Bolivia ký thỏa thuận thí nghiệm hạt nhân 300 triệu USD với Nga
Hàn Quốc dọa đáp trả 'tàn nhẫn' nếu Triều Tiên khiêu khích
Bầu cử Mỹ 2016: Cuộc chiến 1 chọi 1 của Đảng Cộng hòa
Lại có thêm ứng viên thủ tướng Ukraine
Nhật Bản sẽ không khoan dung với sự "khiêu khích" của Triều Tiên
Tương quan lực lượng quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc
- Cập nhật : 23/08/2015
(Tin kinh te)
Tuy có quân số hùng hậu hơn, vũ khí của Triều Tiên lại lạc hậu hơn nhiều so với thiết bị tân tiến của Hàn Quốc. Vì vậy, Bình Nhưỡng tập trung phát triển vũ khí hạt nhân để xóa đi khoảng cách công nghệ này.
Tương quan lực lượng hai miền bán đảo Triều Tiên, theo số liệu từ Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS). Đồ họa: Telegraph
Lực lượng vũ trang của Triều Tiên có quân số và số lượng pháo vượt xa Hàn Quốc. Ở các phương diện này, về mặt lý thuyết, Bình Nhưỡng có lợi thế gấp đôi Seoul.
Tuy nhiên, quân số hùng hậu mang vũ khí hạng nhẹ không đồng nghĩa với việc Triều Tiên có ưu thế chiến đấu hơn Hàn Quốc. Lực lượng vũ trang của Triều Tiên có thể đồ sộ, nhưng vũ khí và trang thiết bị của họ lại phần lớn cũ kỹ.
Trên giấy tờ, không quân Triều Tiên sở hữu 563 máy bay có khả năng chiến đấu. Trong thực tế, những chiếc máy bay này từng phải ngừng hoạt động trong một thời gian vào năm 2014, do vấn đề trong việc bảo trì và sửa chữa. "Triều Tiên vẫn còn phụ thuộc vào những thiết bị lỗi thời", Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, có trụ sở tại Anh, đánh giá.
Trong vài thập kỷ qua, đã có giả thuyết rằng một cuộc chiến giữa hai miền rồi sẽ nổ ra bởi một cuộc tấn công phủ đầu của Bình Nhưỡng. Triều Tiên sẽ sử dụng kho tên lửa lớn của mình, đặc biệt là biến thể tên lửa Scud của Liên Xô để tấn công các thành phố của Hàn Quốc. Quân đội Triều Tiên có 21.000 khẩu pháo, phần nhiều trong số đó được cho là nhắm vào thủ đô Hàn Quốc, Seoul.
Ngược lại, lực lượng vũ trang tuy có quy mô nhỏ hơn của Hàn Quốc lại có những vũ khí tối tân do Mỹ cung cấp, trong đó có hơn 2.000 xe tăng, hàng trăm chiến đấu cơ F5, F15, F16 và máy bay ném bom. Ngoài ra còn một nhân tố đặc biệt: Hàn Quốc là nhà của 28.500 lính Mỹ đồn trú.
Sự mất cân bằng này giải thích lý do vì sao Triều Tiên lại nỗ lực xây dựng một kho vũ khí hạt nhân lớn. Nước này cho rằng chỉ bằng cách sở hữu vũ khí uy lực nhất thì Triều Tiên mới có lợi thế so với Hàn Quốc.
Trong thập kỷ qua, Triều Tiên đã phát triển từ việc triển khai một số ít bom nguyên tử thô cho đến sở hữu một kho vũ khí dồi dào, ước đoán đến 20 đầu đạn hạt nhân có thể được nạp vào tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Đô đốc Bill Gortney thuộc Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) cho rằng Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, có khả năng đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa KN-08. Hạn chế của KN-08 là chúng chỉ có thể nhắm mục tiêu vào các thành phố lớn và di chuyển trên đường nhựa. Ngoài ra, hệ thống này cần khoảng một đến hai giờ để tiếp nhiên liệu trước khi bắn.
Triều Tiên đang cố gắng làm chủ khả năng phóng tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm. Nếu được giấu trên tàu ngầm tàu, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng sẽ tránh bị tấn công phủ đầu.
Triều Tiên vừa tuyên bố sẵn sàng chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc và Seoul cũng khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Bình Nhưỡng tấn công. Tuy nhiên, một số nhà phân tích, trong đó có Daniel Pinkston, thuộc công ty tư vấn về khủng hoảng quốc tế, cho rằng sự hiện diện lớn của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, đặc biệt là trong dịp hai nước này đang tiến hành tập trận chung, có thể giảm nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột tại bán đảo Triều Tiên.
Phương Vũ (theo Telegraph/VNEX)