Tổng thống Obama: Mỹ sẽ tiếp tục 'thử' Trung Quốc ở Biển Đông
Tổng thống Barack Obama: sẽ tiếp tục 'thử' Trung Quốc - Ảnh minh họa: Reuters
Tổng thống Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là sử dụng chiến thuật xưa cũ, bắt nạt nước khác vì vậy Washington sẽ tiếp tục "thử" Bắc Kinh.
Tổng thống Barack Obama chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật của kẻ mạnh để bắt chẹt nước khác trong vùng biển tranh chấp, “lấy thịt đè người” bất chấp luật pháp quốc tế, khiến Washington không thể làm ngơ.
“Chúng ta thấy rằng Trung Quốc đang dùng chiêu cũ, sử dụng quyền của kẻ mạnh để nói mình đúng cả trong đòi hỏi chủ quyền và giải quyết tranh chấp, bất kể luật lệ và chuẩn mực quốc tế”, Tổng thống Mỹ nói, theo Channel News Asia hôm nay 21.2.
Tổng thống Obama đã có buổi phỏng vấn độc quyền với Channel News Asia bên lề sự kiện hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ diễn ra hôm 16.2 ở Sunnylands, bang California vừa qua trước khi Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng.
Theo Tổng thống Mỹ, với sự ngang ngược của Bắc Kinh xung đột giữa các nước có tranh chấp ở Biển Đông sẽ còn tiếp diễn và Trung Quốc sẽ không khoan nhượng với bất kỳ nước nào trong vùng. Khi được hỏi liệu Mỹ có “chiến tranh” với Trung Quốc trong vụ tranh chấp ở Biển Đông, Tổng thống Obama từ chối trả lời trực tiếp.
“Thực tế là chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ trên tinh thần xây dựng với chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi tin tưởng sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và lo sợ một Trung Quốc hỗn loạn, yếu kém hơn là một Trung Quốc tiến bộ và thực hiện khát vọng của dân chúng”, Tổng thống Obama chia sẻ.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định Washington không thể làm ngơ trước một Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông. Ông Obama nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình khi công du nước Mỹ hồi tháng 9.2015 nói rằng Bắc Kinh không đeo đuổi chính sách quân sự hóa ở khu vực tranh chấp.
“Các nước ASEAN đã khẳng định rằng đó là vấn đề. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục thử để xem Trung Quốc có giữ đúng những gì đã tuyên bố hay không”, ông Obama phát biểu với Channel News Asia. Chương trình phỏng vấn đầy đủ sẽ được đài này phát hình vào ngày 23.2.
Bên cạnh tổ chức tập trận, giúp đỡ quân sự đối với các nước có tranh chấp, Washington còn điều tàu chiến đến Biển Đông, tuần tra ở một số đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa nơi quân đội Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp nhằm thách thức Bắc Kinh.
Nghi ngờ của Tổng thống Obama đã được khẳng định khi Trung Quốc triển khai tên lửa ở Biển Đông, là hành động quân sự hóa mức độ cao trái ngược những gì đã tuyên bố của ông Tập Cận Bình. Trước những chỉ trích của nhiều nước và chuyên gia quốc tế về hành động quân sự hóa này, Bắc Kinh chưa khẳng định hay phủ nhận, trong khi Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc tiết lộ tên lửa phòng không đã được Bắc Knh triển khai từ lâu.
Cựu bộ trưởng an ninh Triều Tiên làm tổng tham mưu trưởng quân đội
Ông Ri Myong-su (người đọc bài phát biểu) lúc còn làm Bộ trưởng An ninh Nhân dân - Ảnh: North Korea Leadership Watch
Báo Hàn Quốc ngày 21.2 dẫn nguồn tin từ Triều Tiên cho biết một cựu bộ trưởng an ninh nước này đã thay thế vị trí của tổng tham mưu trưởng quân đội được cho là đã bị xử tử vì tội tham nhũng.
Ông Ri Myong-su, nguyên Bộ trưởng An ninh Nhân dân, đã được nhắc đến với chức danh “Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên” trong một bản tin của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tường thuật cuộc thị sát diễn tập không quân của lãnh đạo Kim Jong-un, theo tờ The Korea Herald (Hàn Quốc) ngày 21.2.
Ông Ri tiếp tục xuất hiện trong một bản tin khác được phát cùng ngày, trong đó ông được tường thuật là đã tháp tùng nhà lãnh đạo Kim trong vai trò tổng tham mưu trưởng đến xem một cuộc diễn tập bay của lực lượng phòng không - không quân Triều Tiên.
Đây là lần đầu tiên việc cất nhắc ông Ri được KCNA chính thức xác nhận.
Ông Ri được đồn đoán là đã tiếp nhận chức vụ của ông Ri Yong-gil, người bị xử tử về tội tham nhũng và theo đuổi lợi ích cá nhân. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã không đề cập ông Ri Yong-gil trong danh sách quan chức hiện diện tại một sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Kim và nêu tên ông Ri Myong-su trong vai trò của ông Ri Yong-gil.
Giới phân tích nhận định ông Ri Myong-su được cất nhắc sau vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên hồi đầu tháng này do “kiến thức bao quát của ông về công nghệ tên lửa”.
“Ông Ri Myong-su là một trong 3 phụ tá hàng đầu của cố lãnh đạo Kim Jong-il và được biết đến về sự am tường công nghệ tên lửa”, theo giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul. Ông Kim Jong-il, thân sinh của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, đã cầm quyền ở Triều Tiên từ năm 1994 đến năm 2011.
Tổng thống Putin được truyền thông Nga nhắc tới nhiều nhất
Tổng thống Putin được truyền thông Nga nhắc tới nhiều nhất
Từ tháng 2.2015 tới tháng 2.2016, Tổng thống Vladimir Putin xuất hiện trong hơn 1,5 triệu mẩu tin của truyền thông Nga.
Hãng tin TASS ngày 21.2 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin là chính trị gia được truyền thông Nga nhắc tới nhiều nhất trong một năm qua. Điều này cho thấy mức độ quan tâm rất lớn của truyền thông trong nước đối với nhà lãnh đạo này.
Theo thống kê đăng trên trang web của Medialogia, hệ thống phân tích và theo dõi truyền thông tự động của Nga, từ tháng 2.2015 tới tháng 2.2016, Tổng thống Putin xuất hiện trong hơn 1,5 triệu mẩu tin của truyền thông Nga. Người xếp thứ hai là Thủ tướng Dmitry Medvedev với 500.000 bản tin đề cập đến ông.
Không chỉ được giới truyền thông đặc biệt quan tâm, Tổng thống Putin cũng nhận được tỉ lệ ủng hộ rất cao của người dân Nga trong năm 2015 với gần 90%.
Theo TASS, bên cạnh tổng thống và thủ tướng, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng là những chính trị gia được truyền thông Nga nhắc tới nhiều lần trong vòng một năm qua,
Thống kê này dựa trên dữ liệu tổng hợp của khoảng 30.000 nguồn truyền thông Nga, bao gồm các kênh truyền hình, các đài phát thanh, các nhật báo, tạp chí cũng như các hãng thông tấn có ảnh hưởng ở Nga.
Trung Quốc cấp tập quân sự hóa Hoàng Sa
Không chỉ triển khai tên lửa, Trung Quốc còn bị cho là đang xây nhà chứa máy bay và kho vũ khí phi pháp ở Hoàng Sa.
Kyodo News ngày 20.2 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook khẳng định Trung Quốc đã tiến hành diễn tập tên lửa ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trước khi triển khai hệ thống phòng không HQ-9. Trước đó, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift cũng khẳng định Trung Quốc đã 3 lần đưa tên lửa HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Theo chuyên trang Military.com, 2 lần trước để phục vụ tập trận phi pháp, có một lần Trung Quốc đã dùng HQ-9 bắn hạ máy bay không người lái. Ngoài ra, Công ty phân tích chiến lược Stratfor (Mỹ) vừa đăng tải trên website Stratfor.com hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang xây 16 nhà chứa máy bay dọc đường băng trên đảo Phú Lâm, nhiều khả năng dành cho chiến đấu cơ J-11 sau khi Trung Quốc đã triển khai loại chiến đấu cơ này tới Phú Lâm hồi tháng 11.2015. Cũng theo Stratfor, Trung Quốc còn đang cấp tập xây dựng nhiều tòa nhà lớn để làm kho chứa vũ khí và xe hậu cần lớn chở đạn dược cho chiến đấu cơ hoặc tên lửa phòng không.
Ngày 19.2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc phản đối những hành động nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa cũng như đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Trong bài bình luận đăng trên Reuters hôm qua, Giáo sư James Holmes của Trường chiến tranh hải quân Mỹ chỉ ra 16 quả tên lửa ở Hoàng Sa nằm trong hệ thống phòng thủ nhiều lớp dày đặc do Bắc Kinh xây dựng ở những khu vực họ tự nhận là lãnh thổ của mình. Một khi hệ thống này được hoàn chỉnh, máy bay, tàu chiến nước ngoài tiến vào khu vực sẽ phải đối mặt với nguy cơ từ nhiều hướng, buộc các chỉ huy quân sự phải đắn đo trước khi muốn điều khí tài hiện đại, đắt tiền tới Đông Nam Á.
Dần dà, theo ông Holmes, Trung Quốc sẽ kiểm soát Biển Đông mà không cần phải giao chiến và có cớ tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi”, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế. Giáo sư Holmes còn cảnh báo một khi đã thành công với chiêu bài phô trương sức mạnh để khiến các bên khác chùn chân, Trung Quốc có thể “tự đề ra luật lệ”, thậm chí phong tỏa tuyến hàng hải ở Biển Đông. Để ứng phó, chuyên gia này cho rằng các bên phải chứng tỏ không bị Trung Quốc đe dọa và vẫn sẵn sàng duy trì các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải, hàng không.
Nghị viên châu Âu tuyệt thực đòi Nga trả tự do nữ quân nhân Ukraine
Nadezhda Savchenko trong nhà tù của Nga - Ảnh: openrussia.org
Một chiến dịch tuyệt thực kéo dài từ ngày 15 - 29.2.2016 tại quốc hội của 22 nước thành viên Hội đồng châu Âu để đòi Nga tự do cho nữ phi công Ukraine là Nadezhda Savchenko.
Người khởi xướng hành động này là đại biểu Quốc hội Cộng hòa Czech, bà Christine Zelenkova.
“Nếu các thành viên Nghị viện châu Âu tin vào sự vô tội của nữ quân nhân Ukraine, bà Nadezhda Savchenko, tốt nhất họ không nên tuyệt thực làm gì mà nên tham gia vào cuộc điều tra để tìm ra kẻ giết hại các nhà báo Nga”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trong tài khoản cá nhân trên Facebook, theo Tass ngày 20.2.
“Các đại biểu quốc hội của 22 nước thành viên Hội đồng châu Âu tổ chức một cuộc tuyệt thực để ủng hộ nữ phi công Ukraine, thượng úy Nadezhda Savchenko, người bị bắt giữ vì nghi ngờ có sự đồng lõa trong vụ sát hại hai nhà báo Nga Igor Korneliuk và Anton Voloshin. Thật là một sự đạo đức giả siêu đẳng! Ban đầu, họ bầu vắng mặt cô ấy (một cách bất hợp pháp) làm nghị viên, sau đó còn tổ chức trò hề chính trị bằng việc dàn dựng một cuộc tuyệt thực”, bà Zakharova viết trên Facebook.
Trước đó, truyền thông nước ngoài đã đưa tin Savchenko bị Nga khởi tố tội danh giết người, cố gắng giết người và thâm nhập biên giới bất hợp pháp. Theo các nhà điều tra, Nadezhda Sevchenko là một sĩ quan trong lực lượng vũ trang của Ukraine, thuộc tiểu đoàn bán quân sự Aydar. Ngày 17.6.2014, nữ thượng úy Savchenko đã tiến hành quan sát bí mật và hiệu chỉnh đường đạn trong cuộc pháo kích của quân đội Ukraine vào vị trí của lực lượng quân ly khai Ukraine thuộc Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng và khu vực dân cư gần làng Metalist thuộc tỉnh Luhansk, làm thiệt mạng nhiều người, trong đó có hai công dân Nga là nhân viên của hãng Phát thanh - Truyền hình nhà nước Nga gồm Igor Kornelyuk và Anton Voloshin. Đến nay Nadezhda Savchenko vẫn không nhận tội.
(
Tinkinhte
tổng hợp)