Chuẩn Đô đốc A. Taufiq R., Tư lệnh Hạm đội Tây Indonesia, nhận định sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna, khu vực Indonesia tuyên bố chủ quyền, là một chiêu bài trong mưu đồ theo đuổi những yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 23-06-2016
- Cập nhật : 23/06/2016
Trung Quốc bị tố lợi dụng tàu cá để yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
Tàu cá Trung Quốc (bên phải) bị hải quân Indonesia bắn cảnh cáo và bắt giữ vì xâm nhập và đánh cá trái phép. Ảnh: Straits Times.
Chuẩn đô đốc A. Taufiq R., tư lệnh Hạm đội Tây Indonesia, cho rằng việc tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển nước này ở gần quần đảo Natuna chỉ là cái cớ, mục đích chính là thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, theo Straits Times.
"Khi bạn tuyên bố chủ quyền ở đâu, thì bạn phải hiện diện tại đó. Trung Quốc dùng tàu cá để làm điều này", tuyên bố của ông Taufiq ám chỉ "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra, bao phủ phần lớn diện tích Biển Đông.
Căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh lên cao sau khi hải quân Indonesia nổ súng cảnh cáo và bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở ngoài khơi quần đảo Natuna hôm 17/6. Indonesia cho biết đã bắn cảnh cáo 12 tàu cá Trung Quốc, nhưng chỉ bắt duy nhất tàu Yueyandong Yu 19038 vì lúc đó tàu này đang thả lưới đánh cá. Ông Taufiq cũng phủ nhận cáo buộc của Bắc Kinh nói hải quân Indonesia bắn bị thương một ngư dân Trung Quốc. "Bảy ngư dân trên tàu đều khỏe mạnh, không ai bị xây xát gì. Họ bị bắn cảnh cáo vì đã bỏ chạy".
Yueyandong Yu là tàu cá thứ ba của Trung Quốc bị Indonesia bắt vì đánh cá trái phép từ tháng 3. Bộ trưởng Các vấn đề Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết hai nước không có bất kỳ thỏa thuận hàng hải nào về hợp tác trong một lãnh thổ đặc biệt và vì thế các tàu cá Trung Quốc sẽ được đối xử như bất kỳ tàu cá nào đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia.
"Xin nhắc lại tôi không quan tâm đó là nước nào hay đó là tàu gì, chủ tàu là ai. Nếu các bạn đánh bắt trộm cá của chúng tôi, có nghĩa là các bạn đã ăn trộm, và tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi, với lực lượng chuyên trách của mình, không bỏ qua điều này. Chúng tôi sẽ không cân nhắc quan hệ giữa hai nước trong việc này. Những gì chúng tôi thấy là hành vi vi phạm nghiêm trọng", bà nói.
Donald Trump sẽ khiến Trung Quốc đắc lợi thế nào nếu trúng cử
Tỷ phú Donald Trump, ứng viên đại diện đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng, tuyên bố sẽ "khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại". Nhưng nếu ông đắc cử, nước được lợi đầu tiên dưới thời tổng thống Trump lại không phải là nước Mỹ mà là Trung Quốc, theo tạp chí Week.
Ông Trump từng quyết liệt phê phán chính sách thương mại của Trung Quốc với Mỹ, gọi đây là "vụ trộm lớn nhất lịch sử thế giới", đổ cho Trung Quốc đang "cưỡng bức" và "giết chết" nước Mỹ. Trump đồng thời hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ "không thể thao túng tiền tệ và gian lận" nếu như ông trở thành tổng thống.
Song, điều trớ trêu là thể hiện của Trung Quốc không thực sự giống như những gì ông Trump miêu tả, cây bút Ben Shull từ Week nhận xét. Số liệu công bố gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,7% trong quý một năm 2016, mức tăng thấp nhất suốt 7 năm qua. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang phải vật lộn đối phó với tình trạng xuất khẩu giảm sút, tăng trưởng đầu tư chậm chạp, bong bóng nợ chực chờ nổ tung cùng hàng loạt thách thức khác.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng suy giảm nghiêm trọng khi Bắc Kinh không ngừng thực hiện các động thái gây hấn, phô trương sức mạnh quân sự ở châu Á, bồi lấp trái phép đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết diện tích Biển Đông, dẫn tới tranh chấp căng thẳng với nhiều quốc gia.
Trước bối cảnh này, tổng thống Mỹ tiếp theo, với một chính sách hợp lý, hoàn toàn có khả năng kiềm chế Trung Quốc. Nhưng nếu người đó là Trump, ông ấy sẽ chỉ lãng phí cơ hội đó, Shull đánh giá.
Đắc lợi
Vấn đề đầu tiên là việc triển khai quân sự của Mỹ ở châu Á. Về khía cạnh này, Trump tuyên bố khá hùng hồn, mạnh mẽ nhưng hành động thực tế có lẽ sẽ rất yếu ớt, cây bút từ tạp chí Week cho hay.
Tỷ phú Mỹ không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến với Trung Quốc. Trump khẳng định Mỹ "cần yếu tố bất ngờ". Nhưng bên cạnh đó, ông lại kêu gọi cắt giảm ngân sách quân sự và cần đảm bảo rằng "chúng được huy động hợp lý". Đáng chú ý nhất, ông yêu cầu các đồng minh của Mỹ ở châu Á phải chi tiền để binh sĩ quân đội nước này hiện diện tại khu vực. Về cơ bản, ông đang coi các đồng minh quan trọng ở châu Á như một gánh nặng an ninh mà Mỹ phải gánh vác.
Ông có lần đặt câu hỏi rằng Mỹ "còn phải bảo vệ Hàn Quốc khỏi Triều Tiên không công đến bao giờ nữa?"
Điều này có thể làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Mỹ trong khu vực và là cơ hội tốt để Trung Quốc lợi dụng, mở rộng ảnh hưởng, ông Shull nhấn mạnh.
Tại một cuộc phỏng vấn với báo Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn giữ nguyên quan điểm về việc binh sĩ Mỹ đóng quân trong khu vực.
"Tôi không thể tưởng tượng ra bất kỳ viễn cảnh nào mà ở đó sự hiện diện của Mỹ là không cần thiết", ông Abe cho biết.
Nhật Bản thực tế chi trả tới hai tỷ USD mỗi năm để Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở nước này, trái ngược với những thông tin mà ông Trump đưa ra nói rằng Mỹ không nhận được gì khi triển khai quân ở châu Á.
"Lập trường của ông Trump trước những đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ phá vỡ quan hệ đồng minh mà còn gây bất ổn cho thế cân bằng vốn đã bấp bênh ở Đông Bắc Á", Van Jackson, giáo sư nghiên cứu an ninh, chuyên gia tại Trung Tâm An ninh Mỹ Mới, viết trên tạp chí Diplomat.
Theo Jackson, Trump còn từng ngụ ý rằng ông không cảm thấy Mỹ trong tương lai cần duy trì hiện diện quân sự ở châu Á.
Ông Tsuneo Watanabe, nhà nghiên cứu tại một viện chính sách Nhật Bản, cho rằng nếu không có những biện pháp răn đe quân sự mà chỉ Mỹ mới đủ khả năng thực hiện ở châu Á - Thái Bình Dương, "Trung Quốc sẽ mặc sức hoành hành".
Tương tự, các quan điểm về kinh tế, thương mại của ông Trump cũng đi ngược lại với những vai trò mà Mỹ đáng lẽ phải thực hiện ở khu vực. Một trong những mục tiêu công kích ưa thích của nhà tài phiệt New York là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump hết lần này đến lần khác gọi TPP là "một thảm họa" hay "một thỏa thuận tồi tệ".
Nhưng thực tế không như vậy, TPP chính là công cụ quan trọng để Mỹ hiện thực hóa các mục tiêu ở châu Á nói chung và đối với Trung Quốc nói riêng, ông Shull nhận xét.
Ngoài Mỹ và Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore hay Việt Nam cũng là thành viên của TPP. Bằng cách tách Trung Quốc khỏi nhóm, TPP đang ngầm tìm cách giảm bớt sức ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc thông qua việc liên kết các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương với Mỹ. Tuy nhiên, ác cảm mà ông Trump dành cho những mối quan hệ thương mại ở Đông Á sẽ chỉ khiến các đồng minh Mỹ quay đầu sang hợp tác với Trung Quốc, Shull bình luận.
Ngoài ra, nếu trở thành tổng thống, chính sách thương mại của ông Trump với Trung Quốc còn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Mỹ. Giá trị xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc hiện vẫn ở mức cao, khoảng 100 tỷ USD. Vì thế, việc ông Trump kêu gọi áp thuế 45% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc chắc chắn sẽ phản tác dụng nếu đối phương đáp trả bằng cách tương tự. Nền kinh tế Mỹ thậm chí sẽ bị tổn thương nặng nề hơn so với Trung Quốc, giới quan sát nhận định.
Peter Petri, chuyên gia kinh tế tại Đại học Brandeis, Mỹ, ước tính mức thuế suất mà ông Trump muốn áp dụng "có thể khiến tổng thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ tăng 67 tỷ USD".
Caroline Freund, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, thêm rằng thuế nhập khẩu như vậy sẽ tác động "khủng khiếp" tới những người nghèo ở Mỹ bởi nó khiến giá cả những mặt hàng thiết yếu với họ tăng cao. Moody's Analytics dự đoán cuộc chiến thương mại mà ông Trump khơi mào với Trung Quốc còn có nguy cơ khiến hàng triệu người Mỹ mất việc.
Nhìn chung, việc kiềm chế Trung Quốc bằng những biện pháp mà tỷ phú Trump đề xuất rõ ràng là điều bất khả thi. Dù Trung Quốc là một mục tiêu công kích của nhà tài phiệt New York trong chiến dịch tranh cử nhưng nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, Bắc Kinh sẽ là bên đắc lợi thay vì chịu thiệt thòi, Shull nhấn mạnh.(VNEX)
Phó Tổng thống Mỹ: Nhật Bản có thể hạt nhân hóa 'sau một đêm'
Hiện Nhật Bản đang có 47 tấn chất phóng xạ plutonium, tương đương 6.000 quả bom nguyên tử, theo Yonhap News
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình PBS (Hàn Quốc), Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden kể lại cuộc đối thoại giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc đối thoại này, ông đã hối thúc Bắc Kinh nỗ lực hơn để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trả lời đài PBS, ông Biden nhận định Trung Quốc “là quốc gia có nhiều lợi thế nhất trong việc tác động Triều Tiên dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng cũng có thể gây nên bùng nổ tại Triều Tiên”.
Theo lời kể của Phó Tổng thống Mỹ, khi đề cập đến vấn đề Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ trước các mối đe dọa tấn công hạt nhân từ Triều Tiên, ông Tập Cận Bình đã nêu quan điểm rằng Mỹ đang tìm cách bao vây Trung Quốc.
Đáp lại, ông Joe Biden cho biết: “Ông có biết điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta không thể hợp tác về vấn đề Triều Tiên không? Điều gì sẽ xảy ra khi Nhật Bản có thể có vũ khí hạt nhân ngay ngày mai? Họ có đủ năng lực để làm điều đỏ chỉ sau một đêm”.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) bắt tay ông Tập Cận Bình (trái) trong thời gian ông còn là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc. Ảnh: AFP
Nhật Bản đang nắm giữ hơn 47 tấn plutonium đã phân rã, tương đương 6.000 quả bom hạt nhân. Theo Yonhap News, Nhật Bản được phép tái chế các năng lượng hạt nhân đã quá sử dụng để thu plutonium. Các chuyên gia đánh giá Nhật Bản có dư khả năng chế tạo bom hạt nhân chỉ trong một thời gian ngắn.
Ông Biden không tiết lộ cuộc đối thoại với ông Tập Cận Bình đã diễn ra vào lúc nào. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Mới vào ngày 20-6 vừa qua, ông Biden khẳng định ông đã gặp gỡ ông Tập nhiều hơn với bất kỳ các nguyên thủ nào khác. Số lần ăn tối thân mật giữa ông và ông Tập có tổng thời gian gần 25 tiếng đồng hồ, ông Biden cho biết. (PLO)
Trung Quốc tuyên bố mở tuyến du lịch ra Trường Sa năm 2020
Ngày 22-6, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ mở tuyến du lịch dân sự thường xuyên ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam trước năm 2020.
Theo Channelnewsasia, thông báo của truyền thông nhà nước Trung Quốc rõ ràng là động thái muốn khiêu khích công luận thế giới cũng như các nước trong khu vực vốn chia sẻ quyền lợi trực tiếp tại Biển Đông.
Tờ China Daily dẫn lời các quan chức chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết tỉnh này sẽ mở các tour du lịch thường xuyên ra quần đảo Trường Sa, khu vực mà Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước.
Tờ báo viết: “Tỉnh Hải Nam có kế hoạch mở tuyến du lịch xuyên Biển Đông và các dịch vụ du lịch biển tới tất cả các nước dọc theo con đường tơ lụa trên biển”.
Theo China Daily, các tour du lịch này sẽ được tỉnh Hải Nam triển khai trước năm 2020.
Mới đây, Tập đoàn vận tải biển COSCO của Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tổ chức các tuyến du lịch biển trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng 7-2016.
Hiện chưa rõ Trung Quốc có kế hoạch cho phép người nước ngoài đi các chuyến du lịch trái phép này không, nhưng cho tới nay mới chỉ có công dân Trung Quốc được tham gia.(TT)
Trung Quốc không nêu được số nước 'ủng hộ' lập trường Biển Đông
Hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên một bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa. Ảnh: CSIS.
Trong buổi họp báo thường kỳ hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cáo buộc một số cơ quan truyền thông phương Tây "đổi trắng thay đen", sau khi được hỏi về việc một tờ báo Mỹ "bóc mẽ" sự thật về liên minh 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của Bắc Kinh, theo Global Times.
Trước đó, Wall Street Journal đã có một bài viết dài, khẳng định cho đến nay chỉ có khoảng 8 nước ra tuyên bố công khai ủng hộ việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines ở Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), trong khi báo chí Trung Quốc khoe rằng đã có 60 nước đứng về phía họ trong vụ kiện.
Bà Hoa lặp lại giọng điệu này khi nói rằng ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện, tuy nhiên bà lại không thể nêu được cụ thể là bao nhiêu nước.
"Có một số nước ủng hộ công khai, hoặc không công khai, bằng miệng hoặc bằng thư từ. Một số nước có thông báo hoặc không thông báo. Khoảng vài chục nước đang ủng hộ Trung Quốc", bà Hoa giải thích.
Các nhà ngoại giao, học giả Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng Bắc Kinh không có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên Hợp Quốc, bởi họ cho rằng thẩm quyền xét xử của tòa án này không bao gồm các tranh chấp về "chủ quyền hay lãnh thổ".
Các quan chức Trung Quốc còn ngang nhiên nói rằng việc phớt lờ phán quyết của PCA là hành động cần thiết để "bảo vệ và duy trì luật pháp quốc tế", đồng thời cáo buộc ngược Philippines đã "vi phạm" luật pháp quốc tế khi tiến hành vụ kiện.
Philippines đệ đơn kiện lên PCA từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Philippines cũng khẳng định rằng một số rặng san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải. Theo truyền thông Philippines, PCA có thể sẽ ra phán quyết vào ngày 7/7.