Trên thực tế, việc Trung Quốc chi tiêu cụ thể số tiền ngân sách như thế nào là rất khó xác định, do chúng không được công khai.
Tin thế giới đọc nhanh 07-03-2016
- Cập nhật : 07/03/2016
Giải mã ngân sách quốc phòng Trung Quốc
Reuters đưa tin ngày 5-3, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (TQ) khóa 12 chính thức thông báo tăng 7,6% chi tiêu quân sự năm 2016. Đây là mức tăng thấp nhất trong sáu năm qua. Sự kiện TQ chọn mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp có ý nghĩa gì?
Kinh tế suy giảm, lo ngại xã hội
Báo The Washington Post ghi nhận GDP TQ tăng chưa đầy 7% năm 2015, mức tăng thấp nhất trong 25 năm gần đây, do đó nhà cầm quyền TQ không còn lạc quan nữa.
GS Nghê Lạc Hùng ở ĐH Thượng Hải (TQ) nói với báo The Washington Postmức tăng ngân sách quốc phòng thấp có lý do vì kinh tế TQ thực sự tồi tệ.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự nói với báo New York Times Bắc Kinh hiểu rõ chi tiêu quân sự có thể nhấn chìm một quốc gia và lấy Liên Xô làm ví dụ. Những người khác như GS Kim Xán Vinh ở ĐH Nhân dân Bắc Kinh nhận định sự kiện TQ giảm tập trung vào chi tiêu quân sự có thể do có nhiều lo ngại về xã hội.
Ông nói với báo Mỹ các vấn đề kinh tế đã biến phúc lợi xã hội trở thành vấn đề ưu tiên đối với chính phủ TQ. Tướng về hưu Từ Quang Dụ nhận định mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp cũng có thể là hậu quả của tình hình hiện đại hóa giảm tốc.
Một số ý kiến cho rằng quyết định kéo giảm mức tăng chi tiêu quốc phòng là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh TQ đang gia tăng bành trướng quân sự ở biển Đông. Chẳng hạn, GS Nghê Lạc Hùng đã dự đoán mức tăng phải gấp hai lần con số được công bố hôm 5-3.
Tuy nhiên, TQ chắc chắn không giảm khả năng quân sự. GS Andrew Erickson ở ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ nói với báo Wall Street Journal rằng quyết định về ngân sách của Bắc Kinh chỉ đơn giản thể hiện mong muốn cân bằng giữa vấn đề chi bạo và duy trì kiểm soát đối với quân đội.
Ông lưu ý: “Con số chi tiêu quốc phòng mới nhất của TQ cho thấy nước này quyết tâm tránh bành trướng quân sự kiểu Liên Xô nhưng vẫn tập trung tăng cường khả năng thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền hàng hải và đảo ở biển Đông và biển Hoa Đông”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên gân
Thời Báo Hoàn Cầu vốn là tờ báo hiếu chiến của TQ cho rằng với nhiều người dân TQ, mức tăng chi tiêu quốc phòng vừa được công bố “có một chút thất vọng”. Trong khi đó, ngày 5-3, Bộ Quốc phòng TQ đã mô tả mức tăng ngân sách quốc phòng đã công bố là phù hợp.
Bộ Quốc phòng cho rằng “đó chắc chắn không có nghĩa giấc mơ của người TQ về một quốc gia và quân đội hùng mạnh sẽ bị tác động” và dự thảo kế hoạch năm năm đến năm 2020 của TQ khẳng định TQ sẽ củng cố năng lực chấp pháp trên biển.
Giới quan sát nhận định điều đó đồng nghĩa với việc căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang ở biển Đông.
Trước đây, trước dư luận lên án hành động quân sự hóa của TQ ở biển Đông,Thời Báo Hoàn Cầu đã từng nói Mỹ “phóng đại sự việc” khi chỉ trích TQ bố trí tên lửa, radar, xây đường băng ở biển Đông là thay đổi môi trường hành động của quân đội Mỹ.
Báo cho rằng biển Đông không phải là nơi Mỹ giữ bá quyền và truyền thông Mỹ làm quá như khúc dạo đầu dư luận để Mỹ thị uy leo thang quân sự ở biển Đông.
Báo đổ lỗi Mỹ là quốc gia ngoài khu vực đã can thiệp quân sự ở biển Đông, quân đội Mỹ trình diễn cơ bắp ở biển Đông và Mỹ đưa căng thẳng có sức tác động toàn cục từ bên ngoài vào, từ đó biển Đông mới bị một số người coi là “thùng thuốc nổ” để bàn tán.
Báo còn hù dọa nếu Mỹ muốn biến biển Đông thành vũ đài quân sự và càng gia tăng áp lực quân sự ở biển Đông, phương thức quân sự của TQ sẽ càng mạnh hơn.
Báo răn đe nếu Mỹ có hành động uy hiếp các đảo thì phải chuẩn bị tư tưởng sẽ bị radar hỏa lực của TQ khóa chặt, biển Đông chỉ có thể là hải vực quân đội Mỹ đi qua vô hại chứ không phải khu vực thích hợp để Mỹ cân đo bá quyền.
Putin muốn ai làm tổng thống Mỹ?
Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin khen ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump là "một người cực kỳ tài năng" và là "người dẫn đầu tuyệt đối" của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhưng thực sự ông muốn tỷ phú này thất cử năm 2016.
Ông Malloch cho rằng Tổng thống Nga thích bà Hillary Clinton kế nhiệm Barack Obama vì ông tin rằng Moscow sẽ có một khoảng thời gian dễ dàng hơn với Washington nếu cựu nữ Ngoại trưởng làm chủ Nhà Trắng.
"Người Nga ngại sức mạnh thực sự và ông Trump không có vẻ sợ đối đầu với bất kỳ ai, kể cả Putin", cố vấn Malloch bình luận. "Những gì ông Putin ngại là một tổng thống Trump sẽ đánh dấu việc Mỹ quay trở lại chính sách đối ngoại đối đầu với Nga".
Ông Malloch nhìn nhận ông Trump giống cựu Tổng thống Ronald Reagan, người thẳng thừng đối đầu với Liên Xô khi đương chức, thậm chí thắng cuộc Chiến tranh Lạnh vốn đã dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô.
"Ông Trump có thể sẵn sàng chơi một ván cờ chính trị giống như Reagan năm 1982", Malloch nói. "Năm đó, Reagan đã tính toán sự phụ thuộc vào dầu lửa của kinh tế Liên Xô chính là điểm yếu mà Mỹ có thể lợi dụng bằng cách khuyến khích Ảrập Xêút bơm dầu, nhằm tạo ra dư thừa dầu lửa trên toàn thế giới, khiến giá dầu lao dốc".
"Ngày nay, kinh tế cũng trong hoàn cảnh tương tự, và một Donald Trump ở Nhà Trắng sẽ không cần vũ khí gì ngoài giá dầu để hạ gục Putin", ông Malloch lập luận. "Putin đã học được từ (cựu Tổng thống Mikhail] Gorbachev và ông hiểu Reagan đã dùng dầu lửa để thắng Chiến tranh Lạnh như thế nào".
Theo chuyên gia này, so với thời Reagan, một Tổng thống Trump thậm chí dễ dàng hơn nếu dùng dầu lửa như một vũ khí kinh tế chống lại Nga. Ông chỉ ra rằng, năm 1982, Reagan đã phải nhờ đến Ảrập Xêút tăng sản lượng dầu nhằm đẩy giá xuống thấp. Nhưng ngày nay, Mỹ đã trở lại ngôi vị nước sản xuất dầu lửa hàng đầu. Với sản lượng ngày càng tăng, giá dầu trên các thị trường giảm mạnh và điều này cực kỳ bất lợi cho Nga.
Chồng bí thư bán chức, vợ công an thu tiền
Báo Pháp chế Buổi chiều của Trung Quốc hôm 25/2 đã đăng bài nói về vụ án mua bán chức vụ cực kỳ nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Sơn Đông.
Theo báo trên, Lưu Trinh Kiên, nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Mặt trận Thị ủy Hà Trạch ngày 15/4/2015 đã bị nhận án tù chung thân, bị tịch thu tài sản cá nhân về tội nhận hối lộ, mua quan bán chức, nhất là trong thời gian làm lãnh đạo ở huyện Cự Dã.
“Muốn thăng quan, tìm chị cả”
Cáo trạng của tòa án cho biết, trong thời gian làm Bí thư Huyện ủy Cự Dã, Phó thị trưởng Hà Trạch (từ 2007 đến 2012), Kiên đã nhận hối lộ của cả thảy 44 người số tiền 8,85 triệu Nhân dân tệ (31 tỷ VND), trong đó có 3 khoản 1,18 triệu tệ liên quan đến việc làm ăn của các công ty, xí nghiệp. Số còn lại đều là nhận tiền của cấp dưới để bổ nhiệm, đề bạt họ…
Trong số 44 người trên, có tới 41 người đưa hối lộ cho Kiên để được đề bạt. Kiên đã nhận hối lộ 114 lần của nhóm này, với tổng số tiền lên đến 7,39 triệu Nhân dân tệ (25 tỷ 865 triệu VND). Chỉ riêng năm 2011, Kiên đã nhận hối lộ hơn 4,7 triệu Nhân dân tệ. Bình quân mỗi ngày, Kiên bỏ túi 13.000 Nhân dân tệ (tương đương với 45,5 triệu VND). Nghiêm trọng hơn, trong số những kẻ mua chức này, có 13 người đã dùng tiền công rồi bắt nhân viên tài chính thanh quyết toán vào việc khác.
Một điều nực cười, là bất cứ việc gì Kiên cũng đem bàn với vợ Giang Anh Quyên - Phó công an huyện và giao việc nhận tiền hối lộ cho vợ. Vì thế, trong giới quan chức huyện này lan truyền câu “muốn thăng quan, tìm chị cả”.
Trong số các quan tham đã mua chức từ Kiên, có 7 người là cán bộ lãnh đạo huyện, 10 người là phụ trách chủ yếu các cơ quan ban nghình, 17 trong số 18 bí thư đảng ủy các xã, thị trấn.
Ra hẳn quy tắc nhận hối lộ
Trang web chính thức của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, đối với những người dùng tiền mua chức vụ, Kiên bàn và thống nhất với vợ nguyên tắc: “Giúp được ai mới nhận tiền, không giúp được thì không nhận, chỉ nhận tiền của những cán bộ có năng lực có khả năng đề bạt”. Số tiền vợ chồng Kiên không nhận cũng lên tới 10 triệu Nhân dân tệ (35 tỷ VND).
Năm 2009, lãnh đạo các xã trong huyện có đợt điều chỉnh, chức Bí thư thị trấn Điền Kiều – nơi tiềm lực kinh tế mạnh nhất, là “miếng mồi” béo bở để nhiều người nhòm ngó, muốn chiếm lấy. Trong số các ứng viên có Khổng Khánh Quốc, lãnh đạo một thị trấn khác (sau này Quốc phải nhận án tù 17 năm rưỡi về tội tham ô, đưa hối lộ…).
Một hôm vào tháng 2/2009, Quốc đem túi đựng 30 nghìn Nhân dân tệ và 2 cây thuốc lá đến phòng làm việc của Kiên, để xin chức Bí thư Điền Kiều. Không ngờ Kiên nói thẳng: “Không chỉ mỗi mình anh đủ điều kiện, đừng chạy chức kiểu này, anh mang về đi!”.
Không phải Kiên không muốn nhận, mà các nhân viên thấy có người mang túi vào phòng bí thư nhưng ra tay không sẽ lộ chuyện nhận hối lộ. Mặc dù không nhận tiền hôm đó, nhưng Kiên rất ấn tượng với Quốc nên vẫn sắp xếp cho chức Bí thư thị trấn Điền Kiều. Vừa ngồi vào ghế, Quốc đã nhớ đến câu “Muốn thăng quan, tìm chị cả”, biết mình “có ơn phải trả”, nên mang thẻ rút tiền 60 nghìn Nhân dân tệ đến biếu Quyên.
Tổng cộng Quốc đã đưa Quyên 6 lần, với tổng số tiền là 1,1 triệu Nhân dân tệ, trong đó lần đưa nhiều nhất là 500.000 Nhân dân tệ. Toàn bộ số tiền này, Quốc đều lấy từ ngân sách nhà nước. Sau này, khi Quốc bị bắt trong một vụ án kinh tế khác đã khai ra chuyện mua chức từ vợ chồng Kiên – Quyên, từ đó chuyện bán chức mới dần bị cơ quan chức năng phanh phui.
a
Đầu năm 2010, Kiên nhận lời giúp Tiêu Kế Dân - Bí thư thị trấn Long Cố thăng tiến. Dân đã đưa cho Quyên 200 nghìn Nhân dân tệ. Sau đó, Kiên tiến cử Dân với Thị ủy Hà Trạch (cấp trên của huyện Cự Dã), để Dân vào Ban thường vụ huyện ủy. Tiếp đó, thị ủy đã ra quyết định bổ nhiệm Dân làm Ủy viên Thường vụ kiêm Bí thư Chính pháp huyện Cự Dã…
Theo lời khai của nhiều người, trong thời gian Kiên làm Bí thư Cự Dã, Quyên đã nghiễm nhiên trở thành “Trưởng ban tổ chức ngầm”. Bà ta thường cố ý “thả câu” ở những nơi phù hợp, để những người lọt tầm ngắm cảm thấy cơ hội thăng tiến đã tới, như tại một bữa tiệc tháng 6/2011, Quyên nói với Vương Quảng Đức (Chủ tịch thị trấn Doanh Lý) rằng, “chú năng lực tốt, để anh nhà chị lo liệu cho…”.
Hiểu ý “chị cả”, Đức đã 2 lần đem 600 nghìn Nhân dân tệ biếu Quyên. Đến tháng 9/2011, Đức được ngồi vào ghế Bí thư Đảng ủy thị trấn.
Dần dần, chuyện biếu tiền mua chức đã trở thành “bí mật bán công khai”, nhiều chức vụ ở huyện này được “áp giá”: Chủ tịch (xã, trấn trưởng) từ 50 đến 100 nghìn Nhân dân tệ; bí thư từ 100 – 200 nghìn; trưởng ban, ngành 200 nghìn. Một người gật đầu ở cơ quan, một người nhận tiền tại nhà, cặp vợ chồng Kiên - Quyên đã trở thành “cửa hàng vợ chồng bán chức”, chà đạp mọi kỷ cương, quy định.
Arab Saudi muốn Assad từ chức khi lập chính quyền chuyển tiếp
Vòng đàm phán giữa chính phủ Syria và các phe đối lập dự kiến tiếp tục vào tuần tới nhằm thiết lập quá trình chuyển tiếp chính trị để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở nước này. Theo lộ trình quốc tế, do Liên Hợp Quốc làm trung gian, một chính quyền chuyển tiếp sẽ được thiết lập vào giữa năm nay và bầu cử diễn ra vào giữa năm 2017.
"Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời đi khi quá trình bắt đầu", AFPdẫn lời Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir phát biểu với báo giới tại Paris, Pháp. "Có một thể chế chuyển tiếp, quyền lực chuyển từ Assad sang thể chế chuyển tiếp, rồi ông ta rời đi".
Theo ông al-Jubier, thể chế chuyển tiếp sau đó soạn thảo hiến pháp, chuẩn bị cho bầu cử. "Chúng tôi không nghĩ ông Assad từ chức vào cuộc bầu cử trong 18 tháng nữa", ông nói. "Ông ta cần rời đi vào đầu quá trình chuyển tiếp, không phải lúc nó kết thúc".
Vòng đám phán hòa bình sẽ bắt đầu vào ngày 10/3 thay vì theo như kế hoạch là ngày 9/3, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura nói. Một số đoàn đại biểu dự kiến đến Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 9/3, số khác đến muộn hơn, từ 11 đến 14/3, do "có rắc rối liên quan đến đặt phòng khách sạn".
Monzer Makhos, người phát ngôn Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC), cơ quan đại diện cho phe đối lập ở Syria, nói họ vẫn chưa quyết định có tham gia đàm phán hay không.
"Chúng tôi đang chờ đợi diễn biến trong vấn đề nhân đạo và sự tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Những gì đã diễn ra cho đến nay vẫn chưa đủ để khiến chúng tôi tham gia", Makhos nói.
Các bên tham chiến trong cuộc xung đột Syria đã chấp thuận kế hoạch của Nga - Mỹ về lệnh ngừng bắn tạm thời, bắt đầu từ 0h 27/2 theo giờ Damascus. Tuy nhiên, lệnh không áp dụng cho các cuộc tấn công vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria. Theo thoả thuận, chính phủ Syria và lực lượng đối lập ngừng bắn để hàng viện trợ có thể đến với dân thường và các cuộc đàm phán hòa bình được tiếp diễn.
Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên từ bỏ ‘ảo tưởng’ hạt nhân
"Đáp lại những hành động liều lĩnh của Triều Tiên, thông qua các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả, chính quyền chúng ta sẽ khiến họ thức tỉnh khỏi ảo tưởng về phát triển hạt nhân" - hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng nói thêm rằng hành vi đe dọa của Bình Nhưỡng đã "thách thức một cách trắng trợn" quyết tâm của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thể hiện trong những biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có vừa được đưa ra hôm 2-3, liên quan tới các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mà Triều Tiên thực hiện thời gian gần đây.
Hàn Quốc sẽ tăng cường thế trận quốc phòng của đất nước, đồng thời hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để đáp trả những hành vi khiêu khích của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói thêm.
“Chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này, chọn lấy cho đất nước con đường hòa bình theo đúng như mong muốn của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Triều Tiên cần thức tỉnh khỏi ảo tưởng vũ khí hạt nhân sẽ bảo vệ được chế độ và chúng tôi lần nữa kêu gọi Triều Tiên hãy chọn con đường của sự thay đổi và chân thành hướng tới sự phi hạt nhân hóa” - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.
Theo lệnh trừng phạt mới nhất mà Liên Hiệp Quốc đưa ra, tất cả hàng hóa chở bằng tàu đến và rời Triều Tiên đều phải bị kiểm tra. Trước đây, các nước chỉ kiểm tra những lô hàng đi và đến Triều Tiên nếu họ có cơ sở hợp lý để tin rằng chúng chứa hàng bất hợp pháp.
Phản ứng trước động thái mạnh tay từ Liên Hiệp Quốc, hôm 3-3, Triều Tiên cho phóng loạt tên lửa tầm ngắn ra biển Hoa Đông. Tiếp đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 4-3 ra lệnh cho lực lượng vũ trang sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào và đặt quân đội trong tư thế tấn công phủ đầu. Bình Nhưỡng cũng phát lệnh tổng động viên, kêu gọi người dân nhập ngũ nhằm tăng cường sức mạnh quân đội.