CEO của Goldman Sachs bình luận rằng quyết định của Trump là "một bước lùi cho môi trường và cho vị trí lãnh đạo của Mỹ trên thế giới".
Giới nghị sĩ Mỹ thúc Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris
- Cập nhật : 26/05/2017
Ngày 25/5, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cùng 21 nghị sĩ cùng đảng khác đã hối thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện đúng cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình về việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong bức thư dài 2 trang gửi đến Nhà Trắng, các Thượng nghị sĩ trên lập luận rằng Hiệp định Paris, do chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama ký kết cùng lãnh đạo gần 200 quốc gia khác nhằm hạn chế việc phát thải khí carbon độc hại, có thể làm bùng phát những thách thức pháp lý đối với nỗ lực của chính quyền hiện tại trong việc cắt giảm các quy định về môi trường.
Hầu hết các Thượng nghị sĩ ký tên trong bức thư này đến từ các bang có kinh tế phụ thuộc nhiều vào khai thác than đá và dầu khí. Trong số đó có Thượng nghị sĩ James Inhofe và những nhân vật khác có cùng quan điểm với ông Donald Trump, theo đó chỉ trích các tài liệu khoa học rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là hậu quả của lượng khí thải carbon mà con người gây ra là "một trò lừa đảo".
Trong khi đó, cùng ngày, cố vấn kinh tế Gary Cohn của Tổng thống Donald Trump cho rằng việc tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ "làm tê liệt" đà tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Ông cũng dự đoán rằng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến diễn ra trong 2 ngày 26-27/5 tại Sicily, Tổng thống Mỹ sẽ trao đổi "khá thẳng thắn" về vấn đề biến đổi khí hậu và sẽ có quyết định về Hiệp định Paris sau khi quay về Washington.
Vị cố vấn Nhà Trắng nêu rõ: "Tổng thống Donald Trump muốn làm điều đúng đắn cho môi trường. Ông ấy quan tâm đến môi trường, song cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề tạo việc làm cho người dân Mỹ".
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, ông Donald Trump từng cam kết sẽ đàm phán lại Hiệp định Paris, song sau đó đã có những quan điểm điều chỉnh kể từ khi nhậm chức. Dưới thời cựu Tổng thống Obama, Mỹ, quốc gia phát thải khí carbon lớn thứ 2 thế giới, đã đặt mục tiêu cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với năm 2005 trước năm 2025, theo Hiệp định Paris đạt được hồi năm 2015.
Hiện các quan chức hàng đầu của ông chủ Nhà Trắng cũng đang chia rẽ về việc có tuân thủ thỏa thuận biến đổi khí hậu hay không. Bên cạnh những nghị sĩ kêu gọi Mỹ rút khỏi hiệp định trên, vẫn còn một số tiếng nói có tầm ảnh hưởng đề nghị Tổng thống Donald Trump không thực hiện điều này.
Theo đó, 40 Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ cũng đã gửi một bức thư nhằm kêu gọi Mỹ tiếp tục tham gia hiệp định trên, nếu không sẽ đe dọa đến uy tín và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế.
Ngoài ra, hàng trăm doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng đã bày tỏ sự ủng hộ văn kiện trên, trong đó có Apple, Google và Walmart. Thậm chí một số công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch như Exxon Mobil, BP và Shell cũng cho rằng Mỹ nên tuân thủ Hiệp định Paris.
TTXVN/Tin Tức