Cựu tổng thống Barack Obama gọi việc người kế nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hành động "từ chối tương lai".
Tổng thống Donald Trump chê người Đức tại Hội nghị G7
- Cập nhật : 27/05/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục gây tranh cãi khi nói người Đức “tồi” tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 được tổ chức ở Ý.
Tờ Der Spiegel của Đức đưa tin, trong khi lãnh đạo các quốc gia trong nhóm G7 đang rất khó khăn trong việc trao đổi về thương mại và biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ đã nói với các lãnh đạo EU rằng người Đức “xấu, rất xấu”.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn đã tìm cách làm rõ tình huống đã xảy ra hôm thứ Sáu (26/5), lưu ý việc Tổng thống Mỹ “đã nói họ rất tồi trong thương mại, và ông ấy không có vướng mắc nào với Đức cả”.
Ông Cohn cũng nhấn mạnh, Donald Trump đã lưu ý rằng “bố của ông ấy là người Đức” và “Tôi chả có vấn đề gì với nước Đức cả. Vấn đề của tôi là với thương mại của Đức”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bình luận cho rằng Tổng thống Mỹ không “ác ý” trong bình luận của mình và phàn nàn các báo cáo đã “phóng đại” sự việc.
Hãng tin AP bình luận, đây không phải là lần đầu tiên ông Trump nhắm mục tiêu vào sự thành công của thương mại Đức. Hồi tháng Giêng, ông cũng từng tuyên bố các nhà máy sản xuất xe hơi Đức như BMW có thể sẽ phải đối mặt với việc bị áp thuế lên đến 35% nếu họ dựng các nhà máy của mình tại Mexico thay vì tại Mỹ và xuất khẩu xe sang Mỹ.
Donald Trump cho biết ông muốn thương mại phải cân bằng, công bằng và tự do để đem lại lợi ích cho công nhân và các nhà máy của Mỹ. Ông tập trung vào mối quan hệ nơi người Mỹ mua nhiều hơn bán tại các thị trường đối tác – điển hình là ở Đức và Trung Quốc.
Donald Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ chống lại các thỏa thuận trước đó của G7 nhằm “đấu tranh chống lại mọi hình thức chủ nghĩa bảo hộ”. Các bộ trưởng tài chính G7 đã nhóm họp tại Bari, Ý hồi đầu tháng 5 và chỉ mới thống nhất duy nhất một điều là họ sẽ “cùng làm việc để thúc đẩy mạnh mẽ sự đóng góp của thương mại đối với các nền kinh tế thành viên”.
Tổng thống Mỹ không phải là lãnh đạo duy nhất chỉ trích thặng dư thương mại của Đức. Cựu Thủ tướng Ý Matteo Renzi hồi năm ngoái cũng nhận định điều này không tốt cho kinh tế của khối EU.
Thặng dư thương mại giữa Đức và Mỹ chiếm một phần lớn tổng thể thặng dư thương mại trong phần còn lại của thế giới. Năm ngoái, Đức công bố mức thặng dư đạt 8,7% sản lượng kinh tế hàng năm. Tăng trưởng quốc gia từ các mặt hàng cạnh tranh như xe sang hay ngành công nghiệp máy móc đã đáp ứng nhu cầu của phần còn lại trên thế giới. Đồng euro yếu đã thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, Đức không thể làm gì nhiều với đồng euro, tỷ giá luôn bị kéo xuống thấp vì các vấn đề như vấn nạn nợ công ở Hy Lạp hay các chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Xét trên tổng thể, nhiều công ty lớn của Đức thực chất vẫn đầu tư, thuê và sản xuất tại Mỹ. BMW đặt một nhà máy sản xuất dòng xe SUV ở Spartanburg, South Carolina và năm ngoái xuất khẩu đến 70% trong tổng sản lượng, tương đương với 288.000 chiếc ra thế giới. Daimler AG cũng đặt nhà máy sản xuất Mercedes Benz ở Tuscaloosa County, Alabama, còn Volkswagen thì xây nhà máy ở Chattanooga, Tennessee.
Tuệ Minh (lược dịch)
Theo Infonet.vn