Algeria tiêu diệt và bắt giữ 38 phần tử khủng bố
Tư lệnh Mỹ ở Trung Đông bí mật đến Syria
Châu Á- TBD theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững
IS kêu gọi tấn công phương Tây trong tháng Ramadan
Ông Obama trách Nga thiếu quan tâm trong vấn đề giải trừ hạt nhân
Tin thế giới đọc nhanh chiều 21-05-2016
- Cập nhật : 21/05/2016
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc: Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh với Mỹ
Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh với Mỹ, Mỹ không nên khiêu khích Trung Quốc ở biển Đông nếu không muốn bị trả đũa. Đây là lời đe dọa của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân với báo chí ngày 19-5, theo kênhCNBC (Mỹ).
“Người Trung Quốc không muốn chiến tranh, vì thế chúng tôi không muốn Mỹ gây ra bất kỳ xung đột nào. Tuy nhiên trong trường hợp có một cuộc chiến tranh thì Trung Quốc sẽ chiến đấu tự vệ” - ông Lưu Chấn Dân đe dọa.
Ông Lưu Chấn Dân cảnh cáo Mỹ tốt hơn nên chọn cách hợp tác với Trung Quốc, vì nếu hai bên chiến tranh thì hai bên chỉ có thiệt, không những thế kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở phần lớn biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ cũng như nhiều nước và nhiều chuyên gia luôn khẳng định tuyên bố này không có nền tảng pháp lý, cụ thể không phù hợp Công ước LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc là thành viên.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông ngày càng gia tăng. Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, trong khi đó Trung Quốc chỉ trích các cuộc tuần tra của Mỹ làm mất ổn định biển Đông.
Máy bay trinh thám US EP-3 Aries của Mỹ bị hai máy bay chiến đấu Trung Quốc quấy rối trên biển Đông ngày 17-5. Ảnh: EPA
Ngày 18-5, Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo hai máy bay Trung Quốc quấy rối một máy bay trinh thám US EP-3 Aries của Mỹ đang tuần tra thường kỳ trên biển Đông. Một tuần trước, Trung Quốc triển khai hai tàu chiến và hai máy bay truy đuổi một tàu khu trục tên lửa của Mỹ tuần tra gần đá Chữ thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Trong tình hình căng thẳng này, nhiều chuyên gia lo ngại có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra chạm trán, xung đột giữa tàu và máy bay Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông.
Năm 2001 xảy ra một vụ va chạm nghiêm trọng giữa một máy bay chiến đấu Trung Quốc va chạm với một máy bay trinh thám Mỹ trên biển Đông dẫn tới viên phi công máy bay Trung Quốc thiệt mạng. Máy bay của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ Trung Quốc và 24 thành viên phi hành đoàn chỉ được thả sau khi Mỹ xin lỗi về sự cố.
Theo nhiều nhà quan sát Trung Quốc, thời điểm này nếu lại xảy ra một vụ va chạm giữa máy bay hai nước tương tự vụ năm 2001 thì hậu quả sẽ khủng khiếp hơn nhiều.
2016 có thể sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử
2016 có thể sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ cao của hai năm trước đó là 2014 và 2015.
Một cánh đồng khô kiệt ở Chandampet Mandal, Nalgonda thuộc bang Telangana, miền nam Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Dự báo này của các nhà khoa học Mỹ được đưa ra ngày 19/5 sau khi Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán rằng tháng 4/2016 trở thành tháng 4 nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 12 liên tiếp lập kỷ lục về nền nhiệt độ cao do hiệu ứng cộng hưởng của hiện tượng Trái Đất ấm lên và hiện tượng khí hậu cực đoan El Nino.
Theo NOAA, 4 tháng đầu của năm nay đã trở thành những tháng nóng nhất kể từ khi kỷ lục này được lập ra hồi năm 1880. Ông Jake Crouch, một chuyên gia nghiên cứu về khí hậu của NOAA, cho biết mặc dù Trái Đất sắp bước vào thời kỳ khí hậu mát mẻ do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina, nhưng không vì thế mà năm 2016 được dự đoán có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của năm ngoái và có thể sẽ lập một kỷ lục mới về nhiệt độ nóng trên toàn cầu.
Năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử, đánh bật kỷ lục trước đó của năm 2014. Tuy nhiên, những tháng đầu năm của năm 2016 đang cho thấy những con số thống kê "chưa từng có", nóng hơn 0,5 độ C so với nhiệt độ trung bình cùng kỳ của năm 2015. Mặc dù El Nino đang dần giảm cường độ và hiện tượng La Nina gây nhiệt độ lạnh bất thường dự kiến sẽ đổ bộ vào cuối năm nay, nhưng NOAA cảnh báo 2016 sẽ tiếp tục lập một kỷ lục mới để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel đột ngột từ chức
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon hôm 19-5 bất ngờ tuyên bố từ chức với lý do ông không tin tưởng vào Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Tờ Independent (Anh) cho biết nguyên nhân thực sự khiến ông Yaalon hành động như trên có thể xuất phát từ việc Thủ tướng Netanyahu dự định thay thế ông bằng một người khác. Đây là dự định nằm trong kế hoạch mở rộng chính phủ liên minh của nhà lãnh đạo Israel.
Các nguồn tin chính trị tiết lộ Thủ tướng Netanyahu đã đề nghị chính trị gia Avigdor Lieberman theo đường lối dân tộc cực đoan làm Bộ trưởng Quốc phòng thay cho ông Yaalon.
Ông Lieberman, 57 tuổi, được xem là một trong những chính trị gia “lập lờ” nhất của Israel. Hơn 3 thập kỷ qua, có thời điểm, ông trở thành đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Netanyahu. Tuy nhiên, cũng có lúc, ông Lieberman đột ngột “trở bạn thành thù”.
Ông Yaalon (áo xám, bên trái) và ông Netanyahu tại một cuộc họp của đảng Likud tháng 1-2016. Ảnh: FLASH90
Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Yaalon tuyên bố: “Tôi đã thông báo với Thủ tướng Netanyahu sau một loạt vụ việc gần đây. Với lý do thiếu niểm tin vào ông, tôi từ chức và rút lui khỏi chính trường”.
Từng là cựu Tư lệnh các lực lượng vũ trang Israel, Bộ trưởng Yaalon có công lớn trong việc giúp cải thiện quan hệ với Lầu Năm Góc.
Trong khi đó, ông Lieberman được đánh giá là thiếu kinh nghiệm quân sự cũng như có thái độ hiếu chiến chống lại người Palestine, cộng đồng thiểu số Ả Rập ở Israel và Ai Cập – đối tác an ninh chủ chốt của Tel Aviv tại khu vực.
Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa bình luận về tuyên bố từ chức của ông Yaalon. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Ai Cập nói với Reuters rằng Cairo cảm thấy “sốc” vì ý tưởng đó.
Một cuộc thăm dò trên sóng truyền hình Kênh 10 của Israel hôm 19-5 cho thấy 51% người dân thấy ông Yaalon là phù hợp nhất cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. 27% chọn ông Lieberman.
Thủ tướng Netanyahu được cho là đang muốn đưa đảng Yisrael Beitenu của ông Lieberman vào liên minh cầm quyền. Nếu bước đi này thành công, đảng Likud của ông Netanyahu sẽ kiểm soát 67/120 số ghế quốc hội, tăng 6 ghế so với trước đó.
Mỹ sẽ hành động quân sự nếu Trung Quốc cải tạo Scarborough
Mỹ phải có hành động quân sự về vấn đề biển Đông nếu Trung Quốc tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough, Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III trả lời phỏng vấn ba cơ quan truyền thông lớn của Mỹ là báo New York Times, báo Wall Street Journal, và tạp chí Time ngày 19-5.
Bãi cạn Scaborough nằm trong cách bờ biển Philippines 185 hải lý, là địa điểm tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, Đài Loan. Bãi cạn Scarborough vốn thuộc quyền kiểm soát của Philippines nhưng đã bị phía Trung Quốc chiếm từ tháng 6-2012. Vì hành động này của Trung Quốc, Philippines đã đệ đơn lên án trọng tài quốc tế kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Dự kiến phán quyết sẽ có trong vài tuần nữa.
Tổng thống Philippines Aquino và bản đồ thể hiện tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Philippines với Trung Quốc. Ảnh: SMCP
Tổng thống Aquino không khẳng định Trung Quốc đã có kế hoạch cải tạo bãi cạn Scarborough, tuy nhiên cho biết Philippines sẽ chuẩn bị sẵn sàng đối phó với hành động này và quyết liệt rằng một khi Trung Quốc làm vậy sẽ phải nhận phản ứng cứng rắn.
Ông cho rằng trong trường hợp này Mỹ sẽ buộc phải có hành động quân sự bảo vệ Philippines, bằng không Mỹ sẽ mất uy tín trong khu vực. “Mỹ phải giữ uy thế của mình và cũng phải giữ niềm tin của Philippines - một trong những đồng minh của Mỹ”.
Những năm gần đây Trung Quốc đã có nhiều bước đi tăng cường hiện diện của mình ở biển Đông, cải tạo các đảo đá để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông.
Nếu Trung Quốc thành công trong việc biến bãi cạn Scarborough thành một tiền đồn chiến lược thì sẽ là một mối lo rất lớn với quân đội Philippines và Mỹ, vì vị trí bãi cạn Scarborough quá gần. Vì lo ngại và muốn tăng khả năng kiềm chế Trung Quốc, gần đây Philippines đã cho phép Mỹ đưa quân đến năm căn cứ quân sự của mình.
Vài tuần gần đây, nhiều nhà bình luận quân sự Trung Quốc đã đề cập đến khả năng Trung Quốc sẽ bắt đầu cải tạo bãi cạn Scarborough, khả năng là sẽ xây dựng một đường băng trên đó.
Dù Tổng thống Aquino tin tưởng Mỹ sẽ hành động quân sự nếu Trung Quốc cải tạo bãi cạn Scarborough nhưng theo nhiều chuyên gia thì dù Philippines và Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung nhưng hiệp ước này sẽ không được áp dụng trừ trường hợp quân đội Trung Quốc vô cớ tấn công Philippines.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Aquino ví tranh chấp biển Đông như một cuộc đấu quyền Anh. Và ông thừa nhận Trung Quốc với sức mạnh vượt trội về mọi mặt (con người, kinh tế, quân đội) hoàn toàn có khả năng đánh bại Philippines bất cứ lúc nào. “Tôi nghĩ rằng sẽ là liều mạng vô ích nếu chúng ta dồn tất cả nguồn lực cho vũ khí để đấu với Trung Quốc” - ông nói.
Về đồn đoán tổng thống đắc cử Roddrigo Duterte sẽ có quan điểm mềm mại hơn với Trung Quốc quanh tranh chấp lãnh thổ, Tổng thống Aquino không cho là như vậy, tin tưởng ông Duterte sẽ xác định được đường hướng rõ ràng sau khi có đầy đủ thông tin về vấn đề này.
Ông dự đoán thực tế cầm quyền tới đây sẽ khiến ông Duterte thay đổi thái độ cứng rắn của mình trong các phát biểu vừa qua.
Tổng thống Aquino sẽ mãn nhiệm vào tháng tới sau sáu năm cầm quyền. Khi được hỏi về điều nuối tiếc trong thời gian làm tổng thống, ông nói rằng giá như ông dành nhiều thời gian hơn để giải thích công việc mình với người dân. Ông cho biết thỉnh thoảng cảm thấy ức chế vì mình bị người dân quy trách nhiệm cho những việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của ông.
“Nhiều người dân vẫn xem tổng thống là người siêu quyền lực bao trùm mọi vấn đề, giống như thời độc tài. Cho nên khi xảy ra những việc như trần sân bay hỏng sụp họ cũng quy đó là lỗi của tôi” - Tổng thống Aquino nói với một nụ cười.
Ấn Độ nóng 51 độ C
Nhiệt độ tại TP Phalodi thuộc bang Rajasthan vừa đạt mức 51 độ C, con số cao nhất từng được ghi nhận, giữa lúc Ấn Độ đang hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ.
Ông BP Yadav, Giám đốc Cơ quan Khí tượng Ấn Độ, cho biết: “Hôm 19-5 là ngày nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận ở Ấn Độ - 51 độ C ở TP Phalodi".
Cơ quan này cũng cảnh báo “tình trạng nắng nóng nghiêm trọng” tiếp tục xuất hiện tại những khu vực rộng lớn của các bang phía Bắc và Tây Ấn Độ vào cuối tuần này.
Nhiệt độ trên đã phá kỷ lục được ghi nhận ở Ấn Độ năm 1956 - 50,6 độ C ở thị trấn Alwar.
Đợt nắng nóng năm nay đang đe dọa đến cuộc sống người dân, cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp khi nhiệt độ vượt mức 40 độ C ở Ấn Độ trong những tuần qua. Tuy nhiên, việc nhiệt độ vượt qua mức 50 độ C là rất khác thường.
Đã có hàng chục chục người tử vong vì thời tiết khắc nghiệt ở các bang Telangana và Andhra Pradesh.
Một số địa phương đã ra lệnh cấm nấu nướng vào ban ngày để hạn chếnguy cơ hỏa hoạn.
Hàng trăm người đã chết vì nắng nóng. Ảnh: EPA
Hơn 1.000 người đã tử vong vì nắng nóng trong năm 2015, phần lớn do mất nước.
Ấn Độ thường tuyên bố có tình trạng nắng nóng hoành hành khi nhiệt độ tối đạt mức 45 độ C hoặc cao hơn 5 độ C so với nhiệt độ trung bình của những năm trước. Tình hình chỉ được cải thiện khi mùa mưa đến, thường vào giữa tháng 6.