Đấu thầu giành hợp đồng xây dựng một công viên năng lượng mặt trời khổng lồ ở miền Bắc Ấn Độ là sự kiện đáng chú ý vì một số lý do
Tổng thống Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu mỏ, khí đốt ngoài khơi
- Cập nhật : 29/04/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển ngoài khơi Bắc Cực và Đại Tây Dương, khẳng định quyết sách này sẽ mang về "hàng tỷ USD" cho nước Mỹ và giúp tạo thêm việc làm.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 28/4, Tổng thống Trump nhấn mạnh nước Mỹ có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, bao gồm trữ lượng lớn dầu thô và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, chính phủ liên bang lại cấm khai thác tại 94% các khu vực này, làm mất đi của nước Mỹ hàng nghìn cơ hội việc làm và hàng tỷ USD của cải.
Tổng thống Donald Trump (giữa) sau khi ký sắc lệnh hành pháp dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển ngoài khơi Bắc Cực và Đại Tây Dương tại Washington, DC ngày 28/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, sắc lệnh hành pháp mới mang tên "Triển khai một chiến lược năng lượng ngoài khơi ưu tiên nước Mỹ" hướng tới thúc đẩy "phát triển có trách nhiệm ở các vùng biển xa bờ để mang lại lợi nhuận cho ngân khố quốc gia và việc làm cho người lao động Mỹ".
Bên cạnh đó, theo sắc lệnh mới, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke sẽ tiến hành đánh giá lại chương trình phát triển khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi giai đoạn 2017-2022 của Mỹ, hoàn thành dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Trump là sự đảo ngược lệnh cấm thông qua hồi tháng 12/2016 do cựu Tổng thống Obama ban hành, theo đó cấm việc khai thác khí đốt và dầu mỏ tại các vùng lãnh hải của Mỹ trên vùng biển Bắc Cực và tại Đại Tây Dương. Theo Đạo luật về các vùng đất bên ngoài thềm lục địa ban hành năm 1953, các tổng thống Mỹ có quyền cấm hoạt động khai thác thương mại tại các vùng nước ngoài khơi. Trước đó, các cựu tổng thống D.Eisenhower và Bill Clinton cũng từng sử dụng quyền hạn này.
Quyết định của Tổng thống Trump đã ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ các nhà hoạt động môi trường, những người quan ngại nguy cơ xảy ra các thảm họa tràn dầu như vụ việc năm 2010 tại Vịnh Mexico.
TTXVN/Tin Tức