Trung Quốc ồ ạt tăng chi tiêu quân sự và đòi hỏi chủ quyền vô lý trên biển Đông là nguyên nhân châm ngòi cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.
Tin thế giới đọc nhanh 22-02-2016
- Cập nhật : 22/02/2016
Indonesia bắt giữ 35 phần tử Hồi giáo cực đoan
Cảnh sát Indonesia ngày 20-2 cho biết đã bắt giữ hàng chục người nghi có liên quan đến Hồi giáo cực đoan trên đảo Java, hầu hết trong số này bị cáo buộc thực hiện các cuộc đào tạo theo phong cách quân sự trong một ngọn núi trong khu vực.
AFP cho biết cảnh sát bắt giữ khoảng 30 người trên núi Sumbing khi họ đã tham gia việc đào tạo trong khi 5 người khác bị bắt trong một cuộc bố ráp tại thành phố Malang.
Hiện vẫn chưa rõ những người này có liên quan đến vụ xả súng và tự sát mà IS lên tiếng nhận trách nhiệm tại Jakarta hồi tháng trước khiến 4 thường dân và 4 kẻ tấn công thiệt mạng hay không.
Một thành viên của đơn vị tinh nhuệ chống khủng bố Indonesia khẳng định đã có "một cuộc đột kích vào một buổi huấn luyện sử dụng vũ khí" trên núi Sumbing.
MetroTV dẫn lời phát ngôn viên cảnh sát Liliek Darmanto cho biết các vụ bắt giữ diễn ra sau khi người dân đia phương báo cáo nghe thấy tiếng súng.
Cảnh sát cũng đã tịch thu súng hơi, dao, sách tôn giáo và cờ tại một ngôi nhà dưới chân núi khi những người tham gia huấn luyện đang trên núi.
Cảnh sát trưởng địa phương Yudho Nugroho cho biết 5 phần tử Hồi giáo cực đoan đã bị bắt trong cuộc bố ráp riêng biệt tại Malang với sự hỗ trợ của đội chống khủng bố tinh nhuệ.
"Năm người đã bị bắt giữ sau khi theo dõi một thời gian" - ông Nugroho cho biết.
Vụ tấn công bằng súng tại Jakarta là vụ khủng bố tồi tệ nhất Indonesia trong vòng 7 năm qua, khiến cảnh sát khởi động một chiến dịch đàn áp khủng bố trên toàn quốc.
Các nhà chức trách Indonesia cho biết tuần trước cảnh sát đã bắt giữ 33 nghi can thuộc các nhóm Hồi giáo cực đoan có âm mưu tấn công các sân bay và các mục tiêu khác trong tương lai gần, phân nửa trong số này có liên quan đến vụ khủng bố Jakarta.
Mỹ mở rộng không kích Libya
Đầu ngày 19-2 các máy bay chiến đấu của Mỹ đã trút bom xuống thị trấn ven biển của Libya nhằm vào một trại huấn luyện của IS.
Không trái với những dự báo từ các chuyên gia dựa trên những chỉ dấu phát biểu đón đầu của giới ngoại giao và quân sự Mỹ về việc sẽ “ngăn chặn sự bành trướng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Libya”, đầu ngày 19-2 các máy bay chiến đấu của Mỹ đã trút bom xuống thị trấn ven biển của Libya nhằm vào một trại huấn luyện của IS.
Theo New York Times, các cuộc không kích nhằm vào trại huấn luyện có khoảng 60 thành phần IS ở thị trấn Sabratha, cách Tripoli 80km. Mục tiêu chính còn là tên Noureddine Chouchane, 35 tuổi, người Tunisia.
Tên này có liên quan tới việc lên kế hoạch hai vụ tấn công khủng bố nhằm vào du khách phương Tây tại Tunisia năm ngoái. Một vụ làm 22 người thiệt mạng tại Bảo tàng quốc gia Bardo và một vụ làm 38 người thiệt mạng ở khu nghỉ dưỡng Sousse.
Tên này cũng là người đã tổ chức đưa 1.500 phiến quân IS tới Iraq, Syria và kéo các tân binh IS vào Libya. Có thông tin khẳng định Noureddine Chouchane đã bị tiêu diệt trong đợt không kích.
Giới quan chức Mỹ ước tính với sự đổ dồn về của lực lượng chiến binh từ Iraq, Syria và Tunisia, lực lượng IS tại Libya đã lên tới 6.500 chiến binh, khiến chúng có thể thâu tóm được khu vực bờ biển dài 241km trong năm qua. IS cũng đã gia tăng các cuộc tấn công lên những cơ sở khai thác dầu mỏ vốn là nguồn thu chủ lực của Libya.
Trong nhiều tuần, giới chức Mỹ và đồng minh phương Tây đã suy tính rất kỹ lưỡng về chiến dịch không kích IS tại Libya, nhất là khu vực vây quanh thủ phủ của chúng ở Surt. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh cuộc không kích ngày 19-2 không phải là tín hiệu bắt đầu của một chiến dịch như vậy. Đó chỉ là sự tiếp tục những cuộc không kích nhằm ngăn IS sử dụng Libya làm bàn đạp mở các cuộc tấn công trong khu vực và vươn tới châu Âu.
Thế nhưng đặc phái viên LHQ về Libya Martin Kobler tuyên bố hiện không phải là thời điểm thích hợp để không kích IS tại Libya. Ông Kobler lo ngại các cuộc tấn công sẽ làm suy yếu những nỗ lực thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc đang được ráo riết tiến hành tại quốc gia Bắc Phi này.
Ông nhận định gia tăng sức ép quân sự quốc tế lên IS tại Syria và Iraq sẽ khiến chiến binh nước ngoài đến Libya ngày càng nhiều. Ông dẫn chứng 70-80% số tay súng IS tại Libya là người nước ngoài và 95% người dân Libya muốn có hòa bình bằng thỏa thuận chính trị.
Nga cử máy bay do thám tối tân nhất đến Syria
Phi cơ TU-214R đã tới căn cứ không quân Latakia của Syria mấy ngày trước, theo một quan chức Mỹ. Động thái này diễn ra khi Moscow đã thực hiện nhiều cuộc không kích ở Tây Bắc Syria, rải 100 quả bom mỗi ngày (theo ước tính của Mỹ).
Website Avationist chuyên theo dõi phi cơ quân sự toàn cầu là nơi đầu tiên báo cáo về kế hoạch gửi phi cơ tới Syria của Nga. Website này đánh giá máy bay Nga có thể sử dụng thiết bị dò tìm và rađa để theo dõi các mục tiêu bị ẩn giấu hoặc ngụy trang. Giới chức Mỹ từ chối thảo luận về năng lực kỹ thuật chi tiết của máy bay này nhưng đánh giá cao bộ dò tìm của nó rất hiện đại.
Theo giới chức Mỹ, loại phi cơ mới có nhiều đặc tính giúp Nga gia tăng khả năng theo dõi máy bay Mỹ. Cụ thể hơn, phi cơ này được Avationist mô tả là một phi cơ gián điệp cao cấp với thiết bị dò tìm quang học điện tử và hệ thống rađa tìm kiếm mọi loại thời tiết có thể tạo ra những bức ảnh tương tự hình chụp của những vùng rộng lớn trên mặt đất. Nó cũng có thể theo dõi tín hiệu điện tử và viễn thông của kẻ địch.
Hội đồng Bảo an LHQ bác dự thảo nghị quyết của Nga
Báo Le Monde (Pháp) đưa tin Nga (đồng minh của Syria) đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành họp khẩn để xem xét thông qua dự thảo nghị quyết của Nga. Dự thảo nghị quyết yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng nã pháo vào lực lượng dân quân người Kurd ở miền Bắc Syria và ngưng kế hoạch chuẩn bị đưa bộ binh sang Syria.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power lên án Moscow đang tìm cách đánh lạc hướng. Đại sứ Pháp François Delattre chỉ trích Nga leo thang nguy hiểm khi ủng hộ quân đội chính phủ Syria trong chiến dịch hành quân ở Aleppo. Phương Tây lên án Nga từ nhiều tuần nay đánh phá vào các vị trí quân nổi dậy Syria.
Trước đó, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Halit Cevik thông báo với báo chí Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đưa bộ binh vào Syria trong khuôn khổ hoạt động chung của liên minh do Mỹ đứng đầu hoặc căn cứ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ chứ Thổ Nhĩ Kỳ không đơn phương hành động. Dù vậy Đại sứ Yasar Halit Cevik lại khẳng định Ankara có quyền tự vệ.
Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khiến phương Tây lo ngại. Ngày 19-2, Tổng thống Pháp François Hollande đánh giá có nguy cơ leo thang chiến tranh (ủy nhiệm) giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Obama đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 19-2. Ông kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân người Kurd ở miền Bắc Syria hãy cùng kiềm chế.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục mở rộng phạm vi bắn pháo vào nhiều khu vực ở tỉnh Aleppo (Syria) thuộc quyền kiểm soát của lực lượng dân quân người Kurd ở Syria với lý do lực lượng dân quân người Kurd đứng sau vụ đánh bom kinh hoàng ở Ankara (ảnh) vào chiều tối 17-2 (28 người chết, 61 người bị thương).
Lực lượng dân quân người Kurd thuộc tổ chức Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG), là cánh vũ trang của đảng Liên minh dân chủ (PYD). Mỹ đang ủng hộ vũ khí cho lực lượng dân quân người Kurd chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã tuyên bố nghi ngờ lực lượng này dính líu đến vụ đánh bom ở Ankara hôm 17-2.
Tối 19-2, tổ chức Chim ưng tự do người Kurd (TAK - có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd) đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom ở Ankara. Mục đích đánh bom nhằm trả thù cho các dân thường bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giết hại trong các chiến dịch hành quân chống bạo loạn ở vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Quốc “tự hại mình”
“Với sự hung hăng ngày càng tăng trên biển Đông, Trung Quốc đã tự châm ngòi cho việc hình thành một liên minh các nước chống lại chính họ” - cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, ông Roilo Golez, nhận định hôm 20-2.
Theo ông Golez, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ… đều đang tăng tốc củng cố lực lượng ở biển Đông. “Bạn có thể thấy các cuộc diễn tập hải quân chung giữa Ấn Độ và Mỹ, Nhật Bản xem xét tuần tra biển Đông, còn Úc lên kế hoạch hiện đại hóa hải quân” - ông dẫn chứng.
Song song đó, theo ông Golez, thế giới đang theo dõi chặt chẽ vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông ra Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) với phán quyết dự kiến đưa ra trong năm nay. “Nếu chúng tôi thắng, đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ bị vô hiệu hóa” - ông nói.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Channel News Asia bên lề hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN tại Mỹ hôm 16-2, Tổng thống Barack Obama nhận định Trung Quốc đang dùng luật kẻ mạnh ở biển Đông, “trái ngược với sử dụng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế”.
Sự ngang ngược của Trung Quốc còn thể hiện khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi hôm 19-2 “tố” ngược Mỹ quân sự hóa biển Đông sau khi việc nước này triển khai tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) bị phanh phui, đồng thời yêu cầu Úc, New Zealand không xen vào vấn đề này vì “không liên quan trực tiếp”.
Đáng lo ngại không kém hệ thống tên lửa, những hình ảnh vệ tinh mới chụp hôm 17-2 của công ty tình báo Stratfor (Mỹ) chỉ ra mức độ quân sự hóa gia tăng trên đảo Phú Lâm. Ngoài một phần đất mới được bồi lấn ven biển, đường băng trên đảo cũng được nối dài và có thể phục vụ mục đích quân sự. Dọc đường băng có 16 nhà chứa máy bay dường như được thiết kế cho chiến đấu cơ J-11.
Tháng 11-2015, có tin Trung Quốc phái J-11 ra Phú Lâm. Không chỉ vậy, trên đảo có nhiều tòa nhà đã xây và đang xây - với hệ thống tường bảo vệ dọc theo - có vẻ dùng làm kho chứa thuốc nổ, đạn dược hoặc bảo trì chiến đấu cơ, tên lửa…