Ukraine đang tiến hành phong tỏa toàn diện đối với Crimea, thể hiện thái độ cương quyết “chưa từng thấy” trong vấn đề đòi lại bán đảo này từ tay Nga.
Có gì trong 10 phút biến mất lặng lẽ của “trùm an ninh Trung Quốc“?
- Cập nhật : 07/03/2016
(Tin Kinh Te)
Người đứng đầu cuộc chống tham nhũng của Bắc Kinh Vương Kỳ Sơn tiếp tục gây chú ý tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khi "biến mất" khỏi phiên báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Trang Đa Chiều (Mỹ) đưa tin, tại phiên họp báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 5/3, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn đã "lặng lẽ biến mất" khoảng 10 phút.
Tờ Takungpao (Hồng Kông) mô tả, khi lễ khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân đại) Trung Quốc 2016 hôm 5/3 diễn ra được khoảng 1 tiếng, ông Vương đã bất ngờ rời vị trí trên hàng ghế lãnh đạo vào khoảng 10h1'.
Trước đó, ông vẫn chăm chú nghe Thủ tướng Lý đọc báo cáo. "Sếp" CCDI trở lại vị trí của mình lúc 10h12' và "không có biểu hiện gì lạ" - Takungpao cho hay.
Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động chiến dịch "đả hổ đập ruồi" vào năm 2013, Vương Kỳ Sơn - lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng sừng sỏ nhất nước này - đã trở thành "người mà ai cũng biết là ai" đối với các quan tham.
Việc ông Vương rời hội nghị báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc do đó cũng được truyền thông quốc tế đồn đoán khác nhau.
Trước đó, hôm 3/3, hình ảnh Bí thư CCDI đuổi theo bắt chuyện với ông Tập khi kết thúc phiên khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc 2016, sau đó 2 ông cùng rời hội trường, đã thu hút sự quan tâm lớn.
Cho đến lúc này, nội dung cuộc trao đổi giữa ông Tập và ông Vương vẫn là điều bí ẩn làm dấy lên nhiều suy đoán. Nhưng đến sáng sớm hôm sau (4/3), Bắc Kinh đã tuyên bố cựu Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh Vương Mân "ngã ngựa".
Theo Đa Chiều, do tính chất kỷ luật chặt chẽ của các phiên họp trong khuôn khổ "lưỡng hội" - gồm hội nghị Chính hiệp và hội nghị Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, các quan chức không thể tùy ý rời hội trường, nhất là các thành viên của Bộ chính trị.
Tuy nhiên, với bản báo cáo dài gần 20.000 chữ, thời gian đọc gần 2 tiếng đồng hồ của ông Lý Khắc Cường thì khó bảo đảm không xuất hiện trường hợp đại biểu rời ghế để... đi toilet.
Tại "lưỡng hội" 2015, ông Vương Kỳ Sơn cũng từng rời khỏi phiên khai mạc Nhân đại toàn quốc trong 5 phút và phiên báo cáo của Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang trong 8 phút, sau khi hội nghị đã kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Lãnh đạo Trung Quốc rời hội nghị có gì bất thường?
Đa Chiều cho hay, dù có quy định khắt khe nhưng các hội nghị toàn thể của Trung Quốc không "cấm cản" đại biểu thực hiện các "nhu cầu cá nhân". Ngoài ra, các quan sát trước đây cũng cho thấy việc lãnh đạo Trung Quốc rời ghế có thể liên quan đến các sự vụ khẩn cấp.
Trường hợp điển hình là sự kiện ngày 10 và 11/3/2011, ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và ở Nhật Bản liên tiếp xảy ra các trận động đất mạnh.
Khoảng 15h57' ngày 11, khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc Vương Thắng Tuấn đọc báo cáo tại "lưỡng hội", thì bên dưới có nhân viên bước lên hàng ghế lãnh đạo, chuyển một văn kiện cho Chánh văn phòng trung ương Lệnh Kế Hoạch .
Ông Lệnh trao đổi ngắn, sau đó nhân viên này tiếp tục chuyển tài liệu cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ông Hồ Cẩm Đào xem xong thì lập tức lấy giấy viết, khoảng 7-8 phút sau thì chuyển cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngồi bên tay phải.
Ông Ôn viết xong khoảng 10 phút sau đó và chuyển lại cho ông Hồ Cẩm Đào. Nhân viên phụ trách nhận lại tờ giấy, tiếp đó Lệnh Kế Hoạch ký tên và tờ giấy tiếp tục được chuyển đến tay Phó thủ tướng phụ trách vấn đề địa chấn, cứu nạn Hồi Lương Ngọc.
Ông Hồi nhanh chóng rời hội trường phiên họp, theo sau là ông Lệnh. Ông Hồi trở lại sau khoảng 10 phút và bước tới hàng ghế lãnh đạo trao đổi với Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng .
Khi Hồi Lương Ngọc trở lại vị trí thì Quách Bá Hùng rời khỏi hội trường cùng với Ủy viên quốc vụ phụ trách ngoại giao Đới Bỉnh Quốc.
Cho tới 16h30 cùng ngày, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch và Đới Bỉnh Quốc mới lần lượt trở lại hội nghị.
Các thành viên Bộ chính trị Trung Quốc tham dự lễ khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 4 khóa XII ngày 5/3 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua
Ví dụ trên cho thấy "nhất cử nhất động" của giới lãnh đạo Trung Quốc tại kỳ họp lớn như "lưỡng hội" hàng năm đều trở thành tiêu điểm chú ý của giới truyền thông.
Hành động của các lãnh đạo cấp cao có thể là hoạt động cá nhân, nhưng cũng không loại trừ khả năng là một động thái chính trị.
Tương tự, 10 phút "biến mất lặng lẽ" của ông Vương Kỳ Sơn khỏi phiên báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc cũng trở thành điểm nhấn của phiên họp hôm 5/3, trong bối cảnh thông lệ "không 'đánh hổ' trong hội nghị lớn" đã bị phá bỏ.
Liên tiếp những động thái "lạ" của ông Vương và ông Tập trong những ngày đầu của hai hội nghị lớn nhất Trung Quốc đang biến "lưỡng hội" 2016 của nước này thành một kỳ họp được dự đoán không mấy yên ả.
Theo Tri Thức Trẻ/Bizlive