cũng là công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng NK. Cụ thể, năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ trong NK hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Tiếp đó, vào năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về chống bán phá giá hàng hóa NK vào Việt Nam và Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 về chống trợ cấp đối với hàng hóa NK vào Việt Nam. Kèm theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng ban hành các nghị định và thông tư chi tiết hướng dẫn thi hành các điều trong các pháp lệnh nêu trên.
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 10 năm ban hành pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam hiện mới chỉ tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống bán phá giá. Trong khi đó, đã có khoảng 100 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài. Nếu nhìn vào con số trên, đặc biệt là trong tương quan với số lượng rất lớn các vụ việc được tiến hành trên thế giới (311 vụ tự vệ, 4.757 vụ chống bán phá giá và 380 vụ chống trợ cấp), có thể thấy Việt Nam đã sử dụng rất ít các biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng chú ý, trong suốt 14 năm, Bộ Công Thương chưa tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp nào.
Vì sao?
Thực tế này theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) một phần lỗi là do DN. Theo khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về phòng vệ thương mại ở Việt Nam đối với hàng hoá nước ngoài gần đây của VCCI cho thấy, 15,09% DN không biết, 63,21% DN có nghe nói nhưng không biết gì sâu; 19,81% đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89 % DN đã tìm hiểu tương đối kỹ- là bên liên quan. Điều này cho thấy mức độ hiểu biết của DN Việt Nam về phòng vệ thương mại còn khá hạn chế và rất ít DN Việt Nam "biết', "thích" sử dụng công cụ này trong tự vệ và phòng vệ thương mại ngay tại thị trường trong nước chứ chưa nói đến thị trường XK. Đây là điều đáng lo ngại bởi sự thiếu nhận thức và nắm bắt không đầy đủ, thiếu khả năng thực hiện các công cụ phòng vệ thương mại sẽ khiến các DN Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt khi quá trình hội nhập đang ngày càng sâu rộng.
Nhưng điều gì gây cản trở DN, khiến DN còn “rụt rè” áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa NK? Bà Trang cho rằng, phòng vệ thương mại phải bắt đầu từ chính các DN, hiệp hội nhưng muốn đi khởi kiện thì phải có thông tin. Vấn đề thông tin đang là một rào cản khá lớn đối với DN Việt Nam hiện nay. Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 3% DN nói có thể có thông tin cần thiết để đi kiện, 62% có nhưng không đầy đủ và 35% DN hoàn toàn không thể tiếp cận thông tin.
Trên thực tế, trong 6 vụ việc mà Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì có tới 4 vụ việc là sử dụng công cụ tự vệ bởi công cụ này dễ sử dụng hơn biện pháp chống bán phá giá. DN chỉ cần tập hợp được bằng chứng chứng minh có thiệt hại cho DN sản xuất trong nước, có hiện tượng NK ồ ạt… Tuy nhiên, để chứng minh được điều này với DN là rất khó bởi cơ chế tiếp cận thông tin XNK dù có nhưng không chi tiết đến dòng thuế quan tâm.
Điều chỉnh pháp luật
Việc khởi xướng và áp dụng biện pháp phòng vệ là quyền lợi chính đáng được WTO cho phép nhằm giúp các quốc gia thành viên có công cụ để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng NK nước ngoài. Trước thực tế nêu trên, để công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng hiệu quả hơn ở Việt Nam, bà Trang kiến nghị DN cần phải chủ động cập nhật tìm hiểu thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, NK ồ ạt (nguyên đơn); về các nguy cơ vụ kiện ảnh hưởng đến lợi ích của mình (bên liên quan).
Về phía cơ quan Nhà nước, đại diện cho cộng đồng DN bà Trang nêu ý kiến, mong muốn của DN là pháp luật phòng vệ cần quy định chi tiết hơn nữa. Hiện nay pháp luật về phòng vệ thương mại đã có nhưng chưa đủ chi tiết. Bà Trang dẫn chứng từ vụ việc điều tra thuế tự vệ với mặt hàng bột ngọt mà Việt Nam đã áp dụng: “Có 1 DN bị ảnh hưởng đã đến gặp chúng tôi và muốn phản đối quy định đó nhưng không biết phải làm như thế nào. Chúng tôi đã nghiên cứu phát hiện có biện pháp gần nhất và có tác động ngay lập tức là quy định tại Điều 23, Pháp lệnh tự vệ. Tuy nhiên, chúng tôi đi tìm khắp nơi về việc làm thế nào để thực hiện “quyền” được đình chỉ thì lại không có. Phía DN mong có quy định chi tiết về quy trình và điều kiện để các bên liên quan biết được làm gì, làm như thế nào”.
Một yêu cầu khác được bà Trang nêu ra là điều chỉnh pháp luật về cơ chế công khai thông tin, mở rộng phạm vi thông tin XNK mà DN được phép tiếp cận; dịch vụ cung cấp thông tin chuyên sâu cho DN; cải thiện cơ chế hỗ trợ tiền tố tụng và tố tụng như tư vấn đơn kiện, hỗ trợ tiếp cận thông tin thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Nhà nước; hỗ trợ trong quá trình tố tụng (đặc biệt trong điều tra thực địa/xác minh thông tin của nguyên đơn); hướng dẫn, hỗ trợ các bên liên quan (đặc biệt là các nhóm bị ảnh hưởng).
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã ban hành nhiều bộ luật mới, hầu hết các bộ luật cũ cũng được rà soát, sửa đổi để phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt theo yêu cầu của các FTA thế hệ mới. Đó là một việc làm cần thiết. Chính vì vậy, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cũng rất cần được đối chiếu rà soát để phù hợp với các quy định của các bộ luật khác như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật DN sửa đổi… Đó cũng là một trong những yêu cầu rất quan trọng đang đặt ra trong xây dựng các nghị định về phòng vệ thương mại Việt Nam.
Phan Thu
(Theo Báo Hải Quan)