Nếu kịch bản Anh không còn là thành viên của Liên minh châu Âu trở thành hiện thực, đây sẽ là một bước lùi của tiến trình toàn cầu hóa và có thể xảy ra ở cả khu vực khác.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 28-06-2016
- Cập nhật : 28/06/2016
Ý bắt trùm ma túy lẩn trốn 20 năm
Lúc cảnh sát ập vào, ông trùm Ernesto Fazzalari đang ngủ trên giường. Fazzalari bị buộc các tội giết người, tống tiền và liên quan đến mafia.
Ernesto Fazzalari, 46 tuổi, được nói là nhân vật hàng đầu của băng 'Ndrangheta - một trong những băng mafia mạnh nhất Ý và được cho là đứng đằng sau hầu hết các thương vụ cocaine ở châu Âu.
Fazzalari bị truy nã suốt 20 năm qua sau khi bỏ trốn vào năm 1996. Năm 1999, hắn bị kết án vắng mặt mức án tù chung thân với các tội danh giết người, tống tiền và liên quan đến mafia.
Cho đến thời điểm này, Fazzalari là ông trùm mafia bị truy nã gắt gao thứ nhì nước Ý, sau Matteo Messina Denaro - được cho là trùm băng Cosa Nostra ở Sicily.
Cảnh sát cho biết họ bắt giữ Fazzalari hôm 26-6 khi y đang lẩn trốn trong một ngôi nhà ở khu vực Calabria, miền nam nước Ý, cùng một nữ đồng phạm. Fazzalari đã không kháng cự lúc bị bắt.
Cơ quan điều tra tội phạm có tổ chức của Ý gọi việc bắt được Fazzalari là một chiến thắng lịch sử. Trên Twitter, Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã ca ngợi vụ bắt giữ Fazzalari và gửi lời cảm ơn đến nhóm điều tra, bắt giữ ông trùm này.
Đảng đối lập của Anh hỗn loạn sau Brexit
11 nghị sĩ Công đảng hôm qua từ chức trong nội các của đảng đối lập, sau khi Hilary Benn, ngoại trưởng đảng này bị lãnh đạo Jeremy Corbyn cách chức.
Ông Benn được cho là âm mưu đảo chính chống lại ban lãnh đạo đảng sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, trong đó người Anh bỏ phiếu để "ra khỏi" Liên minh châu Âu (Brexit). Hãng PA dẫn một phát ngôn viên Công đảng cho biết ông Corbyn cách chức ông Benn do ông này đã "mất lòng tin" vào ông Corbyn.
Các bộ trưởng của Công đảng xin từ chức bao gồm bà Heidi Alexander, Bộ trưởng y tế, Ian Murray, Bộ trưởng Scotland, Lucy Powell, Bộ trưởng Giáo dục, Kerry McCarthy, Bộ trưởng về Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn, và Seema Malhotra, Bộ trưởng Tài chính.
"Tôi lấy làm tiếc khi có những người xin từ chức khỏi nội các bóng tối của tôi", lãnh đạo Công đảng Corbyn cho biết. "Nhưng tôi sẽ không phản bội lại lòng tin của những người bỏ phiếu cho tôi - hàng triệu người ủng hộ khắp đất nước, muốn Công đảng đại diện cho họ".
Ông Corbyn nói sẽ có một nội các đối lập mới trong vòng 24 giờ, và nếu có một cuộc bỏ phiếu mới bầu ban lãnh đạo Công đảng, ông sẽ làm ứng viên.
Theo hệ thống quốc hội Anh, nội các bóng tối là một nhóm các nghị sĩ quốc hội đối lập, có nhiệm vụ chỉ trích các chính sách của chính phủ. Mỗi người được giao phụ trách một lĩnh vực và đóng vai trò phát ngôn viên cho hạng mục đó.
Cũng giống như Thủ tướng David Cameron thuộc đảng Bảo thủ, người đã tuyên bố quyết định từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý, Công đảng cũng vận động để Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, ông Corbyn bị chỉ trích vì hành động không quyết đoán khi vận động cho chiến dịch "Ở lại". Ông đang chịu nhiều sức ép về việc nối gót ông Cameron và từ chức.
Cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 chia rẽ sâu sắc Anh, với 51,9% số người bỏ phiếu bầu muốn "Đi", còn 48,1% muốn "Ở lại". Kết quả khiến nhiều khu vực sốc và giận dữ, làm đồng bảng Anh và các thị trường chứng khoán sụt giảm, tạo ra khoảng trống trong tầng lớp lãnh đạo khi nước này đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hôm qua nói nếu nước này không được tiếp cận với một thị trường duy nhất của châu Âu sau khi bỏ phiếu ra khỏi liên minh thì đó sẽ là "thảm họa".
Vũ khí CIA chuyển cho phiến quân Syria đã về tay ai?
Các quan chức chính phủ Mỹ và Jordan cho biết vũ khí được Cục Tình báo trung ương (CIA) Mỹ và Ả Rập Saudi cung cấp cho phiến quân Syria đã bị tuồn ra thị trường chợ đen. Tờ The New York Times (NYT) cho biết số vũ khí tập kết tại Jordan đã bị các nhân viên tình báo nước này đánh cắp và bán cho các tay buôn lậu vũ khí.
Một số vũ khí bị đánh cắp đã được sử dụng trong một vụ xả súng tại trnug tâm huấn luyện cảnh sát Amman vào tháng 11-2015, làm hai người Mỹ và ba người khác thiệt mạng. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành điều tra vụ việc trong nhiều tháng qua.
Tình trạng trộm cắp vũ khí chỉ mới chấm dứt vài tháng trước sau khi chính phủ Mỹ và Ả Rập Saudi phàn nàn với chính phủ Jordan, theo tờ NYT và Al Jazeera. Các quan chức quốc phòng Jordan cho biết những sĩ quan tình báo tham gia vào vụ việc thu được nguồn lợi khủng. Số tiền được các tay sĩ quan này dùng để mua các món hàng xa xỉ, từ các “siêu xe” đến điện thoại iPhone đời mới nhất.
Tờ NYT nhận định vụ trộm vũ khí trị giá hàng triệu USD chính là hậu quả điển hình cho những chương trình vũ trang và huấn luyện các nhóm phiến quân mà CIA và Lầu Năm Góc đã thực hiện nhiều thập niên qua. Vụ việc diễn ra ngay cả khi chính quyền Tổng thống Obama đã đề ra mong muốn thắt chặt kiểm soát chương trình huấn luyện tại Jordan.
Số vũ khí được tuồn vào thị trường chợ đen bao gồm các loại súng trường tấn công Kalashnikov, súng cối và súng phóng lựu. Các điều tra viên không rõ số phận của phần lớn số vũ khí bị đánh cắp hiện ra sao. Tuy nhiên theo NYT, các chợ đen bán vũ khí Jordan là nguồn cung chủ yếu cho các mạng lưới tội phạm và các bộ lạc địa phương tại nước này. Một số tay lái buôn vũ khí cũng thu mua tại chợ đen và chuyển ra nước ngoài.
Theo tiết lộ của các quan chức Mỹ và Saudi, cuộc điều tra vụ xả súng tại Amman của FBI cho thấy loại vụ khí mà nghi phạm Anwar Abu Zaid sử dụng nằm trong số vũ khí được gửi đến Jordan cho các phiến quân Syria. FBI đã lần ra được số đăng kiểm của các khẩu súng được sử dụng trong vụ tấn công.
Đáp lại vụ việc, Bộ trưởng Truyền thông Jordan ông Mohammad H. al-Momani cho biết các cáo buộc nhân viên tình báo nước này đánh cắp vũ khí là “hoàn toàn sai sự thật”. Ông khẳng định: “Vũ khí trong các cơ quan an ninh của chúng tôi được theo dõi rất sát sao, với mức kỷ luật cao nhất”. Tại Jordan, giám đốc của cơ quan tình báo Jordan (GID) là người quyền lực thứ hai quốc gia, chỉ đứng sau mỗi nhà vua.
Trong khi đó, đại diện của CIA và FBI từ chối bình luận về vụ việc. Bộ Ngoại giao Mỹ không để cập đến các cáo buộc, khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Jordan vẫn bền vững.
Theo NYT, các quan chức Jordan và Mỹ tiết lộ về vụ trộm vũ khí và cuộc điều tra đều yêu cầu giữ bí mật danh tính. Chương trình đào tạo phiến quân Syria được phân loại là thông tin chưa được giải mật tại Mỹ và là bí mật quốc gia tại Jordan. Thông tin về vụ trộm vũ khí đã được lan truyền trong chính quyền Jordan nhiều tháng qua, theo NYT.
Vụ xả súng năm 2015 tại Jordan được cho là sử dụng khẩu súng bị đánh cắp từ số vũ khí CIA gửi cho phiến quân Syria. Ảnh: AP
Cựu cố vấn cao cấp của nhiều đời thủ tướng Jordan, ông Husam Abdallat cho biết đã nghe thông tin vụ việc từ nhiều quan chức nước này. Ông Abdallat cho biết cơ quan GID vẫn tồn tại một số quan chức và sĩ quan bị thoái hóa. Tuy nhiên, toàn bộ cơ quan này vẫn đảm bảo sự “trung thành và là tuyến phòng thủ đầu tiên của đất nước” - theo ông Abdallat.
Theo tiết lộ của NYT, nhóm trộm bao gồm các sĩ quan hậu cần của GID, có quyền tiếp cận trực tiếp với số vũ khí ngay khi “hàng” được đưa đến Jordan. Các sĩ quan này thường xuyên lấy bớt một lượng lớn vũ khí trước khi chúng được gửi đến địa điểm tập kết chính thức. Sau đó, vũ khí bị trộm được chia nhỏ và bán cho những chợ vũ khú lớn tại Jordan, trong đó có khu mua bán vũ khí lớn nhất Jordan tại Ma’an ở phía nam.
Hiện chưa rõ liệu tướng Faisal al-Shoubaki - chỉ huy của GID có biết về vụ việc hay không. Tuy nhiên theo NYT, nhiều quan chức tình báo Jordan cho biết có một số quan chức biết về hoạt động này và tìm cách bao che kiếm lợi. Được biết sau khi có các nguồn tin về hoạt động này, chính quyền Saudi và Mỹ đã gửi phàn nàn đến Jordan. Cơ quan GID đã bắt giữ một số sĩ quan có tham gia vào mạng lưới này. Những người này đã được thả tự do và bị sa thải nhưng vẫn được giữ lương hưu và số tiền kiếm được từ việc buôn lậu vũ khí.
Đức, Pháp đã thống nhất về lộ trình cho Brexit
Tổng thống Pháp Francois Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26-6 đã điện đàm và hoàn toàn thống nhất với nhau về cách thức giải quyết Brexit.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel tại một sự kiện ở miền đông bắc nước Pháp ngày 29-5-2016 - Ảnh: AFP
Theo AFP, một nguồn tin gần gũi với tổng thống Hollande cho biết, trong cuộc điện đàm, hai nguyên thủ đã thống nhất sẽ tổ chức các cuộc họp bàn tại Berlin trong hôm nay (27-6) với mong muốn “đạt được sự minh bạch lớn nhất để tránh mọi bất ổn”.
Hai nhà lãnh đạo cũng “nhấn mạnh nhu cầu cần có các đề xướng của châu Âu và cần hành động khẩn trương với những ưu tiên cụ thể”.
Quyết định quan trọng ngày 23-6 đã khiến Anh trở thành quốc gia đầu tiên sẽ rời Liên minh châu Âu gồm 28 nước, đẩy khối này vào tình huống chưa từng có tiền lệ.
Tuần này, các nhà lãnh đạo châu Âu có một loạt hoạt động ngoại giao nhằm lên kế hoạch cho lộ trình trước mắt, trong đó có cả sự hối thúc để nước Anh mau chóng xúc tiến các thủ tục rời khối, tránh lây lan hiệu ứng domino sang các quốc gia khác.
Tổng thống Pháp Hollande sẽ hội đàm với chủ tịch châu Âu Donald Tusk tại Paris sáng nay (27-6) trước khi tới Berlin hội đàm với bà Merkel và thủ tướng Ý Matteo Renzi.
Ngày mai (28-6), các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh căng thẳng 2 ngày tại Brussels.
Giới quan sát cho rằng, tại cuộc họp này, nhiều khả năng ông David Cameron sẽ phải đối mặt với áp lực đích thân ông phải khởi động ngay lộ trình thủ tục 2 năm thương thuyết để Anh rời khỏi EU mà không phải chờ tới người kế nhiệm như trước đó tuyên bố.
Theo Reuters, một phát ngôn viên của hội đồng các lãnh đạo Liên minh châu Âu cho biết: “Việc thông báo về đề nghị rời khối có thể thực hiện bằng cách gửi thư tới chủ tịch Hội đồng châu Âu, hoặc có một tuyên bố tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu và được ghi lại trong biên bản chính thức của cuộc họp”.
Với quan điểm này, rõ ràng giới chức châu Âu đã ngầm định với nhau rằng thủ tướng Anh David Cameron hoàn toàn có thể bắt đầu ngay việc này khi ông phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của EU khai mạc ngày 29-6.
Một quan chức EU khác khi được hỏi về tâm lý thất vọng đang gia tăng trong nhóm lãnh đạo châu lục trước việc thủ tướng Anh trì hoãn gửi đi thông báo chính thức đề nghị rời khối đã nói: “Thậm chí không cần phải viết nữa. Ông ấy nói cũng được rồi”.
Indonesia chặn máy bay quân sự Malaysia ở biển Đông
"Đó là một chuyến bay định kỳ" - AFP dẫn lời một quan chức Malaysia giấu tên nói và thêm rằng chiếc máy bay C-130 vẫn tiếp tục hành trình tới Sabah dù bị chặn. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng đã xác nhận thông tin trên.
"Đúng vậy, chúng tôi nhận được thông tin về việc chuyến bay đã bị chặn lại bởi hai phi cơ Indonesia" - trang tin Star Online dẫn lời ông Hishammuddin.
Tuy nhiên, ông Hishammuddin nhấn mạnh: "Tôi không hề lo ngại bởi đây là sự việc hết sức bình thường, có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới. Nếu có việc gì xảy ra, chúng tôi có thể đối thoại với nhau qua kênh ngoại giao. Chúng tôi sẽ không để bất cứ sự vụ nào ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”.
Sự việc diễn ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới thăm quần đảo Natuna trên một chiến hạm nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Trung Quốc. Tàu Indonesia trước đó từng nhiều lần đụng độ các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép quanh quần đảo Natuna.