Việt Nam từng là nước xuất khẩu hàng nông sản chiếm ngôi vị cao trên thế giới, nhưng thời gian gần đây xảy ra tình trạng trái ngược đáng lo ngại: xuất khẩu nông sản không ngừng đi xuống, trong khi một số mặt hàng nông sản nhập khẩu lại tăng mạnh.
Thị trường bán lẻ chật chội: Nhà đầu tư ngoại ra đi hay ở lại?
- Cập nhật : 18/05/2017
Hóa ra, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng chẳng “dễ ăn” như nhiều người tưởng, bởi thực tế cũng đã hết ông lớn này đến ông lớn kia ra đi, hoặc báo cáo thua lỗ. Sự chật chội của thị trường bán lẻ Việt liệu còn đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
Khi đại gia cũng lỗ
Thị trường bán lẻ Việt Nam xôn xao sau thông tin từ Reuters cho biết, FamilyMart đang đau đầu vì thua lỗ tại các thị trường Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Thậm chí, Reuters dẫn lời ông Koji Takayanagi, Chủ tịch Tập đoàn FamilyMart UNY, đơn vị hiện sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ hai tại Nhật Bản cho biết, vì thua lỗ, FamilyMart sẽ không “đổ thêm nguồn lực vào đầu tư nữa”.
Đại diện FamilyMart Việt Nam cũng đã xác nhận thông tin này, đồng thời nhấn mạnh việc “không rút khỏi thị trường Việt Nam”, mà chỉ là không đổ thêm vốn để đầu tư hơn mức hiện tại.
Trong khi đó, thông tin Parkson tiếp tục kinh doanh thua lỗ tại thị trường Việt Nam càng làm cho thị trường bán lẻ Việt Nam phủ thêm một màn u ám. Thông tin từ Parkson Retail Asia (đơn vị sở hữu hệ thống Parkson tại Việt Nam), thì 3 tháng đầu năm nay, Parkson Việt Nam chỉ đạt doanh thu khoảng 123 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục chịu lỗ thêm khoảng 19 tỷ đồng. Thậm chí, nếu tính theo năm tài chính - bắt đầu từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 năm sau, thì Parkson đã lỗ tới gần 50 tỷ đồng trong vòng 9 tháng qua.
Chưa biết tính toán cả năm tài chính, Parkson sẽ lỗ bao nhiêu, bởi còn 3 tháng nữa để nhà bán lẻ đến từ Malaysia này “vùng vẫy”, nhưng con số chắc sẽ không khả quan. 2/3 năm tài chính đã thua lỗ lớn và chính các nhà lãnh đạo của Parkson đã phải thừa nhận rằng, môi trường bán lẻ ở Việt Nam đang hết sức khó khăn trong bối cảnh “thị trường ngày càng chật chội”.
Vì kinh doanh thua lỗ, Parkson trong năm ngoái đã phải lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại của mình ở Hà Nội và TP.HCM, tiếp tục gây sốc cho thị trường bán lẻ Việt Nam, sau khi đã có không ít nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này rời bỏ thị trường Việt Nam. Metro Cash & Carry, Best Carings… là những ví dụ khá điển hình. Chưa kể, còn hàng loạt cái tên Việt Nam cũng đã nhanh chóng nói lời chia tay với thị trường bán lẻ, từ Wonderbuy, HomeOne, rồi Sapomart…
Rõ ràng, dù rất nhiều tiềm năng, với dự báo của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, là có thể đạt doanh thu gần 180 tỷ USD vào năm 2020, song thị trường bán lẻ Việt Nam cũng không hề “dễ xơi”. Lý do, có thể như Parkson thừa nhận, là thị trường “ngày càng chật chội”.
Cạnh tranh trên thị trường này đã trở nên gay gắt hơn. Theo số liệu của Bộ Công thương, cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm… Trong khi đó, mô hình chợ truyền thống tồn tại khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam, cũng vẫn có chỗ đứng đáng kể trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam. Đúng là thị trường đã trở nên quá chật chội.
Ra đi hay ở lại?
Dù thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần cạnh tranh gay gắt hơn, có những kẻ đã ra đi, nhưng người đến vẫn không ít. Khi khắp các đường phố Hà Nội hay TP.HCM, hai thị trường bán lẻ lớn nhất cả nước, tràn ngập các chuỗi cửa hàng Cicle K, Vinmart và sắp tới, sẽ là sự xuất hiện của 7-Eleven, thì dư luận hiểu rằng, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất lớn.
Ngay cả FamilyMart, dù đang thua lỗ lớn, vẫn kiên trì ở lại, thì điều đó có nghĩa, sẽ còn nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ tìm đến Việt Nam. Chuỗi siêu thị BigC vẫn sẽ được mở rộng. Aeon Mall mới đây đã công bố xây dựng trung tâm thương mại thứ hai tại Hà Nội ở Hà Đông. Auchan, đại gia bán lẻ Pháp, đối thủ của các ông lớn như Wal-Mart, Carrefour, Lotte, Metro, Big C… cũng đang dần từng bước “gửi chân” vào thị trường Việt.
Một báo cáo vừa được Grant Thornton Việt Nam công bố vào cuối tháng 4 vừa qua cho biết, Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư “hấp dẫn” và “rất hấp dẫn”. Trong đó, theo Grant Thornton Việt Nam, thì thực phẩm - đồ uống và bán lẻ vẫn là những ngành hấp dẫn đầu tư nhất.
Năm 2016, Hệ thống bán lẻ Vimart và Vinmart+, VinPro của Vingroup ghi nhận mức doanh thu từ bán hàng tại siêu thị và cửa hàng tiện ích là 2.120 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. 3 tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ của Vingroup đã là 2.367 tỷ đồng. Những con số cho thấy, nếu biết kinh doanh, các nhà đầu tư vẫn có thể thắng lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam và đó là lý do có thể lý giải vì sao, trong khi thị trường bán lẻ Việt Nam đã “chật chội”, mà AEON vẫn mở thêm trung tâm thương mại, 7-Eleven vẫn ngấp nghé vào Việt Nam.
Tuy vậy, ở một khía cạnh khác, cũng phải tiếp tục lo ngại về sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam. Tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ những tháng gần đây, vấn đề này là một trong những nội dung luôn được các thành viên Chính phủ nhắc đến với một sự quan ngại khá rõ ràng.
Thậm chí, trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa đã nhấn mạnh việc phải tăng cường các biện pháp quản lý doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối bán lẻ.
“Phải kiểm tra và xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài trong việc chấp hành quy định tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 của Bộ Công thương. Bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập nhiều pháp nhân kinh doanh dưới cùng một thương hiệu để lách quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT)”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Nguyên Đức
Theo Báo Đầu Tư