Khó khăn chất chồng chờ Trung Quốc
Vẫn phải cảnh giác với mưu đồ quân sự hóa Trung Quốc
Mỹ sắp có vũ khí đa năng
Trung Quốc phản đối Đài Loan “ly khai”
Hàn - Mỹ hòan thành kịch bản "đánh đòn phủ đầu" Triều Tiên
Tin thế giới đọc nhanh trưa 06-03-2016
- Cập nhật : 06/03/2016
Bất chấp Trung Quốc, Mỹ-Hàn đàm phán hệ thống đánh chặn
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo ngày 4-3, Hàn Quốc và Mỹ đã chính thức ký thỏa thuận thành lập tổ công tác hỗn hợp để thảo luận về dự án triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc. Tướng Jang Hyung-soo thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và tướng Robert Hedelund thuộc lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cùng chỉ đạo tổ công tác hỗn hợp.
Hãng tin Yonhap đưa tin tổ công tác hỗn hợp đã họp ngay trong chiều 4-3 tại Seoul để thảo luận nhiều vấn đề, từ hiệu quả quân sự của THAAD, các vị trí bố trí thuận lợi, tác động về an ninh và môi trường cho đến vấn đề chia sẻ chi phí và lịch trình đàm phán tiếp theo.
Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 2-3 để thông qua nghị quyết 2270 trừng phạt Triều Tiên, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất nêu lý do triển khai THAAD sẽ làm phương hại đến lợi ích an ninh của Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực, đi ngược với nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc thì cho rằng triển khai THAAD nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Trong khi đó, trả lời báo chí Hàn Quốc ngày 4-3, Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ nhận xét “CHDCND Triều Tiên đang đào mồ tự chôn mình” với các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Ông yêu cầu Triều Tiên phải nghiêm túc tuân thủ Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Tại CHDCND Triều Tiên, sáng 4-3, hãng thông tấn KCNA đưa tin quân đội Triều Tiên đã tổ chức diễn tập bắn pháo nhiều nòng 300 mm (ảnh) nhưng không nêu cụ thể thời gian và địa điểm diễn tập.
KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã yêu cầu nhanh chóng triển khai pháo 300 mm trên chiến trường và tuyên bố: “Con đường duy nhất để bảo vệ chủ quyền dân tộc… là phải sẵn sàng triển khai bắn đầu đạn hạt nhân bất cứ khi nào”.
KCNA cho biết đến nay đã có 13 lần bắn thử pháo 300 mm trong ba năm phát triển và vũ khí mới này có khả năng bắn đến toàn bộ mục tiêu trong khu vực tác chiến ở miền Nam với độ chính xác cao.
Quân đội Hàn Quốc đánh giá tầm bắn của pháo 300 mm lên đến 170-200 km, tức pháo gần giới tuyến có thể bắn tới căn cứ Mỹ ở Pyeongtaek cách Seoul 70 km về hướng nam và Bộ chỉ huy quân đội Hàn Quốc ở Gyeryong cách Seoul 160 km về hướng nam.
Đến nay Triều Tiên có ba loại pháo gồm 107 mm, 122 mm và 240 mm. Tầm bắn của pháo 240 mm chỉ đến 90 km. Để đối phó với pháo 300 mm của Triều Tiên, Hàn Quốc có pháo nhiều nòng Chunmoo 230 mm thế hệ mới nhưng tầm bắn chỉ đến 80 km, thấp hơn pháo 300 mm của Triều Tiên.
Philippines bắt tàu Triều Tiên sau lệnh trừng phạt của LHQ
Tàu Jin Teng chở theo 21 thành viên thủy thủ đoàn (đều là công dân Triều Tiên) đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) tạm giữ ngoài khơi cảng Subic, tỉnh Zambales ngày 4-3.
Chiều 3-3, lực lượng PCG lên tàu Jin Teng – tải trọng 6.830 tấn – để kiểm tra và phát hiện nó cắm cờ Sierra Leone nhưng toàn bộ 21 thành viên thủy thủ đoàn đều là công dân Triều Tiên.
Phát ngôn viên PCG Armand Balilo cho biết con tàu này nằm trong đội tàu 31 chiếc do Công ty Quản lý Hàng hải Đại dương (OMM) sở hữu – vốn bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa vào danh sách theo dõi vì nghi ngờ vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt từ Triều Tiên.
Các quan chức PCG cho hay tàu Jin Teng xuất phát từ TP Palembang – Indonesia ngày 27-2 và neo đậu ngoài khơi bờ biển Subic từ hôm 3-3. Trên tàu, người ta tìm thấy các sản phẩm hạt cọ chuẩn bị được đưa tới nhà kho ở đảo Luzon.
Ngoài ra, PCG còn phát hiện 4 hành vi vi phạm tiêu chuẩn an toàn hàng hải, gồm bóng đèn khẩn cấp bị lỗi, không có vòi rồng cứu hỏa, lỗ thông hơi bị ăn mòn và tiện nghi trên tàu không đầy đủ.
Nhà chức trách Philippines sẽ giữ con tàu tại cảng Subic và trục xuất thủy thủ đoàn, theo thông báo của phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Manolo Quezon. Vị này khẳng định là một thành viên của LHQ, Manila sẽ góp phần vào việc thực thi các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an áp đặt ngày 2-3 vừa qua.
Một nhóm giám sát từ LHQ dự kiến tới cảng Subic để xem xét vụ việc. Hôm 5-3, tàu Jin Teng bị kiểm tra lần thứ hai bằng các cảm biến vũ khí điện tử. Triều Tiên không có đại sứ quán ở Philippines nên chưa thấy đưa ra phản hồi.
Tàu Trung Quốc lởn vởn gần tàu sân bay Mỹ ở biển Đông
Các tàu hải quân Trung Quốc đang ở “khu vực lân cận” vị trí của tàu sân bay Mỹ, theo đài CNN dẫn từ thông cáo hôm 4-3 của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Đại tá Greg Huffman, chỉ huy tàu sân bay John S. Stennis vừa đến biển Đông hôm 1-3, khẳng định Trung Quốc đang gia tăng hoạt động gần các tàu trong đội tàu sân bay tấn công của ông.
“Chúng tôi thấy những con tàu Trung Quốc quanh chúng tôi, điều mà bình thường không xảy ra” - ông Huffman nói trong thông cáo. Lần cuối cùng ông được điều động tới đây là năm 2007.
Ông Huffman cho biết giữa tàu Mỹ và tàu Trung Quốc không gặp vấn đề gì. “Mọi thứ tôi nghe được qua các kênh liên lạc đều là trao đổi giữa những thuỷ thủ chuyên nghiệp” - ông Huffman nói.
Sĩ quan chỉ huy tàu sân bay Mỹ John S. Stennis cho biết Trung Quốc đang gia tăng hoạt động gần các tàu của ông. Ảnh: US NAVY
Theo thông báo trên, tàu sân bay John S. Stennis, các tàu khu trục tên lửa dẫn đường Chung-Hoon và Stockdale, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Mobile Bay và tàu hậu cần Rainier hoạt động ở khu vực phía Đông biển Đông kể từ ngày 1-3, sau khi đi qua eo biển Luzon giữa Philippines và Đài Loan.
Hải quân Mỹ cho biết sự hiện diện của cụm tàu do tàu sân bay USS John S. Stennis dẫn đầu là hoạt động triển khai định kỳ.
Tuy nhiên, thông cáo của Hạm đội số 7 cũng đề cập đến một số hoạt động triển khai khác gần đây của Hải quân Mỹ. Đơn cử đó là việc triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) hồi tháng 1. Bộ Quốc phòng Mỹ xem động thái đó nhằm thách thức “các tuyên bố chủ quyền thái quá đang làm hạn chế tự do hàng hải của Mỹ và các nước khác”.
Theo Lầu Năm Góc, “hoạt động này thể hiện tuyên bố của Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter rằng Washington sẽ hoạt động trên biển, trên không, ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Điều này đúng với ở biển Đông cũng như các khu vực khác trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại tố ngược Mỹ quân sự hóa ở vùng biển này.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng 7,6%
Tỷ lệ phần trăm gia tăng đồng nghĩa với việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2016 sẽ lên tới 954,35 tỷ nhân dân tệ (146,67 tỷ USD). Theo báo Nikkei, đề xuất ngân sách được hé lộ trong phiên họp Quốc hội Trung Quốc thường niên hôm nay. Con số này chỉ bằng một phần tư của 573 tỷ USD, ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cho năm 2016.
Đây là lần đầu tiên trong 6 năm Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự chỉ một chữ số. Kể từ năm 1989, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng hai chữ số mỗi năm, ngoại trừ năm 2010, khi chính phủ thắt lưng buộc bụng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của nước này được đăng ký tăng 10,1% so với năm trước đó, lên 866,9 tỷ nhân dân tệ. Phát ngôn viên Phó Oánh của Quốc hội Trung Quốc hôm qua tuyên bố ngân sách quốc phòng nước này trong năm 2016 sẽ tăng trong khoảng 7 - 8%.
Con số khiêm tốn năm nay là điều gây bất ngờ, khi quân đội Trung Quốc đang trải qua cuộc tái tổ chức lịch sử. Khi xét đến căng thẳng ở Biển Đông, một số chuyên gia đã dự đoán ngân sách tăng 20% trong năm nay. Tuy nhiên, con số công bố hôm nay thể hiện mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) yếu đi.
"Các ngân sách Trung Quốc giống tuyên bố chính trị hơn là con số thực", Tetuso Kotani, nghiên cứu trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản, nói. "Họ giữ mức tăng quốc phòng cao hơn GDP tổng thể để cho thấy sự quan tâm đến quân sự, đồng thời giữ nó ở mức thấp, đủ để tránh được bất cứ sự chỉ trích nào từ phía Mỹ và thế giới".
Nhật Bản cho Philippines thuê máy bay tuần tra biển Đông
Nhật Bản hôm 4-3 thông báo sẽ cho Philippines thuê 5 chiếc máy bay huấn luyện TC-90 để thực hiện tuần tiễu và do thám ở biển Đông.
Hiện nay, Philippines sử dụng các máy bay có bán kính bay ngắn là 300 km. Các máy bay TC-90 của Nhật Bản có tầm bay gấp đôi.
Tuy nhiên, theo báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản), TC-90 không trang bị radar tân tiến và các thiết bị khác nên người trên máy bay chỉ có thể quan sát bằng mắt thường.
Theo một nguồn tin, Philippines phải chi đến hàng triệu USD mỗi năm để thuê các máy bay của Nhật Bản. Dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani sớm đến Philippines để hoàn tất thỏa thuận cho thuê nói trên.
Ngoài ra, Nhật cũng sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam. Mới đây, chính phủ Nhật Bản và Philippines đã ký kết hiệp định khung về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng từ Tokyo cho Manila.
Những diễn biến này diễn ra giữa lúc Trung Quốc không ngừng quân sự hóa biển Đông.