tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 30-07-2016

  • Cập nhật : 30/07/2016

Mỹ trả một phần đất Okinawa cho Nhật Bản

Quân đội Mỹ thông báo sẽ trao trả khoảng 17% diện tích đất lực lượng này kiểm soát ở Okinawa nhằm giảm sự phản đối từ người dân địa phương.

canh sat chan nhung nguoi bieu tinh phan doi su hien dien cua cac can cu quan su my o nago, dao okinawa, ngay 17/6. anh: afp.

Cảnh sát chặn những người biểu tình phản đối sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ ở Nago, đảo Okinawa, ngày 17/6. Ảnh: AFP.

Khoảng 4.000 hecta đất được trao trả thuộc khu huấn luyện trong rừng ở bắc Okinawa, Reuters dẫn thông báo từ quân đội Mỹ hôm nay cho biết.

"Chúng tôi tôn trọng cảm nhận của người dân Okinawa rằng cần phải giảm hiện diện", Trung tướng Lawrence D. Nicholson, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Okinawa, nói.

4.000 hecta, tương đương 17% diện tích khu vực Mỹ đang kiểm soát ở Okinawa, sẽ trao trả cho chính quyền Nhật Bản khi các bãi đáp trực thăng mới hoàn thành. Phần đất này thuộc khu huấn luyện trong rừng Camp Gonsalves của lính thủy đánh bộ Mỹ ở hòn đảo.

Động thái trên được cho là nhằm giảm tình trạng người dân địa phương phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ. Mỹ có khoảng 26.000 binh sĩ trên đảo Okinawa theo một hiệp ước đồng minh an ninh dài hạn với Nhật Bản.

Các căn cứ của Mỹ tại đây lại bị người dân địa phương phản đối. Họ không ngừng gia tăng áp lực đòi giảm số lượng binh sĩ Mỹ có mặt trên hòn đảo. Nhiều người dân bày tỏ sự bất bình vì các căn cứ này chiếm khoảng 18% diện tích đất Okinawa và nhiều vụ bê bối liên quan đến người Mỹ đã xảy ra.(vnexpress)

Trung Quốc chi tiền bóp méo sự thật

Chính quyền Bắc Kinh đã chuẩn bị theo chiến thuật và chiến lược “đánh phủ đầu” thông tin, dù sai lệch, nhằm tuyên truyền khắp thế giới về “chủ quyền rõ ràng” của mình trên Biển Đông.

to china daily cua trung quoc khoe hinh anh chieu video clip tai new york trong khi cac du hoc sinh trung quoc chup lai clip nay

Tờ China Daily của Trung Quốc khoe hình ảnh chiếu video clip tại New York trong khi các du học sinh Trung Quốc chụp lại clip này

Đó là một đoạn video ngắn nhưng gây chú ý dư luận thế giới. Gây chú ý bởi nó không những nói về một trong những chủ đề nóng nhất hiện nay là tranh chấp tại Biển Đông ở châu Á, mà nó còn được chạy liên tục tại biển quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời lớn nhất thế giới ở Mỹ.

Với tần suất phát 120 lần/ngày, trong nhiều ngày liên tục tại quảng trường Thời Đại ở thành phố New York, chi phí cho công tác tuyên truyền này được báo chí ước tính từ 300.000 - 400.000 USD/tháng.

Có lẽ trừ chất lượng hình ảnh và vị trí đặt để của đoạn quảng cáo, nội dung của đoạn quảng cáo không có gì mới.

Với mục tiêu xoáy vào lập trường của Chính phủ Trung Quốc tại Biển Đông, đoạn video đưa ra những điểm cốt lõi lập trường của nước này như Trung Quốc là quốc gia đầu tiên khai phá và quản lý Biển Đông, nước này sở hữu các cơ sở pháp lý “vững chắc” tại vùng biển này, đồng thời đoạn quảng cáo cũng không quên nhắc lại “tính bất hợp pháp” của phiên Tòa trọng tài xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Tuyên truyền quy mô toàn cầu

Video clip trên chắc chắn không phải là một hành động đơn lẻ, mà nằm trong tổng thể mặt trận thông tin mà Trung Quốc phát động cả trước và sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài tại The Hague (Hà Lan).

Trong vòng 2 tháng trước ngày 12-7 - ngày Tòa trọng tài ra phán quyết, đại sứ Trung Quốc tại hơn 30 quốc gia ở khắp các châu lục đã xuất bản các ấn phẩm liên quan Biển Đông trên các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn ở các nước mình đang hoạt động.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), nội dung của hơn 30 ấn phẩm trên tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: Một là, khẳng định chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hai là, chứng minh sự tuân thủ của Trung Quốc với luật pháp quốc tế thông qua các phân định lãnh thổ song phương một cách hòa bình giữa Trung Quốc với 12/14 quốc gia láng giềng, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng đối với các điều ước đa phương và quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết.

Hơn 2/3 lượng ấn phẩm được khảo sát có nhắc đến điều 298 của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) về quyền miễn trừ của Trung Quốc.

Ba là, chỉ có đàm phán và tham vấn song phương mới có thể giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay.

Bốn là, Trung Quốc không chủ ý gây căng thẳng trong khu vực (20/33 ấn phẩm còn kết luận Trung Quốc chỉ là “nạn nhân” bị các cường quốc khác quấy nhiễu).

Và cuối cùng là những lập luận cho rằng tất cả các tham vấn song phương giữa Trung Quốc và Philippines trước đây đều không hiệu quả do sự bất hợp tác của Philippines, nên Philippines là bên vi phạm các thỏa thuận, đơn phương đệ đơn kiện ra Tòa trọng tài làm tình hình thêm phức tạp (26/33 ấn phẩm).

Tăng quy mô sau phán quyết

Sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết, cách tuyên truyền phát triển theo một kịch bản tương tự, nhưng với các mặt trận đa diện hơn. Như The World Post đăng đoạn phim tuyên truyền cho lập trường Biển Đông của Trung Quốc lên YouTube.

Sau đó những nhóm người tẩy chay hàng hóa của Mỹ, Philippines ở Trung Quốc xuất hiện. Cũng ngay sau ngày 12-7, cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc đã dấy lên phong trào “Trung Quốc - Một chút cũng không thể thiếu”.

Phong trào này đã dẫn đến hiện tượng các sao Hoa ngữ đồng loạt sử dụng mạng xã hội để khẳng định ủng hộ lập trường chống phán quyết của Tòa trọng tài của Chính phủ Trung Quốc.

Mặt trận “mỗi đại sứ là một nhà xã luận”cũng được khởi động ở các nước bằng việc đăng bài chê bai phán quyết do Tòa trọng tài công bố trên các tờ báo lớn hoặc tổ chức họp báo quốc tế về phán quyết.

Những lập luận của các vị đại diện ngoại giao Trung Quốc vẫn lòng vòng, không đi khỏi quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Lúc này, 5 luận điểm chính thức của các đại diện ngoại giao Trung Quốc tập trung vào:

Thứ nhất, hệ thống lại các phản ứng rõ ràng của Trung Quốc trong quá trình thành lập và tiến hành thụ lý vụ kiện của Tòa trọng tài.

Thứ hai, khẳng định Philippines đơn phương tiến hành vụ kiện, do đó vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), UNCLOS và các quy tắc trong luật quốc tế.

Thứ ba, tòa đã phân xử các nội dung liên quan đến phân định biển và phân định chủ quyền, mà Trung Quốc đã tuyên bố miễn trừ theo điều 298 của UNCLOS.

Thứ tư, phán quyết của tòa vì thế không ảnh hưởng đến Trung Quốc. Và thứ năm, Trung Quốc luôn nhắc lại rằng họ tuân thủ đúng Hiến chương LHQ và các quy tắc luật pháp quốc tế.

Có điều là các luận điểm trên (một phần hay toàn bộ) đã bị Tòa trọng tài bác bỏ qua phán quyết ngày 12-7.

Những quan điểm mở rộng hay có liên quan ít nhiều từ phán quyết diễn dịch theo kiểu Trung Quốc cũng đã được các học giả Mỹ, Anh, Úc, Singapore và Việt Nam làm rõ và phản bác theo nhiều cách khác nhau.

Như mọi lần, điểm yếu lớn nhất của phía Trung Quốc sau tất cả vẫn là sự thuyết phục của lý lẽ. Vì vậy, dù có chi ra nhiều tiền để tuyên truyền cũng không thể che lấp được sự thật mà Tòa trọng tài đã xác nhận: yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là vô giá trị.(tuoitre)

Triều Tiên hành quyết công khai 6 quan chức

Sáu quan chức phụ trách việc giám sát các nhân viên ở nước ngoài đã bị hành quyết công khai hồi tháng 5 theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo hãng tin Yonhap ngày 29-7, một nhà quan sát Bình Nhưỡng cho hay sau vụ 13 nhân viên tại một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc đào tẩu, ông Kim Jong-un đã ra lệnh hành quyết sáu quan chức phụ trách việc giám sát các nhân viên làm việc ở nước ngoài hồi tháng 5.

“Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh hành quyết sáu quan chức, trong đó có quan chức tình báo, vào ngày 5-5 do họ lơ là giám sát các nhân viên ở nước ngoài” - Choi Seong-yong, Chủ tịch Liên các gia đình có người bị bắt cóc, nói.

nha lanh dao trieu tien kim jong-un ra lenh hanh quyet sau quan chuc. nguon: telegraph

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh hành quyết sáu quan chức. Nguồn: telegraph

Người này cho biết thêm tám công chức cùng 100 người có người nhà làm việc ở nước ngoài bị ép phải theo dõi vụ hành quyết này.

Hồi đầu tháng 4 năm nay, một nhóm gồm 12 phụ nữ và một đàn ông bỏ trốn khỏi một nhà hàng Triều Tiên ở TP cảng Ningbo, phía đông Trung Quốc. 13 người này đã đào tẩu tới Hàn Quốc. Vào tháng sau, ba nữ nhân viên khác của một nhà hàng do Triều Tiên quản lý ở TP Shanxi (Trung Quốc) cũng đã bỏ trốn tới Hàn Quốc.

Trong khi đó, giới chức Triều Tiên nói rằng các nhân viên này đã không bỏ trốn tới Hàn Quốc mà là bị chính phủ Hàn Quốc bắt cóc.

“Triều Tiên đã giam giữ các gia đình của những người đào tẩu trên, đưa họ đi giáo dục hệ tư tưởng tại một trung tâm huấn luyện ở núi Myohyang, phía bắc đất nước” - ông Choi nói.

Indonesia mạnh tay với tội phạm ma túy

Bất chấp sức ép quốc tế, nhà chức trách Indonesia đã xử bắn 4 tội phạm ma túy (3 người Nigeria và một người Indonesia) vào rạng sáng 29-7.

Dù vậy, kế hoạch xử tử 10 tội phạm ma túy còn lại đã bị hoãn với lý do Jakarta muốn “xem xét toàn diện để tránh sai lầm”, theo lời Tổng chưởng lý H.Muhammad Prasetyo. Hiện chưa rõ thời điểm thi hành án với số tử tù này.

Theo Reuters, ít nhất 2 trong số 10 người nói trên - một công dân Pakistan và một phụ nữ Indonesia - đã nộp đơn xin tổng thống Indonesia khoan hồng. Các thủ tục pháp lý liên quan có thể kéo dài. Trước đó một ngày, cảnh sát phải giải tán một cuộc biểu tình kêu gọi nương tay với người phụ nữ Indonesia sắp bị xử bắn bên ngoài nhà tù trên đảo Nusakambangan.

mot xe cuu thuong cho xac cua mot tu nhan bi xu tu roi khoi cong nha tu tren dao nusa kambangan ngay 29-7 anh: reuters

Một xe cứu thương chở xác của một tù nhân bị xử tử rời khỏi cổng nhà tù trên đảo Nusa Kambangan ngày 29-7 Ảnh: REUTERS

Tổ chức Ân xá Quốc tế lập tức gọi các vụ xử tử mới nhất là “hành động tồi tệ, vi phạm luật pháp Indonesia và quốc tế”, đồng thời đề nghị không tiếp tục tiến hành xử tử. Ngoài ra, Liên minh châu Âu, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, chính phủ Úc cũng lên tiếng phản đối. Đáp lại, ông Prasetyo cho biết 4 tội phạm bị xử bắn “đóng vai trò quan trọng hoặc là trùm, nhà cung cấp, phân phối hoặc thậm chí là xuất khẩu ma túy”. Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh ma túy là mối đe dọa nghiêm trọng không thua gì khủng bố. Văn phòng tổng thống dẫn chứng thống kê rằng ma túy đang giết chết ít nhất 40 người/ngày tại Indonesia, một trong những thị trường ma túy lớn nhất Đông Nam Á.

Đây không phải là lần đầu tiên Jakarta bị phản ứng vì mạnh tay với tội phạm ma túy. Hồi tháng 4-2015, vụ xử tử 14 tội phạm ma túy (chủ yếu là người nước ngoài) dẫn đến làn sóng phản đối mạnh mẽ từ bên ngoài. Úc thậm chí còn triệu hồi cả đại sứ trong thời gian ngắn để phản đối 2 công dân mình nằm trong số nhóm tử tù nói trên.

Nhiều căn cứ quân sự Mỹ có thể bị xóa sổ vì nước biển dâng

Nghiên cứu mới đây cho thấy các căn cứ quân sự Mỹ ở ven biển có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề bởi hậu quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

can cu khong quan - hai quan key west o bang florida. anh: us navy

Căn cứ không quân - hải quân Key West ở bang Florida. Ảnh: US Navy

Một báo cáo của Hiệp hội Các nhà khoa học Quan tâm (UCS) hôm 27/7 cho hay các căn cứ quân sự của Mỹ dọc Đại Tây Dương và Vịnh Mexico ngày càng dễ bị tổn thương bởi lũ lụt và ảnh hưởng của các cơn bão, theo Seeker.

Nghiên cứu của UCS thực hiện tại 18 căn cứ quân sự cho thấy nhiều nguy Mỹ cơ bị mất đất và các tài sản quân sự chiến lược trong các thập kỷ tới do nước biển dâng.

"Đến năm 2050, hầu hết các căn cứ này sẽ hứng chịu những trận lũ lụt lớn gấp 10 lần hiện nay. Năm 2070, hầu hết các căn cứ này sẽ hứng chịu một hoặc hai trận lụt mỗi ngày", Kristy Dahl, chuyên gia phân tích hàng đầu của UCS nói.

Phân tích này dựa trên hai kịch bản nước biển dâng khác nhau và mức độ tác động của chúng tới các căn cứ Mỹ từ Florida đến Maine.

Kịch bản đầu tiên là trong trường hợp mức độ tan băng trung bình tăng lên theo thời gian khiến nước biển dâng cao 1,13 m vào cuối thế kỷ này. Kịch bản thứ hai là các tảng băng tan nhanh hơn khiến nước biển dâng 1,9 m vào năm 2100 so với mức năm 2012.

Theo các nhà khoa học, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã khiến mực nước biển dâng lên khoảng 20 cm kể từ năm 1880, trong đó Bờ Đông và Vịnh Mexico của nước Mỹ hiện có mức dâng nhanh nhất, một phần là do đất ở khu vực này đang bị nhấn chìm.

Dù các căn cứ quân sự Mỹ được xây dựng để chịu được thủy triều dâng cao, chúng khó chống chịu được tình trạng nước biển dâng và lũ lụt diễn ra thường xuyên hơn. Cùng với đó, các cơn bão sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn tới những căn cứ vốn là nơi diễn ra các hoạt động thử nghiệm và huấn luyện chiến lược, cũng như cơ sở hạ tầng và doanh trại đóng quân, theo báo cáo.

Khi đất bị nhấn chìm do lũ lụt xảy ra hàng ngày, các căn cứ hải, không quân Key West ở Florida, căn cứ hỗn hợp Langley-Eustis và căn cứ NAS Oceana Dam Neck ở Virginia, trung tâm tuyển quân của thủy quân lục chiến Mỹ (MCRD) trên đảo Parris ở Nam Carolina là những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất.

"Trong trường hợp xấu nhất, 75-95% diện tích các căn cứ này, gồm cả các khu vực đã sử dụng và sẽ được phát triển, sẽ bị nhấn chìm vào cuối thể kỷ 21".

Vào năm 2100, gần một nửa trong số 18 căn cứ được nghiên cứu sẽ mất ít nhất 25% đất trong kịch bản đầu tiên và 50% diện tích bị nhấn chìm trong kịch bản xấu nhất, theo báo cáo.

Hầu hết các căn cứ này sẽ hứng chịu những cơn bão lớn cấp một với sức gió 119-153 km/h, và 80% trong số đó sẽ hứng chịu các cơn bão cấp hai có sức gió 154-177 km/h vào cuối thế kỷ này.

Một số căn cứ Mỹ đã được nâng cấp để thích nghi với tình trạng nước biển dâng. Chẳng hạn như căn cứ không quân Langley ở Virginia đã được lắp các máy bơm xả lũ và xây dựng các tuyến đê ven biển để bảo vệ cơ sở hạ tầng.

"Lầu Năm Góc đã nhận ra vấn đề và một số căn cứ đã được gia cố để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn có khoảng cách lớn giữa những gì đang thực hiện với những gì cần làm", Erika Spanger-Siefried, chuyên gia phân tích cao cấp trong chương trình Khí hậu và Năng lượng của UCS, nhận định.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục