tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 20-07-2016

  • Cập nhật : 20/07/2016

Philippines: Nữ tổng thống Arroyo được thả tự do

Tòa án Tối cao Philippines bác bỏ cáo buộc tham nhũng của cựu nữ tổng thống Arroyo, yêu cầu thả tự do ngay lập tức sau năm năm giam lỏng.

Bà Gloria Macapagal Arroyo, nay đã 69 tuổi, đã từng giữ chức vụ Tổng thống Philippines từ năm 2001 đến 2010. Tuy nhiên, sau khi kết thúc nhiệm kỳ, bà đã phải đối mặt với rất nhiều cáo buộc tham nhũng và để nhóm lợi ích chi phối. 

Với 11 phiếu thuận và bốn phiếu chống, các thẩm phán Tòa án tối cao Philippines đã ra phán quyết hủy bỏ vụ án vì thiếu chứng cứ. Tòa cũng yêu cầu bà được thả tự do ngay lập tức sau năm năm giam lỏng. Theodore Te, phát ngôn viên của tòa án tối cao, thông báo về phán quyết trên truyền hình quốc gia Philippines. 

ba arroyo ben chong trong mot phien dieu tran truoc toa vao nam 2012. anh: reuters

Bà Arroyo bên chồng trong một phiên điều trần trước tòa vào năm 2012. Ảnh: Reuters

Bà Arroyo đã bị bắt giữ với cáo buộc gian lận trong bầu cử nhưng sau đó lại bị cáo buộc tội danh tham nhũng gần 7,82 tỉ USD các quỹ xổ số kiến thiết của Philippines, theo Reuters. Mặc dù bị tạm giữ và tiến hành tố tụng, bà Arroyo vẫn là một nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng lớn trong nước.

Tháng 5-2016, bà thậm chí còn được tái bầu cử vào quốc hội nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, mặc dù không dự bất kỳ một buổi họp quốc hội nào. Trong thời gian tranh cử, tân tổng thống Philippines ông Redrigo Duterte cũng đã cam kết sẽ tìm cách thả tự do cho bà Arroyo.

Tuy nhiên, hiện cựu nữ tổng thống Philippines vẫn còn phải đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ trong dự án nối băng thông Internet với tập đoàn Trung Quốc vào năm 2007. Tổng giá trị dự án lên đến gần hơn 329 triệu USD. Bà Arroyo đã bác bỏ các cáo buộc này và trả tiền để được tại ngoại.

Bực tức với phán quyết 'đường lưỡi bò', người Trung Quốc làm loạn chuỗi đồ ăn Mỹ

Người dân tại nhiều thành phố Trung Quốc cuối tuần qua tổ chức chiến dịch tẩy chay các hãng đồ ăn nhanh của Mỹ sau khi Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" ở Biển Đông. 

nguoi dan bieu tinh truoc cua hang kfc o mot thanh pho tinh ha bac. anh: china hket

Người dân biểu tình trước cửa hàng KFC ở một thành phố tỉnh Hà Bắc. Ảnh: China Hket

Theo Hong Kong Economic Journal, chiến dịch trên nhằm vào các chuỗi cửa hàng nổi tiếng như KFC, McDonald's và Pizza Hut.

Tại tỉnh Hà Bắc, người dân cầm các biểu ngữ bên ngoài một nhà hàng KFC và kêu gọi các khách hàng không sử dụng dịch vụ tại đây.

"Ăn KFC từ Mỹ là sỉ nhục tổ tiên của chúng ta", một biểu ngữ viết.

Một video trên mạng cho thấy một nhóm thanh niên bị chặn lại ngay trước cửa của KFC và đe dọa rằng "nếu các cậu vào ăn, trong tương lai, khi Mỹ và Philippines chống lại Trung Quốc, các cậu sẽ là những kẻ phản quốc". Cuối cùng, nhóm thanh niên đành miễn cưỡng rời đi.

Hôm 12/7, Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Tòa cho rằng yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Phán quyết nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia nhưng khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận bất kỳ hành động và tuyên bố nào liên quan đến phán quyết "vô hiệu" này.

Tẩy chay các hãng đồ ăn nhanh là hành động mới nhất của người dân Trung Quốc để phản đối phán quyết. 

Một số người kêu gọi chính phủ áp lệnh trừng phạt kinh tế Philippines, bên khiếu kiện, như một hình thức trả đũa để cho thấy cái gọi là "sức mạnh" Trung Quốc, đất nước 1,4 tỷ dân.

Những khẩu hiệu như "nếu bạn muốn ăn xoài, hãy mua của Thái Lan" và "Hãy để người Philippines chết đói", được lan truyền rộng rãi trên trang mạng xã hội Weibo. 

Đầu tuần trước, nhiều người bắt đầu đập vỡ các điện thoại iPhone rồi chụp ảnh và tự hào khoe trên mạng xã hội Weibo.

Tuy nhiên, cũng có một số người chỉ trích cách thể hiện trên là "bệnh hoạn" và có thể ảnh hưởng nhiều đến người Trung Quốc. Họ cho rằng "trước khi nghĩ đến việc kiềm chế hàng Mỹ thì hãy biết kiềm chế những kẻ ngu xuẩn".

Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị cô lập sau cuộc đảo chính

Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị cô lập trong cộng đồng quốc tế, kể cả chuyện mất tư cách thành viên NATO. Các lãnh đạo thế giới còn cảnh báo Tổng thống Erdogan không nên “đi quá xa” sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15-7.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đáp ứng được "yêu cầu tôn trọng dân chủ" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu nước này không tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật sau cuộc đảo chính thất bại, Independent dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Brussels (Bỉ) hôm 18-7.

sau cuoc dao chinh bat thanh, tong thong erdogan thuc hien chien dich thanh trung quy mo lon. nguon: telegraph

Sau cuộc đảo chính bất thành, Tổng thống Erdogan thực hiện chiến dịch thanh trừng quy mô lớn. Nguồn: Telegraph

Sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện chiến dịch thanh trừng quy mô lớn. Hàng ngàn người bị bắt và sa thải vì nghi ngờ dính líu tới âm mưu đảo chính.

Ông Erdogan đã mô tả những người tổ chức đảo chính là "tế bào ung thư" cần bị "loại bỏ" khỏi các cơ quan công quyền. Điều này đã khiến cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại.

Tờ Telegraph cho hay theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đứng trước nguy cơ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế, kể cả chuyện bị NATO trục xuất khỏi khối. Còn EU đang cân nhắc việc cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh.

Giới lãnh đạo NATO khẳng định rằng cam kết "đảm bảo dân chủ, trong đó có việc chấp nhận sự khác biệt" là một trong năm yêu cầu cốt lõi đối với các thành viên trong liên minh. Tuy nhiên, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng "còn quá sớm" để khẳng định chiến dịch thanh trừng của ông Erdogan sẽ khiến nước này mất tư cách thành viên trong NATO.

Tại cuộc họp báo chung với Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini, ông Kerry nói rằng Mỹ "đứng về phía các nhà lãnh đạo được bầu ở Thổ Nhĩ Kỳ" nhưng đồng thời hối thúc chính phủ nước này "giữ vững các tiêu chuẩn cao nhất trong việc tôn trọng các thể chế dân chủ và luật pháp của đất nước".

Bà Mogherini cũng cảnh báo rằng những nước thực thi án tử hình sẽ không được phép gia nhập EU, trong khi đó ông Kerry khẳng định "NATO cũng có yêu cầu tương tự về dân chủ", theo Washington Post.

nguoi dan lao vao chan mot chiec xe tang trong dem dao chinh o tho nhi ky. nguon: telegraph

Người dân lao vào chặn một chiếc xe tăng trong đêm đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Telegraph

"Mỹ ủng hộ việc đưa những kẻ đảo chính ra trước công lý nhưng chúng tôi cũng cảnh báo những hành động vượt quá giới hạn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quy tắc dân chủ" - ông Kerry nói.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã khẳng định chính quyền của ông Erdogan sẽ tôn trọng nền dân chủ, trong khi Ngoại trưởng Mỹ nói rằng NATO có tiêu chuẩn riêng về dân chủ và “sẽ đánh giá kỹ lưỡng những gì đang xảy ra” ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo Telegraph.

Về phía EU, phát ngôn viên Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng các cuộc đàm phán để xem xét việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh sẽ kết thúc nếu Ankara khôi phục án tử hình.

Mỹ sẽ đưa việc Triều Tiên thử tên lửa ra Liên Hợp Quốc

Mỹ cảnh báo sẽ nêu quan ngại về việc Triều Tiên vừa thử tên lửa, vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an, ra Liên Hợp Quốc.

ten lua trieu tien trong mot vu phong thu. anh: reuters.

Tên lửa Triều Tiên trong một vụ phóng thử. Ảnh: Reuters.

Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM) thông báo phát hiện và theo dõi ba tên lửa Triều Tiên phóng lúc 20h44, 20h58 và 21h35 GMT (3h44 đến 4h35 sáng nay, giờ Hà Nội).

"Đợt phóng hai tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud liền kề nhau, tiếp đó là tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong, diễn ra gần Hwangju", AFP dẫn thông báo từ STRATCOM cho biết. Các tên lửa không tạo ra mối đe dọa đến Bắc Mỹ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước đó đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt, cấm Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây của Triều Tiên, vi phạm Nghị quyết Hội đồng Bảo an", Gary Ross, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói. "Chúng tội sẽ nêu quan ngại của mình tại Liên Hợp Quốc để củng cố quyết tâm buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho những hành động khiêu khích".

Ông Ross nhắc lại Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

"Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng khu vực, tập trung vào thực hiện những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của họ", ông Ross nói.

Mỹ và Hàn Quốc nhất trí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến huyện Seongju vào cuối năm 2017 để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Binh sĩ Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đồn trú tại đây còn có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có thể đánh chặn tên lửa ở tầm thấp.

Nữ thủ tướng Anh sẵn sàng khai hỏa tên lửa hạt nhân

Tranh luận về kế hoạch đóng mới bốn tàu ngầm tên lửa hạt nhân, nữ thủ tướng Anh Theresa May khẳng định quyết đoán sẵn sàng ra lệnh khai hỏa khi cần thiết.

Nữ thủ tướng Anh Theresa May khẳng định sẵn sàng ra lệnh triển khai một đợt tấn công hạt nhân khi cần thiết, chấp nhận khả năng giết chết gần 100.000 người.

Tuyên bố này được tân lãnh đạo chính phủ Anh đưa ra trong phiên tranh luận tại Quốc hội Anh về kế hoạch đóng mới bốn tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trident cho hải quân Anh. 

quoc hoi anh thong qua ke hoach dong moi bon tau ngam ten lua hat nhan trident. anh: hai quan hoang gia anh

Quốc hội Anh thông qua kế hoạch đóng mới bốn tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trident. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh

Tuyên bố gây sốc của bà May được đưa ra sau khi bị đại diện của đảng Quốc gia Scotland (SNP) chất vấn. Nghị sĩ George Kerevan của SNP đã cắt ngang bài phát biểu của nữ thủ tướng, gặng hỏi: "Liệu cá nhân bà đã sẵn sàng để phê chuẩn một đợt tấn công hạt nhân, có khả năng giết chết hàng trăm ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội hay chưa".

Trả lời một cách dứt khoát, bà Theresa May khẳng định: "Đương nhiên. Và tôi muốn nhắc nhở, mục đích của chiến lược răn đe hạt nhân là làm cho kẻ thù ý thức được rằng chúng ta luôn sẵn sàng dùng đến biện pháp này. Chứ không phải là có biện pháp răn đe nhưng không bao giờ sẵn sàng sử dụng chúng".

nguoi dan phan doi ke hoach dong moi tau ngam ten lua hat nhan ben ngoai quoc hoi anh. anh: epa

Người dân phản đối kế hoạch đóng mới tàu ngầm tên lửa hạt nhân bên ngoài Quốc hội Anh. Ảnh: EPA

Sau hơn năm giờ đồng hồ tranh luận căng thẳng, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch đóng mới tàu ngầm Trident.

Quyết định này nhận được sự ủng hộ của gần như toàn bộ thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền và hơn một nửa số thành viên của Công đảng đối lập tại Quốc hội Anh. Tuy nhiên, không có một nghị sĩ nào thuộc đảng SNP bỏ phiếu tán đồng kế hoạch trên.

Kế hoạch đóng mới tàu ngầm Trident dự kiến sẽ tiêu tốn gần 40 tỉ bảng Anh (hơn 52,9 tỉ USD), theo The Guardian.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục