Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định mối quan hệ song phương Nga - Trung Quốc đang ở mức cao chưa từng thấy.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 22-02-2016
- Cập nhật : 22/02/2016
Philippines chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong tranh chấp với Trung Quốc
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa HQ-9 tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Startfor
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Tây (WesCom) của lực lượng vũ trang Philippines, Phó đô đốc Alexander Lopez, cho biết mức độ cảnh báo của quân đội Philippines chưa được nâng lên nhưng họ vẫn "đang liên tục theo dõi các diễn biến".
Quân đội Philippines đã "lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất trong các tình huống cụ thể và các binh sĩ thuộc WesCom được chuẩn bị cho các trường hợp như vậy", Inquirer dẫn lời ông Lopez, phát biểu tại Học viện Quân sự Philippines. WesCom có trụ sở tại thành phố Puerto Princesa ở Palawan, tây nam nước này.
Ông Lopez nhắc lại lo ngại của chính phủ trước việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và radar đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974.
"Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực", ông Lopez nói và nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã "quân sự hóa khu vực".
Phản ứng về việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối các hoạt động của Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng có công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành chính thức công hàm nói trên.
Hải quân Trung Quốc tiếp nhận thêm tàu hộ vệ ở Biển Đông
Theo Sohu, Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc hôm 20/2 chính thức tiếp nhận tàu hộ vệ Type 056A kiểu mới, có tên "Đồng Nhân" số hiệu 507.
Sohu nói rằng tàu hộ vệ "Đồng Nhân" sẽ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, cảnh giới ở Biển Đông. Tàu có tính năng tàng hình tốt, độ tích hợp thông tin hoá cao, có thể độc lập tác chiến hoặc phối hợp tác chiến trên biển với tàu ngầm và tàu nổi khác.
Tàu hộ vệ Đồng Nhân số hiệu 507 do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo. Tàu có chiều dài 88,9 m; rộng 11,14 m; lực giãn nước 1.300 tấn và sử dụng động cơ đẩy diesel, có tốc độ tối đa hơn 55 km/h. Tàu được trang bị một pháo phòng không tầm thấp FL-3000 với 8 quả tên lửa, một pháo 76 mm nòng đơn kiểu PJ26, hai pháo hạm điều khiển từ xa 30 mm, hai bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83 và hai cụm ống phóng ngư lôi hạng nhẹ.
Tính tới thời điểm hiện tại, Hạm đội Nam Hải có ba tàu hộ vệ Type 056A, gồm tàu Tú Thiên 504, Kinh Môn 506 và Đồng Nhân 507.
Trung Quốc tuyên bố việc tăng cường hoạt động chế tạo tàu cho Hạm đội Nam Hải là nhằm củng cố khả năng chiến đấu cho hải quân trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh ngang tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích, bất chấp sự phản đối quốc tế.
Nga điều thêm 5 chiến đấu cơ đến căn cứ gần Thổ Nhĩ Kỳ
Máy bay đã được chuyển đến một sân bay quân sự ở thủ đô Yerevan của Armenia và sẽ sớm đến phi trường Erebuni, nơi chúng được bàn giao cho đơn vị 102 đồn trú tại đây, RT trích dẫn thông báo của quân khu Đông Nam Nga.
"Các kỹ sư quân sự sẽ lắp ráp các tiêm kích thế thệ 4+ và trực thăng Mi-8MT, sau đó sẽ đưa chúng vào phục vụ", thông báo cho biết. "Phi công của đơn vị sẽ bắt đầu thực hành bay trên các chiếc Mig-29 mới vào giữa tháng ba".
4 trong số các máy bay vừa được điều là Mig-29 thông thường, còn một chiếc là phiên bản Mig-29 nâng cấp, được tăng trọng tải lên tới 4 tấn và có thêm một số cải tiến khác.
Sân bay Erebuni nằm ở phía nam Yerevan và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 20 km. Nga có 18 chiếc Mig-29 và 7 trực thăng Mi-24P đồn trú tại đây, chưa tính số máy bay được tăng cường kể trên. Biên giới giữa Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng cửa từ năm 1993 do trục trặc quan hệ lâu năm giữa hai bên.
Động thái triển khai máy bay được tiến hành một ngày sau khi Nga đưa ra dự thảo nghị quyết yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay lập tức pháo kích và các hành động quân sự chống lại Syria. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không chấp nhận đệ trình này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 19/2 cảnh báo có nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến Syria, đồng thời kêu gọi Moscow nên dừng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.Xem thêm: Quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - quả bom chực chờ bùng nổ ở Syria
Cách phản ứng của quan Trung Quốc khi bị điều tra tham nhũng
Theo Beijings News, thanh tra Trung Quốc thường xuất hiện bất ngờ tại các cuộc họp để bắt giữ những quan chức bị cáo buộc tham nhũng.
Yang Weize, cựu bí thư thành ủy Nam Kinh hồi đầu năm 2015 bị bắt giữ sau khi được thông báo ông cần phải tham dự một cuộc họp do tỉnh ủy Giang Tô tổ chức.
Beijing News cho biết, một số nguồn tin nói rằng Yang đã được mật báo trước rằng ông là mục tiêu điều tra. Yang đã ngồi trong văn phòng hút thuốc 15 phút, sau khi gọi điện cho các quan chức khác để xác nhận thông tin về cuộc họp.
Dù vậy, Yang vẫn tham dự cuộc họp, và khi nhìn thấy các nhà điều tra tham nhũng, ông ta cố gắng nhảy khỏi một cửa sổ của tòa nhà, có thể nhằm tự tử, nhưng bị người khác ngăn lại.
Yang Hongwei, phó bí thư của khu tự trị Sở Hùng thuộc tỉnh Vân Nam, có mặt tại một cuộc họp vào tháng 4/2011, khi ông ta phát hiện ra mình bị điều tra. Ông này ngất vì sợ hãi và được 4 cảnh sát khiêng đi.
Cơ quan điều tra tham nhũng năm 2014 điều liền lúc hai đội để bắt phó tỉnh trưởng của Giang Tây, Yao Mugen. Một đội bất ngờ ập vào khi Yao tham dự cuộc họp tại tỉnh Sơn Đông. Đội còn lại bắt vợ và các trợ lý của Yao ở Nam Xương, Giang Tây.
Chen Xuefeng, bí thư ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, là quan chức cấp cao đầu tiên bị điều tra tham nhũng trong năm nay. Các nhà điều tra bao vây Chen vào thời điểm ông ta đang đợi thang máy, sau khi vừa rời một cuộc họp.
Cựu bí thư tỉnh ủy Quảng Châu Wan Qingliang thì bị bắt ngay sau một cuộc họp và bị 11 cảnh sát áp giải trên đường bay về Bắc Kinh vào tháng 6/2014. Li Chuncheng, cựu phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, còn cố gắng ném SIM điện thoại di động vào bồn cầu sau khi biết tin ông bị điều tra vào năm 2012.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ngạc nhiên và sững sờ. Các thanh tra bắt Qiu He, cựu phó bí thư tỉnh ủy Vân Nam, khi ông này trở về khách sạn sau khi dự lễ bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tháng ba năm ngoái. Qiu có vẻ bình tĩnh và gật đầu với những người khác khi bị bắt giữ.
Chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2012 đến nay đã xử lý khoảng 282.000 cán bộ, trong đó có nhiều quan chức cấp cao, theo China Business Week.
Iraq tấn công thành trì của IS
Fallujah, tỉnh Anbar, là một trong hai thành phố ở Iraq vẫn đang bị Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát. Thành phố này hiện có khoảng hàng chục nghìn người sinh sống và từ 300 đến 400 phiến quân. IS tăng cường sự kiểm soát người dân bằng cách bắt người và hành quyết công khai, khiến những người có ý định chống đối nản chí.
"Các cuộc đụng độ vũ trang giữa những người con của các bộ lạc ở Fallujah và Daesh vẫn đang diễn ra", AFP dẫn lời một chuẩn tướng quân đội Iraq nói, nhắc đến IS bằng tên Arab.
Theo người này, giao tranh xảy ra ở al-Jolan, tây bắc Fallujah, và Nazal ở trung tâm. Quân đội cũng nã pháo vào các vị trí IS ở ngoại ô thành phố. Cả hai phe đều đã có thương vong.
Quân nhu của lực lượng bộ lạc "đang cạn dần và cần chính phủ giúp đỡ", Sheikh Majeed al-Juraisi, một thủ lĩnh bộ lạc, nói. Điều này làm dấy lên lo ngại IS có thể chiếm thế áp đảo và sẽ bắt rồi thảm sát họ.
Trong năm 2014 và 2015, IS hành quyết hàng chục thành viên bộ lạc Albu Nimr, lực lượng chống lại nhóm phiến quân khi chúng càn quét qua tỉnh Anbar.
IS mở hàng loạt đợt phản công, chiếm nhiều phần lãnh thổ Iraq vào tháng 6/2014. Lực lượng bản địa phần nào đã đẩy lùi nhóm phiến quân nhờ được Mỹ không kích hỗ trợ.