(Tin kinh te)
Triều Tiên bị cáo buộc tiến hành nhiều vụ ám sát, bắt cóc, đánh bom nhằm vào Hàn Quốc trong quá khứ và đang chuẩn bị một cuộc tấn công “khủng bố” mới.
Cảnh sát đặc nhiệm Hàn Quốc tuần tra ở sân bay quốc tế Incheon - Ảnh: Korea JoongAng Daily
Ngày 19.2, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lên tiếng quan ngại về nguy cơ “tấn công khủng bố” từ CHDCND Triều Tiên. Cùng ngày, Yonhap đưa tin chính quyền Seoul đang xem xét thiết lập thêm một đơn vị chống khủng bố cấp quốc gia để tăng cường khả năng ứng phó những cuộc tấn công tiềm tàng từ miền Bắc.
Trước đó, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) báo cáo với chính phủ rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho lực lượng điệp viên và đặc công chuẩn bị một kế hoạch tấn công mới, theo tờ Korea JoongAng Daily. NIS không nói rõ nguồn tin và Bình Nhưỡng cũng chưa có phản ứng nên không thể xác nhận độ chính xác của thông tin này.
Hiện tâm lý báo động đang bao trùm giới an ninh và tình báo Hàn Quốc vì trong quá khứ, đặc công Triều Tiên bị cho là đứng sau không ít vụ tấn công chấn động nhằm vào nước này.
Hai vụ ám sát tổng thống
Kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Triều Tiên bị cáo buộc tiến hành ít nhất 2 kế hoạch ám sát nhằm vào các tổng thống Hàn Quốc.
Lần thứ nhất xảy ra tháng 1.1968 khi 31 biệt động miền Bắc xâm nhập miền Nam, ngụy trang thành binh lính Hàn Quốc và tiến sát đến Nhà Xanh để tiến hành ám sát Tổng thống Park Chung-hee, thân phụ của đương kim Tổng thống Park Geun-hye. Khi chỉ còn cách Phủ Tổng thống khoảng 100 m, nhóm đặc công đụng độ dữ dội với lực lượng an ninh Hàn Quốc. Hậu quả là phía Hàn Quốc có 26 binh sĩ, cảnh sát và dân thường thiệt mạng, theo tờ The Korea Times.
Trong số 31 biệt kích miền Bắc, 29 người bị giết, 1 người tên Kim Shin-jo bị bắt sống và 1 người được cho là đã trốn về nước an toàn. Hiện ông Kim Shin-jo đã trở thành công dân Hàn Quốc và thường công khai chỉ trích chính quyền Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hình ảnh Kim Shin-jo bị trói lạnh lùng tuyên bố trước ống kính máy quay: “Tôi đến để cắt cổ Park Chung-hee” đã ám ảnh cả một thế hệ người miền Nam.
Để trả đũa, Tổng thống Park Chung-hee ra lệnh Cơ quan Tình báo trung ương (KCIA) lập Đơn vị 648 gồm 31 thành viên để ám sát Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành). Tuy nhiên, đơn vị này chưa thực hiện sứ mệnh thì đã bị giải tán vào tháng 8.1971.
Hơn 8 năm sau, vào ngày 26.10.1979, Tổng thống Park cuối cùng cũng bị ám sát, nhưng không phải do người miền Bắc ra tay mà ông gục ngã sau phát súng của chính Giám đốc KCIA Kim Jae-gyu.
Đến năm 1983, Triều Tiên tiếp tục bị tố đứng sau vụ đánh bom chấn động tại Myanmar nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan. Theo tờ The New York Times, nhân cơ hội ông Chun đến đặt hoa tại lăng mộ Liệt sĩ ở Rangoon, thủ đô lúc bấy giờ của Myanmar, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức ngày 9.10.1983, một nhóm người Triều Tiên đã đặt bom trên nóc khu lăng mộ. Tổng thống Chun may mắn thoát chết nhờ xe chở ông đến trễ, nhưng tổng cộng 21 người Hàn Quốc gồm nhiều thành viên nội các, sĩ quan an ninh và phóng viên đã thiệt mạng.
Tất cả 3 thủ phạm đều bị bắt và Kang Min-chul khai nhận mình là biệt động Triều Tiên nhận lệnh ám sát Tổng thống Chun. Nhờ đó, Kang thoát được án tử hình và bị giam tại Myanmar cho đến khi qua đời vì ung thư năm 2008, 2 người còn lại bị xử tử. Đến nay, Triều Tiên vẫn cực lực bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
Hiện trường vụ đánh bom ám sát Tổng thống Chun Doo-hwan ở Myanmar năm 1983 - Ảnh: Yangon.co.kr
Đánh bom, bắt cóc
Hơn 4 năm sau vụ ám sát hụt Tổng thống Chun, điệp viên Triều Tiên tiếp tục bị cáo buộc tiến hành vụ đánh bom chuyến bay Korea Air 858 từ thủ đô Baghdad của Iraq đến Seoul. Ngày 29.11.1987, trong lúc chiếc Boeing 707-3B5C đang trên đường đến Bangkok quá cảnh thì nổ tung trên không trung, khiến toàn bộ 115 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Theo kết quả điều tra từ phía Hàn Quốc, 2 đặc nhiệm Triều Tiên đã cài bom trên máy bay rồi tẩu thoát khi quá cảnh lần thứ nhất ở Abu Dhabi (UAE). Hai nghi phạm gồm một nam một nữ sau đó bị phát hiện đang lẩn trốn tại Bahrain. Trước khi bị bắt, cả hai tự sát bằng chất độc cyanide nhưng nghi phạm nữ tên Kim Hyon-hui sống sót. BBC dẫn lời bà này khai nhận lệnh gây ra vụ đánh bom từ các lãnh đạo cao cấp nhất của Bình Nhưỡng. Kim bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó được ân xá. Sau vụ này, Mỹ chính thức liệt Triều Tiên vào cái gọi là danh sách “nhà nước bảo trợ khủng bố” cho đến năm 2008. Cũng như các lần trước, Bình Nhưỡng gọi những lời cáo buộc nhằm vào mình là “sự bịa đặt hiểm độc”.
Một trong những lần hiếm hoi Triều Tiên xác nhận dính líu đến một vụ việc nhằm vào Hàn Quốc là vụ một máy bay cũng của Hãng Korea Air chở 51 người từ miền Nam bay đến Bình Nhưỡng ngày 11.12.1969. Theo tờ Dong A-Ilbo, điệp viên Triều Tiên Cho Chang-hui đã trà trộn vào các hành khách và khống chế ép máy bay chuyển hướng khi đang từ thành phố Gangneung, đông nam Hàn Quốc đến Seoul. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố chính phi công cho máy bay chuyển hướng vì bất mãn với các chính sách của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Sau đó, Triều Tiên đề xuất đàm phán và vào ngày 14.2.1970, nước này thả 39 hành khách, nhưng vẫn giữ máy bay và những người còn lại. Cho đến nay vẫn chưa rõ số phận của những người này.
Tờ The Telegraph dẫn số liệu năm 2013 của Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố có tổng cộng 3.835 người nước này bị Triều Tiên bắt cóc trong 6 thập niên từ sau chiến tranh. Trong đó, có 3.319 người đã được thả hoặc tự trốn thoát.
Những mục tiêu mới
Theo tờ Korea JoongAng Daily, giới chức an ninh và tình báo Hàn Quốc cho rằng kế hoạch mới của Triều Tiên sẽ nhằm vào các cơ sở như sân bay, trung tâm mua sắm, tàu điện ngầm… cũng như tiến hành ám sát và bắt cóc những nhân vật quan trọng. NIS còn tung tin Bình Nhưỡng đã lập danh sách mục tiêu tấn công, trong đó có Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Kim Kwan-jin cùng người đứng đầu các bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Thống nhất.
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (NPA) hiện đã tăng cường biện pháp an ninh để bảo vệ không chỉ những quan chức này mà còn cả những nhân vật đào tẩu quan trọng của Triều Tiên. Trong đó, cựu quan chức ngoại giao của miền Bắc Ko Young-hwan, hiện là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia thuộc NIS, được bảo vệ cẩn mật nhất vì theo giới tình báo Hàn Quốc, ông này là mục tiêu ám sát hàng đầu.
Ông Ko làm việc trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên từ năm 1978 đến năm 1991 và đào tẩu khi giữ chức bí thư thứ nhất thuộc Đại sứ quán Triều Tiên ở CH Congo. “Tôi được cảnh sát báo rằng họ nhận thông tin về một mối đe dọa đặc biệt. Bình thường tôi đã được 2 người bảo vệ, nhưng giờ đây có tới 8 người”, Yonhap dẫn lời ông Ko cho hay.
Một nhân vật đào tẩu khác được tăng cường bảo vệ là ông Park Sang-hak, hiện đang dẫn đầu chiến dịch rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng.
Triều Tiên tập trận bắn đạn thật sát Hàn Quốc
Ngày 20.2, quân đội Hàn Quốc xác nhận CHDCND Triều Tiên tập trận bắn đạn thật vào sáng cùng ngày sau khi người dân địa phương nghe tiếng pháo gần đảo tiền tiêu Baengnyeong của miền Nam.
Yonhap dẫn lời giới chức Seoul nói rõ phía miền Bắc bắn pháo nhiều lần vào lúc 7 giờ 20 phút (giờ địa phương) ở bờ biển phía tây bán đảo Triều Tiên và không có quả nào bay qua giới tuyến biển liên Triều. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn kêu gọi người dân cảnh giác để có thể sơ tán nhanh chóng và các tàu cá đánh bắt gần đó trở về cảng.
Hồi tháng 11.2010 đã xảy vụ đọ pháo giữa hai miền Triều Tiên, trong đó đạn pháo miền Bắc rơi xuống đảo tiền tiêu Yeonpyeong của miền Nam, khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng.
Văn Khoa
Theo Thanh Niên