Trung Đông-châu Phi từ lâu là những khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trước hết là vì lợi ích kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump: 'chiến tranh thương mại là một điều tốt và dễ dàng để giành chiến thắng'
- Cập nhật : 10/07/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng "chiến tranh thương mại là một điều tốt và dễ dàng để giành chiến thắng”. Tuy nhiên, với việc Mỹ thực hiện lời đe dọa áp thuế quan thương mại nặng lên Trung Quốc hôm thứ Sáu (6/7), thật khó để xác định ai sẽ là người thụ hưởng.
Và vì ông Trump đã bỏ qua các quy tắc từ bao lâu nay nhằm kêu gọi các tranh chấp thương mại phải được giải quyết thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một giải pháp ngắn hạn khó có thể được thực hiện, theo ông Matthew Gold, một cựu thương thuyết người Mỹ.
"Quốc gia còn lại trong cuộc tranh chấp này thực sự không thể đàm phán. Lựa chọn duy nhất của họ là tiến hành trả đũa", ông Gold nói.
Tính đến nửa đêm (theo giờ Washington), chính quyền ông Trump bắt đầu áp đặt mức thuế tới 25% đối với 34 tỷ USD giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc cũng đã đánh thuế quan trả đũa lên một số hàng nhập khẩu từ Mỹ, Bộ Ngoại giao quốc gia này cho biết.
Chính quyền Trump bắt đầu các hành động tranh chấp vào tháng 4, công bố mức thuế và cáo buộc Trung Quốc sử dụng các chiến thuật "không công bằng" để xây dựng thặng dư thương mại lớn với Mỹ và chiếm đoạt công nghệ của Mỹ. Nhà Trắng cũng đã thúc đẩy Quốc hội thắt chặt các quy định về đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ của Mỹ.
Bất chấp sự thúc giục của các nhóm kinh doanh và nhà lập pháp để đàm phán một thỏa thuận ngừng tranh chấp, có rất ít dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ sớm đạt được sự thỏa hiệp.
Chính quyền Bắc Kinh và Washington đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán cấp cao kể từ đầu tháng 5, nhưng chính quyền ông Trump cho biết họ đang xem xét mở rộng danh sách các mục tiêu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump đã đe dọa sẽ tăng thêm 10% thuế quan đối với hàng hóa trị giá tới 200 tỷ USD khác nếu Bắc Kinh triển khai các mức thuế trả đũa riêng.
Khi Trung Quốc trả đũa, mức thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Mỹ, từ ô tô tới đậu nành. Điều đó sẽ mang đến một cuộc chiến tranh thương mại cho các bang dựa vào nông nghiệp và sản xuất, nhiều trong số đó đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Nông dân trồng đậu nành của Mỹ xuất khẩu khoảng 60% vụ mùa của họ sang Trung Quốc.
Cho đến nay, thuế quan đại diện cho một phần tương đối nhỏ của thương mại Mỹ. Điều đó có nghĩa là tác động kinh tế ngay lập tức của cuộc chiến thương mại có thể bị giới hạn ở cả hai phía, một số chuyên gia phân tích khác dự đoán tranh chấp sẽ kéo dài trong một thời gian.
Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, một cuộc chiến thương mại toàn diện, đặc biệt nếu nó kéo dài hơn một năm, có thể làm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ chậm lại.
"Nếu chúng ta nghĩ về sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, về tác động trên thị trường chứng khoán, về sự không chắc chắn trong kinh doanh, giảm sự tin tưởng của khu vực tư nhân, tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và đang gây áp lực lên động lực của nền kinh tế", ông Greg Daco, chuyên gia kinh tế của Capital Economics, nhận định.
Trong khi đó, các công ty và khu vực cá nhân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Hôm 6/7, Ford cho biết sẽ mức giá không đổi đối với các mẫu xe Lincoln sang trọng mang lại lợi nhuận cao được nhập khẩu vào Trung Quốc, chịu toàn bộ mức gia tăng về chi phí thuế và thà bị lỗ thay vì tăng giá sản phẩm. Năm ngoái, Ford đã xuất khoảng 80.000 ô tô đến Trung Quốc từ Bắc Mỹ, hơn một nửa trong số đó là Lincolns.
Các nhà xuất khẩu khác của Mỹ phải đối mặt với mức thuế cao hơn từ Trung Quốc sẽ có một sự lựa chọn khó khăn. Họ có thể lỗ vốn hoặc cố gắng chuyển mức chi phí cao hơn đó cho người tiêu dùng Trung Quốc, điều làm sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn.
Mặc dù danh mục hàng hóa nằm trong mục tiêu thuế quan của Trung Quốc là không liên quan nhiều với các sản phẩm tiêu dùng, nó gồm hàng tỷ USD giá trị nhập khẩu máy móc và linh kiện được sử dụng cho thành phẩm sản xuất tại Mỹ. Điều đó có nghĩa các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn cho các bộ phận và thiết bị, khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều hơn và làm cho sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài.
Các công ty Mỹ không phải là những công ty duy nhất phải đối mặt với vấn đề thuế quan. Nhà sản xuất ô tô Đức Daimler AG đã cảnh báo rằng lợi nhuận trước thuế của năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, vì mức thuế cao hơn đối với dòng xe thể thao cao cấp của Mercedes-Benz, được xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc.
Ông Trump cũng cũng gây ra một cuộc chiến thương mại với Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) về thép, nhôm và đã đe dọa áp thuế đối với ô tô của châu Âu. Nhà Trắng cũng đang gây áp lực cho Canada và Mexico để thay đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và chuyển nhiều hoạt động sản xuất ô tô hơn sang Mỹ.
Với việc ông Trump thúc đẩy chiến thương mại trên nhiều mặt, có rất ít dấu hiệu chính quyền Washington sẽ giảm yêu cầu của mình hoặc đạt được một giải pháp với các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, theo ông Gold.
Nguồn: Lyly Cao/Vietnambiz/CNBC