Ả Rập Xê Út cảnh báo có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân
Trung Quốc sẽ quân sự hoá tại Trường Sa tuỳ mức độ 'bị đe doạ'
Chính phủ Mỹ cho phép không kích IS ở Afghanistan
EU kêu gọi Trung Quốc giúp giải quyết khủng hoảng tị nạn
23.971 người tự tử trong năm 2015 tại Nhật Bản
Nga cải tiến tên lửa, phá hủy tiểu hành tinh
- Cập nhật : 21/02/2016
(Tin kinh te)
Một nhà nghiên cứu tên lửa hàng đầu của Nga vừa tiết lộ Moscow đang lên kế hoạch cải tiến một số tên lửa đạn đạo liên lục địa từ thời Chiến tranh Lạnh để phá hủy các tiểu hành tinh trước khi chúng va vào Trái Đất.
Thông tin được chuyên gia Sabit Saitgarayev làm việc cho Cục Thiết kế Rốc-két Makeyev - Nga tiết lộ với hãng tin TASS trong một buổi phỏng vấn tuần trước.
Theo vị chuyên gia này, tên lửa Nga sẽ được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các tiểu hành tinh nhỏ hơn có đường kính từ 20-50 m bởi chúng có thể gây ra những thiệt hại đáng kể và đôi lúc chỉ được trạm quan sát phát hiện một vài giờ trước khi tiếp cận trái đất.
Tuy nhiên, không phải tất cả tiểu hành tinh đe dọa trái đất đều bị trạm quan sát “chiếu tướng” từ đằng xa. Vào năm 2013, một thiên thạch có đường kính khoảng 20 m phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk – Nga với đương lượng nổ ước tính 300.000 tấn thuốc nổ TNT, làm vỡ tan kính trong các tòa nhà và khiến hơn 1.000 người bị thương. Không một trạm không gian nào của trái đất phát hiện nó bay đến.
Jason Kessler, giám đốc bộ phận tìm kiếm mối đe dọa của các tiểu hành tinh đối với loài người trực thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), cho biết: “Thật không may là chúng ta chỉ biết về khoảng 1% số tiểu hành tinh có kích thước từ 30 m. Vì vậy, còn rất nhiều tiểu hành tinh chưa được khám phá”.
Tiểu hành tinh 2012 DA14 bay gần trái đất ở khoảng cách kỷ lục: 27.520 km vào ngày 15-2-2013. Ảnh: CNN
Các tiểu hành tinh lớn hơn có thể gây ra thiệt hại nặng hơn nhưng đa số đều được phát hiện sớm bởi trạm quan sát không gian sử dụng kính thiên văn tiên tiến và công nghệ hồng ngoại. Giám đốc Kessler khẳng định NASA có thể phát hiện khoảng 95% các tiểu hành tinh có đường kính từ 1 km trở lên. Nhiều người cho rằng kích thước này đủ để tận diệt loài khủng long khi va chạm với trái đất.
Không giống như các tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo hoặc chở người cũng như đồ tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được thiết kế để sử dụng trong chiến tranh và luôn trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa.
Nga hiện có một lượng lớn ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí chiến lược của mình. Hầu hết đều có thể cải tiến để đánh chặn tiểu hành tinh. Không rõ Moscow sẽ sử dụng chất nổ thông thường trong các tên lửa cải tiến hay một loại chất nổ đặc biệt nhưng đài CNN cho rằng chắc chắn hệ thống nhắm mục tiêu của tên lửa phải được sửa đổi.
Chuyên gia Saitgarayev thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với TASS rằng quá trình cải tiến sẽ mất thời gian và tốn hàng triệu USD nhưng cho biết Nga đang nhắm tới việc thử nghiệm các tên lửa để chống lại mối đe dọa từ thiên thạch Apophis có đường kính khoảng 325 m, dự kiến bay sát trái đất vào năm 2036.
Không chỉ riêng Nga mới quan tâm về vấn đề trên, Mỹ cũng đang xúc tiến các biện pháp khả thi để ngăn chặn thiên thạch nhưng phương pháp của NASA là đẩy chúng lệch khỏi quỹ đạo ban đầu.
Giáo sư vật lý thiên văn Henry Melosh của Đại học Purdue, bang Indiana – Mỹ, cảnh báo những hiểm họa khôn lường khi sử dụng hạt nhân để đối phó tiểu hành tinh. Ông Melosh xem nhẹ mối đe dọa của các tiểu hành tinh nhỏ và cho biết có nhiều cách khác an toàn hơn để làm chệch hướng các tiểu hành tinh có khả năng đâm vào trái đất, bao gồm sử dụng tên lửa hoặc máy kéo trọng lực.
Còn hiện tại, ông Melosh cho rằng chúng ta nên xác định các tiểu hành tinh nguy hiểm trong không gian, thời gian và vị trí chúng có thể tiếp cận trái đất. Cũng theo vị giáo sư này, hai trung tâm nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Mỹ là Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos và Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore đang xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để làm chệch hướng các tiểu hành tinh có đường kính lớn.
Các thiên thạch nhiều lần rơi xuống trái đất. Trong ảnh là hố thiên thạch Meteor Crater ở sa mạc Arizona - Mỹ. Ảnh: CNN
Ông Paul Miller - Giám đốc bộ phận vật lý thiết kế tại phòng thí nghiệm Lawrence Livermore, nói rằng ông không biết Mỹ có quan tâm đến ICBM trong việc ngăn ngừa tác động của thiên thạch hay không nhưng nhận xét để làm chệch hướng một tiểu hành tinh cần thời gian vài tháng, vài năm, thậm chí vài thập kỷ.
Thêm nữa, các mục tiêu đánh chặn liên quan thường rất xa trái đất nên các phương pháp khác ngoài việc sử dụng ICBM có thể mang lại hiệu quả hơn.
NASA hiện phát triển tàu đổ bộ robot để cho tiếp cận tiểu hành tinh lớn gần trái đất, sau đó chuyển hướng nó vào một quỹ đạo ổn định xung quanh mặt trăng trong một dự án táo bạo mang tên Sứ mệnh Chuyển hướng Tiểu hành tinh (ARM), sẵn sàng triển khai vào năm 2020.
Hồi tháng 1 vừa qua, NASA cũng chính thức công bố chương trình phát hiện và theo dõi các tiểu hành tinh có thể đe dọa trái đất, tên gọi Văn phòng Điều phối Bảo vệ Hành tinh (PDCO). Mục tiêu dài hạn của chương trình bao gồm việc phát triển công nghệ và kỹ thuật để làm chệch hướng hoặc chuyển hướng các đối tượng được xác định có thể lao vào trái đất.
(Theo CNN, Người Lao Động)