Mỹ cảnh báo TQ không nên đi ngược phán quyết vụ kiện Biển Đông
Hàn Quốc họp khẩn vì Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung
Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS nếu thua vụ kiện biển Đông
Sét đánh chết cả trăm người Ấn Độ chỉ trong 1 ngày
Nổ kho vũ khí gần thủ đô Libya, 29 người chết
Tin thế giới đọc nhanh sáng 22-06-2016
- Cập nhật : 22/06/2016
Yếu thế, Trung Quốc tìm kiếm bản đồ Biển Đông từ nước ngoài
Theo China News Services, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Vân Nam và Đại học Tehran, Iran, nghiên cứu 50 bản đồ của người Ba Tư từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 17 và chuyển nội dung sang ngôn ngữ hiện đại, gồm tiếng Anh và tiếng Trung.
Giáo sư Yao Jide, đứng đầu nhóm phía Trung Quốc, nói các bản đồ coi Biển Đông là "Biển Trung Quốc" hoặc "Vịnh Trung Quốc", với một số khu vực có diện tích lớn gọi là "các đảo của Trung Quốc". Yao Jide cho rằng các bản đồ cổ của người Ba Tư "củng cố cho tuyên bố của Trung Quốc".
Mới đây, truyền thông Trung Quốc cũng rầm rộ đưa tin rằng một ngư dân trên đảo Hải Nam sở hữu một cuốn sách 600 năm tuổi hướng dẫn cách định vị trên Biển Đông, trong đó có nhắc tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Báo chí Trung Quốc cho rằng đây là "bằng chứng thép" thể hiện chủ quyền của nước này đối với Biển Đông từ xa xưa.
Tuy nhiên, khi một phóng viên BBC tìm đến đảo Hải Nam và gặp ngư dân này, ông ta nói rằng vì cuốn sách quá cũ nên đã "vứt đi". Phóng viên báo Anh cho rằng điều này chỉ thể hiện Trung Quốc đang ngày càng lúng túng trong việc tìm kiếm những bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.
Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la hồi đầu tháng, đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc cũng đưa ra tấm bản đồ cổ được cho là vẽ từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, trong đó mô tả toàn bộ Biển Đông thuộc quyền quản lý của vương triều Trung Hoa thời đó.
Tuy nhiên, lập luận của ông đã vấp phải phản ứng của các cử tọa tại diễn đàn. Một đại biểu đặt câu hỏi, thời xưa, rất nhiều nước vẽ bản đồ, nếu theo bản đồ cổ, thì nhiều nước trong khối ASEAN, một phần Ấn Độ, một nửa các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ đều thuộc quản lý của vương triều Trung Hoa, vậy hiện nay Trung Quốc có đòi chủ quyền với những lãnh thổ đó? Rồi thế kỷ 19, bản đồ Vương quốc Anh vẽ địa giới tới gần nửa thế giới, có một phần Trung Quốc ngày nay, ông Tôn suy nghĩ gì về bản đồ này? Ông Tôn Kiến Quốc đáp Trung Quốc "tôn trọng bản đồ do nước Anh vẽ hiện nay".
Trả lời phỏng vấn VnExpress, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên giám đốc Học viện Quốc phòng, người tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore, điều trên cho thấy Trung Quốc đã lúng túng, tự mâu thuẫn chính mình.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.
Trung Quốc đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của các nước trước khi Toà trọng tài Thường trực được thành luật theo Công ước luật biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò" do Philippines khởi kiện. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ có lợi cho Manila. Bắc Kinh không tham gia phiên xử và nói sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào dù nước này là thành viên của UNCLOS và theo quy định phải có nghĩa vụ thực hiện các phán quyết của tòa.
Thủ tướng Ấn Độ 'chơi trội', sắm chuyên cơ chuẩn Tổng thống Mỹ
Theo India Today, nước này sẽ thay thế chiếc máy bay Boeing 747 chuyên chở Thủ tướng Narendra Modi bằng chiếc Boeing 777-300 với các trang thiết như chiếc Không lực Một của Tổng thống Obama.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrilar dự kiến sẽ kết thúc thỏa thuận với Boeing để mua 2 chiếc 777-300 vào ngày 25-6 sắp tới.
Là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Thế giới, Thủ tướng Modi luôn là một mục tiêu cao của các cuộc ám sát. Chính vì vậy, đây được xem là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho nguyên thủ Ấn Độ.
Nguyên Đại tá không quân Prashant Dixit, hiện đang là một nhà phân tích quốc phòng, cho biết rằng chiếc máy bay được chế tạo bằng một loại kim loại hấp thụ sóng radar. Bên cạnh đó, máy bay được trang bị công nghệ cao có khả năng chặn đứng bom và tên lửa, chặn và làm nghẽn radar của địch, hệ thống phòng thủ chống tên lửa, hệ thống tiếp nhiên liệu trên không. Bên cạnh đó, máy bay mới của Thủ tướng Modi sẽ được trang bị các phòng làm việc và phòng ngủ cùng với 19 TV.
Máy bay ném bom Trung Quốc xâm phạm vùng trời Ấn Độ
Một chiếc máy bay ném bom JH-7 của Trung Quốc lại vừa xâm phạm vùng trời Ấn Độ tại khu vực Aksai Chin gần biên giới quốc tế giữa hai nước.
Theo Zeenews, chiếc máy bay ném bom của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn tiếp tục lượn lờ bên trong vùng trời của Ấn Độ gần 107 phút rồi mới bay đi và biến mất vào vùng trời của Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu tiên các máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm phạm vùng trời Ấn Độ.
Trước đây từng có nhiều lần máy bay của PLA xâm phạm vùng trời của quốc gia láng giềng, thả đồ hộp, thuốc lá và truyền đơn bằng ngôn ngữ địa phương ở gần biên giới Ấn - Trung.
Trước đó, ngày 9-6 một nhóm binh sỹ Trung Quốc đã xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ tại Arunachal Pradesh dẫn tới vụ xô xát nhỏ gây căng thẳng giữa hai bên.
Tuy nhiên sau đó vấn đề sớm được giải quyết mặc dù khi phía Trung Quốc mang sô-cô-la sang làm quà biếu cùng động thái bày tỏ hòa hiếu đã bị trả lại.
Theo truyền thông Ấn Độ, khoảng 250 binh lính Trung Quốc đã xâm nhập trái phép khu Yangste bên phía Ấn Độ. Khu vực này cách Shankar Tiki, nơi có đông đảo binh sỹ Ấn Độ đóng quân, khoảng 650 mét về phía đông.
Đây là cuộc xâm nhập đầu tiên của lính Trung Quốc vào vùng Yangste của Ấn Độ trong năm nay.
Tình hình Biển Đông sẽ thay đổi ra sao sau khi tòa ra phán quyết
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague dự kiến sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền Trung Quốc đơn phương đưa ra ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ có lợi cho Manila.
Tuan N. Pham, đại tá Mỹ có kinh nghiệm hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương, viết trên Diplomat rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ phớt lờ phán quyết như họ đã nhiều lần tuyên bố. Nếu vậy, tòa trọng tài cũng không thể làm được gì nhiều để thực thi phán quyết. Tuy nhiên, tòa sẽ hạ uy tín của nước không tuân thủ phán quyết khi nước này muốn nhờ cậy đến luật pháp quốc tế trong tương lai.
Trong trường hợp của Trung Quốc, việc phớt lờ phán quyết của tòa có thể gây ảnh hưởng lớn về danh tiếng khi nước này đang muốn vươn lên thành cường quốc thế giới, đặc biệt là khi quan hệ thân thiện với láng giềng và uy tín quốc tế là những yếu tố rất cần thiết.
Ông Pham nêu ra hai khả năng về phản ứng của Trung Quốc sau khi tòa ra phán quyết. Khả năng thứ nhất là Bắc Kinh sẽ tăng tốc quân sự hóa tại Biển Đông, để tạo ra sự đã rồi trên hiện trạng bao gồm việc thành lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) khi họ có đầy đủ phương tiện để thực hiện điều đó.
Phan Duy Hảo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore viết trên Strait Times rằng nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hành động đơn phương và khiêu khích không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) ở Biển Đông, các cường quốc bên ngoài sẽ thực hiện thêm các biện pháp ngoại giao, chính trị hoặc phương pháp khác cứng rắn hơn. Trung Quốc sẽ càng hiện lên là một cường quốc đang lên nhưng lại thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và các quy định trong luật biển.
Theo ông Pham, Bắc Kinh cũng có thể sẽ "án binh bất động" để đợi thời cơ, ít nhất là cho đến sau Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã tính toán rằng họ đã đạt được đủ lợi ích và chỉ cần thực hiện sự kiên nhẫn chiến lược để củng cố những lợi ích đó tại thời điểm hiện giờ. Ông Pham cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ không thực hiện thêm các hành vi "đi quá xa", có thể kích thích các động thái cứng rắn từ Washington cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, hay những hành động tập thể của các bên tranh chấp Biển Đông khác.
Thực tế, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 4 nói rằng Bắc Kinh muốn Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tập trung vào vấn đề kinh tế chứ không phải tranh chấp chủ quyền. Các chuyên gia coi đây là cảnh báo của Trung Quốc đến cộng đồng quốc tế rằng không đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị cấp cao này.
Thay đổi
Theo LA Times, dù Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết thì phán quyết vẫn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ khu vực và quốc tế.
Nếu Manila chiếm ưu thế, họ có thể khuyến khích các quốc gia khác theo đuổi những vụ kiện tương tự hoặc sử dụng các phán quyết như một cơ sở để thách thức mạnh mẽ hơn nữa hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nếu tòa đưa ra một phán quyết không rõ ràng, tòa có thể khiến các nước giảm niềm tin vào cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế như tòa trọng tài và các thỏa thuận quốc tế. Điều đó có thể khiến các nước trong khu vực hay Mỹ thúc đẩy các cuộc diễn tập tự do hàng hải và các hoạt động khác như đánh cá hay khoan dầu ở khu vực.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể thay đổi giọng điệu nếu tòa trọng tài ra phán quyết mạnh mẽ chống lại họ.
"Lịch sử cho thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc và lập trường pháp lý của họ không phải lúc nào cũng nhất quán. Nếu những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết khác biệt thông qua ngoại giao, trong đó bao gồm cả phương án nhờ đến các thể chế pháp lý quốc tế, thì rồi những nỗ lực này cũng có thể mang đến hiệu quả", giáo sư luật Đại học New York Jerome A. Cohen, nói.
Nếu tất cả các quốc gia có liên quan ở biển Hoa Đông và Biển Đông "oanh tạc" Bắc Kinh bằng cách đưa tranh chấp chủ quyền của họ với Trung Quốc ra thể chế pháp lý quốc tế, chứ không dựa hoàn toàn vào những cuộc đàm phán song phương vô tận, không có kết quả và không công bằng hoặc các động thái quân sự của Mỹ, thì chúng ta có thể hy vọng sẽ có một sự thay đổi toàn diện, ông nhận định.
Nguy cơ xung đột
Theo SCMP, một số nhà phân tích thậm chí bày tỏ mối lo ngại rằng phán quyết của tòa có thể làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á và đẩy họ đến nguy cơ trạm chán, mặc dù họ có quan hệ thương mại chặt chẽ với nhau. Điều còn đáng lo ngại hơn là nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, khi hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau có hành động khiêu khích và gây căng thẳng.
Biển Đông hiện là một vấn đề tranh cãi lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, giáo sư Kerry Brown, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại King’s College ở London, nhận xét.
"Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể tiếp tục thúc đẩy các hành động của mình xa đến đâu mà vẫn tránh được nguy cơ leo thang", ông nói. "Điều đó phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận cam kết của Mỹ trong khu vực và xác định vấn đề tột cùng là gì. Họ có thể dễ dàng đánh giá sai điều đó".
Tuy khó có thể xảy ra các cuộc xung đột lớn, vì cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn để xảy ra xung đột trực tiếp, các nhà phân tích nói rằng nguy cơ xảy ra sự cố và tai nạn nhỏ, đặc biệt là liên quan đến tàu cá, không thể bị loại trừ.
"Ví dụ, nếu PCA ra phán quyết cho rằng người dân Philippines có quyền đánh cá gần bãi cạn Scarborough và chính phủ Philippines điều tàu hải quân để thực thi phán quyết, điều đó có thể kích động phản ứng từ Trung Quốc. Một cuộc chạm trán có thể xảy ra", tiến sĩ Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói.
Jay Batongbacal, một chuyên gia luật hàng hải tại Đại học Philippines, cho rằng kịch bản xấu nhất giữa Philippines và Trung Quốc sẽ là sự cố trên biển có nguy cơ leo thang, khi xét đến tham vọng hàng hải và hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong việc cải tạo thực thể và đẩy mạnh tuần tra quân sự.
Tuy nhiên, Đới Bỉnh Quốc, cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng ba rằng ông tin việc đối đầu giữa một cường quốc đang lên và cường quốc truyền thống là điều không chắc chắn phải xảy ra. Ông cho rằng Trung Quốc và Mỹ có thể đảm bảo rằng sẽ không có xung đột giữa họ. "Chúng ta không thể để xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh, chưa nói gì đến chiến tranh nóng", ông nói.
Zhu Zhiqun, thuộc Đại học Bucknell ở Pennsylvania, cũng cho rằng căng thẳng khó có khả năng leo thang hơn nữa vì cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn đối đầu ở Biển Đông.
"Tôi nghĩ rằng cả Mỹ và Trung Quốc đã làm đủ để làm hài lòng các đồng minh của họ và người trong nước", ông nói. "Cả hai đều sẽ muốn hạ nhiệt thông qua các biện pháp song phương và đa phương".
Giáo sư Huang Jin, chuyên nghiên cứu quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng căng thẳng sẽ không thể nào sớm kết thúc và vẫn tồn tại nguy cơ xảy ra xung đột nhỏ. Do đó, tình hình Biển Đông trong tương lai vẫn phải dựa vào khả năng liệu Trung Quốc và Mỹ có thể gạt sang một bên những khác biệt của họ và chung tay trong việc kiểm soát tình hình hay không.
"Quản lý khủng hoảng không nhất thiết có nghĩa là ngăn chặn một cuộc khủng hoảng", ông nói. "Thay vào đó, nó nghiêng nhiều hơn về khả năng giảm thiểu nguy cơ leo thang nếu khủng hoảng xảy ra".(VNEX)