Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck đối mặt với án phạt 10 năm tù
Ông Obama lần đầu lên tiếng về phán quyết của PCA với Biển Đông
Tướng Triều Tiên "mang 40 triệu USD trốn sang Trung Quốc"
Biển Đông: Ván cờ khó đoán định giữa các đại cường
Châu Âu: Vừa hết Brexit lại sắp tới Catalexit?
- Cập nhật : 01/08/2016
Trong tuần qua, phong trào ly khai ở vùng Catalan (còn gọi là Catalonia) của Tây Ban Nha đã một lần nữa làm khuấy động chính trường nước này.
Hôm 27/7, nghị viện xứ Catalan đã bỏ phiếu chấp thuận kế hoạch đơn phương tách ra khỏi Tây Ban Nha, với tỷ lệ 72/135 phiếu thuận. Điều này được xem là một thách thức lớn đối với hiến pháp Tây Ban Nha cũng như chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy. Ngay trong nội bộ nghị viện Catalan cũng đang có sự tranh cãi gay gắt khi hàng chục nghị sĩ từ chối bỏ phiếu.
Tuy nhiên, chủ tịch nghị viện Catalan là ông Carme Forcadell, thành viên liên minh Together For Yes (TFY – “Cùng nhau nói Có”), thì khẳng định rằng nghị viện chỉ thực thi quyền tự chủ của mình. Chủ tịch vùng Catalan là Carles Puigdemont thì tuyên bố rằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong nghị viện sẽ được tổ chức vào ngày 28/9 tới đây để đưa Catalan tới “ngưỡng cửa độc lập”. Kịch bản Catalan độc lập đã được báo giới Tây Ban Nha và Pháp gọi là “Catalexit”, lấy cảm hứng từ việc đa số người dân Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý và chọn việc rời khỏi EU (Brexit).
Với dân số gần 7,6 triệu người (bằng 1/6 dân số Tây Ban Nha), vùng Catalan có thủ phủ là Barcelona, thành phố lớn thứ nhì cả nước. Với GDP đầu người là gần 28.000 euro (cao hơn bình quân của cả Tây Ban Nha lẫn Ý), Catalan hiện đang đóng góp 19% GDP và 20% nguồn thu thuế của Tây Ban Nha. Vì vậy, việc Catalan ly khai sẽ có ảnh hưởng không nhỏ chút nào đối với Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 5 EU và thứ 12 thế giới.
Hồi tháng 11 năm ngoái, nghị viện Catalan từng bỏ phiếu chấp thuận việc bắt đầu quá trình tách ra khỏi Tây Ban Nha. Khi đó, Tòa án hiến pháp ở Madrid đã phản ứng bằng tuyên bố rằng đây là một hành động vi hiến. Sau cuộc bỏ phiếu mới đây, chính phủ Tây Ban Nha đang chuẩn bị đệ đơn lên tòa án này lần nữa để bác bỏ kết quả.
Hiện tại, theo kết quả khảo sát gần đây nhất, tỷ lệ người dân Catalan ủng hộ độc lập là gần 48%, còn tỷ lệ phản đối là hơn 42%, ngoài ra có khoảng 8% chưa quyết định.
Kể từ khi thắng cử hồi tháng 9 năm ngoái, chính phủ Catalan do liên minh TFY lãnh đạo đã đưa ra hàng loạt bước chuẩn bị về mặt pháp lý cho việc ly khai, bao gồm việc thiết kế các cơ quan thu thuế, an sinh xã hội và ngoại giao. Theo Bộ trưởng ngoại giao Catalan là ông Raul Romeva, mục tiêu của các hành động này là để chuẩn bị trước cho việc tổ chức trưng cầu dân ý về việc yêu cầu độc lập, có thể là trong 1 năm tới. Cũng theo Romeva, ngay cả khi Tòa án Hiến pháp phủ nhận tư cách độc lập của Catalan, điều đó cũng không cản nổi quá trình này: “Nếu có yêu cầu chính đáng và hòa bình từ số đông, luật pháp cần phải thay đổi. Đó là một quyền dân chủ”.
Bình luận về Brexit, Romeva cho biết: “Đó không phải là tin tốt lành cho châu Âu hay cho Catalan. Theo logic của chúng tôi, Catalan không thích Brexit, nhưng chúng tôi hiểu rằng việc thiếu dân chủ trong nội bộ Châu Âu là điều khiến cho phe ủng hộ Brexit chiến thắng”.
Romeva cũng cho rằng một Catalan độc lập sẽ không bị EU cho ‘ra rìa’: “Có hàng trăm công ty châu Âu đang hoạt động tại đây. Câu hỏi là nếu như Catalan trở thành độc lập, thì việc cho chúng tôi đứng ngoài EU có lợi cho ai? Chắc chắn không phải là cho cả Catalan lẫn Tây Ban Nha. Chúng tôi đang và vẫn sẽ là đồng minh của Tây Ban Nha vì những lý do hiển nhiên như thị trường và cơ sở hạ tầng, cũng như văn hóa và ngôn ngữ”.
Tuấn Minh
(Theo Nhịp cầu đầu tư)