Mỹ loại trừ khả năng “bắt tay” với Nga không kích ở Syria
Triều Tiên bất ngờ đề nghị họp với Hàn Quốc, bàn chuyện đàm phán quân sự
Phản đối lối hành xử đơn phương gây căng thẳng tại Biển Đông
Lực lượng Taliban tấn công quân đội Mỹ
Vừa mãn nhiệm, cựu lãnh đạo Đài Loan đối mặt 24 cáo buộc
Tin thế giới đọc nhanh trưa 20-05-2016
- Cập nhật : 20/05/2016
Hồng Kông bắt 5 sinh viên chặn xe lãnh đạo Trung Quốc
Cảnh sát Hồng Kông hôm 19-5 cho biết đã bắt giữ 5 người biểu tình vì cố chặn đoàn xe hộ tống của ông Trương Đức Giang, chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đang ở thăm đặc khu.
Nhóm người nói trên là thành viên Demosisto, đảng chính do các thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông lập ra gần đây. Những người bị bắt bao gồm thủ lĩnh của đảng là Joshua Wong (Hoàng Chi Phong).
5 nhà hoạt động sinh viên này bị cáo buộc chạy vào đường cao tốc nơi đoàn xe hộ tống của ông Trương sắp đi qua. Họ mang theo cả biểu ngữ ghi dòng chữ "Tự Quyết".
Các đoạn video và hình ảnh do Demosisto đăng tải cho thấy Hoàng Chi Phong và 4 thành viên còn lại bị cảnh sát giao thông truy đuổi, sau đó bị bắt giữ.
Ông Trương trở về Trung Quốc hôm 19-5. Ông là lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Hồng Kông từ khi nổ ra cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2014. Mục đích chính chuyến thăm là tham dự hội nghị kinh tế "Một vành đai, một con đường" tổ chức ngày 18-5.
Chuyến thăm lần này của ông Trương bị các nhà hoạt động Hồng Kông phản đối bởi họ cáo buộc Bắc Kinh đang can thiệp vào công việc nội bộ của hòn đảo.
Trong một phát biểu trước khi về nước, ông Trương cảnh báo các cuộc đàm phán đòi quyền tự quyết và Hồng Kông độc lập sẽ không thành công. "Hồng Kông sẽ mục nát nếu từ bỏ quy tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ" – ông Trương nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm vùng lãnh thổ này sẽ bị ảnh hưởng nếu trở nên "hỗn loạn".
Không chỉ tầng lớp thanh thiếu niên và sinh viên Hồng Kông phản đối sự can thiệp của Trung Quốc, các nhóm bản địa cũng lo ngại bản sắc của thành phố đang bị "pha loãng bởi ảnh hưởng xã hội và chính trị từ đại lục".
Hồng Kông trước đây là thuộc địa của Anh, sau trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Đi kèm thỏa thuận này là điều kiện Hồng Kông phải được hưởng quyền tự trị ở "mức độ cao", bao gồm quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận.
Bắc Kinh đã hứa trao cho Hồng Kông quyền bầu cử trực tiếp vào năm 2017 nhưng với điều kiện đặc khu trưởng phải được bầu chọn từ danh sách 2-3 ứng cử viên do một ủy ban thân Bắc Kinh đề xuất. Chính quyết định này làm bùng phát cuộc "Cách mạng Dù" và phong trào "Chiếm Trung Hoàn" vào năm 2014.
Cảnh sát Nga nổ súng tiêu diệt kẻ cướp ngân hàng giữ 6 con tin
Cảnh sát đặc nhiệm Nga nổ súng tiêu diệt nghi phạm cướp ngân hàng đe dọa kích nổ bom tự chế. Ảnh: RT
Vụ nổ súng xảy ra tại ngân hàng Moscow, tên cướp bị tiêu diệt, toàn bộ 6 con tin và cảnh sát đều không bị thương, theo RT.
Cảnh sát Nga cho biết khi họ tiến vào ngân hàng, nghi phạm đã cố gắng kích nổ thiết bị đánh bom tự chế. Trước đó, nghi phạm tuyên bố có bom khi đàm phán với cảnh sát. Thiết bị này gồm một chiếc hộp với phần dây thò ra ngoài.
Toàn bộ nhân viên trong tòa nhà 5 tầng của ngân hàng Moscow đã phải sơ tán, thiết bị nổ sau đó được cảnh sát xác định là đồ giả. Nhân chứng hiện trường cho biết, nghi phạm bước vào ngân hàng lúc 20h40 ngày 18/4 với một vật giống như súng ngắn, yêu cầu thủ quỹ lấy toàn bộ tiền trong kho ngân hàng.
Một con tin cho biết nghi phạm khoảng 20 tuổi, ít nói. Nghi phạm cho phép các con tin tự nguyện rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn nổ súng tiêu diệt vì người này tuyên bố sẽ kích nổ bom tự chế mang theo người.
Công ty Trung Quốc đề xuất lập 'Vạn Lý Trường Thành' ngầm ở Biển Đông
Theo trang tin IHS Jane’s Defence Weekly, Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc, một trong hai tập đoàn đóng tàu lớn nhất nước này do nhà nước quản lý, hé lộ chi tiết về "Dự án Vạn lý Trường Thành dưới biển" tại gian hàng của công ty ở một triển lãm Trung Quốc cuối năm ngoái. Bản mô tả về công nghệ đề xuất được một quan chức chính phủ cung cấp cho trang tin.
"Vạn lý Trường thành dưới nước" là việc lập mạng lưới cảm biến tàu dưới bề mặt, có thể làm suy giảm đáng kể lợi thế tác chiến dưới biển của tàu ngầm Nga, Mỹ, đóng góp cho năng lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông trong tương lai, trang tin viết.
Nếu hệ thống được tập đoàn thiết lập, nó có thể được hải quân Trung Quốc mua. Tập đoàn đang đề xuất về việc chế tạo phiên bản cải tiến của Trung Quốc của Hệ thống Trinh sát Thủy âm từng đem lại lợi thế đáng kể cho Mỹ khi chống tàu ngầm Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Biển Đông. Mỹ đang tiến hành nhiều cuộc tuần tra tự do hàng hải gần các đá Trung Quốc xây trái phép thành đảo nhân tạo, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hải quân Trung Quốc có hơn 80 tàu ngầm, trong đó có 16 tàu ngầm hạt nhân, và 15 tàu được trang bị công nghệ giúp chúng ở dưới nước lâu hơn, động cơ hoạt động yên tĩnh hơn, tăng cường năng lực tàng hình. Các bài báo trước đó cho rằng Trung Quốc đang tìm cách cải thiện năng lực tác chiến chống ngầm để thu hẹp khoảng cách với Mỹ.
Venezuela: Ăn cả chó, mèo, bồ câu vì thiếu thực phẩm
Tình trạng khan hiếm thực phẩm ở Venezuela ngày càng nghiêm trọng. Các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu khan hiếm cùng cực. Thuốc men, các sản phẩm vệ sinh cũng trong tình trạng tương tự.
“Vì không có thức ăn, người dân Venezuela giờ phải tìm bắt chó, mèo, bồ câu trên đường phố để ăn” - báo USA Today (Mỹ) ngày 18-5 dẫn chia sẻ mới đây của ông Ramon Muchacho, thị trưởng khu tự quản Chacao thuộc thủ đô Caracas.
Dù có trữ lượng dầu thuộc hàng đầu thế giới nhưng sản lượng nông nghiệp nước này lại tỉ lệ ngược, vì khi phát hiện trữ lượng dầu mỏ lớn phần lớn người dân đã bỏ bê sản xuất nông nghiệp. Việc giá dầu giảm không phanh gần đây đã khiến kinh tế Venezuela lâm vào khủng hoảng, tỉ lệ lạm phát nước này đang ở mức cao nhất thế giới – 700%.
Trong khi đó 70% nhu cầu thực phẩm, hàng tiêu dùng ở Venezuela phụ thuộc vào nhập khẩu. Kinh tế sa sút đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nhập khẩu thực phẩm, thuốc men cũng như các mặt hàng thiết yếu khác.
Chưa hết, đợt hạn hán vừa qua đã khiến dân Venezuela chìm thêm vào thống khổ vì vừa phải chịu cảnh không có điện lại không có nước.
Rất nhiều bệnh viện phải ngưng hoạt động vì không có điện. Công chức chỉ còn làm việc 2 ngày/tuần để tiết kiệm điện.
Tình trạng thiếu ăn, thiếu thuốc men, thiếu điện, thiếu nước… đã gây bất ổn xã hội lớn, cướp bóc bạo lực lan tràn, người dân ngày càng oán thán Tổng thống Nicolas Maduro.
Tình hình bạo lực tại Venezuela ngày càng phức tạp. Ngày 18-5, cảnh sát thủ đô Caracas phải dùng hơi cay giải tán hàng ngàn người biểu tình kêu gọi trưng cầu dân ý bãi chức tổng thống của ông Nicolas Maduro.
Người dân Venezuela biểu tình tại thủ đô Caracas yêu cầu trưng cầu dân ý bãi chức Tổng thống Nicolas Maduro ngày 18-5. (Ảnh: REUTERS)
Chuyên gia về Mỹ Latin David Smilde (Mỹ) dự đoán tình trạng khan hiếm thực phẩm, thuốc men, hàng tiêu dùng ở Venezuela sẽ còn xấu đi trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc bạo loạn và biểu tình phản đối chính phủ sẽ còn gia tăng.
Theo ông, những ngày tới áp lực đối với ông Maduro sẽ thêm phần nặng nề vì phản ứng người dân sẽ rất mạnh. Do dân Venezuela chưa từng có tiền lệ phải chịu đói, hơn nữa họ cũng không coi trọng ông Maduro như cố Tổng thống Hugo Chavez.
Siêu khuẩn kháng thuốc có thể giết 10 triệu người mỗi năm
Sự xuất hiện ngày một nhiều của các siêu khuẩn kháng thuốc có thể khiến các tổn thương, viêm nhiễm nhỏ cũng có thể là nguyên nhân chết người.
Báo cáo của chính phủ Anh cảnh báo siêu khuẩn kháng thuốc có thể giết 10 triệu người mỗi năm và gây thiệt hại 100.000 tỉ USD trước 2050 nếu không được kiểm soát.
Báo cáo do nhà kinh tế Jim O'Neill dẫn đầu nhấn mạnh vấn nạn kháng thuốc sẽ không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân, bác sĩ mà cả ngành y tế và chính phủ.
“Chúng ta cần coi nó như một mối nguy an ninh và kinh tế và nên nằm ưu tiên trong suy nghĩ của các lãnh đạo quốc gia” - AFP dẫn lời ông O’Neill nói.
Sự xuất hiện ngày một nhiều của các siêu khuẩn kháng thuốc có thể khiến các tổn thương, viêm nhiễm nhỏ trở nên chết người.
“Nếu không hành động, chúng ta sẽ tiến đến một thế giới nơi mà không có thuốc kháng sinh nào có thể điều trị cho con người” - ông O’Neill cảnh báo. Ứớc tính nạn kháng thuốc nếu không được kiểm soát có thể giết 10 triệu người mỗi năm và gây thiệt hại 100.000 tỉ USD trước 2050.
Báo cáo được thực hiện trong 18 tháng, kêu gọi việc giảm sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh như cắt giảm mạnh thuốc cấp cho các trại gia súc, ngăn việc kê đơn không cần thiết và tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu.
Nhưng điểm mấu chốt khác là phải thúc đẩy các nhà nghiên cứu phát triển những loại kháng sinh mới bằng một nguồn quỹ toàn cầu dành cho nghiên cứu và khen thưởng cho những người phát triển thành công thuốc mới.
“Kho vũ khí để chống siêu khuẩn của chúng ta đang cạn kiệt và cần được bổ sung” – ông O’Neill nói.
Báo cáo đề xuất một kế hoạch hành động trị giá 40 tỉ USD trong 10 năm tới. Ông O’Neill cho rằng con số này thấp hơn nhiều so với hậu quả của việc không làm gì.
Ông kêu gọi các công ty dược đóng góp khoảng 25 tỉ USD và phần còn lại có thể lấy từ ngân sách y tế của các nước hoặc đánh thuế những công ty dược phẩm không đầu tư vào nghiên cứu kháng sinh.