tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 06-03-2016

  • Cập nhật : 06/03/2016

Triều Tiên “tự ký án tử hình”

Ông Vũ Đại Vĩ, đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng vừa tự ký vào bản án tử hình sau những hành động làm leo thang căng thẳng mới đây.

Trả lời phỏng vấn của ông Chang Dae-whan, chủ tịch tập đoàn truyền thông Maekyung (Hàn Quốc), ông Vũ nói: “Bắc Kinh từng nhiều lần cảnh báo Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng họ phớt lờ. Đó là lý doTrung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Theo ông Vũ, đoàn của ông đến Bình Nhưỡng từ ngày 2 đến 4-2, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6-1 và chỉ vài ngày trước khi nước này phóng tên lửa hôm 7-2. “Chúng tôi gặp 3 nhân vật có ảnh hưởng, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan và chuyển thông điệp mạnh mẽ rằng họ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân song họ chẳng để lọt vào tai” - ông Vũ kể.

ong vu dai vi (trai) toi binh nhuong hom 2-2 anh: kyodo

Ông Vũ Đại Vĩ (trái) tới Bình Nhưỡng hôm 2-2 Ảnh: KYODO

Cũng trong cuộc phỏng vấn hôm 2-3, ông Vũ nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc, bao gồm 3 điểm: ủng hộ phi hạt nhân hóa và duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, nhất trí với các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an và hoàn toàn phản đối Mỹ lập hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại của Bắc Kinh, Mỹ và Hàn Quốc đã chính thức khởi động cuộc thảo luận về vấn đề triển khai THAAD hôm 4-3. Hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết các vấn đề được bàn thảo gồm có: hiệu quả của THAAD, các vị trí triển khai, khung thời gian, chia sẻ chi phí và ảnh hưởng đối với môi trường.

Trước đó, Lầu Năm Góc hôm 3-3 vẫn đánh giá thấp nguy cơ từ kho hạt nhân của Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh cho quân đội sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất kỳ lúc nào và luôn trong tư thế “tấn công phủ đầu” nếu bị kẻ thù đe dọa.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết vẫn chưa thấy Triều Tiên thử nghiệm hoặc thể hiện khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân để tích hợp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Dù vậy, người này khẳng định các lực lượng của Mỹ sẵn sàng tấn công triệt tiêu nếu cần thiết.


Canada thay đổi chính sách nhập cư diện vợ chồng

Những người lấy vợ hoặc chồng là công dân Canada sắp tới sẽ được nhận quy chế thường trú nhân ngay khi đặt chân đến Canada thay vì phải chờ hai năm như trước đây.

cac nha hoat dong vi nu quyen canada lo ngai tinh trang phu nu bi cuong ep, lam dung trong thoi gian thu thach de nhan quy che thuong tru - anh: toronto star

Các nhà hoạt động vì nữ quyền Canada lo ngại tình trạng phụ nữ bị cưỡng ép, lạm dụng trong thời gian thử thách để nhận quy chế thường trú - Ảnh: Toronto Star

Theo báo Toronto Star, Bộ trưởng Nhập cư, Di trú và Công dân Canada John McCallum cho biết chính sách mới về quy chế thường trú cho người nước ngoài kết hôn với người Canada sẽ được chính thức công bố trong vài tháng tới.

Đây là một phần cam kết của đảng Tự do (LIB) Canada trong chiến dịch bầu cử vừa qua.

Thay đổi này sẽ chấm dứt thời gian chờ đợi quy chế thường trú đối với một số người nhập cư diện kết hôn hiện nay, trong khi những người mới đến sẽ được hưởng ngay quy chế thường trú.

Các nhà hoạt động vì nữ quyền lên tiếng ca ngợi động thái này của chính phủ. Một cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy đa số phụ nữ, những người thuộc sắc tộc thiểu số và những người đến từ các nước Hồi giáo thường chịu nhiều thiệt thòi với quy định cấp thường trú có điều kiện.

Họ có thể rơi vào cảnh chấp nhận sống chung, bị lạm dụng, hành hạ để khỏi mất tư cách thường trú. 

Theo số liệu của Cơ quan di trú Canada, trong giai đoạn từ tháng 10-2012 đến 12-2014 có khoảng 28% trong tổng số 103.887 vợ/chồng được bảo lãnh đến Canada bị áp dụng thời hạn thử thách trước khi nhận quy chế thường trú.

Cam kết của Bộ trưởng McCallum đã nhận được hoan nghênh từ đông đảo người dân Canada nhưng cũng gây không ít tranh cãi.

Theo một số chuyên gia luật di trú, việc xóa bỏ chính sách cấp quy chế tạm trú có thể bị lợi dụng để thực hiện các cuộc hôn nhân giả nhằm có được thị thực thường trú vĩnh viễn.

Thực tế cho thấy việc áp dụng quy định cấp quy chế tạm trú từ năm 2012 đến nay đã giúp hạn chế đáng kể tình trạng nhập cư thông qua kết hôn giả. 

Chính sách cấp quy chế thường trú có điều kiện được chính phủ trước đây của ông Stephen Harper áp dụng từ năm 2012 nhằm hạn chế tình trạng kết hôn giả của công dân nước ngoài với mục đích hưởng quy chế thường trú tại Canada.


Vì sao mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc giảm?

Trung Quốc ngày 5.3 thông báo tăng ngân sách chi tiêu quân sự năm 2016 lên 7,6% so năm 2015, mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua, mặc cho nước này vẫn cấp tập quân sự hoá tại Biển Đông.
Ngân sách chi tiêu quân sự năm 2016 của Trung Quốc là 954,35 tỉ nhân dân tệ (146,67 tỉ USD), chỉ bằng một phần tư của Mỹ (573 tỉ USD), theo Reuters ngày 5.3. Con số này được thông báo ngày 5.3 tại cuộc họp quốc hội hằng năm và giữa thời điểm Trung Quốc đang leo thang các hành động quân sự tại Biển Đông.
Đây là mức tăng ngân sách quân sự thấp nhất của Trung Quốc từ năm 2010 đến nay. Năm 2015, chi tiêu quân sự của nước này tăng 10,1% lên 886,9 tỉ nhân dân tệ.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng việc ngân sách quân sự tăng chậm lại là thích hợp; đồng thời khẳng định giấc mơ của người dân Trung Quốc về một đất nước và quân đội hùng mạnh sẽ không bị ảnh hưởng.
Hoàn cầu Thời báo thì lập luận: “Không cần phải chi tiêu lớn để bắt kịp Mỹ, nước đang tìm cách giữ sự hiện diện quân sự trên toàn thế giới. Sức răn đe quân sự của Trung Quốc trong khu vực nhằm mục đích quốc phòng đã được phát triển rồi”.
day la muc tang chi tieu quan su thap nhat trong vong 6 nam qua cua trung quoc - anh: afp

Đây là mức tăng chi tiêu quân sự thấp nhất trong vòng 6 năm qua của Trung Quốc - Ảnh: AFP

Nguyên nhân: kinh tế
Việc chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại xảy ra giữa thời điểm tăng trưởng kinh tế nước này cũng bị chững lại, theo Reuters.
Ông Ni Lexiong, giáo sư khoa học chính trị Đại học Thượng Hải nói với Washington Post rằng điều này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hoà bình. Nhưng lý do thứ hai lại chính là tình hình kinh tế không tốt của Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt mức 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Các nhà kinh tế và quan chức không còn lạc quan về năm 2016 và dự đoán rằng mức tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại, chỉ khoảng 6,5% trong năm 2016.
Các chuyên gia về chi tiêu quân sự nói với New York Times rằng, Trung Quốc hiểu rõ việc chi tiêu quá nhiều có thể nhấn chìm đất nước như trường hợp của Liên Xô.
Giáo sư Jin Canrong thuộc đại học Renmin (Trung Quốc) thì lý giải, những khó khăn về kinh tế đã khiến chính phủ nước này chuyển ưu tiên sang chi tiêu cho phúc lợi xã hội.
muc tang chi tieu quan su cua trung quoc bat ngo cham lai giua luc nuoc nay cap tap thuc hien cac hanh dong quan su hoa tai bien dong - anh: reuters

Mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc bất ngờ chậm lại giữa lúc nước này cấp tập thực hiện các hành động quân sự hoá tại Biển Đông - Ảnh: Reuters

Vẫn tập trung vào Biển Đông
Mức tăng ngân sách quân sự Trung Quốc năm 2016 thấp hơn năm 2015 khiến nhiều chuyên gia bất ngờ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ dễ dàng từ bỏ các hành động bành trướng tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng thường trực đông đảo nhất với hơn 2 triệu binh sĩ, theo CS Monitor.
Giáo sư Andrew Erickson của trường Chiến tranh hải quân Mỹ nói với Wall Street Journal rằng quyết định của Trung Quốc đơn giản cho thấy họ đang đi trên một lằn ranh mỏng manh giữa việc bội chi và mong muốn giữ vững quyền kiểm soát quân sự.
“Con số chi tiêu quốc phòng mới nhất của Bắc Kinh cho thấy họ xác định tránh việc bội chi quân sự theo kiểu Liên Xô, nhưng vẫn tập trung vào việc tăng cường tuyên bố các đòi hỏi chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông”, giáo sư Erickson đánh giá.
Trung Quốc trong thời gian gần đây đã cấp tập quân sự hoá Biển Đông khi triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không, chiến đấu cơ, xây đường băng, radar, hải đăng một cách trái phép trên các đảo và bãi đá thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này khiến không chỉ Việt Nam mà các nước hết sức lo ngại.
Mỹ đã điều tàu chiến cùng máy bay ném bom thực hiện các cuộc tuần tra định kỳ tại Biển Đông. Mới đây nhất là đội tàu sân bay USS John C. Stennis của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đang có chuyến tuần tra khu vực này. Trung Quốc thì cáo buộc tàu chiến Mỹ tuần tra trong khu vực là hành động gây hấn.

Nga sẽ điều tàu sân bay đến Địa Trung Hải

tau san bay do doc kuznetsov cua nga se duoc dieu dong den dia trung hai vao mua he 2016 - anh: tass

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga sẽ được điều động đến Địa Trung Hải vào mùa hè 2016 - Ảnh: TASS

Nga sẽ điều tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến Địa Trung Hải vào mùa hè này trong một chiến dịch chưa được Moscow tiết lộ.
Một sĩ quan cao cấp của Hải quân Nga cho biết, Moscow sẽ điều tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, đang ở tại Xưởng đóng tàu 35 Murmansk, đến Địa Trung Hải để tham gia lực lượng hải quân Nga ở khu vực này trong mùa hè năm nay, TASS ngày 5.3 cho biết.
Sĩ quan cao cấp trên của quân đội Nga từ chối tiết lộ nhiệm vụ chính của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là gì khi được điều đến vùng biển xảy ra nhiều đụng độ gây căng thẳng giữa Nga và các nước thành viên NATO. Ông chỉ nói rằng tàu Đô đốc Kuznetsov đang được các chuyên gia chuẩn bị cho chiến dịch đường dài.
Nga triển khai lực lượng hải quân ở Địa Trung Hải từ năm 2013. Hơn 10 tàu chiến đang ở khu vực này được điều động trên cơ sở luân phiên. Lực lượng hải quân thường trực của Nga tại Địa Trung Hải hiện nay bao gồm tàu tuần dương mang tên lửa Varyag được trang bị hệ thống phòng không Fort-M, phiên bản của hệ thống phòng không S-300, và tàu chiến chống tàu ngầm lớn Phó Đô đốc Kulakov.

Hơn 3.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở Yemen

canh do nat sau cuoc khong kich tai thu do sanaa. (nguon: afp/ttxvn)

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích tại thủ đô Sanaa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/3, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền cho biết hơn 3.081 người đã thiệt mạng tại Yemen từ tháng 3/2015 đến nay.

Riêng tháng 2/2016, ít nhất 168 người thiệt mạng và 193 người bị thương, hơn 2/3 số này là do các cuộc không kích.

Theo phóng viên tại châu Phi, Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết các cuộc giao tranh ác liệt và ném bom, pháo kích bừa bãi giữa lực lượng liên quân quốc tế do Arab Saudi đứng đầu và các nhóm vũ trang nổi dậy là nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh trên.

Hiện, các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc cũng đang điều tra những cáo buộc rằng các lực lượng liên minh đã sử dụng vũ khí hóa học tại một số khu vực phía Nam của nước này.

Trước đó, ông Stephen O'Brien, phụ trách về vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Yemen, hơn 2.000 trẻ em đã bị thiệt mạng và bị thương, trong đó có hơn 90 trường hợp thiệt mạng chỉ trong hai tháng đầu năm nay.

Yemen đã rơi vào cuộc nội chiến toàn diện kể từ tháng 9/2014, khi nhóm Hồi giáo dòng Shiite Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã đánh chiếm thủ đô Sanaa và buộc Tổng thống đương nhiệm Mansur Hadi rời thủ đô và mất quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

Đến nay, cuộc nội chiến đẫm máu này đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người dân vô tội và hàng triệu người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục