IS tung video dọa tấn công Nga và "xử" ông Putin
Trực thăng Nga bị bắn rơi ở Syria, 5 người chết
Tin tặc Triều Tiên ăn cắp mật khẩu quan chức Hàn Quốc
Bà Clinton tố Nga hack máy tính của đảng Dân chủ
Mỹ điều máy bay ném bom B-1 tới châu Á - Thái Bình Dương
Tin thế giới đọc nhanh 01-08-2016
- Cập nhật : 01/08/2016
Bộ trưởng Quốc phòng Iraq: 'Nhiều thủ lĩnh IS ôm tài sản chạy sang Syria'
Bộ trưởng quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi cho hay các thủ lĩnh IS đã mang tài sản để chạy sang nước láng giềng trước khi quân chính phủ tổng tấn công Mosul.
"Nhiều thủ lĩnh và các gia đình phiến quân ở Mosul đã bán tống bán tháo tài sản và chạy trốn sang phía Syria, một số thậm chí còn chạy về phía khu vực người Kurd", Reuters dẫn lại lời ông Khaled al-Obeidi trả lời trên truyền hình quốc gia hôm qua.
Ông al-Obeidi cho hay ông có tin tình báo về xung đột đang gia tăng giữa những kẻ chủ chốt của IS, đặc biệt về các vấn đề tài chính. Hiện ở Mosul, nơi được coi là thành lũy của IS ở Iraq, ước tính có dưới 10.000 quân. Trong khi đó, Iraq dự kiến huy động được số quân lên đến 30.000 để giành lại thành phố cùng với sự hỗ trợ trên không của Mỹ.
Quân chính phủ Iraq đã giành được Falluja và một căn cứ không quân quan trọng ở Mosul. Ông al-Obeidi nói thách thức lớn nhất là bảo vệ dân thường khi quân chính phủ tiến vào Mosul, khoảng hai triệu người.
"Chúng tôi mong khi chiến dịch bắt đầu thì nhiều người đã rời đi. Số lượng nhỏ nhất chúng tôi ước tính là khoảng 500.000 người", ông nói.
Đến nay IS đã mất ít nhất một nửa lãnh thổ ở Iraq mà chúng chiếm giữ năm 2014. Nhóm này cũng mất nhiều khu vực ở Syria.
Mỹ triển khai máy bay do thám tới Singapore
Mỹ đã triển khai hai máy bay do thám P-8A Poseidon hiện đại tới Singapore để tham gia cuộc tập trận chung giữa hai nước và tiếp tục hiện diện tại quốc đảo này cho tới giữa tháng 8.
Tờ Straitstimes ngày 31/7 cho biết hai máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ dự kiến sẽ xuất phát từ căn cứ không quân Paya Lebar của Singapore để tham gia tập trận chung cùng Lực lượng vũ trang Singapore (SAF). Sau đó, hai máy bay này tiếp tục duy trì hiện diện tại Singapore cho tới trung tuần tháng 8.
Các chuyên gia phân tích quốc phòng Singapore hoan nghênh động thái này của Mỹ, đồng thời cho rằng việc Washington điều máy bay được trang bị công nghệ hiện đại như P-8A Poseidon tới tập trận sẽ giúp quân đội Singapore nâng cao năng lực tác chiến và học hỏi thêm kinh nghiệm.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Singapore dự kiến diễn ra từ ngày 12/8 tới, nội dung tập trận sẽ tập trung vào các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo, người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ, Thiếu tá Arlo Abrahamson, cho biết.
Trong đợt triển khai lần này, máy bay P-8A Poseidon cũng sẽ tiến hành thêm nhiệm vụ tuần duyên và do thám, hỗ trợ Singapore trong bối cảnh năng lực tuần duyên của quốc đảo này vẫn còn yếu kém. Tuy nhiên, P-8A không chỉ huấn luyện và chia sẻ thông tin cho Singapore mà còn cả những nước láng giềng trong khu vực.
Hàng nghìn người biểu tình đòi thủ tướng Đức từ chức
Đám đông tập trung ở Berlin và nhiều thị trấn khác đòi bà Angela Merkel từ chức sau một loạt vụ tấn công bạo lực liên quan đến những người nhập cư.
Khoảng 10.000 người Đức hôm qua tập trung Bên ngoài Quảng trường Washington ở thủ đô Berlin để phản đối chính sách nhập cư và hô khẩu hiệu "Merkel phải từ chức", The Sun đưa tin.
Tuy nhiên Express cho hay số lượng biểu tình ở Berlin vào khoảng 5.000 người. Thông điệp đòi thủ tướng Đức từ chức trước đó đã lan truyền trên Twitter. Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Đức vẫn đang trong tình trạng báo động cao sau khi xảy ra các vụ tấn công liên quan đến người nhập cư và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Những người biểu tình đổ lỗi cho bà Merkel đã để xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Đức và khắp châu Âu gần đây do chính sách mở cửa cho người di cư từ Trung Đông. Trong năm ngoái, hơn một triệu người tị nạn đã vào Đức, gần bằng dân số của Munich, thành phố lớn thứ ba của nước này.
Thống kê mới đây cho thấy có đến 83% người Đức cho rằng nhập cư là thách thức lớn nhất của đất nước, gấp đôi so với tỷ lệ năm ngoái.
Hôm 19/7, một thiếu niên tị nạn người Afghanistan đã tấn công bằng dao và rìu trên một chuyến tàu ở miền nam nước Đức, làm bị thương 4 người, sau đó bị cảnh sát bắn chết. Tiếp đó ngày 23/7, một tay súng gốc Iran nã đạn tại trung tâm mua sắm ở thành phố Munich, làm 9 người chết, 21 người bị thương, sau đó tự sát. Đến 25/7, một thanh niên tị nạn Syria tuyên bố trung thành với IS đã đánh bom tự sát một quán bar ở Ansbach khiến 12 người bị thương.
Bà Merkel phủ nhận cáo buộc cho rằng chính phủ Đức mất kiểm soát trong chính sách nhập cư.
Giai đoạn khủng hoảng trong mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp sóng gió liên quan đến việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd tại Syria, yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước...
>> Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ: Sẽ "xóa sạch" phái ủng hộ giáo sỹ Gulen
>> Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ huấn luyện lực lượng đảo chính
Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 vừa qua. Không chỉ mâu thuẫn với Mỹ trong yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Giáo sĩ F.Gulen sống lưu vong tại Mỹ về nước, Thổ Nhĩ Kỹ còn chỉ đích danh tướng Mỹ tại Trung Đông đứng đằng sau cuộc đảo chính tại nước này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 29/7 cho rằng, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Joseph Votel liên quan đến cuộc đảo chính quân sự vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cũng bác bỏ những chỉ trích của các nước phương Tây về chiến dịch trấn áp quy mô lớn do chính quyền nước này tiến hành sau vụ đảo chính quân sự vừa qua.
“Lãnh đạo các nước phương Tây bày tỏ lo ngại về những diễn biến sắp tới tại Thổ Nhĩ Kỳ thay vì thể hiện sự cảm thông với những gì chúng tôi đang trải qua. Thay vì chỉ trích, các nước phương Tây nên bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh trước việc Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái kịp thời dập tắt được cuộc đảo chính quân sự", ông Erdogan nói.
Tướng Votel ngay lập tức phủ nhận những cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ luôn là một đối tác tốt và Mỹ trân trọng sự hợp tác được duy trì với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong tương lai.
Chính quyền Mỹ cũng lên tiếng bênh vực Tướng Votel, đồng thời bày tỏ lo ngại trước các hoạt động trấn áp của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại sâu sắc về các báo cáo cho rằng có những nhà báo bị bắt giữ và đang tìm kiếm thêm thông tin xác nhận từ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ ủng hộ quyền tự do thể hiện quan điểm trên toàn thế giới. Chúng tôi lo ngại khi bất cứ nước nào có bước đi như đóng cửa các cơ quan truyền thông, giới hạn các giá trị cơ bản này. Chúng tôi hy vọng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuân theo qui định luật pháp và tự do cơ bản”.
Mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua giai đoạn nhạy cảm với những bất đồng liên quan đến việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd tại Syria, yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gullen về nước... Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo, mối quan hệ song phương sẽ xấu đi nếu Mỹ không dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước.
Trong khi đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ thanh trừng các tướng lĩnh quan trọng trong cuộc chiến chống IS do Mỹ dẫn đầu - đây là bước lùi trong mối quan hệ hợp tác Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đồng minh gần gũi của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria. Hiện Mỹ đang sử dụng một căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này để thực hiện chiến dịch chống IS.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra hiện nay là, liệu những rắc rối liên quan đến yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen có thể phá hủy mối quan hệ chiến lược Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Theo tờ tin tức hàng ngày Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt qua được những bất đồng này do lợi ích của cả hai bên. Bởi bất đồng với phương Tây sẽ không có lợi cho nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn đối với Mỹ, Washington hiểu rằng, gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này sẽ không có lợi và rằng, mâu thuẫn gia tăng với Mỹ cũng có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay sang Nga khi mối quan hệ giữa hai bên đang ấm dần trong thời gian gần đây.
Chính vì vậy, để cứu vãn mối quan hệ chiến lược đang có nguy cơ đổ vỡ, ngày 31/7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ Joseph Dunford có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận các biện pháp tháo gỡ bế tắc trong mối quan hệ song phương./.
Báo Trung Quốc kêu gọi 'tấn công tàu Australia vào Biển Đông'
Tờ Global Times lên án Australia ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài, cho rằng các tàu tuần tra của Canberra đi vào Biển Đông "sẽ trở thành mục tiêu".
"Trung Quốc phải đáp trả và để Australia biết rằng họ đã sai. Sức mạnh quân sự của Australia không là gì so với an ninh của Trung Quốc. Nếu tàu Australia đi vào Biển Đông, sẽ trở thành một mục tiêu lý tưởng cho Trung Quốc cảnh báo và tấn công", Bussiness Insider dẫn lại một phần bài báo trên Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily, cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng tải hôm qua.
Theo bài viết trên Global Times, phản ứng của Australia sau phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông là một "sự mê sảng".
Bài báo còn cho rằng trong bối cảnh hai nước có hợp tác kinh tế mạnh mẽ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, thì phản ứng của Canberra với phán quyết "khiến nhiều người ngạc nhiên".
Theo Global Times, Australia "thậm chí không phải một con hổ giấy, chỉ là một con mèo giấy", khi thể hiện sự ủng hộ đối với Mỹ trên Biển Đông. Hồi đầu năm nay, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph P Aucoin, cho rằng việc Australia đưa tàu vào tuần tra trong phạm vi 12 hải lý trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sẽ đem lại lợi ích cho cả khu vực. Tuy nhiên hiện Canbarra chưa thực hiện việc này.
"Australia đã bất ngờ gây hại đến lợi ích của Trung Quốc với một thái độ dữ dội hơn các nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông. Nhưng con mèo giấy này sẽ không trụ được lâu", bài báo trên Global Times viết.
Hôm 13/7, ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Australia công khai kêu gọi Trung Quốc tuân thủ, cho rằng đây là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines. Australia cũng khẳng định ủng hộ quyền của tất cả các nước về tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.