Xả súng điên cuồng gây nhiều thương vong tại Áo
Ngoại trưởng Mỹ thăm Myanmar nhằm thúc đẩy dân chủ
Mỹ khẳng định quan hệ đồng minh với Nhật Bản
Núi lửa Indonesia phun trào, 9 người thương vong
Thổ Nhĩ Kỳ có Thủ tướng mới
Tin thế giới đọc nhanh trưa 21-05-2016
- Cập nhật : 21/05/2016
Tác động của Brexit với quốc phòng và ngoại giao Anh
Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) số ra mới đây, cho đến nay cuộc tranh luận về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là "Brexit" - phần lớn chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế và nhập cư, nhưng người ta không thể phớt lờ những tác động về chính sách đối ngoại và an ninh.
Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Anh đã kiên trì tìm kiếm một vai trò toàn cầu trong chính sách đối ngoại. Phe vận động rời EU cho rằng Brexit không làm nhụt đi khát vọng này. Họ tin rằng vị thế cường quốc quân sự và ngoại giao của Anh thể hiện ở tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong mối quan hệ khăng khít của Anh với Mỹ và trong các mối liên kết của Anh với một thế giới nói tiếng Anh rộng lớn hơn. Theo quan điểm của họ, EU ghìm lại những điều này, chưa kể còn cố gắng "sao chép" các hoạt động của NATO.
Tuy nhiên, quan điểm của phe vận động rời EU cho rằng liên minh này là lực cản đối với chính sách đối ngoại của Anh là sai lầm cơ bản. Dù là thành viên EU, Anh vẫn giữ chủ quyền ngoại giao đáng kể. Mối quan hệ tình báo và quốc phòng của Anh với Mỹ chưa bao giờ bị tổn thương. Anh đã toàn quyền ủng hộ cuộc xâm lăng Iraq do Mỹ đứng đầu năm 2003 bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Pháp và Đức. Hai nước này từng đôi lúc đưa ra ý tưởng thành lập quân đội EU và Anh là nước đã ngăn cản thành công việc hiện thực hóa ý tưởng này.
Khi hành động tập thể, EU sử dụng kinh tế và quyền lực mềm để đáp ứng các mục tiêu đối ngoại mà Anh chia sẻ và nằm ngoài vấn đề quân sự của NATO. Vai trò của châu Âu trong hợp tác tình báo có ý nghĩa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Anh. Phe vận động rời EU biện luận rằng tư cách thành viên của Anh trong nhóm "Năm Con mắt" (Five Eyes) - gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand - còn quan trọng hơn vị trí của nước này trong EU. Nhưng tất cả các nước này lại đều muốn Anh ở lại bởi vì điều đó giúp củng cố quan hệ hợp tác tình báo ở khắp phương Tây.
Thủ tướng Anh David Cameron tuần trước có thể đã hơi phóng đại khi nói rằng Brexit có thể gây nguy cơ cho hòa bình và ổn định của châu Âu. Tuy nhiên, sau những tổn thất khủng khiếp của hai cuộc chiến tranh thế giới, không thể làm ngơ vai trò của EU trong việc hòa giải những cựu thù trong châu lục. Sự mở rộng của EU tới các nước Đông Âu mà Anh đi đầu trong việc ủng hộ đã củng cố hành trình của những nước này chuyển từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tư bản. Nước Anh có thể thấy rõ mối quan hệ ấm áp hiện nay với Ireland sau một giai đoạn lịch sử dài chia rẽ có được là nhờ thực tế cả hai nước đều là thành viên EU.
Brexit sẽ không chỉ có nghĩa là nước Anh quay lưng lại với di sản rộng lớn này. Sự ra đi của nền kinh tế lớn thứ hai của khối sẽ là một "cú đấm chí tử" mà có thể làm lung lay toàn bộ cấu trúc EU. Thật khó có thể hiểu được điều này có ý nghĩa như thế nào với các lợi ích của Anh.
Châu Âu ngày nay đang phải đương đầu với sự nổi lên của Trung Quốc, sự tái trỗi dậy của Nga và cuộc xung đột đang gia tăng ở Trung Đông. Mỹ đang hướng sự chú ý sang châu Á và chờ đợi châu Âu gánh vác thêm các bổn phận đối với an ninh khu vực. Nước Anh muốn một châu Âu vững mạnh trong phòng vệ chứ không phải một lục địa hỗn loạn. Brexit sẽ làm tổn hại châu Âu và điều này thì chẳng tốt đẹp gì cho nước Anh.
Trung Quốc tố ngược Philippines về Biển Đông
Ngày 20/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố Philippines vi phạm luật pháp quốc tế vì kiện Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông.
Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) cho biết: "Chính phủ Trung Quốc luôn khẳng định lập trường giải quyết các vấn đề liên quan tới Biển Đông thông qua đàm phán với Philippines. Đây là điều mà Trung Quốc và Philippines đã đồng thuận và xác nhận trong nhiều dịp khác nhau. Điều này cũng được nêu trong Tuyên bố chung về Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông".
Song, "Philippines đã đơn phương nộp đơn kiện lên tòa trọng tài quốc tế từ tháng Một năm 2013 mà không tham vấn hay bàn luận gì với Trung Quốc về các vấn đề liên quan, bỏ mặc các phương án đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp" - bà Oánh nói tiếp.
Philippines kiện Trung Quốc lên tòa Trọng tài Quốc tế của Liên Hợp Quốc về tuyên bố chủ quyền với "Đường lưỡi bò" trên Biển Đông, chuẩn bị nhận phán quyết trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới.
Về phía Philippines, Tổng thống Philippines Bengino Aquino - người chuẩn bị về hưu vào tháng tới - luôn bác bỏ việc đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo ông, đây là vấn đề mà các nước trong khu vực và trên thế giới đều cần quan tâm và giải quyết vì Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng. Hơn nữa, việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp, cải tạo các đảo đá nhân tạo và xây đường băng quân sự, đưa máy bay quân sự ra khu vực này ... có thể đe dọa an ninh trong khu vực.
Song, tân Tổng thống chuẩn bị nhậm chức Rodrido Duterte lại có quan điểm không chắc chắn về vấn đề Biển Đông. Ban đầu ông tỏ ra cứng rắn về vấn đề này khi khẳng định sẽ đi xuống máy ra cắm cờ Philippines trên bãi cạn Scarborough. Sau đó, ông Duterte lại bỏ ngỏ khả năng sẽ kết thân với Trung Quốc.
Nga chỉ trích kế hoạch của NATO kết nạp Montenegro
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng việc kết nạp Montenegro làm thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa tại châu Âu.
Phát biểu với báo giới ngày 20/5, ông Peskov nhấn mạnh theo quan điểm của Nga, việc NATO tiếp tục "bành trướng" là "tiến trình tiêu cực". Tiến trình này sẽ không đem lại lợi ích gì dưới góc độ an ninh châu Âu, ngược lại sẽ càng làm gia tăng căng thẳng hơn nữa tại châu lục này.
Trước đó, ngày 19/5, các Ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên NATO và Thủ tướng CH Montenegro Milo Dukanovic đã ký nghị định thư kết nạp quốc gia Balkan này vào liên minh quân sự. Đây là bước đệm để Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của NATO. Theo các nguồn tin ngoại giao, 28 nước thành viên NATO cần 18 tháng để phê chuẩn thỏa thuận gia nhập NATO của Montenegro.
Nga thành lập ‘siêu quân đội’ chống IS
Theo Express, Lực lượng Bảo vệ quốc gia - được Quốc hội Nga chấp thuận thành lập ngày 19-5 sẽ được đặt dưới quyền chỉ huy của Tổng thống Putin. Theo đó, lực lượng này có nhiệm vụ thực hiện các chiến dịch chống khủng bố chủ chốt trên toàn cầu, có nhiều quyền hạn rộng lớn, trong đó có quyền bắn thẳng vào đám đông và bắt giữ nghi phạm vô hạn định để thẩm vấn.
Đội quân mới cũng sẽ tiến hành các hoạt động quân sự trên khắp thế giới, bắt giữ các nghi phạm khủng bố nếu cần thiết để khai thác thông tin tình báo, trước khi trao chúng cho cảnh sát.
Đề xuất thành lập "siêu quân đội" đã được Hạ viện Nga phê chuẩn với tỉ lệ 345 phiếu thuận và 14 phiếu chống.
Viktor Zolotov, vệ sĩ một thời của Putin, sẽ là người đứng đầu lực lượng này. Và ông Viktor sẽ báo cáo trực tiếp cho tổng thống Nga.
Điểm nổi bật trong số các quyền hạn mới được trao cho Lực lượng Bảo vệ quốc gia là quyền bắn vào đám đông trong các cuộc tấn công khủng bố hoặc bắt cóc con tin. Đây là một biện pháp mà cảnh sát Nga đến nay vẫn bị cấm để tránh nguy cơ gây thương vong cho người vô tội.
Các sĩ quan bảo vệ quốc gia cũng sẽ được triển khai thực hiện các sứ mệnh chiến đấu ở nước ngoài, trong đó có các chiến dịch chống IS ở Trung Đông và tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình
Mỹ tố Trung Quốc vi phạm thỏa thuận tránh đối đầu trên không
Reuters ghi nhận sự cố xảy ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật.
Ngày 19-5, báo New Straits Times đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Reezal Merican thông báo máy bay trinh sát Mỹ không bay trong không phận Malaysia, do đó Malaysia không cần phản ứng. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trên cơ sở tự do hàng hải và hàng không”.
Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc thông báo trong lúc máy bay trinh sát của hải quân Mỹ bay trong không phận quốc tế để tuần tra thường kỳ ở biển Đông, hai máy bay tiêm kích Trung Quốc đã bay cách máy bay Mỹ khoảng 50 feet (15,24 m). Lầu Năm Góc đánh giá hành động này là nguy hiểm. AP dẫn nguồn tin quân sự Mỹ (giấu tên) cho biết do hai máy bay J-11 của Trung Quốc bay quá sát, máy bay U.S. EP-3E Aries của Mỹ phải hạ độ cao để tránh va chạm. Sự cố xảy ra ngày 17-5 ở phía bắc biển Đông thuộc hướng nam đặc khu Hong Kong.
CNN dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết Mỹ sẽ thảo luận sự cố máy bay Trung Quốc áp sát máy bay Mỹ qua con đường ngoại giao và quân sự thích hợp. Trả lời CNN, nghị sĩ Chris Murphy thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện nhận định đây là một phần trong xu hướng bành trướng quân sự trên biển của Trung Quốc. Reuters ghi nhận sự cố xảy ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật.
Năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí lập đường dây nóng quân sự và đã đạt được thỏa thuận về Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Do đó, chuyên gia Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington nhận xét: “Đây rõ ràng là kiểu ngăn chặn vô trách nhiệm và nguy hiểm nêu trong phụ lục đối đầu trên không trong CUES cần phải được ngăn chặn”.
Ông ghi nhận đây có thể là dấu hiệu bày tỏ thái độ phản đối của Trung Quốc với hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông. Ông nhận định:“Quả thật rất thất vọng khi Trung Quốc hy sinh phụ lục CUES vì lợi ích chính trị”. Trả lời hãng tin Bloomberg, chuyên gia Ashley Townshend thuộc Trung tâm Châu Á-Thái Bình Dương (ĐH Phục Đán ở Thượng Hải), nhận định: “Nếu điều này lại xảy ra tuần tới rồi tuần tới nữa, đây là dấu hiệu cho giai đoạn hung hăng về chiến thuật trong âm mưu buộc Mỹ lùi bước của Trung Quốc”.
Trong khi đó, báo South China Morning Post ngày 19-5 dẫn tuần san quốc phòng IHS Jane’s (Anh) cho biết Trung Quốc đã lập dự án “Vạn lý trường thành dưới biển” nhằm phát hiện tàu ngầm Mỹ và Nga, đồng thời tăng cường kiểm soát biển Đông.
Năm ngoái, tại một cuộc triển lãm ở Trung Quốc, một gian hàng của Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã giới thiệu dự án này. Dự án bao gồm xây dựng một mạng lưới tàu và thiết bị cảm ứng thả chìm dưới nước.IHS Jane’slưu ý nếu doanh nghiệp thực hiện được dự án này, hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ mua.
Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc còn đề nghị một phiên bản cải tiến của Trung Quốc tương tự hệ thống giám sát âm thanh của Mỹ. Thời chiến tranh lạnh, hệ thống này đã giúp Mỹ chiếm ưu thế đáng kể trong công tác đối phó với tàu ngầm Liên Xô.
Quân đội Trung Quốc có hơn 80 tàu ngầm và là hạm đội tàu ngầm lớn thứ nhì thế giới. Trong số này có 16 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 15 tàu ngầm trang bị công nghệ cho phép hoạt động dưới biển lâu hơn, động cơ hoạt động tĩnh lặng hơn nhằm cải thiện khả năng tàng hình